Giáo viên nghe, nói tiếng Anh ấm ớ
Giáo viên dạy tiếng Anh không giao tiếp được bằng tiếng Anh nên chỉ chú trọng dạy đọc, viết. Học sinh không giao tiếp được tiếng Anh là tất yếu, đa số lên đại học phải học lại.
Trao đổi với phóng viên về việc tại sao không chọn các trường sư phạm là đơn vị khảo sát, bồi dưỡng giáo viên (GV) theo đề án nâng cao năng lực ngoại ngữ, một cán bộ Sở GD&ĐT TP HCM cho biết không thể gửi GV về đơn vị đào tạo mà sản phẩm đào tạo của họ hiện nay phải đi bồi dưỡng lại.
ĐH Sư phạm cần tự chủ trong chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh. Ảnh: Người Lao Động.
Dạy tiếng Anh, nói bằng… tiếng Việt
Cũng theo cán bộ này, TP HCM dù là địa phương có thế mạnh về tiếng Anh nhưng qua các kỳ thi khảo sát, kỹ năng nghe – nói của GV rất kém, nhất là đội ngũ GV lớn tuổi. Chính vì thế, để hoàn thành mục tiêu đề án, đơn vị chịu trách nhiệm bồi dưỡng phải mở thêm các khóa ôn luyện bổ sung, chủ yếu nâng cao khả năng nghe – nói. Nhiều trường phải đốc thúc, tạo mọi điều kiện để GV đi học.
Tại TP HCM, Trung tâm Đào tạo khu vực Seameo là 1 trong 2 đơn vị được Bộ GD&ĐT cho phép và công nhận kết quả khảo sát, bồi dưỡng GV theo Đề án ngoại ngữ 2020. Bà Trịnh Thị Hoa Mỹ, Trưởng ban Ngôn ngữ và Văn hóa nước ngoài – Trung tâm Đào tạo khu vực Seameo, cho biết, qua quá trình bồi dưỡng, trình độ GV đã cải thiện nhưng tỉ lệ vượt chuẩn, ví dụ chỉ yêu cầu B1 nhưng đạt C1 cực kỳ hiếm; cũng có tỷ lệ GV thi rớt chủ yếu là ở phần nghe. Tỷ lệ này cũng không đồng đều vì số GV ở vùng sâu, vùng xa thì thấp hơn.
“Việc GV tiếng Anh không nói được tiếng Anh kéo theo học sinh cũng không nói được, lên đến bậc ĐH phải khảo sát, học lại là một sự lãng phí rất lớn” – bà Mỹ nhận định.
Video đang HOT
Bà Mỹ cho rằng nguyên nhân GV tiếng Anh kém phần nghe – nói từ nhiều lý do, trong đó có môi trường giao tiếp hiện nay rất nghịch lý, nhiều GV dạy tiếng Anh nhưng giao tiếp bằng tiếng Việt.
“Trong các lần trung tâm đi tập huấn cho GV, chúng tôi đều hỏi sao GV tiếng Anh mà không nói chuyện bằng tiếng Anh, họ trả lời vì nói tiếng Anh mệt, vì thế chúng tôi lại hướng dẫn GV phần nào cần nói bằng tiếng Việt, phần nào bằng tiếng Anh. Lý tưởng của chúng tôi là tất cả trường ở các địa phương được dạy tiếng Anh từ tiểu học và khuyến khích GV bằng nhiều cách nói tiếng Anh” – bà Mỹ nêu thực tế.
Trường sư phạm cần tự chủ chương trình đào tạo
GS.TS Nguyễn Lộc – nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 – cho biết, phần lớn GV tiếng Anh hiện nay yếu đều cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Nhiều người cứ nhầm tưởng kỹ năng nghe – nói tách rời 2 kỹ năng còn lại nhưng không phải vì muốn nói tốt thì phải có nhiều từ vựng, phải giỏi ngữ pháp.
Nghe – nói chỉ là biểu hiện bên ngoài của năng lực tiếng Anh. Tuy đội ngũ GV tiếng Anh hiện đang giỏi dần lên nhưng việc có địa phương không tin chất lượng đào tạo của các trường sư phạm là có thật. Đó là tình cảnh chung vì không ít đội ngũ GV hiện nay ở các trường sư phạm đã lâu đời, họ được đào tạo theo kiểu cũ, phương pháp truyền thống mà phương pháp cổ điển thì không chú trọng nghe – nói. Vì thế mới có tình trạng học sinh giỏi tiếng Anh là nhờ đi học ở trung tâm, vào trường nói chuyện với GV mà GV chóng mặt, không thể giao tiếp nổi. Muốn dạy tiếng Anh tốt thì trước hết nói tiếng Anh phải tốt.
GS Lộc cho rằng, chính thực tế này khiến việc đào tạo, bồi dưỡng GV tiếng Anh cũng phải thay đổi, không những giao quyền tự chủ cho các địa phương mà còn ở các trường ĐH nguồn về sư phạm. Hiện nay, quyền tự chủ ở các trường ĐH không nhiều khiến họ cũng gặp khó khăn trong vấn đề chương trình đào tạo. Chỉ khi được tự chủ thì sẽ đẩy mạnh sự cạnh tranh, sản phẩm đào tạo ra sẽ quyết định chất lượng, uy tín của từng trường.
“Khung năng lực đầu ra theo Đề án 2020 không hề thấp nhưng nếu địa phương nào có cách làm hay hơn, có điều kiện hơn, chẳng hạn như tìm một đơn vị quốc tế có uy tín đào tạo, kể cả mời GV người nước ngoài, thì nên hoan nghênh và ủng hộ” – GS Lộc nói.
98,6% học sinh không thể đạt chuẩn
Trong khảo sát của nhóm giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM trên 143 học sinh THPT và 10 GV, cán bộ quản lý tại Trường Trung học Thực hành sư phạm, có đến 70% học sinh cho rằng GV sử dụng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, 15,3% học sinh cho rằng GV sử dụng quá nhiều tiếng Việt khi dạy tiếng Anh. Có đến 98,6% học sinh cho rằng không thể đạt được 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết theo chuẩn đầu ra. Thậm chí, 55,2% học sinh không biết gì về chuẩn đánh giá đầu ra do bộ quy định.
Theo Đặng Trinh/Người Lao Động
Học sinh lớp 5 thi IELTS đạt 7.0
Đó là em Nguyễn Cát Tường Vy, học sinh lớp 5/5 Trường tiểu học Đống Đa, quận Tân Bình, TP HCM.
Tường Vy vừa đạt 7.0 trong kỳ thi IELTS diễn ra vào ngày 5/12/2015. Khi nghe tin này hẳn nhiều người sẽ bán tín bán nghi, bởi kỳ thi IELTS là kỳ thi dành cho người lớn, có những câu hỏi không chỉ nhằm kiểm tra trình độ tiếng Anh mà còn yêu cầu thí sinh nêu quan điểm và sự hiểu biết của mình về các vấn đề xã hội.
Cô bé giỏi tiếng Anh Nguyễn Cát Tường Vy. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tường Vy tâm sự: "Hồi cuối năm học lớp 4 (tháng 5/2015) em đã xin ba mẹ đăng ký thi thử IELTS để biết khả năng của mình đến đâu, điểm yếu của mình ở chỗ nào để khắc phục. Lần đó, em được 6.0, nhờ thi thử em nhận ra điểm yếu của mình chính là khả năng đọc và nói. Sau đó, em học chung với các anh chị bậc THPT một lớp hướng dẫn cách thi IELTS ở một trung tâm ngoại ngữ, rồi mới đăng ký thi khóa ngày 5/12/2015".
Theo Vy, qua hai lần thi IELTS, em đều gặp những câu hỏi mà nếu thí sinh là người lớn thì làm sẽ thuận lợi hơn. Ví dụ: Đàn ông có nên chia sẻ với phụ nữ việc chăm sóc con cái trong gia đình? Đàn ông hay phụ nữ sẽ nắm vai trò chủ chốt trong việc chăm sóc con cái?
Vy bảo: "Điều này em cũng đã đọc được một phần từ sách báo, một phần em trả lời từ chính thực tế của gia đình mình. Em trả lời, đàn ông phải giúp đỡ phụ nữ trong việc chăm sóc con cái, vì phụ nữ thời hiện đại rất bận rộn, họ phải được chia sẻ việc nhà để có thời gian làm tốt những việc bên ngoài xã hội.
Trong việc chăm sóc con cái thì đàn ông và phụ nữ có vai trò ngang nhau, mỗi người nắm giữ một nhiệm vụ quan trọng, không thể thay thế được. Ví dụ, mỗi lần gặp bài tập khó thì em đem qua hỏi ba; còn mẹ thì dạy em về lễ nghĩa, về cách làm người...".
Tường Vy cho biết, em theo học lớp tiếng Anh tăng cường ở Trường tiểu học Đống Đa từ lớp 1 đến nay. Ngoài ra, em còn học thêm tiếng Anh ở trung tâm vào cuối tuần, để được giao tiếp nhiều hơn với giáo viên.
"Nhưng em thích nhất là thời gian tự học ở nhà: mỗi ngày em đều dành ra 30 phút để tự học tiếng Anh. Học ở nhà thú vị hơn vì thích bài tập nào thì làm bài tập đó, thấy cái nào hay thì đọc, chứ không bị áp đặt phải làm bài tập này, bài tập kia như ở lớp" - Vy cho biết.
Theo cô Lê Thị Thảo Hoài, mẹ của Tường Vy: "Để tạo tính tự lập cho con, vợ chồng tôi để cho con chủ động hoàn toàn trong sắp xếp việc học, ba mẹ không ép và cũng không nhắc nhở con phải học thêm cái này, cái kia. Vy có năng khiếu học ngoại ngữ nên thích học và học tốt, ngoài tiếng Anh thì Vy còn tự học thêm tiếng Tây Ban Nha ở nhà nữa".
Riêng cô Nguyễn Thị Mỹ Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/5 mà Vy đang học, nhận xét: "Tường Vy là một trong những học sinh có lực học tốt của lớp 5/5. Bé có ý thức tự học rất cao, thường chuẩn bị bài, làm bài rất đầy đủ và chỉn chu.
Bé rất mạnh dạn nói chuyện bằng tiếng Anh với giáo viên bản ngữ và giáo viên tiếng Anh (người Việt) trong trường. Với các môn học do tôi đứng lớp, bé Vy thường nêu những thắc mắc của mình với cô giáo trong quá trình học. Điều này cho thấy bé thích tìm tòi, khám phá và rất thông minh".
Theo Hoài Hương/Tuổi Trẻ
Dạy học tiếng Anh chuyên ngành: Thầy trò đều loay hoay Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 về dạy tiếng Anh chuyên ngành đã được triển khai từ 5 năm nay. Tại các trường đại học ở Huế, cả trò lẫn thầy đều gặp khó khi thực hiện đề án này. ĐH Sư phạm Huế triển khai đào tạo tiếng Anh chuyên ngành từ năm 2006. Cụ thể, với chương trình tiên tiến...