Giáo viên phải đặt việc giáo dục đạo đức cho học sinh lên hàng đầu
Mối quan hệ thầy trò là cốt lõi của môi trường giáo dục, do đó, giáo viên dạy học sinh phải đặt đạo đức lên hàng đầu, phải gương mẫu để học sinh noi theo.
Đó là một trong những chỉ đạo của ông Lê Trung Kiên, Bí thư Quận ủy Lê Chân (Hải Phòng) tại hội nghị quán triệt việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Giáo dục và Đào tạo quận trong tình hình hiện nay vào ngày 8/4.
Ông Lê Trung Kiên thông tin tới các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của quận, các phường và lãnh đạo các trường trên địa bàn, Lê Chân là địa phương duy trì được kết quả 20 năm đứng đầu thành phố Hải Phòng về công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi bậc Trung học cơ sở.
Chất lượng giáo dục học sinh của quận Lê Chân hàng năm đều tăng, luôn nằm trong tốp đầu của Hải Phòng.
Điều này cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là các lãnh đạo, cán bộ quản lý giáo dục và các thầy cô giáo.
Ông Lê Trung Kiên, Bí thư Quận ủy Lê Chân quán triệt việc thực hiện nhiệm vụ của ngành giáo dục quận trong tình hình hiện nay (Ảnh: Lã Tiến)
Tuy nhiên, gần đây trên cả nước có nhiều vụ việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong ngành giáo dục giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với học sinh và giữa phụ huynh với giáo viên…
Những vụ việc đau lòng đó đã gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường giáo dục của nước ta, làm giảm lòng tin của người dân đối với công tác giáo dục và đào tạo.
Bí thư Quận ủy Lê Chân cho rằng, những tiêu cực trong giáo dục có thể xảy ra tại bất cứ nơi đâu, ngay cả Hải Phòng.
Trong khi đó, việc lãnh đạo quận luôn trăn trở là làm thế nào để giữ vững thành tích 20 năm liên tục đứng đầu thành phố về công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi; xây dựng quận Lê Chân thành nơi có chất lượng và môi trường giáo dục tốt nhất Hải Phòng.
“Lê Chân phải là nơi học sinh được học các thầy cô tốt nhất, có cơ sở vật chất tốt nhất và là nơi an toàn nhất cho học sinh.
Làm thế nào để làm được điều này, thành hay bại là do các thầy cô”, ông Kiên nói.
Quận Lê Chân phải là nơi học sinh được học các thầy cô tốt nhất, có cơ sở vật chất tốt nhất và là nơi an toàn nhất cho học sinh (Ảnh: Lã Tiến)
Với những trăn trở đó, Bí thư Quận ủy Lê Chân mong muốn, trước hết mỗi thầy cô, mỗi nhà quản lý giáo dục phải thay đổi.
Video đang HOT
Các nhà quản lý phải là những giáo viên giỏi hơn, quản trị nhà trường tốt, biết xây dựng hình ảnh của nhà trường, của quận, thành phố đẹp, thân thiện trước phụ huynh và người dân.
Giáo viên phải tự nâng cao ý thức tốt hơn, phải biết yêu thương, chia sẻ với học sinh, giáo dục cho học sinh biết tình thương và trách nhiệm của mình.
“Mối quan hệ thầy trò là cốt lõi của môi trường giáo dục, do đó, giáo viên dạy học sinh phải đặt đạo đức lên hàng đầu, phải luôn gương mẫu để học sinh noi theo.Ông Lê Trung Kiên nhấn mạnh:
Cán bộ quản lý, giáo viên phải luôn tự hỏi, làm thế nào để giáo dục nhân cách cho các em học sinh, giúp các em có hoài bão, lý tưởng tốt và trách nhiệm với bản thân, với gia đình, xã hội”.
Để thực hiện được những việc trên, Bí thư Quận ủy Lê Chân yêu cầu, thời gian tới, Ủy ban nhân dân quận cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo sâu sát, cụ thể đối với ngành giáo dục; tập trung cao đầu tư cho giáo dục quận nhà.
Ngành giáo dục và đào tạo quận phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp; nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, không để xảy ra một bộ phận không nắm chắc các văn bản chỉ đạo của cấp trên.
“Các nhà trường không để xảy ra tình trạng thu chi không đúng mục đích, thiếu minh bạch.
Hiệu trưởng phải chủ động xây dựng chất lượng, thương hiệu trường, quan tâm tới đội ngũ giáo viên, nhân viên, xây dựng khối đoàn kết trong nhà trường.
Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm tổng thể về mọi hoạt động xảy ra tại nhà trường”, ông Kiên nói.
Ông Kiên cũng yêu cầu lãnh đạo các nhà trường phải rà soát, đánh giá năng lực, kỹ năng của giáo viên để giao quản lý lớp, bảo đảm giáo viên phải là cầu nối giữa học sinh với gia đình và nhà trường.
Giáo viên phải đi sâu, đi sát, nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình từng học sinh để có thể giáo dục các em được tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân thông tin tại hội nghị (Ảnh: Lã Tiến)
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân, hiện nay, toàn quận có 38 trường công lập, 21 trường ngoài công lập, 32 nhóm lớp mầm non có phép với tổng số 43.239 học sinh.
Số liệu sơ kết học kỳ 1 năm học 2018-2019 cho thấy, chất lượng chăm sóc, giáo dục ở cả 3 bậc học đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 năm cuộc thi Khoa học kỹ thuật được tổ chức, Lê Chân là đơn vị duy nhất của Hải Phòng liên tiếp có sản phẩm dự thi và đạt giải quốc gia.
Trong đó, năm học 2018-2019 có 7 dự án đạt giải thành phố, 2 dự án đạt giải quốc gia.
Với các cuộc thi quốc tế và khu vực, số lượng học sinh tham gia và đạt giải ở bậc tiểu học và trung học cơ sở đều cao.
Tại cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, quận Lê Chân có 6/13 giáo viên bậc Trung học cơ sở đạt thủ khoa, 6/16 á khoa thành phố, có 4/12 tiết dạy ấn tượng.
Năm học này, quận có 4 trường học được xây dựng theo kế hoạch đầu tư công năm 2018.
Từ tháng 6/2018 đến nay, quận Lê Chân đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học tại các nhà trường.
Bà Thủy cho biết: “Trong tháng 4 và tháng 5 tới đây, ngành giáo dục chỉ đạo các nhà trường tập trung giảng dạy và ôn tập tốt cho học sinh để chuẩn bị kiểm tra hết học kỳ 2.
Đối với các trường Trung học cơ sở tập trung tối đa cho học sinh lớp 9 ôn thi vào lớp 10 Trung học phổ thông.
Các trường thực hiện xây dựng kế hoạch trường lớp căn cứ vào số phòng học, số giáo viên, số trẻ trên địa bàn để đề xuất kế hoạch tuyển sinh…”.
LÃ TIẾN
Theo giaoducnet
Phụ huynh 'đấu' giáo viên, học sinh đi đâu về đâu?
Có lẽ chưa bao giờ các vấn đề về giáo dục, về mối quan hệ thầy - trò, phụ huynh - giáo viên lại trở nên căng thẳng đến mức đáng báo động như hiện nay.
Hiện nay nhiều phụ huynh sẵn sàng trách mắng giáo viên mà không cần biết đúng hay sai - Tranh: NGỌC NHI
Chúng ta phải làm gì để xóa bỏ, hạn chế hay ít nhất là giải tỏa những mâu thuẫn trong mối quan hệ tay ba như một tam giác khép kín thế này: giáo viên - học sinh - phụ huynh?
Từ những cái tát phản giáo dục...
Câu chuyện về 231 cái tát chưa kịp lắng xuống thì mới đây lại thêm vụ 50 cái tát nữa lại nổi lên. Tôi và chắc có lẽ nhiều người trong chúng ta đang tự hỏi: nền giáo dục của Việt Nam đang mắc "chứng bệnh" gì, mối quan hệ giữa thầy và trò đang bị điều gì chi phối? Liệu rồi sau này còn bao nhiêu vụ như thế, có cách nào xử lý triệt để hay không?
Khi đọc về những vụ việc giáo viên yêu cầu các học sinh tát một bạn học sinh nào đó, tôi có cảm giác như chúng ta đang trở về thời xa xưa mà ánh sáng văn minh chưa kịp chiếu vào. Ở đó, một khi có ai phạm tội thì người có chức có quyền sẽ ra lệnh cho tập thể ném đá đến chết hoặc tát hoặc đánh cho người phạm tội kia một trận nhừ tử, thừa sống thiếu chết.
Họ nghĩ đó là cách trừng phạt thích đáng người phạm tội mà không biết rằng đó là việc làm ác độc, ấu trĩ, ảnh hưởng và vi phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, thể chất một con người.
Vậy mà giờ đây người ra lệnh phạt là giáo viên và người thừa hành là học sinh -những em nhỏ ở độ tuổi ăn, tuổi học, tuổi chơi, tuổi lớn.
Đáng lý ra chúng phải được cư xử đúng như mực thước trong môi trường giáo dục. Đáng lý ra chúng phải học được cách xử lý văn minh, đầy tình người và đủ nhân quyền...
Đến chuyện cái quần nghịch đạo
Mấy ngày nay dư luận xôn xao clip phụ huynh lên trường gặp thầy giáo "ăn thua đủ" để đòi cái quần soọc cho con, chỉ vì cái quần để trên bàn thầy và bị thầy vứt đi. Câu chuyện khiến tôi nhớ tới sự việc ngày xưa, khi tôi còn làm giáo viên quản nhiệm cho một trường quốc tế.
Một chị đồng nghiệp của tôi là chủ nhiệm một lớp có nhóm học sinh nữ cá biệt, rất quậy. Phải nói các em học sinh này không sợ ai vì ba mẹ chúng có tiền, mà có tiền thì có quyền, hễ chuyện gì chúng về méc với phụ huynh thì coi như giáo viên đó có chuyện.
Bị cô chủ nhiệm la rầy vì đi trễ, quậy phá, nói chuyện trong lớp, nhuộm tóc... nhóm này đâm ra ghét cô. Một mặt, chúng hùa nhau về kêu tất cả các phụ huynh trong nhóm phàn nàn về cô lên Ban Giám hiệu, mặt khác chúng chơi những trò vô cùng nghịch đạo là lấy băng vệ sinh (đã xài rồi) bỏ vào hộc tủ để đồ của cô. Và, chị đồng nghiệp của tôi uất ức đến mức phải xin thôi việc.
Vì đã kinh qua chuyện như vậy nên tôi cũng dễ hiểu chuyện gì đã xảy ra với cô giáo bị bắt quỳ hay thầy giáo bị "đòi quần". Chỉ thấy buồn là cái thời cha mẹ học sinh cầm tay con tới lớp nhờ thầy cô dạy dỗ với thái độ tôn kính không còn nữa. Giờ ngược lại, phụ huynh đôi lúc lại cho mình cái quyền phán xét, đòi hỏi, yêu cầu và ép buộc thầy cô.
Tôi đang nghĩ đến một trận đấu bóng, một bên là "đội phụ huynh", một bên là "đội giáo viên" và các em học sinh là quả bóng lăn dưới chân họ. Phụ huynh dù có sút vào khung thành của giáo viên hay ngược lại thì người thiệt thòi, tổn thương vẫn là các em.
Chúng là những học sinh, chúng là những tâm hồn non nớt, chúng là thế hệ tương lai của đất nước. Vậy tại sao phụ huynh và giáo viên không đứng về một phía, cùng một "chiến tuyến", cùng nắm tay để dạy dỗ, giáo dục, rèn luyện học sinh nên người?
Tôi nghe đâu đó lời kêu cứu của các em "Ba mẹ ơi, thầy cô ơi, xin hãy trả lại cho chúng con quãng đời tươi đẹp nhất. Xin hãy trả lại cho chúng con những gì đáng lý phải thuộc về lứa tuổi chúng con".
Tôi nghe chúng kêu cứu như vậy. Đó không chỉ là tiếng kêu cứu của học sinh mà là tiếng kêu cứu của nền giáo dục Việt Nam.
Chúng ta phải làm gì để trả mọi thứ về lại đúng quỹ đạo, quy tắc hay đúng tinh thần của nó?
Theo tuoitre
Thưởng hay phạt tiền trong giáo dục đều là hạ sách? Bày tỏ quan điểm về xử phạt hành chính đối với giáo viên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) nhận định, nếu "dân sự hoá" quan hệ thầy trò bằng hình thức phạt tiền chắc chắn không đạt mục đích và...