Giáo viên ở Na Loi vẫn chưa nhận đủ tiền trực hè và trực Tết
Với cách làm mạnh tay, triệt để của Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn, hy vọng những chuyện vi phạm trong ngành giáo dục nơi đây sẽ ngày một ít đi.
Sau bài viết “Một số trường học ở Kỳ Sơn thu tiền sai đã hoàn trả đầy đủ cho phụ huynh” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 23/8, chúng tôi bất ngờ nhận được tin nhắn và cuộc điện thoại của một số giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi cho biết, hiện nhà trường mới trả lại cho giáo viên tiền trực hè và tiền trực Tết năm học 2018-2019.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An (Ảnh CTV)
Riêng 2 năm học 2016-2017 và 2017-2018, giáo viên vẫn chưa nhận được khoản tiền mà nhà trường thu sai.
Trao đổi lại với ông Phan Văn Thiết, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn về chuyện này, ông Thiết cho biết trong tuần tới sẽ kiểm tra lại thông tin và giải quyết triệt để.
Được biết, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi có gần 30 cán bộ giáo viên, công nhân viên.
Nếu mỗi người phải nộp 200 ngàn đồng/năm để trực hè, trực Tết thì số tiền thu sai của nhà trường cũng lên đến 10 triệu đồng.
Tuy số tiền không lớn nhưng đây là khoản tiền thu không đúng quy định, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của giáo viên.
Video đang HOT
Bởi thế, việc các thầy cô giáo yêu cầu được nhà trường trả lại số tiền này là vô cùng chính đáng.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh việc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi thu tiền giáo viên, học sinh sai quy định.
Nhà trường đã hoàn trả số tiền thu sai cho phụ huynh và giáo viên năm học (2018-2019).
Nói về vấn đề này, ông Vi Hòe Bí thư huyện Kỳ Sơn cho biết: “Chuyện này tôi làm cương quyết lắm. Dư luận nơi đây đang rất quan tâm về việc xử lý những vi phạm của hiệu trưởng nhà trường.
Có thông tin, tôi triệu tập họp gấp, nhắc cả phòng, cả Ủy ban. Giờ chuyện đã rõ rồi nhưng kỷ luật một cán bộ phải có quy trình và hồ sơ đầy đủ.
Tôi đã chỉ đạo cho Ủy ban kiểm tra huyện ủy kỉ luật về Đảng, Ủy ban huyện xử lý về chính quyền, làm cương quyết, sẽ xử lý kỉ luật trước khi vào năm học mới”.
Được biết, Bí thư Vi Hòe là người xử lý các vụ vi phạm khá mạnh tay.
Cách đây vài năm, ông đã cương quyết khai trừ Đảng, cách chức, chuyển công tác một loạt lãnh đạo, giáo viên một số trường học dính vào vụ đánh bài ăn tiền.
Bởi thế, với cách làm mạnh tay, triệt để như thế, hy vọng những chuyện vi phạm trong ngành giáo dục nơi đây sẽ ngày một ít đi.
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Bị bắt trực hè, giáo viên "bằng mặt nhưng không bằng lòng"
Nhiệm vụ của giáo viên trực hè là làm gì? Câu trả lời là không biết phải làm gì.
Ảnh minh họa
Theo Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT - Sửa đổi quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định ở điểm a, khoản 3, điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:"Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ Luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)".
Như vậy, từ 1/6 đến 31/7 là thời gian nghỉ của giáo viên (nghỉ theo học sinh).
Căn cứ quy định pháp luật hiện hành nói trên, giáo viên không phải tham gia trực trường. Nhưng rất tiếc, ở nhiều trường, Ban giám hiệu bắt buộc giáo viên phải trực trong khoảng thười gian nghỉ hè này.
Vậy Ban giám hiệu nhà trường có biết việc trực trường là trái với qui định của pháp luật không? Xin trả lời là biết nhưng làm lơ.
Một số hiệu trưởng lập luận rằng họ căn cứ vào Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ GD-ĐT ban hành chức năng quyền hạn của hiệu trưởng, căn cứ vào tình hình thực tế hiệu trưởng đưa ra quy định trực trường.
Hiệu trưởng vận dụng thông tư này đúng hay không cần phải xem lại. Hơn nữa, thực tế cũng không có văn bản nào của Phòng Giáo dục hay Sở Giáo dục cấp trên của trường hướng dẫn chỉ đạo cho giáo viên không trực hè. Chính vì vậy,nhiều hiệu trưởng tùy ý quyết định giáo viên có trực hè hay không.
Còn thái độ của giáo viên thì như thế nào về việc này? Xin thưa "bằng mặt chứ không bằng lòng". Nhiều thầy cô tuy không đồng tình nhưng không dám nói ra vì đây là quyết định của hiệu trưởng không thể không thực hiện. Ngay cả Công đoàn nhà trường cũng không lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của công đoàn viên thì lấy ai mà bảo vệ giáo viên, nên cứ im lặng mà làm tránh rước họa vào thân.
Cũng có thầy cô có ý kiến không đồng tình việc trực trường nhưng hiệu trưởng bảo cứ thực hiện, nếu có gì hiệu trưởng chịu trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm tới đâu và trách nhiệm như thế nào thì không rõ ràng.
Việc phân công trực cũng tùy trường. Ban giám hiệu phân công dựa trên số giáo viên của trường, có nơi thầy cô trực hai ngày hoặc ba, bốn ngày... mỗi tháng, thời gian từ 7-17h.
Một vấn đề đặt ra là nhiệm vụ của giáo viên trực trường là làm gì? Câu trả lời là không biết phải làm gì.
Trông coi trường thì không đúng chức năng, nhiệm vụ - đây là việc của bảo vệ). Xử lý giải quyết vấn đề văn bản, công văn đến...là nhiệm vụ của hiệu trưởng. Do đó, việc phân công giáo viên trực để làm gì là không rõ. Ban giám hiệu cần xem lại vấn đề này, để tránh những sự cố đau lòng có thể xảy ra. Như trường hợp cô N. ở Trường THCS Lê Thuyết (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) khi đang trực trường đã bị một thanh niên bịt mặt xông vào trường dùng dao đe dọa, uy hiếp khống chế rồi thực hiện hành vi xâm hại ngày 20/6/2018.
Mong Bộ GD-ĐT sớm có công văn hướng dẫn thống nhất việc trực hè cho giáo viên. Đây là vấn đề không lớn nhưng gây ra nhiều bức xúc với thầy cô, cũng đồng thời phản ánh sự lạm quyền của một số hiệu trưởng trong việc đưa ra những quyết định không dựa trên cơ sở pháp lý nào. Việc này cần phải được chấn chỉnh.
Nguyễn Văn Lực (Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
Theo vietnamnet