Giáo viên muốn môn Toán ‘học gì thi nấy, không đánh đố’
Nhiều giáo viên cho rằng quy định Toán là môn bắt buộc suốt 12 năm trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là cần thiết, nhưng cần thay đổi cách dạy và thi, bám sát mục tiêu học gì thi nấy, không đánh đố.
Sau khi đọc kỹ dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ông Bùi Gia Hiếu (Hiệu trưởng THPT Nhân Việt, TP HCM) nhận xét, thời lượng môn Toán tăng nhẹ so với chương trình hiện hành. Hiện mỗi năm học lớp 11-12 có 123 tiết Toán thì theo dự thảo là 140 tiết.
Đang làm nghiên cứu sinh về ngành này, ông Hiếu tìm hiểu một số mô hình giáo dục toán học ở các nước tiên tiến. Ông đánh giá định hướng nội dung môn Toán trong dự thảo là hiện đại, phù hợp với xu hướng chung khi chú trọng năng lực tư duy và lập luận, mô hình hóa toán học, năng lực giải quyết vấn đề, giao tiếp toán học… Điểm tiến bộ là muốn tạo dựng sự kết nối toán học với đời sống thực tiễn, tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, áp dụng môn học vào đời sống.
Ông Hiếu cũng ủng hộ việc quy định Toán là môn bắt buộc suốt 12 năm học bởi đây là môn khoa học cốt lõi, được vận dụng trong nhiều môn học khác. Ở nhiều nước tiên tiến, môn Toán vẫn được duy trì trong các cấp học phổ thông. “Thời lượng là ổn, định hướng đúng và hay, nhưng việc cụ thể hóa bằng chương trình giáo khoa và các tổ chức thi như thế nào mới đáng bàn”, ông Hiếu nhận định.
Video đang HOT
Học sinh 12 tại TP HCM ôn tập chuẩn bị kiểm tra THPT quốc gia 2017. Ảnh: Mạnh Tùng
Đồng tình với quan điểm duy trì Toán là môn học bắt buộc trong 12 năm học, ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du) cho rằng, cốt lõi của đổi mới chương trình phải là cách ra đề thi. Không riêng môn Toán mà ở nhiều môn học khác, đề thi không bám sát chương trình giáo khoa, nhiều câu hỏi nâng cao, đánh đố khiến học sinh bỡ ngỡ, lâu dần sợ môn học.
Do đó, song song với đổi mới nội dung, phân phối hợp lý chương trình Toán phổ thông, đề thi ở các trường cần bám sát tiêu chí “học gì thi nấy”. Chỉ những kỳ thi mang tính tuyển chọn thí sinh mới cần nhiều câu hỏi nâng cao để phân loại.
Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, lớp 10 sẽ dự hướng nghề nghiệp, lớp 11 và 12 phân hóa sâu giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Từ đó, hiệu trưởng này đề xuất môn Toán sẽ được thiết kế riêng cho từng nhóm học sinh với những hướng phát triển nghề nghiệp khác nhau. “Những em nào thiên hướng về ngành xã hội, nghệ thuật sẽ được học Toán nhẹ nhàng hơn so với các em hướng về ngành tự nhiên, kỹ thuật”, ông nêu ý tưởng.
Nhiều giáo viên cho rằng, môn Toán cần trở nên gần gũi, thiết thực với đời sống hơn. Ảnh: Mạnh Tùng
Từ thực tế nghiên cứu và giảng dạy Toán, TS Trần Nam Dũng (Khoa Toán – Tin, Đại học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP HCM) khẳng định dù học sinh định hướng chọn nghề nào thì môn học này đều cần thiết. Song, sai lầm nhất của việc dạy Toán trong chương trình phổ thông hiện nay là xem tất cả học sinh đều có nhu cầu với môn học này như nhau.
“Chúng ta nên sử dụng khái niệm môn học bắt buộc có phân hóa với Toán hay tương tự với Ngữ văn, Ngoại ngữ. Chẳng hạn có một gói kiến thức 10 chương, học sinh thiên về khoa học tự nhiên sẽ học hết các chương này thì học sinh thiên về xã hội – nhân văn chỉ cần học 5 chương”, ông Dũng nói.
Cũng theo giảng viên này, môn Toán hiện trở nên nặng nề không hẳn do sách giáo khoa mà chính là việc thi cử. Thay vì đầu tư làm các đề bài ứng dụng, gần gũi thì nhiều giáo viên lạm dụng kỹ thuật khi ra đề, thậm chí nghĩ cách làm cho đề phức tạp hơn.
Ông đề xuất ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tăng cường các bài toán tình huống trong chương trình giáo khoa mới. “Hãy làm cho học sinh cảm thấy môn Toán chính là những bài toán trong cuộc sống chứ không phải là những con số xa xôi, các em học chỉ để thi, thi rồi thì quên”, ông nhấn mạnh.
Theo VNE