Giáo viên “toát mồ hôi” với đổi mới
Những năm gần đây, ngành Giáo dục đã không ngừng đổi mới. Giáo viên (GV) chúng tôi cũng toát mồ hôi vì sự đổi mới liên tục của ngành.
Những buổi tập huấn, chúng tôi thường được nhồi nhét bằng những cụm từ nghe mà thuộc lòng như: “Phải phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh”, “Học sinh phải tích cực chủ động trong hoạt động nắm bắt kiến thức”…
Ảnh minh họa
Nhiều khi chúng tôi không biết bây giờ phải dạy như thế nào mới đúng là “đổi mới” cả.
Tôi là một GV cấp 2 giảng dạy bộ môn Ngữ văn. Bản thân tôi đã nhiều lần được đi dự tập huấn về sự đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn. Từ thiết kế bài dạy theo hướng tích hợp đến giảng dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh (HS)…Thực tế, khi nghiên cứu các tài liệu, tôi nhận thấy việc đổi mới là rất hay. HS sẽ phát huy được tính tích cực chủ động trong học tập. GV chỉ là người hướng dẫn, định hướng giúp các em tự lĩnh hội, nắm bắt kiến thức. Các em hiểu gì ghi như thế ấy. Nói chung là rất hay.
Tuy nhiên khi áp dụng giảng dạy thực tế, người GV mới thấy nhiều bất cập. Từ việc GV thiết kế bài giảng theo định hướng kiến thức của HS rất cực đến việc giảng dạy sao cho có hiệu quả nữa. Với những lớp có nhiều HS khá giỏi thì không nói làm gì. Gặp lớp nhiều HS yếu kém thì tiết dạy theo hướng phát triển năng lực HS thất bại. Nhiều em không có sự chuẩn bị ở nhà. Thảo luận nhóm thì chỉ có HS khá, giỏi làm việc. Hết tiết, có em chẳng ghi được chữ nào. Cuối cùng nhiều thầy cô lại phải ghi những ý chính lên bảng để học trò chép lại mới an tâm.
Bản thân là GV trực tiếp giảng dạy bộ môn Ngữ văn, không ít lần tôi băn khoăn, trăn trở trước việc đổi mới hiện nay. Với môn Văn mà cứ giảng dạy theo kiểu đổi mới bây giờ thì trò chẳng còn nhận biết cảm xúc gì. Tiết học vì thế mà cũng nhạt nhẽo, vô vị theo.
Video đang HOT
Những năm trước, các GV Ngữ văn chúng tôi đổi mới nhưng vẫn giảng dạy theo đặc trưng của bộ môn. Tức là giảng dạy phần văn bản, GV kết hợp giữa giảng dạy truyền thống và hiện đại. Người thầy vẫn giữ vai trò “truyền lửa” cho HS. Thầy vẫn say sưa với cảm xúc của nhà văn. Dạy Văn vẫn là sự phân tích, bình giảng. Thông qua việc GV bình luận, phân tích, HS sẽ tìm ra cái hay, cái đẹp của văn chương. Một lời bình hay, đúng lúc đúng chỗ sẽ nâng cao giá trị của bài văn, bài thơ, khơi dậy ở HS tình yêu người, yêu đời. Từ đó các em cũng sẽ tích lũy thêm được vốn từ, và khi viết văn sẽ biết cảm nhận, bình luận những ý hay, ý đẹp của tác phẩm văn học.
Còn bây giờ, nhiều khi tiết dạy Văn khô khan không khác gì dạy Toán. Thầy chỉ cho trò thảo luận rồi lại hỏi và trả lời. Các trò cứ tranh luận, phản biện để làm rõ vấn đề. Đôi khi dự xong một tiết Văn, tôi cảm thấy buồn nhiều hơn vui.
Thực tế, khi thao giảng, nhiều GV say sưa giảng và nói nhiều thì bị đánh rớt. Lí do bị chê là dạy theo phương pháp cũ. Còn GV nào để trò tự điều khiển, tự tổ chức thì được khen. Nhưng cũng có giám khảo lại nhận xét ngược lại. Vì thế mà mỗi mùa hội giảng, nhiều GV lại toát mồ hôi vì sợ và lo lắng.
Cuối cùng các GV chúng tôi vẫn rối trong mớ bòng bong của sự đổi mới. Chẳng biết phải đổi mới như thế nào và ra làm sao cho phù hợp cả.
Loát Trần
Theo Dân Trí
Giáo viên còn lơ mơ về chương trình mới
Còn 9 tháng nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai, tuy nhiên hiện nay, giáo viên vẫn còn rất lúng túng tiếp cận sách giáo khoa cũng như khung chương trình
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ khẳng định chương trình có thành công hay không, giáo viên (GV) giữ vai trò quyết định.
Không dễ thay đổi phương pháp
Hiện nay, nhiều GV vẫn chỉ nắm sơ qua tinh thần chung của chương trình GDPT mới. Các thầy cô khá lúng túng trước khái niệm cơ bản gắn liền với chương trình mới, như năng lực học sinh, dạy học phân hóa, dạy học trải nghiệm sáng tạo...
Về phương pháp dạy học hiện nay, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), đánh giá nhiều GV ứng dụng những phương pháp giảng dạy mới nhưng còn rập khuôn và lạm dụng. Ông kể lại việc dự giờ tại một trường học với chủ đề "Động vật dưới nước". Ngay mở đầu, hình ảnh một chú cá bơi ra ở màn hình cùng với âm thanh sống động. Hiệu trưởng nhà trường coi đây là cách làm độc đáo nhưng theo ông, thực tế buổi dạy học không khác buổi trình chiếu phim. Sau đó, bất cứ bài học nào, GV cũng cho trình chiếu.
Ông Vũ Đình Chuẩn nhìn nhận việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là tốt nhưng GV đang quá lạm dụng. Bộ GD-ĐT không hướng dẫn như vậy. Ông cũng chỉ ra cách dạy của nhiều GV trong chương trình hiện hành là máy móc, thầy cô thích phương pháp nào thì cứ áp dụng phương pháp đó từ đầu đến cuối. Ông đến đâu dự giờ cũng thấy thầy cô áp dụng bản đồ tư duy.
Tuy nhiên, theo ông Chuẩn, không phải bài giảng nào cũng thực hiện điều này. GV cần uyển chuyển trong cách dạy. Có như vậy, học sinh mới cảm thấy hứng thú với bài giảng.
Trong khi đó, chương trình GDPT mới yêu cầu GV phải linh hoạt trong phương pháp dạy học, tích cực hóa hoạt động của học sinh, đa dạng hóa phương pháp dạy học. Thầy cô là người lựa chọn chủ đề, sắp xếp các nội dung, kiến thức theo chủ đề.
Ông Vũ Đình Chuẩn cho rằng vài năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu thầy cô dạy học theo chủ đề nhưng theo phản ánh của GV, việc này gặp không ít khó khăn.
Năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ chính thức triển khai từ lớp 1. Ảnh: TẤN THẠNH
Lo tập huấn không hiệu quả
Chương trình GDPT mới sẽ chính thức triển khai từ năm học 2020-2021, bắt đầu từ lớp 1. Bộ GD-ĐT đã tổ chức hàng loạt đợt tập huấn cho GV cốt cán các tỉnh, thành.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh GV là người trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục nên nếu tinh thần đổi mới chỉ đi từ Bộ GD-ĐT đến các sở, phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường phổ thông mà không tới được GV thì sự đổi mới sẽ không thể thành công. "Ai đó đã có câu: Ý tưởng là nụ, giải pháp là hoa, chỉ có hành động mới cho ra quả ngọt. Nếu người GV không triển khai đổi mới thì tất cả ý tưởng và giải pháp mà bộ, sở, phòng đề ra cho một nền giáo dục mới theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học sẽ không có ngày thu về được trái ngọt" - ông Nguyễn Hữu Độ ví von.
Tuy nhiên, không ít GV tham gia các khóa tập huấn mà Bộ GD-ĐT tổ chức chia sẻ họ đang nhận được những thứ chung chung và rất khó áp dụng khi triển khai chương trình mới. Một GV cho hay quy trình tập huấn mô-đun (module) 1: "Tìm hiểu chương trình GDPT tổng thể và chương trình bộ môn", thực hiện theo sơ đồ 5 - 3 - 7. Tức là học viên thực hiện 5 ngày học online, 3 ngày học trực tiếp, 7 ngày tự học. Năm ngày học online, báo cáo viên gửi tài khoản, mật khẩu, địa chỉ website cho học viên qua email. Học viên đăng nhập học 2 bài chương trình GDPT tổng thể và chương trình môn học được đào tạo của học viên. Ba ngày học trực tiếp, học viên tập trung học trực tiếp 3 ngày, do các báo cáo viên của bộ tập huấn; trao đổi, thảo luận, củng cố nội dung của 2 bài học online. Sau khi đi tập huấn, học viên tiếp tục nghiên cứu tài liệu, tự học, làm bài tập và nộp cho báo cáo viên qua email chấm, đánh giá kết quả tập huấn của cá nhân.
"Cách tập huấn này, theo tôi, là vất vả. Bộ truyền đạt 10, cán bộ cốt cán lĩnh hội có khi được 6, 7, 8 nhưng về truyền đạt lại cho GV đôi khi còn 5, 6. GV đứng lớp có thể truyền đạt cho học sinh sẽ ít hơn thế" - một GV nhận xét. Theo GV này, để triển khai chương trình mới hiệu quả, Bộ GD-ĐT nên lập một kênh riêng để tập huấn cho GV. Bộ nên mời chính các giáo sư, tiến sĩ, các giảng viên viết sách giáo khoa dạy mẫu mỗi môn vài tiết cho GV tham khảo và học tập. "Bộ GD-ĐT nên quay video bài giảng của các chuyên gia để làm tư liệu cho tất cả GV trong cả nước đều được xem, được nghiên cứu thì hay và hiệu quả hơn rất nhiều phải nghe tập huấn lại kiểu "tam sao thất bản" như hiện nay. Sau khi tập huấn đại trà như thế, về từng địa phương, GV cốt cán, ban giám hiệu cũng nên chủ động dạy mẫu các tiết học trên lớp có học sinh cho GV trường ấy dự. Với cách làm như vậy, thầy cô sẽ học tập được nhiều hơn" - một GV góp ý.
Tập huấn bài bản hơn
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT và Chương trình ETEP, Bộ GD-ĐT, hiện GV cốt cán cả nước mới đang tập huấn mô-đun đầu tiên nên có những băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, ông Thành khẳng định kế hoạch tập huấn sẽ khác trước và tiến hành bài bản. Theo ông Thành, sẽ có 9 mô-đun tập huấn GV được triển khai dần. Trong đó, dự kiến tới quý I/2020 sẽ hoàn thành 4 mô-đun tập huấn GV quan trọng nhất gồm: tìm hiểu nội dung cơ bản của chương trình GDPT tổng thể và chương trình môn học; phương pháp dạy học theo yêu cầu mới; phương pháp đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.
Yến Anh
Theo nld.com.vn
Bí quyết giáo dục Phần Lan: Coi con người là quan trọng nhất Phần Lan luôn đặt con người là trung tâm của nền giáo dục và luôn tạo điều kiện tốt nhất để mỗi cá nhân phát triển tối đa nhằm phục vụ xã hội. Đây là chia sẻ của các chuyên gia giáo dục Phần Lan về bí quyết giúp nền giáo dục nước này đạt được những thành tựu quan trọng và được...