Giáo viên Mỹ sáng đứng lớp, chiều chạy Uber
Gọi họ là giáo viên có khi chỉ đúng một nửa, thậm chí 1/6. Buổi sáng họ có thể ở lớp, trưa làm thu ngân tại một cửa hàng tiện lợi, chiều đi giao đồ ăn nhanh, tối chạy Uber… lắm lúc phải đi xin đồ từ thiện để nuôi con.
Giáo viên Oklahoma City, Oklahoma (Mỹ) biểu tình đòi tăng lương bên ngoài trụ sở nghị viện bang ngày 2-4 – Ảnh: REUTERS
Đó là tình cảnh điển hình của những người theo nghiệp “gõ đầu trẻ” ở bang Oklahoma (Mỹ), một trong ba bang trả lương giáo viên thấp nhất nước Mỹ.
Không phải ai cũng may mắn như John-David Bowman, “Giáo viên của năm” 2015 đến từ Arizona. Có được một cô vợ kiếm được nhiều tiền, Bowman chỉ việc tập trung toàn bộ tâm trí và đam mê cho nghiệp cầm phấn.
Cô giáo Jenny Vargas, một người đã li dị và đang nuôi đứa con gái 6 tuổi ở Oklahoma, đã quyết định nghỉ dạy tại quê nhà và sang bang Kansas tìm một công việc mới. Đó không hẳn là đam mê của Vargas, nhưng nó giúp chị kiếm thêm mỗi năm 8.000 USD.
Câu chuyện của cô giáo Vargas cũng giống như hàng ngàn trường hợp khác ở Kentucky, West Virginia và Oklahoma.
Những thầy cô giáo đã rời bỏ trường lớp, không phải vì họ chán ghét nơi ấy, họ xuống đường biểu tình yêu cầu chính quyền bang phải tăng lương và ngân sách dành cho trường học.
Cô giáo Jenny Vargas quyết định nghỉ việc sau 3 năm đi dạy ở Oklahoma cũng tham gia cuộc biểu tình cùng các đồng nghiệp ngày 3-4 – Ảnh: REUTERS
“Thầy/cô làm nghề gì ạ?”
Oklahoma một ngày cuối tháng 3, ông Craig Troxell, 50 tuổi, đang cẩn thận dò dẫm tới lỗ thủng trên mái nhà. Một cách nhanh chóng và lành nghề, ông vá lại chỗ thủng. Mùi cỏ mới cắt từ bên kia đường, nơi ông vừa kiếm được thêm vài đôla, vẫn thổi hắt sang bên này.
Ông Troxell không phải là thợ sửa nhà hay cắt cỏ. Ông là giáo viên dạy khoa học chính thức của một trường học ở Oklahoma. Người đàn ông sáng sáng lên lớp ấy đang làm cùng lúc 4 công việc để lo cho gia đình và duy trì đam mê với nghiệp dạy.
“Tinh thần của các giáo viên ngày càng xuống dốc mỗi năm. Tôi biết có những đồng nghiệp đã từ bỏ công việc, đi làm nghề khác. Lương quá bèo bọt. Họ chẳng thiết tha gì với nghề dạy nữa”, thầy Troxell tâm sự với đài CNN.
Video đang HOT
Khi cô Allyson Kubat bắt đầu về dạy tại trường trung học Mustang ở Oklahoma, hùng biện là thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ. Chỉ ba năm sau khi cô Kubat bắt đầu gợi sự hứng khởi, Mustang đã sở hữu đội hùng biện học sinh bất khả chiến bại.
Với cô Kubat, đó thật sự là một thành quả không thể ngọt ngào hơn, đội hùng biện do cô dẫn dắt sẽ tham gia một cuộc thi ở tầm quốc gia trong năm nay. Nhưng đó cũng là hoạt động cuối cùng gắn kết cô và trường lớp.
“Tôi đã quyết định rồi, dù thực sự rất trăn trở, rằng kể từ năm tới tôi sẽ không đi dạy nữa”, giọng cô Kubat chậm lại. Cô nhận ra nếu cứ giữ công việc cũ và lao vào làm việc từ 60 đến 90 giờ mỗi tuần, cô sẽ chẳng có thời gian dành cho đứa con gái 9 tuổi của mình nữa.
Tất cả những đứa trẻ đi học ở bang Oklahoma đều biết giáo viên của chúng không hẳn là giáo viên. Tụi nó không nắm hết, nhưng biết rõ chúng tôi phải làm việc gì khác ngoài đi dạy để sống.
Cô Allyson Kubat, giáo viên tại trường trung học Mustang ở Oklahoma.
Tình trạng chẳng khá hơn với những giáo viên trung học dạy giỏi như thầy Jonathan Moy và vợ thầy, cô Kendra. Những tiết học đại số của thầy và cô luôn tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Để có được điều đó, Moy tiết lộ mỗi năm anh và vợ tiêu tốn hết 2.000 USD cho các dụng cụ giảng dạy trong khi tất cả thu nhập từ 6 công việc của anh trong một năm chỉ gần 36.000 USD sau thuế.
“Thầy ấy rất giỏi. Em rất thích học thầy. Thầy giảng bài rất dễ hiểu nhưng thật buồn khi biết thầy phải làm nhiều công việc khác nhau. Sẽ tốt hơn nếu thầy được tập trung cho mỗi việc đi dạy”, Zach Ennis – một học sinh mới đến, kể với CNN.
Lương tại bang nhà quá thấp đã đẩy các giáo viên Oklahoma sang các bang lân cận xin việc – Ảnh: REUTERS
Công bằng ở đâu?
Theo Hiệp hội giáo dục quốc gia Mỹ, trong khi giáo viên trên khắp nước Mỹ được tăng lương hay điều chỉnh theo mức lạm phát, lương của giáo viên tại Oklahoma lại giảm hơn 3% trong 10 năm từ 2006 đến 2016.
Cho dù bạn có yêu nghề, trò yêu bạn quý và có thành tích, ở Oklahoma, tiêu chí duy nhất để được tăng lương là dạy đủ 10 năm. Không một giáo viên nào kể ở trên có mức lương vượt quá 30.000 USD mỗi năm, kể cả những người có bằng thạc sĩ.
“Lương khởi điểm một năm cho giáo viên ở các trường công của Fort Worth (Texas) là 51.000 USD nhưng ở Oklahoma, mọi thứ bắt đầu ở mức 31.000 USD. Cho dù bạn dạy ở đây 25, 30 năm cũng không bằng một người mới đi dạy ở Fort Worth”, thầy Moy chua chát thừa nhận.
Văn phòng của một nghị sĩ bang Oklahoma bị dán đầy các “yêu sách” của giáo viên – Ảnh: REUTERS
Một số thầy cô ở Oklahoma dù làm 3, 4 công việc vẫn không thể đủ nuôi sống gia đình. Họ buộc phải đi xin đồ ăn từ thiện mỗi tuần để sống sót với đam mê.
“Tôi thấy sốc kể từ năm 2015, nhiều giáo viên, có cả những người trình độ thạc sĩ, vẫn đi xin đồ ăn từ thiện”, bà Decter Wright, giám đốc điều hành của Kendall Whittier, một tổ chức cung cấp thực phẩm miễn phí ở thành phố Tulsa, bang Oklahoma.
“Tôi thực sự bắt đầu tự hỏi mình hàng đống câu hỏi: Cái quái gì đang xảy ra tại Oklahoma thế này khi các giáo viên chính thức, những giáo sư vẫn còn đi dạy lại cần đến sự trợ giúp của những tổ chức như chúng tôi?” – bà Wright nói bà ngạc nhiên và có chút thành kiến lúc đầu nhưng giờ mọi chuyện đã rõ.
Liên đoàn giáo viên Oklahoma gần đây đã kêu gọi chính quyền bang nên tăng lương giáo viên mỗi năm thêm 10.000 USD và dành thêm ngân sách 200 triệu USD cho giáo dục. Nhưng nghị viện Oklahoma chỉ đáp ứng hơn một nửa số đó, 6.150 USD/năm cho mỗi giáo viên và 50 triệu USD cho giáo dục.
Luật được thống đốc Oklahoma Mary Fallin ký ngày 29-3. Nhưng với nhiều giáo viên, số tiền đó vẫn thấp, không công bằng. Họ đã quyết định xuống đường ngày 2-4.
“Các ông bố và những bà mẹ đã bắt đầu dạy con cái họ không bao giờ được trở thành giáo viên ở Oklahoma”, Chủ tịch Hiệp hội giáo dục quốc gia Mỹ Lily Eskelsen Garcia chốt vấn đề.
BẢO DUY
Theo tuoitre.vn
Học sinh Mỹ ùa ra đường cùng biểu tình đòi tăng lương giáo viên
Khi các trường học ở bang Oklahoma phải đóng cửa đến ngày thứ ba vì giáo viên đình công, học sinh quyết định hành động.
Gabrielle Davis, nữ sinh 18 tuổi của trường trung học Edmond Memorial lập một nhóm Facebook dành cho những học sinh ủng hộ cuộc biểu tình của giáo chức bang Oklahoma, sau ba ngày liên tiếp không thể đến trường. Trong 36 giờ, nhóm thu hút hàng trăm người tham gia.
"Chỉ sau một đêm, mọi thứ đã bùng nổ. Sau đó tôi đăng lên nhóm, bảo rằng nếu bạn muốn lên tiếng, hãy cho tôi biết tên và quận của bạn", Davis trả lời trên Huffington Post ngày 4/4.
Đó là cách những học sinh, trong đó có em lớp 6, cùng tập hợp để có mặt trước tòa quốc hội bang cùng giáo viên vào hôm thứ tư. Lướt qua những ghi chép trên điện thoại, các em nói về vấn đề của sách giáo khoa, tình trạng lớp học đông đúc, sự quá tải và mức lương không xứng đáng dành cho thầy cô.
"Cuộc đình công này là dành cho chúng em, thầy cô chỉ là những người dẫn dắt", Natalie Hurt, học sinh cuối cấp của trường trung học thành phố Midwest nói.
Học sinh đứng trước tòa quốc hội bang vào ngày thứ ba của cuộc biểu tình đòi tăng lương cho giáo viên. Ảnh: Huffington Post
Thứ tư đánh dấu ngày thứ ba của cuộc biểu tình Oklahoma, nơi phần lớn trường học trên toàn bang buộc phải đóng cửa vì không có người dạy. Oklahoma là một trong chuỗi bang ở Mỹ đang đối phó với cuộc nổi dậy của giáo viên. Khi bỏ việc tập thể để kéo đến gây sức ép ở khu vực tòa quốc hội bang, họ tìm thấy những đồng minh mạnh mẽ nhất, chính là học sinh.
Phe chỉ trích cuộc biểu tình thường xem những học sinh như Gabrielle Davis là thất bại của giáo dục. Tuy nhiên, từ Charleston, West Virginia đến thành phố Oklahoma, sự ủng hộ của thanh thiếu niên trẻ tuổi giúp giáo viên tin rằng mối bận tâm của họ phù hợp với lợi ích của cộng đồng.
Hậu quả chính trị dài hạn của những cuộc biểu tình lây lan khắp các bang của Mỹ vẫn chưa rõ ràng, nhưng những chiếc áo phông trắng mà học sinh khoác lên mình khi đứng bên ngoài tòa quốc hội Oklahoma có thể mang ý nghĩa lớn. Các em đã viết lên áo bằng mực đen ngày sinh nhật 18 tuổi, dấu hiệu của việc đầy đủ quyền bỏ phiếu. Một số học sinh ở đây phải chờ đến năm 2024 mới đạt được quyền này.
Những chiếc áo phông này là ý tưởng của Jonathan Curtis, bạn cùng lớp của Davis. Phát biểu khi đứng trước tòa quốc hội, Curtis kêu gọi bạn bè đồng trang lứa đăng ký bầu cử càng sớm càng tốt, và loại những nhà lập pháp không tăng ngân sách giáo dục ra khỏi chính quyền bang. Nam sinh cũng cảm ơn giáo viên đã phải bỏ tiền túi để lớp học hoạt động hiệu quả.
Jonathan Curtis nghĩ ra ý tưởng ghi ngày tròn 18 tuổi lên áo phông trắng. Ảnh: Huffington Post
Hiệp hội Giáo dục quốc gia cho biết lương giáo viên Oklahoma hiện đứng gần cuối trong 50 bang của nước Mỹ. Trong khi đó, bang đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng và việc cấp giấy chứng nhận khẩn cấp ngày càng tăng. Do đó, các lớp học có nhiều giáo viên không đáp ứng yêu cầu đào tạo thông thường. Một số trường buộc phải chuyển sang lịch học bốn ngày mỗi tuần để tiết kiệm ngân sách. Cơ quan lập pháp đã thực hiện một số biện pháp tăng thu nhập nhưng không đáp ứng được nhu cầu của giáo viên.
Một số học sinh cho biết gần đây mới ý thức được giáo viên được trả lương thấp như thế nào, và ngân sách giáo dục ở Oklahoma khác biệt với những nơi còn lại ra sao. "Chúng tôi phát hiện một nhóm giáo viên phải làm công việc thứ hai để kiếm sống", Esme Henson (18 tuổi) nói.
Em cùng bạn mình là Tavana Farzaneh (17 tuổi) ở trường trung học Norman sẽ trở thành sinh viên đại học vào mùa thu. Các em muốn cổ vũ giáo viên bằng cách cùng họ xuống phố, cầm băng rôn ghi dòng chữ "Thầy cô đã dạy tôi rằng nếu bạn muốn thay đổi điều gì đó, hãy tự làm việc đó. Đấy chính là lý do tôi ở đây".
"Họ không bao giờ khiến tôi cảm thấy mình đang ở trong một trường học thiếu thốn kinh phí. Họ tác động đến cuộc sống của tôi nhiều như bố mẹ tôi. Tôi yêu các thầy cô rất nhiều", Farzaneh chia sẻ.
Thùy Linh
Theo vnexpress.net
Tăng lương giáo viên chính là thể chế hóa quan điểm của Đảng Đồng tình với đề xuất lương giáo viên phải được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng, Bộ GD&ĐT phải quyết liệt làm việc và phải có giải pháp chắc chắn, đủ mạnh để thuyết phục được Quốc hội. Tăng lương giáo viên chính là thể...