Giáo viên mầm non bỏ việc vì chậm lương
Một cán bộ phải quản lý hơn 100 cơ sở mầm non, giáo viên bỏ nghề vì phải chờ lương nhiều tháng là thực trạng tại quận Thủ Đức, TP.HCM.
Theo Phòng GD&ĐT quận Thủ Đức, đến tháng 9/2016, quận có 21 trường công lập, 90 trường tư thục, 98 nhóm trẻ độc lập với hơn 26.000 học sinh. Đó là còn chưa kể một số lượng khổng lồ các nhóm trẻ gia đình với 239 điểm trông giữ.
Thiếu cả cán bộ quản lý lẫn giáo viên
Bình Chiểu là phường có số điểm giữ trẻ gia đình cao kỷ lục với 78 điểm, tiếp đó là các phường như Linh Trung (27 điểm), Tam Phú (19 điểm), Linh Chiểu (17 điểm)…
Theo đánh giá của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM, đây là một trong những quận, huyện có nhu cầu chỗ học mầm non cao nhất thành phố.
Nhiều giáo viên mầm non muốn bỏ việc vì bị nợ lương. Ảnh: Infonet.
Trong khi đó, nhân sự làm công tác quản lý giáo dục mầm non hiện nay chỉ có một phó trưởng phòng phụ trách bậc học mầm non và một chuyên viên tổ mầm non. Như vậy, nếu chia đều khối lượng công việc, mỗi người phải chịu trách nhiệm quản lý hơn 100 cơ sở, với trên 13.000 học sinh đang theo học
Về giáo viên, sau khi kết thúc hai đợt xét tuyển viên chức năm học 2016-2017, toàn quận còn thiếu 56 giáo viên công lập và 220 giáo viên ở các trường ngoài công lập.
Có trường hợp như Mầm non Hoa Đào (phường Linh Xuân) vừa khánh thành đầu năm học 2016 – 2017 với quy mô 14 lớp nhưng hiện phải dừng tuyển sinh lớp thứ 14 do thiếu giáo viên.
Giáo viên phải bỏ việc vì bị nợ lương
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Đào, hiện nay, giáo viên mới tuyển dụng ở Thủ Đức phải trải qua thời gian tập sự 6 tháng, nhưng làm đến tháng thứ tư hoặc thứ năm mới được truy lĩnh lương.
Video đang HOT
Bà Hằng cho biết công việc của giáo viên mầm non rất vất vả nhưng lại không được nhận lương khiến một số người chán nản bỏ nghề. Các trường đã thiếu giáo viên lại càng thêm thiếu hụt. Dù đơn vị đã tạm ứng một phần tiền cho các giáo viên này, về lâu dài, chính quyền địa phương không hỗ trợ trả lương cho thầy cô từng tháng (kể cả thời gian tập sự) sẽ không thể giữ được giáo viên.
HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết 01 năm 2014 về hỗ trợ giáo dục mầm non, theo đó, giáo viên mới ra trường sẽ được hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng đối với năm đầu tiên công tác và 70% lương cơ sở/người/tháng đối với năm thứ hai. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến nay, giáo viên mới ra trường tại Thủ Đức vẫn chậm nhận được tiền hỗ trợ này?
Theo Bạch Dương / Infonet
Đề xuất học sinh vào đội tuyển quốc gia được tuyển thẳng ĐH
Để có thể lựa chọn được những học sinh giỏi thực sự vào đội tuyển quốc gia, Bộ GD&ĐT cần có cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích.
Hôm nay (29/9), tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2016.
Để khuyến khích cũng như chọn được những học sinh thực sự giỏi, các trường mong muốn có một cơ chế đặc thù dành cho trường chuyên cũng như cho học sinh giỏi.
Diện tích chật hẹp, thiết bị thiếu thốn
Theo Bộ GD&ĐT, toàn quốc hiện có 86 trường chuyên và khối chuyên, trong đó: 70 trường chuyên thuộc sở GDĐT; 5 trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học; 2 khối chuyên thuộc trường đại học; 9 khối chuyên thuộc trường THPT.
Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định.
Năm học 2010-2011 cả nước có 56.654 học sinh; đến năm học 2015-2016 cả nước có 69.554, tăng 12.900 học sinh (chiếm khoảng 2,1% số học sinh THPT, vượt mục tiêu Đề án đề ra 0,1%).
Đây chính là lực lượng nòng cốt để đào tạo các thí sinh đi tham gia thi đấu tại đấu trường Olympic quốc tế các môn khoa học cơ bản.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, với nguồn ngân sách còn hạn hẹp, các tỉnh gặp nhiều khó khăn trong đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho trường chuyên.
Hiện còn 28/75 (chiếm tỷ lệ 37,3%) trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia. Nguyên nhân chủ yếu do diện tích mặt bằng hẹp, thiếu phòng học bộ môn, nhà tập đa năng, ký túc xá cho học sinh.
Một số trường đã được tỉnh phê duyệt đề án chuyển sang địa điểm mới nhưng chưa có kinh phí để xây dựng trường. Thiết bị dạy học mặc dù được các địa phương ưu tiên đầu tư mua sắm bổ sung nhưng còn chưa đáp ứng yêu cầu dạy học, đặc biệt thiếu các thiết bị dạy các nội dung chuyên sâu, nghiên cứu khoa học của giáo viên và học sinh.
"Hiện nay, nhiều học sinh giỏi không muốn vào đội tuyển. Vì nếu thi không đạt từ giải 3 trở lên, các em sẽ phải quay về thi ĐH như những học sinh khác.
Trong khi đó, thời gian các em ôn thi môn chuyên, các bạn khác đã học các môn thi ĐH quá xa rồi. Nên nếu không đạt giải, các em sẽ rất thiệt".
Bà Đỗ Thị Hòa chia sẻ
Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng đưa cơ sở mới vào hoạt động chính thức từ ngày 4/9. Bà Đỗ Thị Hòa - hiệu trưởng nhà trường - cho biết cơ sở mới được xây dựng trên diện tích 3 ha và đáp ứng điều kiện dạy và học của thầy và trò.
THPT chuyên Trần Phú cũng là cái nôi đào tạo mũi nhọn trong giáo dục của Hải Phòng. Hiện trường có khoảng 1.700 học sinh cho cả ba khối 10, 11, 12.
"Thế mạnh của trường đó là môn Hóa học. Thế hệ giáo viên vàng của trường hiện đang trong độ tuổi còn rất trẻ nên trường có nhiều cơ hội phát triển. Có giai đoạn 9 năm liền trường đều có học sinh đạt huy chương tại kỳ thi Olympic quốc tế" - bà Hòa tự hào.
Còn hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định - ông Vũ Đức Thọ - cũng cho hay diện tích của trường còn khiêm tốn, trường đang xin tỉnh cơ sở trường chính trị đối diện để mở rộng diện tích.
Cũng theo ông Thọ, điểm mạnh của trường chuyên Lê Hồng Phong đó là môn Vật lý. Hai năm qua được đánh giá là hai năm đỉnh cao của trường khi có 2 huy chương vàng Olympic vật lý quốc tế của em Đinh Thị Hương Thảo.
Cần cơ chế đặc thù
Sau 5 năm triển khai đề án phát triển trường THPT chuyên của Chính phủ từ 2010-2020, trong quá trình thực hiện, các trường cũng gặp một số khó khăn, nhất là phát triển đội ngũ. Bà Đỗ Thị Hòa cho biết trong điều kiện hiện tại, những học sinh giỏi nhất không vào sư phạm.
Chính vì vậy, dù đội ngũ giáo viên đào tạo ra thừa nhưng các trường chuyên lại không có giáo viên để tuyển.
"Chúng tôi cần một giáo viên tốt nghiệp sư phạm Toán chất lượng cao nhưng tuyển đến hai năm nay, vẫn không có một hồ sơ nào ứng cử" - bà Hòa cho hay.
Đồng quan điểm này, thầy Vũ Đức Thọ cũng cho biết hiện nay, biên chế trong ngành giáo dục rất khó khăn. Trường đang có chiến lược để bồi dưỡng, phát triển đội ngũ, nhất là những môn chưa phải là thế mạnh của trường như Toán, Hóa, Sinh.
Tuy nhiên, thầy Thọ cho biết băn khoăn nhất của các giáo viên trường chuyên đó là thí sinh đăng ký dự thi vào các môn khoa học xã hội không lớn.
Thậm chí, kể cả lớp chuyên văn, những học sinh giỏi văn nhất lại lựa chọn thi chuyên Anh. Còn các môn như Lịch sử, Địa lý tuyển sinh còn khó hơn rất nhiều.
"Đây không phải do học sinh thích hay không thích mà do cơ hội việc làm sau khi học ĐH. Thậm chí, trường cũng phải thay đổi theo nhu cầu của người học. Học sinh chọn học văn nhưng là để thi khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ) chứ không phải thi khối C (Văn, Sử, Địa)" - thầy Thọ cho hay.
Bên cạnh đó, theo bà Đỗ Thị Hòa, để có thể lựa chọn được những học sinh giỏi thực sự vào đội tuyển quốc gia, Bộ GD&ĐT cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích học sinh giỏi.
"Hiện nay, nhiều học sinh giỏi không muốn vào đội tuyển. Vì nếu thi không đạt từ giải 3 trở lên, các em sẽ phải quay về thi ĐH như những học sinh khác.
Trong khi đó, thời gian các em ôn thi môn chuyên để thi, các bạn khác đã học các môn thi ĐH quá xa rồi. Nên nếu không đạt giải, các em sẽ rất thiệt" - bà Hòa chia sẻ.
Chính vì vậy, bà Hòa đề xuất vì mỗi môn thi học sinh giỏi quốc gia chỉ có 6 đến 10 học sinh nên mong muốn Bộ có cơ chế những học sinh đã vào đội tuyển thi quốc gia là được tuyển thẳng ĐH.
Theo Nghiêm Huê/Tiền Phong
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao mô hình đại học trực tuyến Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá Đại học trực tuyến FUNiX là mô hình học sáng tạo, mới mẻ nhưng vẫn cần lưu ý nhiều yếu tố. Tham gia tọa đàm "Phát triển nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp lần thứ IV" tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam...