Giáo viên muốn được đánh giá đúng năng lực học sinh nhưng “lực bất tòng tâm”
(GDVN) – Đừng trách những người thầy cô đang chạy theo thành tích, bởi họ cũng rất muốn được dạy thật, được đánh giá đúng năng lực học sinh nhưng “lực bất tòng tâm”.
LTS: Sức ép của bệnh thành tích trong giáo dục là nguyên nhân gây biết bao hệ lụy, để đạt được thành tích tốt sẽ sinh ra giả dối, giả tạo, đôi khi còn dối trên lừa dưới… và tìm mọi cách xây dựng, tô vẽ nên nhiều thành tích ảo, ru ngủ mọi người nguy hại hơn làm cho con người tự mãn, bằng lòng với hiện tại và ảo vọng về bản thân.
Giải quyết căn bệnh trầm kha này rất khó bởi đã ăn sâu trong tiềm thức nhiều người trong xã hội chứ không riêng gì những con người trong giáo dục mà ngay chính ở các bậc phụ huynh.
Trong bài viết này, tác giả Nguyễn Cao mạnh dạn chỉ ra nguyên nhân của căn bệnh thành tích trong giáo dục mong muốn xã hội có cái nhìn thiện cảm hơn đối với các thầy cô giáo.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Ngày 19/1 báo điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết “Lương tâm cắn rứt của người giáo viên dạy trường chuẩn quốc gia” và ngày 20/1có bài “Chỉ tiêu ảo đâu phải chỉ có ở trường chuẩn quốc gia” đã cho thấy được những “góc khuất” của ngành giáo dục, khi một bộ phận thầy cô, đơn vị cứ miệt mài chạy theo thành tích, theo các chỉ tiêu của ngành để… báo cáo.
Trước đó, ngày 8/1 trên báo Tuổi trẻ có bài “Xấu hổ vì con… 9 điểm!” khiến cho những bậc làm cha làm mẹ và dư luận phải giật mình.
Người cha xấu hổ bởi vì các bạn trong lớp của con mình đa số là 10, là bình thường, còn con mình 9 điểm đã là điểm “khác thường” chăng?
Video đang HOT
Từ những câu chuyện này cho ta thấy rằng bệnh thành tích không chỉ có trong ngành giáo dục mà nó còn tiềm ẩn ngay cả trong chính những bậc làm cha làm mẹ của các em học sinh.
Đành rằng, cha mẹ nào chẳng mong con mình học giỏi đứng thứ nhất, thứ nhì trong lớp, được thầy cô biểu dương trong các buổi họp phụ huynh.
Nhưng, chúng ta mong muốn và hướng con tới giá trị nào trong cuộc sống, có nhất thiết cứ phải là điểm 10 mới “hài lòng” và tự hào với mọi người xung quanh không?
Tôi còn nhớ, thời chúng tôi đi học (những năm cuối cùng của thế kỉ XX), khi tổng kết năm học lớp 10 chỉ có 2/54 học sinh đạt danh hiệu tiên tiến, vậy mà những học sinh trung bình ngày ấy đã lần lượt đỗ vào các trường đại học và khẳng định được cái lực học “trung bình” của mình.
Bây giờ thì sao, chỉ học sinh yếu lắm mới bị điểm tổng kết trung bình, không chỉ ở cấp tiểu học mà ngay cả các trường phổ thông hay ở các trường chuẩn quốc gia.
Giáo viên muốn được đánh giá đúng năng lực học sinh nhưng “lực bất tòng tâm” (Ảnh: tuoitre.vn)
Thầy cô giảng dạy trên lớp đến khi kiểm tra, nhiều người cho học sinh “làm lại” những bài đã giảng, đã ôn nên các trường loạn học sinh giỏi.
Học sinh giỏi nhiều đến nỗi mà khi sơ kết hay tổng kết năm học nhà trường phải khống chế phát trưởng. Chỉ phát thưởng cho học sinh loại giỏi ở buổi lễ, còn học sinh tiên tiến thì các giáo viên chủ nhiệm phát tại lớp.
Trường nào cũng chạy đua theo số liệu, tổ nào cũng cũng được nhà trường ấn chỉ tiêu, giáo viên thì sợ mình không đạt các danh hiệu thi đua, bị phê bình nên ai cũng phải cố gắng.
Đối với học sinh nhiều trường cấp Tiểu học bây giờ thi học kì và cuối năm không được điểm 10 cũng là… chuyện lạ.
Bởi trước khi thi giáo viên chủ nhiệm đưa cho một xấp đề kiểm tra, mỗi bài kiểm tra đã photo thành nhiều bản để học sinh về nhà làm đi làm lại nhiều lần.
Nhiều cha mẹ hướng dẫn, thậm chí làm cho con, rồi đến lớp thầy cô chữa lại…đến thuộc làu, khi thi thì chọn một trong các đề ấy để thi thì hỏi làm sao mà có điểm Trung bình hay yếu kém được?
Khi tổ chức thi học kì thì mặc dù các trường có bố trí thêm giám thị 2, 3 nhưng nhiều giáo viên vẫn cứ lăng xăng chạy đi, chạy lại coi học trò của mình làm bài thế nào.
Có giáo viên khi thấy học trò của mình làm sai thì thản nhiên đứng chỉ lại cho các em làm bài lại. Nhiều người đã quên đi lòng tự trọng và tự ái đối với đồng nghiệp đang coi thi chung với mình.
Dư luận sẽ đặt câu hỏi vì sao mà bây giờ học sinh Tiểu học thi chỉ toàn điểm 10, điểm 9 khi thi học kì, học sinh phổ thông thì dù điểm thi học kì có thấp cũng đa số có điểm trung bình môn giỏi hoặc khá, bởi các điểm thường xuyên và định kì của các em đã được các thầy cô “tính toán” trước.
Trong khi thực lực học của các em phần lớn chỉ ở mức bình thường (phụ huynh có thể kiểm tra ở nhà để đánh giá).
Nhưng, vì sao đạt được thứ hạng cao, đó là do cấp trên cần thành tích để báo cáo, giáo viên cần thành tích để minh chứng cho đánh giá tay nghề giáo viên và xét thi đua, cha mẹ các em cũng cần thành tích, cần giấy khen để khoe với mọi người, để khoe trên facebook, để nhận thưởng ở cơ quan, ở thôn xóm, ở dòng họ khuyến học..
Bộ GD&ĐT kêu gọi chống bệnh thành tích nhưng các cấp trên lại đưa ra chỉ tiêu cho từng đơn vị, đơn vị lại giao chỉ tiêu cho các tổ, tổ lại cho giáo viên đăng kí tỉ lệ chất lượng giảng dạy cuối năm.
Khi thực hiện giảng dạy trên lớp thì giáo viên xoay đủ kiểu để bằng hoặc cao hơn chất lượng các tổ viên trong tổ để không mang tiếng là giáo viên dạy có chất lượng thấp, lại được lòng phụ huynh mong chờ bởi các em thi được điểm giỏi.
Học sinh thích thầy cô dạy, coi thi, chấm điểm dễ. Cái vòng luẩn quẩn đó cứ xoay vòng vèo từ năm này sang năm khác. Và, bệnh thành tích của ngành giáo dục bây giờ cũng thực, ảo khó hay.
Đừng trách những người thầy cô đang chạy theo thành tích, bởi họ cũng rất muốn được dạy thật, được toàn quyền đánh giá đúng năng lực học sinh nhưng “lực bất tòng tâm” với rất nhiều những ràng buộc khác của ngành.
Bởi “bệnh thành tích” đã và đang ở ngay trong xã hội chúng ta, ở ngay trong lòng mọi người…
Theo GDVN