Giáo viên tiếng Anh còn chưa đạt chuẩn, sao yêu cầu các giáo viên bộ môn khác phải có chuẩn tiếng Anh?
(PL&XH) – Trong khi nhiều cuộc khảo sát cho thấy bản thân các giáo viên tiếng Anh còn chưa có chứng chỉ đạt chuẩn mà văn bản quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức của Bộ GD&ĐT vừa ban hành, mới đây lại có quy định giáo viên muốn nâng bậc lương buộc phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2. Vậy là thời gian tới, nhiều giáo viên sẽ phải đi học để có chứng chỉ ngoại ngữ.
Theo Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiểu học công lập quy định: Tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng II là có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm tiểu học hoặc ĐH sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên; có trình độ ngoại ngữ bậc 2 hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc; có trình độ Tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên tiểu học hạng II.
Chính các giáo viên tiếng Anh còn chưa đạt chuẩn, phải học thêm các lớp nâng cao năng lực ngoại ngữ, thì việc yêu cầu các giáo viên bộ môn khác có chứng chỉ ngoại ngữ mới được tăng lương đang gây tranh cãi. Ảnh: P.T
Giáo viên tiểu học hạng III có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tiểu học hoặc cao đẳng sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên; trình độ ngoại ngữ bậc 2 hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc; có trình độ Tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên tiểu học hạng III.
Và Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập yêu cầu: Giáo viên THCS hạng II có bằng tốt nghiệp ĐH Sư phạm trở lên hoặc ĐH các chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, có trình độ ngoại ngữ bậc 2, có trình độ Tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản. (Bậc 1: A1; Bậc 2: A2; Bậc 3:B1; Bậc 4: B2; Bậc 5: C1; Bậc 6: C2)
Rất nhiều người cho rằng quy định này như đánh đố đội ngũ người làm thầy. Vì thế, các thầy cô trong thời gian tới lại phải đi học để thi chứng chỉ ngoại ngữ. Trong khi đó, đội ngũ những người dạy tiếng Anh cũng còn nhiều người chưa đạt chuẩn, thiếu chứng chỉ.
Tại hội thảo về thực trạng dạy tiếng Anh của các tỉnh phía Nam, TS Trần Thị Minh Phượng, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết, qua kỳ kiểm tra trình độ giáo viên tiếng Anh của 30 tỉnh/thành do Bộ GD & ĐT tổ chức, chỉ 3% giáo viên THPT và 7% giáo viên THCS đạt chuẩn theo yêu cầu đề án ngoại ngữ quốc gia.
Đây được xem là một trong những lý do quan trọng khiến việc chất lượng dạy và học tiếng Anh hiện chưa hiệu quả. Bà Phượng cho rằng nhiều giáo viên ngoại ngữ thiếu tự tin và không chủ động trong việc soạn đề kiểm tra, đánh giá học sinh. “Phần lớn đề kiểm tra được giáo viên cóp nhặt từ các đề quốc tế, vốn là đề tổng quát chứ chưa phải kiểm tra quá trình “dạy và học”, bà Phượng nêu vấn đề.
Còn theo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (BộGD&ĐT) vừa cho biết: Tính đến hết tháng 7-2015, cả nước có 32,67% giáo viên tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ. Trong đó, tiểu học có 31,37% giáo viên, THCS có 36,71% giáo viên, THPT có 26,12% giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ. Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho rằng: Số liệu này cho thấy đội ngũ giáo viên tiếng Anh phổ thông hiện nay đạt về năng lực ngoại ngữ còn rất thấp so với mục tiêu đặt ra, đòi hỏi công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh phổ thông trong giai đoạn tới cần phải được quan tâm cấp thiết hơn, cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực vào cuộc của từng cá nhân cũng như các cấp quản lý giáo dục.
Vì thế, quy định về chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên nhận được rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Người cho rằng đó là yêu cầu cần thiết để đáp ứng thời kỳ giáo dục hội nhập. Người cho rằng đó là cách làm khó của Bộ. Giáo viên P.T huyện Giao Thủy, Nam Định chia sẻ: “Như vậy là những giáo viên dạy Văn, Giáo dục công dân, Thể dục nếu muốn tăng lương cũng sẽ phải đua nhau đi học để có chứng chỉ. Cá nhân tôi cho rằng việc này chỉ để các trung tâm ngoại ngữ sôi nổi hơn thôi, chứ chưa chắc có hiệu quả trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ của tất cả giáo viên”.
Hiện nay, nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai và nhiều giáo viên đang tham gia khóa học chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thiện yêu cầu mà Bộ GD&ĐT quy định. Hầu hết các thầy cô đang nằm trong số chuẩn bị hoặc cần chuyển ngạch lương thì ráo riết tìm địa điểm để đăng kí học.
Theo PL&XH