Giáo viên lo lắng trước đổi mới
Dù muốn hay không, phải thừa nhận rất nhiều giáo viên (GV) đang lo lắng trước chương trình phổ thông mới sẽ áp dụng trên toàn quốc từ năm học 2019 – 2020.
ảnh minh họa
Không phải GV ngại đổi mới cũng chẳng phải do chương trình mới không hay mà vì các thầy cô, những người sẽ trực tiếp lăn xả vào công cuộc đổi mới này, hơn ai hết nhìn thấy thực tế không lạc quan như những người đang thiết kế chương trình đề cập.
Tôi gặp không ít GV ở độ tuổi trên dưới 40 đang dạy ở các trường nổi tiếng của TP.HCM, thậm chí có người còn tham gia dạy học sinh đội tuyển thành phố. Nói như thế để thấy đây là thành phần ưu tú, giảng dạy ở một trong những môi trường tiên tiến nhất nước. Thế nhưng các GV này, khi được hỏi, đều tỏ ra không mấy lạc quan trước chương trình mới sẽ diễn ra. Theo các GV, có 2 điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự thành công khi thực hiện chương trình mới là chất lượng đội ngũ và điều kiện cơ sở vật chất. Nhưng cả 2 nhân tố này đều đang có vấn đề, kể cả ở những thành phố lớn.
Chỉ lấy một trường hợp làm dẫn chứng. Hầu hết các GV hiện nay đều chưa hiểu rõ thế nào là tích hợp nhưng chương trình mới lại tập trung vào vấn đề này. Trong một hội nghị cuối tuần vừa qua tại Hà Nội, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng sẽ bồi dưỡng cấp tín chỉ cho GV để có thể dạy tích hợp. Nhưng với nhiều GV đây chỉ là để giải quyết tình huống, khó có thể thay đổi về chất. Sự thay đổi mạnh mẽ phải đến từ các trường ĐH, CĐ sư phạm đầu ngành thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy có sự chuyển biến đáng kể trong chương trình đào tạo, tuyển sinh ở các trường sư phạm. Trong khi đó, thời gian để bắt đầu chương trình mới không còn bao lâu nữa.
Còn nhìn về chất lượng của đội ngũ tương lai, những người chủ đạo thực hiện chương trình mới, nỗi lo này càng rõ. Chưa biết năm 2018 có được như mong muốn của Bộ GD-ĐT là học sinh học ngành sư phạm phải là người ưu tú nhất và điểm tuyển sinh sư phạm phải nằm trong tốp đầu. Còn thực tế vài năm gần đây, đặc biệt năm vừa qua, nhìn chung đầu vào của khối ngành này rất đáng lo. Liệu chất lượng đội ngũ như thế có đáp ứng được yêu cầu mới? Đây chính là câu hỏi mà chúng tôi nghe rất nhiều GV đặt ra khi nói về chương trình phổ thông mới.
Video đang HOT
Cơ sở vật chất không đáp ứng kịp với thực tế là nỗi lo ở tất cả các địa phương. Với chương trình hiện tại, đây đã là một thách thức huống hồ khi thực hiện chương trình mới với việc học tích hợp, học theo nhóm, chương trình hoạt động trải nghiệm… Bao lâu nay vẫn không giải quyết được tình trạng sĩ số vượt gấp nhiều lần quy định, đặc biệt ở các tỉnh thành lớn. Bước vào chương trình mới với yêu cầu sĩ số học sinh thấp, học 2 buổi/ngày…, lãnh đạo nhiều địa phương phải thừa nhận không biết làm thế nào để thực hiện được.
Phải đổi mới. Đó là điều bắt buộc, không thể chần chờ. Thế nhưng Bộ GD-ĐT cũng như những người có trách nhiệm thiết kế chương trình mới phải lắng nghe những tiếng nói thật sự từ phía GV để có thể điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Đừng khăng khăng phải làm bằng mọi cách như đã định để phải sửa lại trong quá trình thực hiện rồi cho rằng vì mục tiêu đề ra quá lớn như “vết xe” bao nhiêu dự án, đề án khác của Bộ GD-ĐT.
Mà thay đổi lần này là rất lớn, vượt khỏi cách truyền thống lâu nay của giáo dục VN, ảnh hưởng đến cả một thế hệ nên cần phải cẩn trọng nhiều hơn, chuẩn bị chu đáo hơn.
Theo TNO
Chương trình phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2019-2020
Bộ GD-ĐT xác định thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ năm học 2019-2020.
Đại diện Bộ GD-ĐT thông tin về chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai áp dụng từ năm học 2019-2020. Ảnh: Phạm Hải.
Cụ thể, đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022.
Lộ trình cụ thể như sau:
Năm học 2019 - 2020 triển khai ở lớp 1;
Năm học 2020 - 2021: lớp 2 và lớp 6;
Năm học 2021 - 2022: lớp 3, lớp 7 và lớp 10;
Năm học 2022 - 2023: lớp 4, lớp 8 và lớp 11;
Năm học 2023 - 2024: lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý, trong thời gian chưa triển khai trên phạm vi toàn quốc, các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Từ đó giúp cho học sinh và giáo viên sau này chuyển sang thực hiện chương trình, SGK mới được thuận lợi.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, theo tiến độ, đến tháng 4 năm nay Bộ GD-ĐT có thể ban hành chương trình môn học.
Sau khi chương trình môn học chính thức được ban hành thì các cá nhân, tổ chức có thể khởi động biên soạn các bộ sách giáo khoa.
Về điều kiện với đối tượng viết sách giáo khoa, GS. Thuyết cho rằng, nếu vừa thẩm định chương trình, vừa viết sách giáo khoa thì không được.
"Còn các nhà chuyên môn đã tham gia soạn thảo chương trình là những người hiểu chương trình rất sâu thì có quyền viết sách giáo khoa. Việc họ viết cho bộ sách nào thì phải do tổ chức mời. Cá nhân tôi nghĩ rằng, những người soạn thảo chương trình là những người nắm rất chắc nên nếu họ viết sách giáo khoa thì sẽ có lợi", GS Thuyết nói.
Theo Vietnamnet
Toán - Văn sẽ thay đổi như thế nào trong chương trình phổ thông mới Chương trình các môn học ở chương trình phổ thông mới có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ công bố dự thảo các môn học trong tháng 1/2018. Môn Toán ở chương trình phổ thông mới là môn bắt buộc và được phân theo 2 giai đoạn. Môn Toán được tích hợp xoay quanh ba...