Giáo viên mầm non sẵn sàng… “nhảy”!
Giáo viên mầm non sẵn sàng bỏ nghề đi làm tạp vụ trong nhà hàng, khách sạn, nhân viên văn phòng, bán hàng, thậm chí… tiếp thị bia, mở quán ăn đang là một thực trạng đáng buồn đối với ngành giáo dục.
Đinh Hoàng Vân (sinh năm 1987) tốt nghiệp ngành mầm non Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM cách đây hai năm. Có năng lực, vốn tiếng Anh tốt, năng động và nhiều tài lẻ, Vân không chọn trường công mà đầu quân về một trường tư thục lớn ở Q.6 với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng cùng nhiều đãi ngộ. Sau hai năm, phát hiện mình không thể gắn bó với nghề, chị bỏ ngang và chuyển sang học văn bằng hai ngành dược với mong muốn đổi nghề.
“Dứt áo ra đi”, vì đâu?
Vân tâm sự: “Cũng đồng lương đó, người ta làm 8 giờ/ngày, còn giáo viên mầm non phải làm 12 giờ, tối về còn chuẩn bị học cụ cho buổi dạy hôm sau. Công việc chuyên môn đòi hỏi quá nhiều, chiếm hầu hết thời gian. Tôi rất tiếc quãng thời gian mấy năm vừa rồi khi chọn không đúng nghề”.
Hàng trăm giáo viên nghỉ việc Tại TP.HCM, năm học vừa qua có 422 cán bộ quản lý, giáo viên, bảo mẫu, nhân viên các trường mầm non công lập nghỉ việc. Trong đó có bảy cán bộ quản lý, 236 giáo viên và 179 cán bộ công nhân viên ở trường mầm non công lập xin nghỉ việc. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, sở dĩ tình trạng thiếu cán bộ quản lý và giáo viên làm việc trong ngành mầm non cùng sự “ra đi” của hơn 400 cán bộ, giáo viên là do thu nhập thấp (tổng thu nhập 1,8-2,4 triệu đồng/người/tháng), thời gian lao động dài hơn 12 giờ/ngày (từ 6g30-18g), cường độ lao động quá tải (sĩ số cao, công việc phức tạp), hoàn cảnh gia đình khó khăn…
Theo Vân, khoảng 50% bạn bè cùng lớp với chị đã chuyển sang nghề khác, nhất là những bạn đã lập gia đình thì không ai bám trụ với nghề giáo viên mầm non được nữa. Vân nói: “Những giáo viên mới ra trường như chúng tôi rất hụt hẫng vì trong quá trình thực tập, giáo sinh chỉ đứng xem là chủ yếu, còn ra trường phải đứng lớp, chịu trách nhiệm lớn với hàng chục đứa trẻ nên phải yêu nghề và lăn lộn, kiên trì lắm mới có thể trụ được”.
Trong khi đó, khá nhiều giáo viên mầm non ở trường công nghỉ việc chuyển sang làm việc tại trường tư có thu nhập cao hơn. Nhưng ngay cả ở các trường tư thục có thu nhập cao hơn trường công lập, tình trạng giáo viên bỏ ngang cũng rất phổ biến.
Video đang HOT
Một hiệu trưởng trường mầm non tư thục tại quận Tân Bình (TP.HCM) chua xót kể: “Có giáo viên của tôi bỏ ngang, đi làm nhân viên văn phòng lương 4 triệu đồng/tháng, trong khi ở trường mầm non cô được lo ăn sáng ăn trưa, nghỉ thứ bảy, chủ nhật và ngoài lương 3 triệu đồng còn có phụ cấp, phúc lợi đầy đủ. Có người đã bỏ nghề mầm non vì quá vất vả rồi chuyển sang làm tiếp thị bia cho một công ty với chỉ tiêu được giao hằng ngày hết sức căng thẳng”.
Bà Đỗ Kim Lệ, chủ Trường mầm non Thiên Thần Nhỏ (huyện Nhà Bè), khẳng định: “Nỗi lo thường trực của các trường mầm non là nguồn giáo viên không ổn định. Nhiều cô được trường cử đi học nâng cao nhưng học xong lại chuyển sang trường khác có thu nhập cao hơn. Số giáo viên ở trường thay đổi hằng năm và suốt năm năm qua chỉ có một giáo viên và hai bảo mẫu là vẫn làm việc ở trường kể từ ngày thành lập. Còn lại có những giáo viên làm vài tháng đã đi”. Ở trường này khi có giáo viên đột ngột nghỉ việc, hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải đứng lớp trong khi chờ tuyển người mới.
Một buổi học của cô trò Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM). Nhiều trường mầm non công lập luôn đau đầu tìm người thay thế khi giáo viên đột ngột bỏ ngang.
Hiệu trưởng kêu trời
Ông Ngô Ngọc Luyến, chủ hệ thống Trường mầm non Nam Mỹ (Q.7), cho biết số giáo viên xin nghỉ, xin chuyển đi trong hệ thống này thường chiếm tới 40% số giáo viên được tuyển dụng, trong đó khoảng 10% chuyển hẳn sang ngành nghề khác. Nguyên nhân nghỉ việc mà ban giám hiệu nhận được rất phong phú: về quê lấy chồng, chuyển nghề khác thu nhập cao hơn, cảm thấy không thích hợp với nghề…
Trong khi đó, “ngày càng nhiều trường tư thục mở ra nên nhu cầu nhân sự rất lớn. Có trường phải nhờ “cò” về các tỉnh kiếm giáo viên, bảo mẫu” – một hiệu trưởng trường mầm non tư thục cho biết. Theo hiệu trưởng này, có giáo viên gọi điện vào số của hiệu trưởng để hỏi vì sao nộp hồ sơ gần hai tháng mà trường vẫn chưa tuyển dụng và dọa kiện nhà trường, có cô nghỉ ngang nhưng vẫn dọa kiện nếu trường không giải quyết chế độ bảo hiểm trong một tuần.
Trước thực tế này, một cán bộ phụ trách mầm non ở Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, từng nhiều năm làm hiệu trưởng trường mầm non công lập, chia sẻ: “Phải dùng tình cảm để giữ giáo viên, thông cảm, chia sẻ với họ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ thì công việc mới bền. Nếu không có niềm tin ở ban giám hiệu, giáo viên dễ nhảy sang những nơi lương cao hơn. Công việc vất vả, cực nhọc nên họ cũng mong mỏi quyền lợi và sự động viên. Theo kinh nghiệm của tôi, không chỉ là lương mà giáo viên thường bỏ đi khi không được chia sẻ”.
Hiệu trưởng một trường mầm non khác cũng thừa nhận: “Sự quan tâm, chia sẻ lúc khó khăn tuy nhỏ nhưng tiền bạc không thể nào sánh được. Có nhiều giáo viên rất giỏi, vừa giỏi chuyên môn, nhạc họa và tiếng Anh trôi chảy, nhận được nhiều lời mời với mức lương hấp dẫn từ trường khác, nhưng vẫn không bỏ học sinh nếu họ tin tưởng và quý mến nhà trường, đồng nghiệp”.
Theo TT
Khó giữ giáo viên mầm non
Lương thấp cùng nhiều khoản thu ít ỏi khiến các trường mầm non ở TPHCM gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm bữa ăn cho trẻ và giữ giáo viên.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết toàn TP hiện có hơn 293.000 trẻ trong độ tuổi mầm non với 759 trường mầm non trong khi chỉ có trên 10.000 giáo viên và 9.066 lớp. Trung bình chỉ có 1,19 giáo viên quản lý một lớp. Như vậy, TP còn thiếu tới 7.253 bảo mẫu, 24 cán bộ quản lý và 783 giáo viên. Đó là chưa nói đến đội ngũ cán bộ y tế. Sĩ số tại các trường công lập cũng rất cao do thiếu trường lớp, khu vực nội thành có nơi lên tới 50-60 trẻ/lớp, ngoại thành từ 40-45 trẻ/lớp. Đã vậy, năm học vừa qua có hơn 400 cán bộ quản lý và giáo viên giáo dục mầm non nghỉ việc. Tất cả những vấn đề trên đã được đặt ra trong buổi làm việc mới đây giữa Sở GD-ĐT với HĐND TP.
Vòng luẩn quẩn
Bà Chung Bích Phượng, Phó trưởng phòng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, nêu ví dụ: Cùng làm một hồ sơ để thanh tra theo yêu cầu, cũng tổng kết, ghi nhận các hoạt động của trẻ từ sáng đến tối nhưng giáo viên mầm non chỉ nhận được 20.000 đồng/bộ trong khi mức thu này ở các cấp khác đến 200.000 đồng/bộ. Nhiều cán bộ không có phụ cấp kiêm nhiệm nhưng vẫn phải bảo đảm tất cả mọi hoạt động ở trường.
"Yêu cầu nhân viên cấp dưỡng phải có trình độ trung cấp nấu ăn nhưng khi nhà trường mất tiền đưa họ đi học xong thì họ đi nơi khác ngay vì làm ở trường lương quá thấp, chưa được 1,4 triệu đồng/tháng. Vòng luẩn quẩn đó khiến các trường không thoát ra được" - bà Phượng nói.
Bất cập nhất là các mức thu trong quy định có từ năm 1996 nay đã quá lạc hậu. "Ngành GD-ĐT kiến nghị HĐND và UBND TP xem xét để nâng mức thu bán trú tại các trường, tối thiểu là 150.000 đồng/tháng, tối đa là 200.000 đồng/tháng; nâng vệ sinh phí từ 15.000 - 20.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, bảo mẫu phải được đưa vào diện hưởng lương"- bà Thanh nói.
Một giờ chơi của trẻ tại Trường Mầm non 7, quận 3 - TPHCM
Lương cao vẫn khó tuyển
Bà Đỗ Kim Lệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Thiên Thần Nhỏ (huyện Nhà Bè), cho biết trường trả lương cao để hút giáo viên nhưng tuyển rất khó. Giáo viên đang công tác tại trường tư thục cũng xin ngành GD-ĐT công nhận họ bằng quyết định phân công công tác để "còn có danh phận" vì dù là công lập hay ngoài công lập cũng là chung trong ngành GD-ĐT. Mặt khác, ngành GD-ĐT nên mở các lớp đào tạo bảo mẫu miễn phí cho những em tốt nghiệp THCS, THPT mà không có điều kiện học tiếp để giải quyết nhu cầu thiếu bảo mẫu.
Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, cho biết để giải quyết khó khăn về y tế học đường, trước mắt các trường không nhất thiết phải có y, bác sĩ mà có thể thuê và hợp đồng bên ngoài. HĐND TP sẽ bàn với Sở Nội vụ về việc chấp nhận những giáo viên có KT3 được giảng dạy trong khu vực nội thành.
Xem lại cách bố trí con người Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, đặt vấn đề: Cùng một TP mà ở các trường có sự chênh lệch khá lớn. Có nơi các cô có trình độ ĐH, CĐ phải làm việc của bảo mẫu (như dọn dẹp vệ sinh) trong khi nơi khác lại kiếm không ra bảo mẫu. Ngành giáo dục nên xem lại cách bố trí con người đồng thời thống kê số cán bộ y tế trong trường mầm non để biết nhu cầu. Bà nêu rõ: Nếu HĐND TP quyết định nâng mức thu bán trú và phí vệ sinh thì sẽ sử dụng nguồn thu đó như thế nào vì trước đây dù thu ít vẫn duy trì được; muốn thu cao thì phải cụ thể, chi tiết mới thuyết phục được phụ huynh. Một số công trình trường học chưa khởi công được thì HĐND TP sẽ tiếp tục làm việc với UBND TP để xem xét vì quan điểm của TP là hỗ trợ tối đa cho giáo dục.
Theo BĐVN
TPHCM: Hàng trăm giáo viên mầm non nghỉ việc do thu nhập thấp Từ đầu năm học 2011 đến nay đã có 422 giáo viên, quản lý và nhân viên ngành mầm non nghỉ việc do thu nhập quá thấp, công việc quá tải. Thành phố đang thiếu nhân lực ngành mầm non một cách trầm trọng. Những khó khăn trong giáo dục mầm non hiện nay được Sở GD-ĐT TPHCM đề cập trong buổi làm...