Giáo viên Tiểu học Cầu Diễn thuê nhà tổ chức dạy thêm
Phụ huynh cho biết, có nhiều lý do cho con đi học thêm giáo viên chủ nhiệm, lý do chính là sợ con kém bạn đi học thêm và để cô vui, con không bị trù dập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục Hà Nội khi triển khai nhiệm vụ đầu năm học đều nhấn mạnh cấm tuyệt đối dạy thêm học thêm cấp tiểu học dưới mọi hình thức.
Tuy nhiên, thực tế, không ít trường tiểu học trên địa bàn Thủ đô, giáo viên chủ nhiệm vẫn lén lút thuê nhà dân để tổ chức dạy thêm.
Theo phản ánh của phụ huynh Trường Tiểu học Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), giáo viên chủ nhiệm lớp 4A thuê lớp bên ngoài nhà dân để tổ chức dạy thêm học thêm.
Một phụ huynh cho biết: “Phụ huynh vẫn biết theo quy định cấm dạy thêm cấp tiểu học, nhưng khổ nỗi các bạn cùng lớp đi học thêm cô giáo chủ nhiệm mà con mình không đi sẽ khó theo kịp.
Hơn nữa phụ huynh cũng tâm lý gửi gắm cô dạy sẽ tốt hơn bố mẹ kèm ở nhà. Và có việc gì nhờ cô sẽ dễ hơn.
Điều nữa nếu không cho con đi học thêm cũng ngại với giáo viên chủ nhiệm. Lo nhất là con học kém hơn các bạn đi học thêm nhà cô.”
Phụ huynh này cũng than thở, vẫn biết cả tuần các con học 2 buổi ở trường rồi, có ngày nghỉ bố mẹ vẫn phải thay nhau đưa con đến lớp học thêm. Con sẽ không còn thời gian vui chơi nữa.
Thông tin phụ huynh này cung cấp, một tháng cháu học 4 buổi, thời gian 2 tiếng, học phí 100.000 đồng/buổi. Lớp học thêm được tổ chức vào sáng thứ 7 hàng tuần.
Một phụ huynh có con học lớp 4A Trường tiểu học Cầu Diễn cho hay: “Lớp cháu có sĩ số trên 50 học sinh, nhưng có một vài bạn không đi học thêm, còn lại gần 50 cháu đi học thêm nên cô giáo chia làm 2 ca.
Mỗi ca học 2 tiếng. Bình thường cô giáo dạy thêm chia làm 2 ca học vào sáng thứ 7 từ 7h30 đến 9h30 một ca, và ca còn lại đến 11h30. Nhưng có hôm lớp chia làm hai ca học sáng, ca học chiều.
Nhiều học sinh lớp 4A Trường Tiểu học Cầu Diễn chờ vào học thêm ca 2 tại địa điểm nhà cô giáo chủ nhiệm thuê. Ảnh: Vũ Phương.
Phụ huynh lớp 4A Trường Tiểu học Cầu Diễn đến đón con học thêm ca 2 (9h30-11h30) tại địa điểm nhà cô giáo chủ nhiệm thuê để tổ chức dạy thêm. Ảnh: Vũ Phương.
Một phụ huynh có con đang học Trường Tiểu học Cầu Diễn cũng thẳng thắn cho rằng, trên thực tế, những nội dung, kiến thức các môn học cấp tiểu học không nhiều.
Video đang HOT
Giáo viên tận tâm, không vụ lợi về vật chất thì hoàn toàn có thể truyền đạt hết kiến thức từng bài học cho các con.
Phần bài tập cũng vậy, cô giáo có thể giải quyết hết bài tập trên lớp, việc giao bài tập không cần thiết và cũng không được giao là đúng.
Nói thẳng, dạy thêm là phải có chiêu trò bằng nhiều hình thức khiến phụ huynh lo lắng phải đến học thêm. Giáo viên dạy nhiệt tình, tích cực trên lớp thì việc mở lớp dạy thêm còn gì để dạy?”
“Khi thầy cô cố gắng kiếm thêm thu nhập thông qua dạy thêm ít nhiều mất đi cái đẹp hình ảnh người thầy trong mắt học trò, phụ huynh.
Phụ huynh vất vả đi làm xong lại phải đưa đón con đến lớp học thêm vào cuối tuần, tiền học chính 1 đồng, tiền học thêm 10 đồng thì làm sao có thể vui được”, một phụ huynh nói.
Một nửa lớp học ca 1 tan để chuẩn bị cho ca 2 vào học tại địa điểm cô giáo thuê để tổ chức dạy thêm. Ảnh: Vũ Phương.
Để tìm hiểu thực hư về lớp học thêm này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có mặt vào sáng thứ 7.
Địa điểm học sinh lớp 4A được giáo viên chủ nhiệm thuê để dạy thêm tại số nhà 21, ngõ 126 phố Nguyễn Đổng Chi (quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội).
Vị trí học sinh lớp 4A học thêm chỉ cách Trường Tiểu học Cầu Diễn không xa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thông tin từ những người sống gần đó cho hay, địa điểm dạy thêm là nhà anh trai của cô giáo.
Đều đặn nhiều năm nay cô giáo này dạy thêm tại đây. Vào cuối tuần rất đông phụ huynh đưa đón con đến học thêm.
Người này cũng cho rằng: “Chẳng biết tiểu học các cháu học kiến thức gì mà nhiều đến mức phải đi học thêm. Cả tuần học ở trường, cuối tuần lại đến nhà cô học thêm nữa, thời gian đâu mà chơi, mà nghỉ. Thế là nhồi nhét kiến thức chứ đâu phải đi học.
Có lẽ mỗi buổi dạy thêm 2 tiếng cô giáo cũng thu được vài triệu đồng chứ chả ít. Thu nhập từ dạy thêm của cô còn hơn cả dạy chính”.
Theo quan sát của phóng viên cho thấy, thời điểm hơn 9h là lúc giao ca giữa ca 1 và ca 2 có rất nhiều phụ huynh đến đón đưa con tại địa điểm học thêm này.
Là ngày nghỉ nhưng phụ huynh lớp 4A vẫn phải đưa đón con đi học thêm tại nhà cô giáo chủ nhiệm thuê vì lo lắng con học kém. Ảnh: Vũ Phương.
Một học sinh lớp 4A vừa tan học thêm ca 1 cho hay: “Lớp cháu có 53 bạn, chỉ có một vài bạn không đi học thêm, còn lại đi học thêm cô giáo chủ nhiệm. Vì lớp đông quá nên cô chia làm 2 lớp, mỗi lớp học một ca”.
Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Hữu Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cầu Diễn cho biết: “Không có giáo viên nào của trường đăng ký hay báo cáo với nhà trường về việc có dạy thêm hay bồi dưỡng cho học sinh ở bên ngoài trường”.
Phóng viên thông tin cụ thể lớp 4A, giáo viên chủ nhiệm tổ chức dạy thêm học thêm, cô Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cầu Diễn cho biết: “Trường sẽ cho kiểm tra”.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 với từng cấp học trên địa bàn Thành phố Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các trường quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh, cấp tiểu học không có dạy thêm học thêm.
Đối với trường tiểu học để xảy ra tình trạng dạy thêm học thêm, ông Chử Xuân Dũng chỉ rõ để dạy thêm học thêm không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm về công tác quản lý.
Nói về vấn đề học thêm cấp tiểu học, một giáo viên tiểu học tại Hà Nội có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy cho rằng, phu huynh cho con đi hoc thêm qua sơm hoăc nhôi nhet kiên thưc trong cung môt thơi điêm co thê se phan tac dung.
Việc cho trẻ học thêm ngoài giờ học chính khóa, điều đó có nghĩa trẻ bị cắt giảm thời gian dành cho các hoạt động học tập và vui chơi khác.
Không cần thiết phải vất vả đưa đón đến lớp học thêm, phụ huynh hoàn toàn có thể rèn luyện kỹ năng tự học cho con. Như thế các con sẽ vững vàng, chủ động hơn trong học tập và cuộc sống.
Tự học không có nghĩa chỉ là tự làm bài tập ở nhà. Tự học ở đây là học sinh chủ động, tự giác và tự do khám phá tri thức bằng cách riêng của mình.
Các con có thể học qua máy tính có kết nối Internet, qua sách, báo, qua các thí nghiệm khoa học… làm sao để các con thấy việc tự học đó rất thú vị.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, cấp tiểu học các con cần có thời gian để vui chơi. Như thế các con mới phát triển năng lực và trí tuệ của mình.
Vũ Phương
Theo giaoduc.net
Bộ cứ cấm, giáo viên cứ dạy
Bất chấp lệnh cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, không ít giáo viên ở Hà Nội đã tổ chức lớp học buổi tối, ngày cuối tuần để phụ đạo, còn phụ huynh cũng "lên đồng" đẩy con vào các lớp học thêm vì sợ con thua kém bạn bè hay đơn giản chỉ để vừa lòng giáo viên.
Học sinh vạ vật, mệt mỏi sau một ngày học ở trường tiểu học
Giáo viên gây áp lực?
"Con không muốn đi học thứ 7 nữa", lời của Nguyễn Tuấn N, học sinh lớp 1 tại Hà Nội khi được mẹ hỏi ý kiến về việc có tham gia lớp học do cô giáo chủ nhiệm tổ chức hay không. Lý do N đưa ra là con đã đi học cả tuần ở trường, học thêm ngoại ngữ ở trung tâm rất mệt. Mẹ N đồng quan điểm, cho con được một ngày nghỉ thực thụ.
Nhưng trên thực tế, không phải phụ huynh nào cũng nghĩ như mẹ bé N. Cuộc họp phụ huynh đầu năm, thành viên của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1 của trường ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đứng lên thuyết phục, kêu gọi toàn bộ phụ huynh học sinh đăng ký lớp học thêm cuối tuần do cô chủ nhiệm tổ chức. Theo chị này, "cô giáo dạy rất tốt, chị đã cho 2 con học tiền tiểu học, học thêm ở nhà cô nhiều năm nay và hoàn toàn yên tâm, về nhà bố mẹ không phải kèm cặp gì thêm. Trong khi đó, con nhà hàng xóm, học hết lớp 1 đọc, viết còn khó khăn", phụ huynh này kể.
Một phụ huynh có con học lớp 1 ở quận Ba Đình cũng cho biết, gia đình không đặt kỳ vọng con phải xuất sắc nên không cho con học tiền tiểu học, không học thêm. Tuy nhiên, vào học được chừng 1 tháng, cô giáo chủ nhiệm gọi riêng lên trao đổi, con học yếu, không tập trung, đề nghị bố mẹ cho con học thêm để cô có thời gian kèm cặp thêm vì ở lớp học nhiều bạn, con sẽ không theo kịp. "Khi nghe cô nói vậy, vợ chồng đành đăng ký cho con học thêm chứ biết tính sao", phụ huynh này nói.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, có con học Trường tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, hai năm nay, mỗi tuần chị phải cho con đến học ở nhà giáo viên 1 ngày với chi phí 180 nghìn, trong đó 150 nghìn tiền học, 30 nghìn tiền ăn trưa. Nguyên nhân là do trường xếp lịch học cả thứ 7, lớp của con nghỉ ngày thứ 4 . "Muốn hay không, ngày đó gia đình cũng đành cho con đi học thêm, vì ở nhà cũng không có ai trông. Vì vậy, cả tuần con được nghỉ mỗi ngày chủ nhật nhưng cũng trùng lịch học tiếng Anh ở trung tâm", chị Hương chia sẻ.
Chưa kể, trong lớp một số thành viên hội cha mẹ học sinh thông báo cho từng phụ huynh về việc nên cho con đến học ở trung tâm do cô đứng lớp. Không ít người sợ con thua kém bạn bè, sợ cô trù dập đành đăng ký học cho xong nhưng trong lòng lại ấm ức vì nội dung buổi học thêm cũng chỉ cho trẻ làm các dạng Toán, tiếng Việt trên lớp, các phương án về kỹ năng sống khá đơn giản.
Xử lý nghiêm
Thông tư 17 năm 2012 của Bộ GD&ĐT quy định rõ, các trường hợp không được dạy thêm bao gồm: học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày; học sinh tiểu học (trừ bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ năng sống). Ngoài ra, thông tư cũng quy định, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên.
Văn bản này được cho là triệt tiêu việc lách luật dạy thêm đối với học sinh tiểu học do đã nêu rõ đối tượng không được dạy thêm, học thêm. Ngược lại, các trường hợp học sinh THCS, THPT khác Bộ GD&ĐT yêu cầu hoạt động dạy thêm phải góp phần củng cố nâng cao kiến thức, kỹ năng giáo dục nhân cách học sinh. Phù hợp tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Giáo viên không cắt giảm nội dung trong chương trình GDPT chính khóa để đưa vào dạy thêm. Học sinh cũng phải có nhu cầu, tự nguyện, giáo viên, nhà trường không dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh, gia đình tham gia.
Đầu năm học 2019-2020, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã ký văn bản gửi các Phòng GD&ĐT cũng như các nhà trường tuân thủ nghiêm nguyên tắc, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, học sinh lớp 6, lớp 10.
Bà Đỗ Thị Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, trường tổ chức dạy thêm 5 buổi/ tuần đối với lớp 8,9 gồm 5 môn: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học và 2 buổi/ tuần đối với lớp 6,7. Việc tổ chức dạy thêm nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh và có thỏa thuận về mức phí. Học sinh được chia nhóm, theo trình độ nhưng chỉ thu 100 nghìn/ 4 buổi. Tuy nhiên cũng chỉ có khoảng 70-75% học sinh đăng ký học. Số còn lại học sinh không có nhu cầu hoặc tìm trung tâm dạy học ở ngoài nhà trường.
Còn hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Đống Đa chia sẻ, dù đã quán triệt cấm dạy kèm, dạy thêm nhưng đầu năm học phát hiện có giáo viên nhận kèm học sinh yếu kém và do mới manh nha nên nhà trường nhắc nhở, yêu cầu giáo viên dừng ngay hoạt động.
Bà Hoàng Thị Minh Hương, Phó trưởng phòng giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sẽ xử lý nghiêm trường vi phạm và xử lý người đứng đầu.
HÀ LINH
Theo Tiền phong
TP HCM đề xuất quy định mới về học thêm, dạy thêm Sở GD&ĐT TP HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về việc ban hành Quy định quản lý dạy thêm, học thêm nhằm thay thế Quyết định số 21 năm 2014 và Quyết định số 2140 năm 2015 của UBND TP hủy bỏ Điều 5 quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Anh chi mang tinh minh...