Giáo viên phản hồi trước thông tin môn Lịch sử ‘biến mất’
Trước thông tin môn Lịch sử có thể bị “khai tử” trong chương trình GD phổ thông mới, nhiều giáo viên hy vọng lần đổi mới này sẽ thay đổi cách dạy, hấp dẫn học trò hơn.
Cô Đinh Trang Nhung, Trưởng bộ môn Lịch sử Trường THPT Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội: “Quan trọng là phải giáo dục cho thế hệ trẻ về nguồn cội”
Đối với một dân tộc, việc quan trọng là phải giáo dục cho thế hệ trẻ về nguồn cội, về ý thức dân tộc, về truyền thống ngàn năm của dân tộc ấy, như vậy một dân tộc mới có thể phát triển bền vững và trường tồn… Trách nhiệm ấy có một phần không nhỏ của nền giáo dục phổ thông, đặc biệt là bộ môn Lịch sử.
Suốt thời phong kiến, Lịch sử là bộ môn bắt buộc, sĩ tử đi thi nội dung chính là các bộ Kinh, Sử… Cho đến những thế kỷ sau đó, chưa bao giờ không có mặt Lịch sử trong các kì thi quan trọng.
Cho đến ngày hôm nay, khi xã hội hiện đại, nhìn ra các nước xung quanh như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc thì việc giáo dục lịch sử vô cùng được coi trọng…
Không bỏ hay xem nhẹ môn Lịch sử Góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT xây dựng, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà giáo dục, nhà sử học tập trung vấn đề nên để Lịch sử là môn tự chọn hay bắt buộc.
Theo tôi, thay vì tích hợp bộ môn Lịch sử với các môn học khác, hãy tìm cách thay đổi cách dạy và học lịch sử ở trường phổ thông. Trường THPT Lô-mô-nô-xốp đã và đang cố gắng đem luồng không khí mới vào bộ môn Lịch sử…
Vậy mà bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp vô cùng ngạc nhiên khi môn Lịch sử sắp bị “khai tử”, đưa vào các môn tự chọn. Bộ GD&ĐT cho rằng, Sử đã được tích hợp trong bộ môn Công dân với Tổ Quốc, nhưng bộ môn Lịch sử với những đặc trưng riêng của môn học, không thể dễ dàng được tích hợp với các bộ môn khác.
Tôi lo lắng trong thời gian tới, Lịch sử cũng như các môn xã hội sẽ “biến” mất trong danh mục các môn học mà học sinh lựa chọn…
Học sinh được gỡ bỏ những “ám ảnh” về việc kiểm tra bài cũ, kiểm tra với những số liệu dài dằng dặc vô hồn, thay vào đó là những câu hỏi mang tính tư duy, liên hệ thực tế…Các trò được học trải nghiệm sáng tạo qua những chuyến đi thực tế lịch sử và nội dung thu hoạch sau chuyến đi được lấy làm điểm kiểm tra…
Sách giáo khoa nên viết ngắn gọn hơn, phương pháp giảng dạy thu hút hơn, học sinh được trải nghiệm lịch sử nhiều hơn, đó là những gì môn Lịch sử cần làm để trở thành một bộ môn ý nghĩa thật sự thay vì tích hợp, gộp nó lại như một món lẩu “thập cẩm” như ý kiến của bộ giáo dục hiện nay.
Cô Bùi Thu Thủy, Trường THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định:”Giáo viên Lịch sử sẽ có vị trí như thế nào trong lần đổi mới này?”
Đổi mới lần này điều giáo viên chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là việc tích hợp, liên môn thì kiến thức sẽ được thực hiện ra sao? Giáo viên Lịch sử sẽ có vị trí như thế nào trong lần đổi mới này.
Tuy nhiên với tâm huyết và thực sự vì học sinh tại nhiều trường như chúng tôi đã đổi mới dạy học Lịch sử. Hàng năm chúng tôi có từ 2-3 chuyên đề thực hiện tích hợp, liên môn kiến thức trong giảng dạy môn học này.
Ví dụ như năm 2014 tôi có đảm nhiệm chuyên đề dạy học lịch sử địa phương tích hợp với tham quan, trải nghiệm sáng tạo tại làng nghề truyền thống là làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc ở Hà Nội.
Video đang HOT
Chuyên đề có tích hợp kiến thức môn Lịch sử, Địa lí, Văn học. Chương trình chỉ cho mấy tiết, giáo viên phải đáp ứng yêu cầu đó. Nhưng để có 3 tiết học, giáo viên phải mất cả ngày trời tìm hiểu rồi đưa học sinh đi trải nghiệm, giao lưu. Cô và trò đều vất vả nhưng cái được là sự hứng thú của học sinh.
Đổi mới lần này vẫn giữ được những ưu điểm và hướng đi này thì tôi tin giáo viên, học sinh và xã hội sẽ có cái nhìn tích cực hơn.
Câu chuyện 19 người phục vụ 1 thí sinh thi môn Lịch sử tại Hà Nội ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 nhận được nhiều ý kiến trăn trở.
Cô Ngô Thị Thành, phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội: “Hiện giáo dục của ta vẫn nặng để phục vụ thi cử”
Đầu tiên khi nghe thông tin tới đây Lịch sử sẽ không còn tên gọi và là môn học bắt buộc như trước đây giáo viên chúng tôi đều có chung tâm trạng là buồn.
Nhưng khi suy nghĩ lại, điều quan trọng không phải là môn học này có phải là môn học bắt buộc hay không, mà quan trọng là những kiến thức lịch sử chúng ta đang dạy cho học sinh là những gì.
Tôi cho rằng nếu kiến thức lịch sử nằm trong môn “Công dân với Tổ quốc” mà phát huy vai trò, chức năng của bộ môn này thì không đáng lo ngại. Là môn học bắt buộc mà kiến thức không thiết thực, không gần gũi, không áp dụng được trong cuộc sống của các em thì các em không hứng thú, không có tình yêu. Hiện giáo dục của ta vẫn nặng để phục vụ thi cử.
Lịch sử từ trước đến nay vẫn là môn bắt buộc như Toán, Văn nhưng vị thế của môn này thế nào, học sinh có yêu thích hay chưa lại phụ thuộc vào mỗi giáo viên. Mục tiêu của Bộ GD&ĐT đang đi là đúng khi hướng vào phát triển năng lực học sinh, kéo giáo dục về gần hơn với thực tế người học.
Điều lo lắng hiện nay là nếu tích hợp kiến thức 4 môn gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, An ninh quốc phòng vào môn Công dân với Tổ quốc thì các trường phân công giáo viên giảng dạy ra sao vẫn chưa ngã ngũ. Nếu vẫn chia thành các phân môn và để giáo viên đảm nhiệm thì không khác trước nhiều. Tuy nhiên nếu để giáo viên đảm nhiệm cả chuyên đề với kiến thức liên môn quả thực không dễ.
Giáo viên vẫn có thể làm được nhưng để giỏi được như giáo viên chuyên về bộ môn đó là vấn đề khó.
Cô Phạm Thị Thanh Huyền, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội:”Thời lượng, kiến thức học sử không giảm mà còn tăng lên”
Tôi có được tham gia thẩm định tài liệu chủ đề tích hợp, liên môn giữa Lịch sử với Địa lý, Lịch sử với GDCD. Tuy nhiên hiện chúng tôi mới trong giai đoạn biên tập, dự thảo chưa lên được khung chương trình kiến thức.
Tôi cho rằng, chủ trương này là hướng đi đúng đắn của ngành giáo dục. Lịch sử không chỉ tích hợp ở môn Công dân với Tổ quốc mà tổng thể phân môn Khoa học xã hội có những chủ đề tích hợp giữa Lịch sử với Địa lí và có phần rất riêng vẫn là Lịch sử, Địa lí và thời lượng sẽ lên 5 tiết/tuần, so với 4 tiết/tuần trước đây (ở khối lớp 10 và lớp 11).
Nội dung kiến thức, thời lượng thậm chí đã tăng lên. Để tránh chồng chéo, giảm tải kiến thức trùng lặp mỗi học sinh phải học nên Bộ có hướng dạy theo các chủ đề tích hợp, liên môn.
Như vậy vai trò môn Lịch sử không phải mất đi. Tuy nhiên để lên THPT, các em có quyền chọn rồi và không chọn môn này thì vị thế môn Lịch sử có thể bị giảm đi nhưng không mất đi.
Lo ngại của giáo viên về dạy tích hợp liên môn là đáng bàn và cần tập huấn thật kĩ. Chuyện trong môn học giáo viên phải sử dụng kiến thức nội môn, liên môn và xuyên môn thì trước nay thầy cô đã làm rồi, chẳng qua là được về lý thuyết và khái quát lên nên ta thấy có phần nghiêm trọng.
Muốn thay đổi cần có giải pháp tổng thể từ người làm chính sách, chương trình – SGK và cả học sinh, giáo viên.
Theo Văn Chung/VietNamNet
Không bỏ hay xem nhẹ môn Lịch sử
Góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT xây dựng, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà giáo dục, nhà sử học tập trung vấn đề nên để Lịch sử là môn tự chọn hay bắt buộc.
Ngày 3/11, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và thường trực ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông đã có một cuộc họp tiếp thu, nhưng đồng thời cũng để giải thích thêm về những ý kiến băn khoăn liên quan tới môn Lịch sử.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Để khắc phục những hạn chế của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành như nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, kiến thức chồng chéo giữa các môn học; thiết kế của chương trình mới ở bậc tiểu học, THCS sẽ hình thành các môn học mới được tích hợp từ một số môn học truyền thống, có nội dung liên quan, gần nhau như các môn tìm hiểu khoa học tự nhiên, tìm hiểu khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội...
Thiết kế này đã gây hiểu nhầm, khiến dư luận cho rằng Bộ GD&ĐT bỏ môn Lịch sử vốn là môn học "không thể xếp vào hàng môn phụ".
Thí sinh ôn bài trước khi thi môn sử tại hội đồng thi Trường THPT Gia Định, cụm thi ĐHQG TP HCM, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Trên thực tế, không có việc bỏ môn Lịch sử. Ở các bậc học dưới, kiến thức Lịch sử tích hợp trong các môn học mới. Bậc THPT sẽ bao gồm các môn học bắt buộc và tự chọn. Tùy định hướng nghề nghiệp, học sinh có thể lựa chọn một trong hai môn lịch sử hoặc khoa học xã hội.
- Nhưng ý kiến nhiều chuyên gia, nhà sử học cho rằng không thể đưa môn Lịch sử đứng ngoài nhóm môn học bắt buộc ở bậc THPT. Cách thiết kế như dự thảo của bộ khiến lịch sử trở thành môn phụ, gián tiếp làm cho giới trẻ quay lưng với lịch sử?
"Tôi khẳng định Bộ GD&ĐT không bỏ môn Lịch sử, cũng không coi nhẹ môn Lịch sử khi xây dựng môn học mới. Cùng với việc cấu trúc lại hệ thống môn học, trong đó có giáo dục lịch sử, sẽ có những điều chỉnh cả về nội dung chương trình, định hướng dạy học để học sinh thật sự muốn học và học có hiệu quả hơn môn Lịch sử".
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển
- Bộ GD&ĐT chưa bao giờ phân định môn học nào là chính, môn nào phụ mà tùy theo yêu cầu của từng bậc học, đối tượng người học để thiết kế chương trình phù hợp với mục đích giáo dục.
Nếu bộ môn nào cũng muốn học sinh bắt buộc phải học, môn nào cũng muốn đứng độc lập, muốn thời lượng dạy học nhiều hơn, muốn đưa thật nhiều nội dung kiến thức thì người học sẽ tiếp tục bị quá tải.
Lâu nay, môn Lịch sử vẫn đứng độc lập, nhưng vẫn có nhiều học sinh sợ học Lịch sử vì phải ghi nhớ quá nhiều sự kiện, con số. Trong khi đó trên thực tế, nhiều bạn trẻ yêu lịch sử lại vì những câu chuyện lịch sử nhẹ nhàng, do các hoạt động có ý nghĩa giáo dục.
Tôi khẳng định Bộ GD&ĐT không bỏ môn lịch sử, cũng không coi nhẹ môn lịch sử.
Ở bậc học dưới môn học được thiết kế gần gũi, sinh động, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, dễ cảm, dễ hiểu, gắn với thực tế hơn. Nếu đặt mục tiêu "để học sinh hiểu, thích học và yêu lịch sử dân tộc" thì cách tiếp cận mới sẽ có hiệu quả hơn.
Ở bậc THPT, môn Lịch sử xuất hiện trở lại là môn học độc lập, bên cạnh môn học có tính tích hợp cao là môn khoa học xã hội, môn công dân với Tổ quốc (đều có phân môn Lịch sử, nhưng lựa chọn nội dung phù hợp với mục tiêu của mỗi môn). Trong đó, môn Công dân với Tổ quốc là bắt buộc với tất cả học sinh.
- Với môn học gồm nhiều phân môn như công dân với Tổ quốc, trong đó có những nội dung khá nhạy cảm như giáo dục quốc phòng an ninh, xin thứ trưởng cho biết điều kiện về giáo viên đảm nhiệm môn học này sẽ như thế nào?
- Trong những năm trước mắt, giáo viên bộ môn vẫn dạy các nội dung độc lập của ba phân môn như hiện nay. Riêng các chuyên đề tích hợp, phụ thuộc vào đặc điểm nội dung và năng lực cụ thể của từng giáo viên, nhà trường sẽ xem xét phân công giáo viên một cách hợp lý.
Cũng có thể mời các sĩ quan quân đội, giáo viên các trường chính trị địa phương thỉnh giảng một số nội dung mà giáo viên của trường phổ thông chưa đảm đương được.
Ngay từ bây giờ, chương trình đào tạo các trường sư phạm cần thay đổi, cập nhật với yêu cầu mới của môn học này, để có thể đào tạo giáo viên đáp ứng được yêu cầu dạy học tích hợp của môn học công dân với Tổ quốc.
Giải pháp như vậy đang được thực nghiệm với các môn học tích hợp như khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ở cấp THCS tại tất cả các tỉnh, thành phố. Thực tế cho thấy giáo viên qua bồi dưỡng ngắn hạn đều có thể đáp ứng được yêu cầu của các môn tích hợp này, thậm chí có những giáo viên dạy giỏi, chỉ do tự nghiên cứu cũng đáp ứng được.
- Nhưng môn học Công dân với Tổ quốc tích hợp từ các môn học khác, nhiều người lo ngại việc lắp ghép cơ học này khiến hiệu quả giáo dục Lịch sử không được coi trọng đúng mức?
- Môn học công dân với Tổ quốc tích hợp từ các môn học có nội dung liên quan, gần gũi nhau là Lịch sử, Đạo đức - công dân và Quốc phòng - an ninh ở cấp THPT. Đây không phải sự lắp ghép cơ học, coi nhẹ các môn học này, mà là cách cấu trúc lại để thực hiện hiệu quả hơn.
Cụ thể, các môn học này đều tập trung trang bị những tri thức quan trọng, cần thiết nhất với học sinh cấp THPT, khi ra trường tròn 18 tuổi, trở thành công dân Việt Nam với những giá trị truyền thống dân tộc, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân. Đây là các nội dung tiếp nối, nâng cao những tri thức phổ thông nền tảng về công dân, lịch sử và quốc phòng - an ninh đã được hoàn thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản.
Môn Công dân với Tổ quốc được thiết kế với 3 mạch nội dung chính (3 phân môn) và một số chuyên đề tích hợp. Trong đó, phân môn Giáo dục đạo đức - công dân, chủ yếu là giáo dục giá trị đạo đức truyền thống và đạo đức cách mạng, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và một số kỹ năng sống cần thiết, chuẩn bị cho học sinh gia nhập xã hội Việt Nam hội nhập quốc tế với tư cách công dân.
Giáo dục quốc phòng - an ninh bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, của lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam, cùng một số nội dung mang tính thực hành như kỹ thuật, chiến thuật, kỹ thuật phòng thủ dân sự...
Phân môn giáo dục lịch sử giáo dục về chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, lòng yêu Tổ quốc, tinh thần xả thân vì nước, tinh thần tự cường dân tộc, tư tưởng và những bài học, nghệ thuật quốc phòng, giữ nước của cha ông ta.
Ngoài ra, sẽ có một số chuyên đề tích hợp (sâu và chủ yếu từ 3 phân môn)...
Theo Vĩnh Hà/Tuổi Trẻ
Bộ GTVT phản hồi thông tin mua "nốt" xe mất 600 triệu Sau khi Sở GTVT Hà Nội thông tin về vụ "mất 500 - 600 triệu đồng mua "nốt" vào bến xe Mỹ Đình", Bộ GTVT cũng đã có văn bản phản hồi. Trong văn bản, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT đã hoan nghênh Sở GTVT Hà Nội sớm có báo cáo về việc kiểm tra, xác minh thông tin...