Giáo viên nói gì về bản dịch mới ‘Sông núi nước Nam’?
Theo một số giáo viên, bản dịch mới bài thơ ‘Sông núi nước Nam’ đọc trúc trắc, khiến học sinh khó tiếp thu.
Bài thơ Sông núi nước Nam được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, đã được dịch khác và in trong SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1, khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.
Trước đây, bài được dịch là: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập I, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành có bản dịch mới: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.
Cuốn sách Ngữ Văn lớp 7 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Ảnh: Infonet.
Thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, không đồng tình với bản dịch mới. Theo thầy Hiếu, tác phẩm này đã quá quen thuộc mà nhiều người đã thuộc từ thuở học sinh phổ thông.
Theo giáo sư sử học Dương Trung Quốc, một bản gốc tiếng hán có thể dịch ra nhiều bản tiếng nôm là chuyện bình thường, quan trọng là tìm ra bản hay hơn.
“Cá nhân tôi thấy bản dịch nào đã đi vào nhận thức của mọi người thì không nên thay đổi. Nếu dịch lại phải dựa trên một chuẩn nhất định và giải thích tại sao thay đổi”, ông Quốc nói.
“Dù ý nghĩa không thay đổi so với bản dịch lâu nay nhưng bản dịch mới sẽ xa lạ và phức tạp về ngôn từ tiếng Việt”, thầy Hiếu nhận định.
Cô giáo Nguyễn Phương – giáo viên dạy Ngữ văn lớp 7 tại Hà Nội – chia sẻ: Có nhiều cách tiếp cận một tác phẩm văn học. Tuy nhiên, đọc bản mới Sông núi nước Nam thấy trúc trắc, khiến học sinh khó tiếp thu. Trong khi đó, bản dịch cũ đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Việt.
Video đang HOT
“Tôi nghiêng về ý kiến ủng hộ văn bản cũ. Khi tôi tham khảo ý kiến nhiều người, họ cũng nhận định rõ ràng văn bản cũ hay hơn, mặc dù ý nghĩa của bài thơ không thay đổi”, nữ giáo viên nói.
Cũng theo cô Nguyễn Phương, một trong những mục đích của Ngữ văn là mang lại sự thích thú, hấp dẫn cho học sinh. Văn bản cũ của bài thơ đã đáp ứng được điều đó, còn bản mới gây trắc trở, khó đọc cho học sinh và giáo viên khó giảng dạy.
Cô Phương cho biết, chương trình Ngữ văn lớp 7 được đánh giá khó nhất cấp THCS bởi phần văn học trung đại. Học sinh lớp 7 khó cảm thụ hết cái hay, cái đẹp của tác phẩm, vì vậy cần những bản dịch hay và dễ đọc.
Nữ giáo viên mong muốn đến năm 2018, khi đổi mới chương trình sách giáo khoa theo chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”, bản dịch cũ sẽ được giữ nguyên.
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức (top 30 người nổi bật năm 2014 dưới 30 tuổi do tạp chí Forbes bình chọn), văn bản mới là một trong số nhiều dị bản của Nam quốc sơn hà.
Nhà nghiên cứu này cho rằng, Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh chép nhiều câu chuyện có nội dung giống nhau, song lưu truyền qua vài trăm năm, đều tồn tại nhiều dị bản. Các sử gia thời Lê cũng chỉ lựa chọn một trong số các dị bản đó.
“Những gì khác với điều tai nghe mắt thấy xưa nay chưa hẳn đã sai, và cũng không nên nâng cao quan điểm. Nguyên tác còn có nhiều dị bản, huống hồ là bản dịch”, ông Đức nói.
Cuốn sách này do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành vào tháng 8/2015. Nhóm tác giả chủ biên gồm: Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên) – Nguyễn Đình Chú (Chủ biên phần Văn)- Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên phần Tiếng Việt)- Trần Đình Sử (Chủ biên phần Tập làm văn). Các biên tập viên là Đỗ Kim Hồi – Nguyễn Văn Long – Bùi Mạnh Nhị – Lê Xuân Thại – Đỗ Ngọc Thống.
Là một trong những người biên tập cuốn sách Ngữ văn lớp 7 tập 1 này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT, cho Infonet biết, bài thơ có thể dịch ra nhiều nghĩa khác nhau, nhưng ý của bài thơ không thay đổi. Khi phát hành sách đã có các nhà thẩm định rồi, nên không sai được.
Ông Thống cho biết, tham gia biên soạn sách Ngữ văn tập I lớp 7, nhưng chỉ biên soạn Tập làm văn.
Theo Zing
Tranh luận về bản dịch mới bài thơ 'Sông núi nước Nam'
Bài thơ "Sông núi nước Nam" được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, đã được dịch khác và in trong SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1, khiến nhiều phụ huynh sốc.
Dư luận bức xúc trước bản dịch bài thơ Sông núi nước Nam
Mới đây, trên các trang mạng xã hội đang bàn tán xôn xao về phần dịch trong bài thơ: "Sông Núi Nước Nam" của Lý Thương Kiệt, không chính xác và bị "cải biên", khiến phụ huynh cũng như các học sinh đang khá bức xúc.
Cuốn sách Ngữ Văn lớp 7 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Ảnh: Infonet.
Nếu trước đây, bài thơ: "Sông Núi Nước Nam" được dịch là: "Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời", thì nay ở trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập I, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) phát hành lại dịch như sau: "Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ".
Như vậy, từ 4 câu thơ quen thuộc với hàng triệu học sinh, phụ huynh nay đã được "cải biên" 3 câu thơ sau so với bản dịch trước. Theo nhận định của nhiều phụ huynh, bản dịch sau trúc trắc, khó đọc và không hay như bản cũ.
Người có nickname Đinh Nho Anh thốt lên: Ôi trời. Tam sao thất bản! "Tuyên ngôn độc lập" mà bị "bôi nhọ" này sao! Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ở đâu...
Trong khi đó, một bạn có nickname Pham Phuc Thinh viết: Cái này ông Darwin gọi là "Sự biến dị"... Xin lỗi dịch thơ kiểu này bảo sao trẻ không chán môn Ngữ văn?! Bản văn dịch như kiểu này làm mất đến 90% cái thần của bài thơ... Bạn nghĩ sao về 2 từ "vằng vặc" và " tan vỡ" liệu nó có mạnh mẽ quyết liệt và khẳng định bằng 2 cụm từ "rành rành" và "đánh tơi bời" không?
Còn Thuha Nguyen lại bàn luận: Cái sự "tan vỡ" hơi bị ép duyên, nhưng cách dịch này không làm sai lệch tinh thần bài thơ. Vấn đề là chúng ta đã quá quen với vần điệu cũ, nên thấy cái này hơi gợn, khó tiếp nhận.
Trong khi đó, người có nickname Thuy Bui lấy ví dụ của chính mình: "Hôm trước trên đường chở con đi học, tôi đọc cho con gái nghe bài dịch ngày xưa được học. Con phán một câu xanh rờn 'mẹ dịch không đúng bài con học'. Nghe nó đọc xong tôi muốn rớt xuống đất và nghĩ bụng kiểu này thì không thể nào dạy con theo kiến thức mình học rồi".
Phần dịch thơ trong sách Ngữ văn lớp 7 tập một mới đây. Ảnh: Infonet.
Nghĩa khác, nhưng ý thơ không thay đổi
PV đến Công ty Sách và Thiết bị Trường học, ở 45 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội mua cuốn sách Ngữ văn lớp 7 tập I và nhận thấy, bài thơ này dịch đúng như dư luận phản ánh.
Nhân viên bán sách tại đây khẳng định: "Ở đây không bao giờ bán sách lậu. Sách bán ở đây toàn bộ lấy từ nhà xuất bản, có dám tem kiểm định đầy đủ".
Sách này được NXB GDVN phát hành vào tháng 8/2015. Nhóm tác giả chủ biên gồm: Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên) - Nguyễn Đình Chú (Chủ biên phần Văn)- Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên phần Tiếng Việt)- Trần Đình Sử (Chủ biên phần Tập làm văn). Các biên tập viên là Đỗ Kim Hồi - Nguyễn Văn Long - Bùi Mạnh Nhị - Lê Xuân Thại - Đỗ Ngọc Thống.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT, một trong những người biên tập cuốn sách Ngữ văn lớp 7 tập 1 này, cho biết: "Thời tôi đi học thì họ dịch: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Một bài thơ có thể dịch ra nhiều nghĩa khác nhau, nhưng ý của bài thơ thì không thay đổi".
"Chính vì vây, đến thời điểm này, các nhà Hán nôm, cụ thể ở đây là ông Nguyễn Khắc Phi và Nguyễn Đình Chú dịch là: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ.
Từ ngữ của bài thơ không giống như trước, nhưng ý nghĩa của bài thơ không có gì thay đổi. Khi phát hành sách đã có các nhà thẩm định rồi, nên không sai được. Tôi cũng tham gia biên soạn sách Ngữ văn tập I lớp 7, nhưng chỉ biên soạn Tập làm văn", ông Thống nói.
Theo Tiến Dũng/Infonet
Học sinh tái hiện tác phẩm văn học qua nhạc kịch Thiếu phụ nam xương, Cô bé quàng khăn đỏ... được tái hiện đầy cảm xúc trong đêm chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng, gương mặt đại diện cho trường trung học Wellspring. Các thành viên lớp 6A5 tái hiện lại câu chuyện cổ tích Cô bé quàng khăn đỏ qua vở nhạc kịch vui nhộn. Trên sân khấu, các bạn trẻ...