Giáo viên môn phụ như ‘mớ cá bán chợ trưa’?
Biết môn mình dạy bị coi là môn phụ, chúng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác tủi hờn khi trong giờ dạy của mình, không ít học sinh đem sách toán, lý ra để học.
Thí sinh hoàn thành bài thi môn lịch sử tại hội đồng thi cụm thi Trường đại học Sư phạm TP.HCM kỳ thi THPT quốc gia 2016 – Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Tôi là giáo viên dạy lịch sử một trường cấp ba. Những năm gần đây, học sinh đạt điểm khá thấp trong các kỳ thi khiến dư luận đổ xô vào chỉ trích giáo viên dạy khô khan, chưa lôi cuốn được học sinh.
Nhưng mấy ai hiểu rằng thực trạng các em quay lưng với môn sử và nhiều môn phụ khác còn có lý do lớn hơn – vì đó là môn phụ.
Học trò học đối phó…
Với những em học khối A, khối B, khối D thì các môn như lịch sử, địa lý… là những môn “râu ria”, không cần đầu tư nhiều thời gian, công sức.
Chúng tôi tự hiểu ngầm với nhau như thế và cũng thông cảm cho các em, đôi lúc các em không thuộc bài vẫn cho nợ, cho khất lần sau. Nếu lần hai, lần ba các em vẫn chưa trả nợ được thì đành tự “chêm” điểm vào sao cho đẹp mắt.
Nhiều khi trong giờ giảng của mình, tôi vẫn mắt nhắm mắt mở để các em đem sách môn khác ra làm bài tập.
Không phải nói quá nhưng thực sự theo tôi thấy, địa lý, lịch sử, giáo dục công dân… là những môn bị xã hội nói chung, học sinh và phụ huynh nói riêng mặc định là môn phụ. Mà đã là môn phụ thì những tiết dạy trôi qua rất nặng nề, nhạt nhẽo.
Học sinh thường chú tâm học các môn để thi đại học là chính. Các em xem nhẹ môn phụ nên bất hợp tác trong quá trình dạy và học. Chuyện các em không thuộc lòng, chuyện kiểm tra 15 phút hay một tiết chủ yếu để đối phó đã là chuyện thường.
Tôi thường dành khá nhiều tâm huyết để chuẩn bị cho bài giảng dù biết trong lớp chỉ có 5-10% còn lắng nghe. Tôi vẫn thường tìm sách, truy cập Internet, chọn lọc các câu chuyện lịch sử để lồng ghép vào bài giảng cho đỡ nhàm chán, căng thẳng.
Tuy nhiên, dù không khí buổi học có vui vẻ hơn, thoải mái hơn, nhưng tôi biết các em chỉ học đối phó.
Video đang HOT
Có lúc tôi cảm thấy thèm những giờ dạy mà cô trò cùng hào hứng, cùng chờ đợi, đón nhận. Nhất là năm lớp 12, khi các em đã hình thành khá rõ khối thi cũng như hướng đi của mình thì những môn phụ giống như có cũng được, không có cũng chẳng sao, dạy thì thừa, không dạy thì thiếu…
Sự phân biệt rạch ròi giữa môn chính – môn phụ khiến những thầy cô giáo môn phụ cảm thấy bị coi thường, luôn đứng bên lề, “vai phụ” mà thôi.
Bình thường thì thế, đến ngày 20-11, nếu như những thầy cô giáo dạy môn toán, lý, hóa, tiếng Anh… được phụ huynh và học sinh hết lòng săn đón thì những thầy cô giáo môn phụ cảm thấy bị… hẩm hiu, “ế ẩm” kinh khủng.
Có đồng nghiệp dạy địa lý từng ví von: “Chúng ta dạy môn phụ không khác gì mớ cá bán chợ trưa là mấy”. Mọi người cùng cười, nhưng tôi hiểu có những nụ cười đắng chát.
Nhìn những thầy cô môn chính được các trò nể sợ, đôi lúc chúng tôi cũng thèm, cũng ngưỡng mộ. Tôi được biết không ít giáo viên môn phụ đã phải đi làm thêm như bán hàng qua mạng để đủ chi tiêu, “khéo co thì ấm”.
Phụ huynh cũng coi thường
Thực tế phụ huynh thời nay thường đầu tư thời gian, tiền bạc cho con tập trung học các môn chính để thi đại học. Họ nghĩ rằng giỏi các môn toán, lý, hóa… mới có nghề trong tương lai. Còn mấy môn như giáo dục công dân, sử, địa thì học lúc nào chẳng được?
Chính vì bị phân biệt đối xử kiểu “nhất bên trọng, nhất bên khinh” như thế, đôi lúc chúng tôi cũng cảm thấy tủi với nghề lắm.
Bấy lâu nay, người ta vẫn nói nhiều đến việc dạy kỹ năng cho học sinh, dạy những đức tính tốt, dạy lịch sử để các em hiểu được giá trị của lịch sử… Nhưng cuộc sống dường như thực dụng hơn, các bậc phụ huynh cũng thực tế hơn.
Họ có lý do để xem nhẹ và ghẻ lạnh môn phụ. Chúng tôi than phiền vì học sinh không chịu học môn phụ nhưng nhìn lại, đó là thực trạng chung của cả xã hội chứ không riêng gì trường nào, lớp nào, thầy cô nào.
Biết là thế, nhưng sao tránh được cảm giác tủi hờn khi trong giờ dạy của mình không ít học sinh đem sách toán, lý ra để học? Làm sao có thể không buồn khi các em thanh minh rằng: “Tuần sau chúng em có tiết kiểm tra toán 45 phút, nên em đang ôn chút cô ạ”.
Nhìn những gương mặt hồn nhiên của các em cứ giấu sách hóa, sách toán, tiếng Anh trong ngăn bàn, thi thoảng lại kéo ra để đọc, hí hoáy làm bài tập, tôi thấy chạnh lòng.
Rồi triền miên cảnh ở trên giáo viên cứ giảng, ở dưới trò ngó lơ. Có em ngồi nghịch điện thoại, có em làm việc riêng, có em gục xuống bàn ngủ. Hỏi sao không buồn khi các em không quan tâm đến môn phụ?
Dĩ nhiên môn phụ bị coi thường thì giáo viên môn phụ cũng bị xem nhẹ, lời nói của chúng tôi vì thế cũng không còn nhiều trọng lượng.
Để rồi không ít giáo viên cảm thấy đang từng ngày để mất đi sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề, không còn đầu tư công sức chuẩn bị giáo án, những giờ giảng chất lượng nữa. Bởi có đầu tư giờ dạy hay nhưng các em đâu có đón nhận?
Phụ huynh cũng không quan tâm nhiều điểm số các môn phụ của con, chỉ cần đủ điểm, thi qua là được. Các em cảm thấy không cần học nhưng vẫn đủ điểm do giáo viên nương tay.
Thi thoảng tôi cũng lóe lên suy nghĩ làm sao để cứu rỗi tâm hồn của các em, muốn các em đón nhận môn phụ một cách vui vẻ, trân trọng. Không thể buông lỏng các em muốn học gì thì học, muốn làm gì thì làm, năm này qua năm khác xem nhẹ, ngó lơ môn phụ…
Nhưng rồi lại nghĩ để thay đổi thực trạng này không phải là dễ trong ngày một, ngày hai. Khi mà xã hội vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử rõ rệt giữa môn chính, môn phụ thì rất khó để phụ huynh và các em học sinh biết yêu và tôn trọng môn phụ.
Theo tuoitre.vn
Gạc Ma: Trách nhiệm của giáo viên dạy Lịch sử phải tôn trọng sự thật
Trong khi SGK phổ thông Lịch sử hiện hành chưa có sự kiện Gạc Ma, trách nhiệm của giáo viên Sử phải cung cấp cho học trò những kiến thức căn bản nhất trên tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử.
Trong khi sách giáo khoa phổ thông Lịch sử hiện hành chưa có sự kiện Gạc Ma, trách nhiệm của giáo viên Sử phải cung cấp cho học trò những kiến thức căn bản nhất trên tinh thần tôn trọng sự thậ
Sự thật lịch sử luôn mãi là sự thật
Ngày 14/3/1988, quân đội Trung Quốc đã đánh chiếm đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) của Việt Nam. Tròn 30 năm sau (14.3.1998- 14.3.2018 ), vì nhiều lý do khác nhau mà người ta đã quên dần sự thật lịch sử này. Nhưng, những người thân của các liệt sỹ Gạc Ma và cả những đồng đội còn sống sót sau sự kiện đó vẫn không thể và không bao giờ quên nỗi đau đó.
Trong 30 năm, thời gian quá dài và quá đủ để chúng ta nhìn nhận lại một sự thật hiển nhiên. Đáng để chúng ta phải trăn trở là tại sao một sự kiện như thế nhưng không hề được nhắc đến trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành, dù nó được viết, bổ sung, chỉnh sửa và tái bản nhiều lần sau khi sự kiện này xảy ra.
Thầy Trần Trung Hiếu tại Lễ Khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Với cách nhìn nhận của một giáo viên Sử, tôi thiết nghĩ trong chiến tranh, sự hy sinh, mất mát cũng là lẽ thường tình. Lâu nay, người ta thường nhắc đến sự kiện này là "hải chiến Trường Sa", tôi thấy như thế là chưa thỏa đáng. Sự thật những gì đã xảy ra vào sáng 14/3/1988, tôi nghĩ phải dùng động từ "xâm chiếm" và "thảm sát" mới phản ánh đầy đủ, chính xác những hành động tàn bạo của Hải quân Trung Quốc.
Cuộc chiến xảy ra trong điều kiện về tương quan lực lượng chênh lệch, giữa một bên là hàng ngàn quân đội Trung Quốc với nhiều tàu chiến và vũ khí hặng nặng để tấn công và thảm sát những người lính công binh làm nhiệm vụ xây dựng cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Trung đoàn Công binh 83 (quân chủng Hải quân) và lực lượng giữ đảo Lữ đoàn 146 ( Vùng 4 Hải quân).Trong bối cảnh như thế, những người sẵn sàng ra đảo Gạc Ma cắm cờ Tổ quốc và xác lập chủ quyền đều xứng đáng là những người anh hùng.
Sự thật là Quần đảo Hoàng Sa đã mất 44 năm và đảo Gạc Ma đã bị chiếm đóng trái phép 30 năm qua vẫn không thể tách rời với Tổ quốc.
Vấn đề về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa đã được các nhà nước phong kiến Việt Nam xác lập, thực hiện quyền kiểm soát, quản lý, cai trị và khai thác hai quần đảo đó với tư cách nhà nước. Quyền làm chủ và cai trị của các chính quyền kế tiếp khác nhau ở Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa là thực sự, rõ ràng, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
25 năm công tác, tôi đã từng được dạy qua 2 bộ chương trình và nội dung SGK. Dù có những đổi mới, bổ sung, chỉnh sửa trong những lần tái bản, nhưng chương trình và SGK hiện hành vẫn luôn né tránh nhiều sự kiện (hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974; chiến tranh biên giới Tây-Nam 1975-1978; chiến tranh biên giới phía Bắc 1979-1989; sự kiện thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988...). Thậm chí nếu có viết cũng quá sơ sài, khiến cho chính những đồng nghiệp dạy môn Sử phổ thông chúng tôi trên nhiều trường THPT, THCS, khi hỏi đến kiến thức này cũng rất mơ hồ.
Trách nhiệm của giáo viên dạy Sử phổ thông.
Trong phần lớn thời gian và lưu lượng kiến thức phần lịch sử dân tộc trong sách giáo khoa Lịch sử xưa và nay, nội dung các cuộc kháng chiến để giành và giữ nền độc lập dân tộc luôn chiếm thời lượng lớn.
"Nguyên tắc vàng" của khoa học lịch sử là tái hiện lại quá khứ với bộ mặt vốn có của nó. Gạc Ma là một sự kiện lịch sử đã xảy ra, dù nguyên nhân, diễn biến và kết quả của sự kiện đó như thế nào thì nó chúng ta vẫn phải tôn trọng sự thật. Nhận thức lịch sử là một quá trình và 30 năm qua- một khoảng thời gian quá đủ để chúng ta bình tĩnh nhìn nhận, đáng giá một cách khách quan.
Trong khi sách giáo khoa phổ thông Lịch sử hiện hành chưa có sự kiện Gạc Ma, trách nhiệm của giáo viên Sử phải cung cấp cho học trò những kiến thức căn bản nhất trên tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử.
Nhắc lại sự kiện Gạc Ma 30 năm trước không phải là việc nhằm khơi sâu mối thù hằn dân tộc và phá vỡ quan hệ láng giềng với Trung Quốc sau nhiều năm thăng trầm trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa.
Chúng ta ôn lại để nhắc nhở thế hệ trẻ không nên ảo tưởng về những câu khẩu hiệu, những ngôn từ ngoại giao của các chính khách . Bài học mất nước thời An Dương Vương và bài học mất đảo Gạc Ma 30 năm qua luôn tươi nguyên giá trị trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc hiện nay.
Nhắc lại để thế hệ trẻ cần phải biết tôn vinh, tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân đã ngã xuống vì Tổ quốc, để sống có trách nhiệm hơn và yêu Tổ quốc hơn. Nhắc nhở không để kích động hận thù mang tính cực đoan với nước láng giềng mà từ sự thật lịch sử đó để chúng ta có thể rút ra những bài học lịch sử quý giá trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo cả trong hiện tại và tương lai. Ghi nhớ nỗi đau để chúng ta trân trọng hòa bình, để ký ức về Gạc Ma không bao giờ bị xóa nhòa trong lòng mỗi người con đất Việt.
Theo Dân Trí
Chê lương thấp, SV tâm lý không chịu về trường? 'Hiện nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM đã triển khai các phòng tham vấn tâm lý. Thế nhưng không phải trường nào cũng có điều kiện, tuyển dụng chuyên trách nên nhiều trường đã phải bố trí các giáo viên trong trường kiêm nhiệm công tác này'. TS Nguyễn Thị Bích Hồng, khoa tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM...