Giáo viên Mỹ nói nguyên nhân giáo dục thất bại: Đồng cảm…
Khi mọi thứ đều được quy đổi bằng tiền thì còn phát sinh nhiều mâu thuẫn, nhiều tiêu cực, nhiều bức xúc
Sau khi theo dõi bức thư của cựu giáo viên người Mỹ cho rằng: “ Giáo dục thất bại là tại… phụ huynh”, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam thừa nhận, đó cũng là thực trạng của nền giáo dục Việt Nam.
Thống kê cho biết có gần 8.000 vụ học sinh đánh nhau trong vòng 4 năm. Ảnh: Zing
Ông cho biết, xuất phát ban đầu đều từ động cơ vì con, yêu con của rất nhiều phụ huynh mà có những phụ huynh làm đúng, chọn đúng nhưng cũng có những phụ huynh đi sai, làm sai, khiến phần đông học sinh và cả nền giáo dục rơi vào cảnh khốn khổ.
Vị GS lấy ví dụ về hiện tượng nhiều phụ huynh có tâm lý chạy đua về thành tích, chạy đua kết quả học tập của con do đặt kỳ vọng vào con cái quá nhiều. Từ tâm lý này không ai khác chính là những bậc phụ huynh đã bắt con mình phải lao vào học, cắm đầu, cắm cổ để học, học cho ra kết quả, ra thành tích.
Hậu quả, về phía con cái bị mất tuổi thơ, nhiều trường hợp thành tự kỷ vì bị bắt học quá nhiều.
Về phía nhà trường, do được nhu cầu của phụ huynh gợi ý nên cũng chạy theo phương pháp dạy theo kiểu “nhồi sọ” cho học sinh, mở ra các lớp, các khóa học thêm để thu tiền.
“Ở đây là có cung thì có cầu. Phụ huynh thích thì nhà trường đáp ứng”, GS Phạm Tất Dong nói.
Vị chuyên gia cho rằng, như chuyện thi cử, cũng từ tâm lý chạy đua thành quả nói trên mới sinh ra những tiêu cực, chạy điểm, sửa bài thi, biến học sinh thành những đứa trẻ chưa kịp lớn đã là người nói dối.
“Thậm chí có những ông bố, bà mẹ đã leo tường, thuê người ném bài giải cho con ở các hội đồng thi. Bố mẹ làm chưa đúng thì làm sao mong con cái không mắc sai lầm”, GS Phạm Tất Dong chia sẻ.
Rồi đến vấn đề giáo dục hướng nghiệp, nhà trường muốn định hướng chọn nghề nghiệp cho học sinh nhưng phụ huynh lại không muốn mà muốn con cái học thật nhiều chữ, muốn được đỗ đại học này, đại học kia, muốn có tấm bằng mới có danh, có tiếng, có thể diện. Vì thế, nhà trường muốn làm cũng thất bại.
Từ những câu chuyện kể trên, GS Phạm Tất Dong cho rằng đổ lỗi hoàn toàn cho phụ huynh là chưa khách quan nhưng trong hàng loạt những cái sai, cái yếu kém, phụ huynh đóng góp một phần không nhỏ.
Còn về phía nhà trường, vị GS cũng cho rằng do quan điểm giáo dục không rõ ràng, lập trường không vững chắc vì thế khi có một tác động từ phía phụ huynh, học sinh thì lập tức bị đẩy xô theo.
Video đang HOT
“Điều đáng trách nhất chính là đưa thương mại vào giáo dục. Nhu cầu của phụ huynh chỉ là cái cớ để các trường, lớp nương theo và cùng hưởng lợi.
Tôi lấy ví dụ, ở nhiều trường có một số học sinh có điều kiện, giàu có, phụ huynh muốn con cái họ phải được học trong lớp học hiện đại, được trang bị đẩy đủ điều hòa, quạt máy… từ nhu cầu trên đưa ra yêu cầu nhà trường trang bị. Hay, yêu cầu nhà trường phải thuê người dọn vệ sinh không được để cho học sinh làm…
Nhà trường cũng muốn vin vào cớ này để trang bị máy móc bằng cách yêu cầu phụ huynh cùng đóng góp. Nhân câu chuyện đóng góp nhiều vấn đề gian dối, tiêu cực khác cũng bắt đầu nảy sinh”, GS Phạm Tất Dong phân tích.
Trong giáo dục đạo đức, vị GS cũng cho rằng từ nhận thức của phụ huynh cho tới phương pháp của nhà trường cũng đều không đúng.
Giáo dục đạo đức phải là giáo dục hành vi, giáo dục tâm lý chứ không phải giao giảng những bài học đạo đức cao siêu.
Nhưng thực tế lại có những câu chuyện như: một đứa trẻ cầm miếng bánh, người lớn xin đứa bé giấu đi, lập tức bố mẹ và những người thân cười lên vui vẻ, vỗ tay hoan nghênh và cho rằng đó là đứa trẻ khôn trước tuổi, sau này lớn lên sẽ thành tài.
Còn về phía nhà trường, hàng ngày lên lớp bắt học sinh phải nghe những bài giảng như: cha mẹ sinh ra ta, ta phải mang ơn cha mẹ…
“Làm sao bắt một đứa trẻ hiểu được đạo lý mà ngay cả người lớn còn chưa làm được? Tại sao không dạy cho một đứa trẻ ăn miếng bánh phải biết để chừa một phần cho mẹ, cho em thay vì cổ vũ nó giấu đi, ăn hết thì đó mới là khôn.
Đó là chưa nói bản thân các thầy cô giáo nhiều người còn chưa đúng mực, còn gian dối, tham lam…
Tôi từng nói thẳng với một người đồng nghiệp là “lấy cả bút viết của học sinh thì thầy tham quá”. Đã tham thì làm sao là một giáo viên tốt được. Những giáo viên như vậy làm sao giảng được đạo đức cho học sinh.
Do đó, trong nhiều cái sai của phụ huynh cũng cần phải nhìn nhận lại cái chưa đúng của ngành giáo dục”, GS Phạm Tất Dong kể lại.
Trở lại lá thư của cô giáo người Mỹ, vị GS cho rằng, điều kiện, chính sách, môi trường giáo dục của Mỹ được đầu tư, quan tâm hơn ở Việt Nam rất nhiều vì thế, giáo viên cũng có lý do để đổ lỗi cho phụ huynh hơn là trong bối cảnh giáo dục của Việt Nam.
“Cơ chế, xã hội, nhà trường còn quá nhiều vấn đề khiến dư luận bức xúc. Từ những bức xúc tích tụ không được giải quyết đã tạo áp lực, gây mất lòng tin với phụ huynh và học sinh. Từ chỗ thiếu lòng tin với nền giáo dục, với thầy cô và nhà trường thì phụ huynh quay lại gây áp lực, chống đối, thậm chí phản kháng lại nhà trường và thầy cô.
Cái sai căn bản nhất khiến cho giá trị của nền giáo dục đi xuống là đã mang thương mại vào nhà trường. Khi mọi thứ đều được quy đổi bằng tiền thì khó trách những giá trị đạo đức bị xuống cấp, văn hóa ứng xử ngày càng thô bạo, thiếu văn minh, nạn bạo hành học đường, cô trò văng tục, chửi thề vẫn là điểm nóng đáng lo ngại”, vị GS nói.
Thái Bình
Theo baodatviet
Mong không thả bóng bay khai giảng: Người lớn cần lắng nghe
Theo GS Dong, việc thả bóng bay trong ngày khai giảng không đem lại ý nghĩa gì cho học sinh, không giúp học sinh học tập tốt hơn.
Xung quanh xôn xao về bức thư đề nghị 40 trường không thả bóng bay ngày khai giảng của cô bé lớp 5, ngày 26/7, trao đổi với báo Đất Việt, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, bức thư này giống như một thông điệp mà những người làm trong ngành giáo dục cần quan tâm.
"Một em học sinh lớp 5 mà nghĩ được như thế là rất tốt. Qua bức thư này chúng ta thấy không chỉ bóng bay mà nhiều những hoạt động khác cần được tiết kiệm. Năm học mới không phải là sự kiện quá đặc trưng, hầu như đối với trẻ em nào cũng vậy, trước khi bước vào năm học mới các em đã đến trường học thêm hay có các hoạt động sinh hoạt hè từ lâu rồi.
Năm học mới chỉ cần vài tiếng trống báo hiệu là được. Một điều quan trọng nữa là ngày khai giảng, các nhà lãnh đạo cũng không nên dự làm gì bởi như vậy sẽ càng làm tốn kém thêm kinh phí của nhà trường. Trong ngày này chỉ cần những người phụ trách ngành giáo dục xuống theo dõi thôi", GS.TSKH Phạm Tất Dong nói.
Lá thư của nữ sinh Trường Marie Curie. Ảnh: TTO
Theo vị GS này, việc thả bóng bay trong ngày khai giảng không giúp các em học sinh học tốt hơn.
Vị GS nhớ lại hồi ông còn ở nước Nga, ông thấy ngày khai giảng ở các trường làm rất đơn giản. Phụ huynh chỉ dắt con đến sân trường rồi đứng ở sân nói với thầy hiệu trưởng mấy câu.
"Tôi rất ủng hộ phong trào bỏ tiền tiết kiệm vào heo đất mà TP.HCM đã làm. Cụ thể như việc hàng ngày đi học các em được bố mẹ cho tiền ăn sáng nhưng các em không sử dụng hết, mỗi ngày có thể để 2 nghìn đồng vào con heo đất.
Đến ngày khai giảng, nhà trường sẽ mổ heo đất để dùng tiền đó vào việc mua sách vở, áo đồng phục cho các em. Tôi thấy những việc làm này có ý nghĩa thiết thực hơn cho các em học sinh", GS.TSKH Phạm Tất Dong chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, cùng ngày, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cũng cho rằng, đối với học sinh, việc trang bị kiến thức, quần áo, sách vở để học tập quan trọng hơn việc thả bóng bay trong ngày khai giảng.
GS.TSKH Phạm Phố nói: "Nhiều khi người ta cứ vẽ thêm ra để làm lấy tiền, thậm chí nhà trường cũng kinh doanh. Bởi vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ với lời đề nghị của em học sinh lớp 5 về việc các trường không nên thả bóng bay trong ngày khai giảng.
Trước kia, khi chưa thả bóng bay, nhiều trường học trong ngày khai giảng còn đốt pháo. Từ ngày việc đốt pháo bị cấm thì các trường mới thả bóng bay. Việc này giống như hình thức phô trương mà lại rất ảnh hưởng đến môi trường".
Theo GS.TSKH Phạm Phố, số tiền làm những việc vô ích, không đem lại ý nghĩa cho học sinh nên để tiền mua máy chiếu, sách vở cho học sinh học tập.
Được biết, bức thư mang thông điệp bảo vệ môi trường của em Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh lớp 5, Trường Marie Curie (Hà Nội) viết dưới dạng thư điện tử, gửi tới hơn 40 trường học đang được nhiều người chia sẻ.
Nguyệt Linh học đều và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Zing.vn
Trong thư, Nguyệt Linh viết: "Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nilon tức là nhựa, và khi thả bóng bay các chú chim hay động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói.
Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các sinh vật biển sẽ bị nhầm với sứa. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết".
Trong thư, em Nguyệt Linh đề xuất với thầy hiệu trưởng: "Trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng, hoặc hạn chế số lượng bóng bay được không ạ?".
Nguyệt Linh còn đưa ra thông điệp được in đậm, viết hoa rất rõ ràng: "Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - Hại chết ước mơ của bao chú chim và rùa biển".
Nói về bức thư này, theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie cho biết: "Thầy nhận được lá thư của con do một người bạn thân gửi đến, thầy bất ngờ và xúc động vô cùng. Không thả bóng bay lên trời để bảo vệ môi trường! Một ý tưởng đẹp, rất đẹp và ý nghĩa sâu sắc.
Việc thả bóng bay ở Lễ khai giảng, nhiều sự kiện ở trường ta và các nơi khác đã thành một thói quen "sang trọng". Nhưng không mấy ai nghĩ đến nhũng hệ lụy mà cô học trò bé nhỏ của thầy đề cập trong thư".
Thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết, trong lễ khai giảng năm học sắp tới, trường Marie Currie sẽ không thả bóng bay lên trời, như mong muốn của Nguyệt Linh.
Thùy Dung
Theo baodatviet
Thứ trưởng Bộ Giáo dục chia sẻ về tầm nhìn của giáo dục Việt Nam Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam cho rằng việc Việt Nam xác định rõ tầm nhìn cho giáo dục, bởi điều này có vai trò quyết định trong việc lập kế hoạch phát triển. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng và lập kế hoạch phát triển giáo dục Việt Nam. (Ảnh: PM/Vietnamplus) Phát biểu tại Hội thảo Xây dựng chiến...