Giáo viên tâm sự: Áp lực duy trì sĩ số học sinh trong mùa dịch Covid-19
Trong đợt nghỉ dài để phòng, tránh dịch bệnh Covid-19, bên cạnh áp lực chậm trễ chương trình, giáo viên chúng tôi còn canh cánh nỗi lo về áp lực duy trì sĩ số học sinh.
Ảnh minh họa
Một người bạn của tôi chủ nhiệm lớp 9 than thở về cậu học trò nghịch ngợm nhất lớp mới vừa nhắn tin cho cô giáo với lời lẽ chán nản về việc muốn bỏ học đi học nghề. Bạn bảo đọc tin nhắn của trò mà giật thót và lo lắng bất an suốt buổi. Hết gọi điện trao đổi với phụ huynh, bạn lại loay hoay liên lạc tìm hiểu nhóm bạn cùng lớp về tình trạng hiện tại của trò. Và cả buổi tối chuyện trò khuyên nhủ qua mạng xã hội, bạn vẫn chưa thể yên tâm về nguy cơ trò bỏ học.
Không chỉ một vài người bất an mà có lẽ đa phần nhà giáo hiện nay cũng đang nơm nớp lo lớp học giảm sĩ số sau thời gian dài nghỉ tết Nguyên đán rồi nghỉ phòng tránh dịch bệnh. Lâu nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, chúng tôi lại quay cuồng vận động học sinh đến lớp bởi nhiều gia đình quyết định cho con cái nghỉ học sau Tết.
Khi bà con láng giềng, anh em họ hàng đi làm ăn phương xa trở về địa phương đem theo ít tiền bạc buông lời rủ rê, nhiều em học sinh vốn lười học nhanh chóng bị dụ dỗ bỏ học kiếm việc làm. Một số gia đình cũng dễ dàng buông xuôi với ý định học nghề, tìm việc của con cái nếu lâu nay đã chán ngán với thành tích học tập của con. Vậy nên trong khá nhiều trường hợp vận động học sinh trở lại trường sau Tết, dù cố gắng thế nào đi chăng nữa, chúng tôi cũng đã nhiều lần “nếm” mùi thất bại.
Năm nay, kỳ nghỉ Tết vừa dứt thì kỳ nghỉ phòng tránh dịch bệnh kéo dài lại ập đến. Nguy cơ học sinh lười học, buông bỏ sách vở và nhen nhóm ý định học nghề, tìm việc sẽ cao hơn hẳn. Nói vậy để thấy rằng bên cạnh nhiệm vụ bổ trợ kiến thức, ôn luyện bài vở cho học sinh trong kỳ nghỉ thì việc quan tâm duy trì sĩ số lớp cũng không kém phần quan trọng.
Nếu giáo viên chủ nhiệm theo dõi sát sao tình hình học sinh trong lớp, thường xuyên liên hệ trao đổi thông tin bài vở thì sẽ dễ dàng phát hiện em nào có nguy cơ bỏ học để vận động, khuyên nhủ. Còn ngược lại, viễn cảnh giảm sĩ số lớp sau khi trường học mở cửa trở lại có thể sẽ hiện hữu.
Bởi vậy, thời điểm này cần lắm vai trò của người giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình hiện tại của học sinh thông qua nhiều kênh thông tin liên lạc trong thời đại công nghệ số. Khi được “người mẹ thứ hai” giàu lòng yêu thương và kiên nhẫn quan tâm, hẳn là bọn trẻ sẽ thổ lộ nhiều điều về áp lực học hành, nỗi lo về các kỳ thi sắp tới, kể cả những vướng bận muộn phiền trong thời gian nghỉ phòng tránh dịch bệnh.
Lắng nghe tiếng lòng của con trẻ, chúng ta sẽ kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các con để có thể kịp thời động viên, san sẻ áp lực và uốn nắn những ý định còn non nớt, đầy nông nổi, trong đó có nguy cơ bỏ học đi tìm việc.
Nguyễn Thùy (dantri.com.vn)
Video đang HOT
Học sinh nghỉ học, sao lại hạ điểm thi đua giáo viên?
Một số thầy cô giáo đã sử dụng "bí kíp" biến những học sinh bỏ học ấy thành việc các em xin chuyển trường. Nhà trường biết nhưng cũng phải làm lơ...
Cứ sau một mùa Tết, ở nhiều trường học trong cả nước thường xảy ra tình trạng học sinh bỏ học.
Cô giáo Phan Thị Duyên huyện Kỳ Sơn đi vận động học sinh ra lớp (Ảnh CTV)
Học sinh nghỉ học có khá nhiều nguyên nhân như ham chơi chán học nên nghỉ, do học quá yếu không thể theo kịp chương trình, do gia cảnh khó khăn thiếu thốn, nghỉ để phụ giúp cha mẹ, do cha mẹ bất đồng nên bỏ xứ dẫn theo con, do ở với ông bà già nên không ai quản lý nên ham chơi, chán học...
Gia đình các em đôi khi cũng bất lực trong việc buộc con trở lại trường nhưng nhiều lãnh đạo nhà trường, ban ngành liên quan lại cột trách nhiệm lên đầu giáo viên chủ nhiệm cứ y như học trò nghỉ học là tất cả do thầy cô.
Có nơi, người ta quy hẳn trách nhiệm không kéo được học trò tới lớp thì thầy cô phải bị trừ thi đua dù có dạy tốt thế nào.
Gian nan vận động học trò đến lớp
Một đồng nghiệp của chúng tôi ở tận Nghệ An cho biết, khi học sinh nghỉ học giáo viên vô cùng vất vả để đi vận động các em trở lại lớp.
Trước là thương học sinh bỏ học sớm sẽ hư hỏng vì đang còn quá nhỏ, sau là thương chính mình vì nếu không vận động được các em trở lại lớp thầy cô sẽ bị đánh giá làm công tác chủ nhiệm chưa tốt và ảnh hưởng đến việc xếp loại cuối năm.
Thế là, cả ngày đi trường, tối đến tranh thủ tới nhà học sinh vận động. Có khi đi nguyên ngày thứ bảy, chủ nhật vì đường đèo dốc khá xa.
Đi nhiều lần do không thể gặp được phụ huynh. Có thầy cô phải hỏi đường lên rẫy để trực tiếp gặp cha mẹ các em vận động.
Bên cạnh đó kết hợp với thôn, xóm, xã nhờ cán bộ tác động thêm.
Một số giáo viên ở Bình Thuận cũng cho biết, khi lớp có học sinh bỏ học thầy cô chủ nhiệm phải đến tận nhà học sinh.
Khi không thể đưa các em trở lại lớp mới báo cáo nhà trường để cán bộ phổ cập, Ban giám hiệu cùng đại diện xã vào tận nhà phụ huynh.
Có người hợp tác, có người còn "lên lớp" thầy cô, đưa yêu sách như phải giảm học phí, hỗ trợ đồ dùng học tập...
Cột trách nhiệm vào giáo viên có hợp lý?
Như trên chúng tôi đã trình bày, học sinh bỏ học giữa chừng có muôn vàn lý do. Có những lý do giáo viên có thể giúp ví như em học yếu, kém thầy cô có thể đề xuất lên nhà trường kèm dạy miễn phí.
Không có tiền đóng góp thì nhà trường có thể miễn giảm, không có sách vở, áo quần có thể vận động Mạnh Thường Quân hỗ trợ...
Nhưng gia cảnh quá khó khăn cần các em đi kiếm tiền để lo cho gia đình, cha mẹ bất hòa dẫn con đi luôn...những lý do này thì giáo viên cũng bất lực, sao có thể giúp?
Vì thế, lấy thi đua để buộc giáo viên phải duy trì sĩ số chính là việc làm gây khó cho thầy cô.
Một số thầy cô giáo chia sẻ trường mình có quy định giáo viên chủ nhiệm để học sinh nghỉ học sẽ bị trừ 5 điểm. Một lớp chỉ cần một em bỏ học xem như thầy cô giáo ấy không thể xếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dù đủ tiêu chuẩn.
Để hai em nghỉ học không thể xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ, và ba em bỏ học xem như chỉ còn lại hoàn thành thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ.
Tự "cứu" lấy mình
Có thầy cô nói thẳng: "Không thể để chuyện bất hợp lý này xảy ra vì công sức mình bỏ ra, cống hiến cả năm nhưng chỉ vì một lý do khách quan học trò phải nghỉ học thì bao nỗ lực, bao công sức ấy đều đổ sông đổ biển.
Thế là một số thầy cô giáo đã sử dụng "bí kíp" biến những học sinh bỏ học ấy thành việc các em xin chuyển trường.
Việc làm này, nhà trường biết nhưng cũng làm lơ vì nếu làm căng thầy cô chấp nhận xếp loại thi đua thấp để buông xuôi thì chính nhà trường cũng sẽ khốn đốn.
Nếu tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng mỗi năm của trường không đạt thì chính hiệu trưởng nhà trường cũng chẳng được yên thân. Vậy là, vì quyền lợi của mình tất cả cùng im lặng.
Việc duy trì sĩ số học sinh hàng năm luôn rất cần thiết. Trách nhiệm này phải là sự kết hợp của rất nhiều ban ngành có liên quan mới mang lại hiệu quả. Không thể mang việc khống chế thi đua giáo viên để giữ chân học trò.
Làm thế, chẳng khác nào buộc giáo viên phải dùng "thủ thuật" bảo đảm sĩ số nhưng chỉ là kiểu giữ chân mang tính hình thức còn thực chất những học sinh này vẫn bỏ học giữa chừng.
Đỗ Quyên
Theo giaoduc.net
Phát huy vai trò của hội khuyến học trong hỗ trợ các hoạt động giáo dục Xác định rõ vai trò của công tác khuyến học, khuyến tài trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian qua, Hội Khuyến học (HKH) huyện Bá Thước đã chủ động phối hợp với ngành giáo dục huyện, cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng...