Giáo viên mượn danh “đổi mới”, học sinh rỗng tuếch
Đạo đức nhà giáo không chỉ nằm ở đòn roi như chúng ta vẫn quan tâm. Nhiều nhà giáo lên lớp mượn danh đổi mới, không dạy gì hết, học trò rỗng tuếch… thì có thể xem là người thầy có đạo đức?
Người thầy lên lớp chẳng làm gì
Người thầy lên lớp mượn danh đổi mới, không làm gì hết được PGS.TS Trần Thị Mai Phương đặt ra thêm góc nhìn về đạo đức nhà giáo làm vỡ òa tại Hội thảo về đạo đức nhà giáo ngày nay vừa được tổ chức tại TPHCM. Bởi lâu nay, chúng ta thường chỉ “gán” đạo đức nhà giáo với đòn roi, bạo hành, đánh đập học trò.
PGS.TS Trần Thị Mai Phương đề cập đạo đức người thầy mượn danh đổi mới, lên lớp chẳng dạy gì.
Tuy nhiên, đạo đức nhà giáo không chỉ ở bề nổi đánh hay không đánh trẻ, đó là việc không được làm. Có một vấn đề “đạo đức” khác, theo TS Mai Phương chúng ta cần quan tâm là nhiều giáo viên mượn danh đổi mới phương pháp dạy học, lên lớp không làm gì.
Trước đây GV phải dạy, phải nói đến từ đầu đến cuối, còn bây giờ nhiều người vào lớp, chia nhóm, yêu cầu học sinh mở sách vở ra đọc đi. Còn 15 phút thì mời bạn này lên nói xem đọc được những gì, bạn kia đứng lên nhận xét… thế là hết giờ, thầy ra về.
Và hậu quả, thầy quá nhàn còn học sinh chẳng biết gì. Nhất là ở trường ĐH, theo bà Phương nhiều giảng viên đang lạm dụng việc đổi mới, thầy lên lớp có khi dành hẳn nửa tiếng mở phim cho sinh viên xem, thầy không dạy gì hết.
PGS.TS Trần Thị Mai Phương
“Cuối cùng, phải nói bây giờ nhiều sinh viên ra trường rỗng tuếch. Trước các em đi dạy, tôi lo các em cháy giáo án, ôm đồm mà thiếu kỹ năng. Còn bây giờ, lên lớp 20 – 25 phút là các em không biết phải nói, phải làm gì nữa. Một người thầy lên lớp như thế thì có thể nói đó là người thầy có đạo đức nghề giáo không?”, TS Mai Phương chua chát.
Giáo dục đạo đức cho sinh viên sư phạm bị xem nhẹ
TS Nguyễn Thanh Giang, giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu bày tỏ, nỗi băn khoăn của TS Mai Phương cũng là điều ông lo lắng, chính các nhà quản lý cũng khó khăn vì không biết chuẩn nào để đánh giá.
Giáo viên họ cũng chưa có một chuẩn rõ ràng nào để phấn đấu làm một nhà giáo có đạo đức. Bộ đưa ra các chuẩn chung chung chưa đáp ứng được.
Một giáo viên ở TPHCM bày tỏ nỗi băn khoăn về đổi mới phương pháp dạy học tại một buổi nói chuyện về giáo dục Stem
Trong nghiên cứu của mình, TS Nguyễn Trúc Thuyên, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng chỉ ra mục tiêu giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong các trường sư phạm còn bị xem nhẹ, không rõ ràng hoặc là rất chung chung.
Giáo dục đạo đức nhà giáo chỉ được tích hợp với các học phần khác như Tâm lý học đại cương, giáo dục học, giao tiếp sư phạm… Hay có trường đưa vào môn na ná, chưa thực sự là môn đạo đức nghề giáo nhưng cũng chỉ là môn tự chọn.
PGS.TS Trần Thị Mai Phương nhấn mạnh, không đánh học học trò là bước thấp nhất của hành vi đạo đức con người, hiến pháp đã quy định. Với đạo đức nghề giáo chắc chắn người thầy phải thể hiện được hiệu quả quá trình dạy học mà bản chất là lãnh đạo, quản lý người học.
Đạo đức phải được hình thành bằng sự tu thân của mỗi con người, là quá trình tự bồi dưỡng. Để làm được điều này rất cần sự hậu thuẫn của tổ chức, các nhà quản lý, đồng nghiệp… Cần các tiêu chí rõ ràng và minh bạch trong đánh giá GV và có một kênh rất quan trọng các nhà quản lý cần quan tâm chính là phản hồi ngược từ học sinh.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Từ những cái tát trong giáo dục: Cần xây dựng kỷ luật không nước mắt
Dùng đòn roi để dọa nạt giáo dục khó có hiệu quả, gây tổn thương tới trẻ. Điều cần làm là xây dựng hình thức kỷ luật không nước mắt.
Những ngày gần đây, xã hội không khỏi bức xúc khi liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực của giáo viên với học sinh ngay tại lớp học, diễn ra tại nhiều địa phương. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) đã có chia sẻ về vấn đề này.
PV: Là người đứng đầu Cục trẻ em - cơ quan có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc trẻ em, ông có chia sẻ gì về hàng loạt các vụ bạo hành diễn ra trong nhà trường thời gian gần đây?
Ông Đặng Hoa Nam: Đây là những sự việc thực sự đau lòng, các em bị bạo hành trong chính trường học - nơi được coi là an toàn với trẻ. Không chỉ là giáo viên bạo hành trẻ, mà còn tổ chức cho các học sinh khác bạo hành khiến không chỉ một học sinh chịu bạo hành mà nhiều học sinh khác cũng chịu tổn thương.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH)
Ngành giáo dục cần có những giải pháp căn cơ và quyết liệt hơn nữa để phòng ngừa bạo lực trong trường học. Hiện nay cũng ta vẫn thiên về giải quyết theo từng vụ việc, nhưng muốn phòng ngừa về lâu về dài, thì cần phân tích các nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bạo lực trong trường học, từ đó đưa ra các cách giải quyết phù hợp.
Nguyên nhân của những vụ bạo lực gần đây bắt đầu từ chủ thể là người dạy học. Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay do học sinh ngỗ ngược, không tuân thủ theo nội quy của trường, khiến giáo viên bị áp lực trong triển khai các biện pháp giáo dục và dạy dỗ các em.
Nhưng theo tôi, nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ đạo đức của nhà giáo. Không có quốc gia, ngành giáo dục nào cho phép thầy bạo hành trò, đặc biệt trong xã hội văn minh, khi chúng ta có hiến pháp, pháp luật tôn trọng và bảo vệ quyền con người, không đạo lý nào cho phép giáo viên gây tổn thương và xúc phạm đến học sinh.
Do vậy chúng ta cần xem xét lại việc tuyển dụng đầu vào của các trường sư phạm,tuyển chọn giáo viên của các trường học hiện nay.
Vấn đề thứ hai là đào tạo chuyên môn và cập nhật kiến thức về chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, truyền đạt, giáo dục học sinh trong nhà trường đang có vấn đề. Cần giảng dạy cho các giáo viên kỹ năng, kiến thức về kỷ luật không bạo lực trong lớp học. Hiện nay tại các thành phố như Đà Nẵng, TP HCM đã bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên kỹ năng giúp học sinh có kỷ luật nhưng nói không với bạo lực, kỷ luật không nước mắt.
Thứ 3, giáo viên không chỉ cần hiểu về quy chế trường học, mà còn cần hiểu về quyền trẻ em, pháp luật về xử phạt hành chính, luật hình sự. Những vụ bạo lực vừa rồi, giáo viên hoàn toàn không hiểu về quyền của trẻ em và quyền đó cần được tôn trọng. Đừng lấy danh nghĩa kỷ luật để hạ thấp, xúc phạm danh dự của trẻ, gây tổ thương về mặt thân thể, tâm lý cho trẻ. Trong các trường sư phạm cũng cần đưa Luật Trẻ em vào giảng dạy để giáo viên có thêm hiểu biết về vấn đề này.
Nhìn lại tổng quan, ngay khi sự việc cô giáo tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) yêu cầu học sinh trong lớp tát bạn 230 cái chưa lắng xuống thì ngay lại thủ đô và các địa phương khác liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ. Tôi cho rằng những giáo viên này có vấn đề về tâm lý.
Ngành giáo dục đã bắt đầu triển khai hoạt động tư vấn tâm lý học đường, nhưng cần triển khai tích cực hơn nữa kết hợp với công tác xã hội trong trường học.
Tâm lý học đường không chỉ là giải quyết các vấn đề về tâm lý học sinh, mà là giải quyết các vấn đề về tâm lý trong môi trường giáo dục như quan hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, giáo viên với phụ huynh, giáo viên với ban giám hiệu.... Trong đó, giáo viên là đối tượng cần được ưu tiên trong hoạt động tư vấn.Trách nhiệm về công tác tâm lý học đường là của ngành giáo dục, về công tác xã hội trong trường học, Bộ GD-ĐT phải phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH để triển khai các dịch vụ hỗ trợ xã hội nhằm hỗ trợ cho giáo viên, ban giám hiệu giải quyết các vấn đề một cách tốt nhất. Nó phải trở thành dịch vụ cơ hữu không thể thiếu trong trường học.
Tiếp nữa, dư luận xã hội cũng cần hiểu đúng về sự cao quý của nghề giáo. Nghề giáo rất cao quý nhưng giáo viên không phải là công dân đặc biệt, khi giáo viên vi phạm pháp luật và gây tổn thương cho học sinh của mình thì tùy theo mức độ tổn thương, giáo viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bao gồm cả xử phạt hành chính bằng tiền cũng như xử lý hình sự.
PV: Để làm tốt công tác bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH, cụ thể là Cục trẻ em sẽ có sự phối hợp ra sao cùng Bộ GD-ĐT?
Ông Đặng Hoa Nam: Quy định về bảo vệ trẻ em, hỗ trợ các trẻ em bị bạo lực xâm hại đã có trong Luật Trẻ em và Nghị định 56 của Chính phủ. Vấn đề là chúng ta cần có quy trình thống nhất để Bộ GD-ĐT hướng dẫn cho tất cả các trường học, hiệu trưởng, giáo viên, các cán bộ quản lý khác từ cấp Sở... Khi trẻ em bị xâm hại trong trường học có nghĩa cũng trẻ em cần được bảo vệ.
Trong Nghị định 56 quy định khi xảy ra những sự việc xâm hại trẻ em cần cung cấp ngay thông tin, thông báo đến cơ quan chức năng để phối hợp hỗ trợ bảo vệ nạn nhân.
Nhiều nhà trường không muốn cung cấp thông tin ra bên ngoài mà tự giải quyết. Nhưng ban giám hiệu và cá nhân không thể giải quyết được những vụ việc bạo lực trẻ em, mà nên có sự phối hợp với các cơ quan cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em,cơ quan công an để nhanh chóng xác minh mức độ vi phạm.
Bộ GD-ĐT cần phối hợp với chúng tôi để có quy trình riêng, thống nhất trong xử lý các vụ xâm hại trẻ em tại trường học. Không thể mỗi trường hợp lại có một công văn hướng dẫn.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Theo vov
Giáo viên mầm non phải làm 12 loại sổ sách, sao không căng thẳng? Chỉ tiêu bao nhiêu học sinh giỏi, tỉ lệ học sinh lên lớp, phong trào thi đua, hồ sơ sổ sách... tất cả đều tạo nên áp lực cho nhà giáo dẫn đến hành vi ứng xử tiêu cực. Đạo đức nhà giáo lung lay trước áp lực công việc, cuộc sống là vấn đề được đề cập tại hội thảo "Đạo đức...