Giáo viên Mỹ biến lớp học Toán thành sân khấu
Giáo viên giỏi ở Mỹ cố gắng kết hợp các loại hình nghệ thuật như kịch, rap vào những bài học khô khan nhằm kích thích học sinh hứng thú học Toán và Khoa học.
Giáo viên Mỹ biến lớp học thành sân khấu kịch để kích thích hứng thú học tập của học sinh. Ảnh: AP
Trong bảng xếp hạng về giáo dục Toán và Khoa học của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Mỹ chỉ đứng thứ 28. Điều khiến các giáo viên đau đầu là học sinh gần như không thích học Toán, Quartz cho hay.
Theo chia sẻ của những người đạt danh hiệu “Giáo viên của năm”, việc kết hợp các loại hình nghệ thuật vào bài giảng sẽ tạo hứng thú và kích thích tinh thần sáng tạo của học sinh đối với môn học khô khan này.
Video đang HOT
Hát rap về Toán
Alex Kajitani là giáo viên Toán ở bang California, Mỹ. Năm 2009, ông đạt danh hiệu “Giáo viên của năm” cấp bang và lọt vào vòng chung kết trong cuộc thi cấp quốc gia.
Kajitani không phải rapper chuyên nghiệp, giai điệu và cách gieo vần của ông rất tệ. Tuy nhiên, trở ngại này không ngăn Kajitani biến các kiến thức Toán học thành các bài rap.
“Nó là một thảm họa. Nhưng các học sinh thấy vui vẻ và cố gắng học thuộc. Điểm kiểm tra của các em cũng tăng”, Alex Kajitani nói về “The Itty Bitty Dot”, ca khúc rap đầu tiên của ông.
Dựng kịch liên quan bài học
Kajitani cũng sử dụng kịch để giúp học sinh bớt căng thẳng trong các giờ học Toán. Ông sắm vai nhiều nhân vật. Học sinh có thể hỏi “Giáo sư Toán học” về bất cứ vấn đề gì không liên quan con số, như nghệ thuật ngôn ngữ. “Giáo sư” sẽ liên hệ chúng với Toán.
Mike Geisen, giáo viên môn Khoa học đạt danh hiệu “Giáo viên của năm” 2008, cũng biến lớp học thành sân khấu kịch. Ông yêu cầu học sinh mô phỏng một quả bom nguyên tử hoặc khuyến khích các em tham gia trò chơi liên quan khoa học như sự chọn lọc tự nhiên.
“Nhờ thế, chúng sáng tạo dựa trên các kiến thức vừa học. Đó là mục tiêu cuối cùng của tôi… nhằm truyền cảm hứng cho học sinh, khơi dậy tính sáng tạo, tự chứng minh và xử lý những thông tin trong bài học”, Geisen nói.
Làm quảng cáo về các khái niệm khó
Bên cạnh diễn kịch, Geisen cũng yêu cầu học sinh làm quảng cáo về các khái niệm cụ thể như về lục lạp để giải thích quá trình quang hợp.
“Vài năm qua, điểm môn Khoa học của chúng tôi dần tăng lên. Nhưng điều khiến tôi vui nhất là những học sinh thật sự yêu thích môn này. Năm ngoái, thầy giáo tôi nói, đây là sự khác biệt lớn. Khoảng 10 năm trước, khi các cựu học sinh gặp lại giáo viên cũ, họ thường nói ‘em ghét thầy, ghét Khoa học’. Hiện tại, học sinh không chỉ có kiến thức mà còn cảm thấy hào hứng với phương pháp học mới”, một học sinh trung học nói.
Kajitani kết hợp quảng cáo với bài giảng của ông bằng cách sử dụng lời thoại quen thuộc trong các đoạn quảng cáo để giảng về tỷ lệ phần trăm.
Sử dụng sở thích để sáng tạo phương pháp mới
Mỗi giáo viên có cách riêng để thu hút sự chú ý của học sinh vào các bài học. Họ cố gắng nhìn nhận thế giới qua cách nhìn của trẻ em. Họ hiểu rõ học sinh nhỏ không phân loại việc học theo cách nhà trường làm.
Một số người muốn kích thích tinh thần sáng tạo của học trò. Họ cũng có thể tổ chức các hoạt động không liên quan giảng dạy như chạy, tập yoga để giải thích về kiến thức trong bài học.
Kết quả cuộc khảo sát bằng hình thức kiểm tra học sinh ở độ tuổi 15 do OECD thực hiện tại 76 quốc gia cho thấy, học sinh Singapore đứng đầu thế giới về trình độ Toán và Khoa học. Hong Kong và Hàn Quốc lần lượt chiếm vị trí số 2 và 3. Đứng thứ 4, 5 là Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan. Với vị trí thứ 6, Phần Lan là nước đầu tiên ngoài khu vực châu Á. Vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng thuộc về Ghana. Mỹ – nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới – gây bất ngờ khi chỉ xếp ở thứ 28, thấp hơn nhiều so với Việt Nam (vị trí 12) và Cộng hòa Czech.
(Theo Zing)