Giáo viên làm thêm nghề trồng hoa
Không có thưởng Tết, nhiều giáo viên ở TP Tuy Hòa – Phú Yên đã tự “thưởng” cho mình bằng thu nhập từ trồng hoa kiểng. Mọi thứ cho ngày Tết phải trông chờ vào tiền bán hoa.
Đối với giáo viên ở TP Tuy Hòa – Phú Yên, thưởng Tết là khái niệm khá xa vời. Họa hoằn lắm mới có cái Tết được hỗ trợ mỗi người 100.000 đồng. Vì vậy, rất nhiều giáo viên đã chọn thêm nghề phụ là trồng hoa để có tiền lo Tết.
Canh từng chút
Những ngày cuối năm là thời gian quan trọng, quyết định sự thành bại của một năm trồng hoa. Vì thế nên sau giờ lên lớp, thầy giáo Nguyễn Văn Nhi, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (phường 9 – TP Tuy Hòa), vội vã về nhà chăm sóc vườn mai gần 150 chậu.
Nhìn những nụ mai bắt đầu xé vỏ lụa, thầy Nhi hài lòng: “Chắc năm nay đúng Tết rồi!”. Với giá trung bình 500.000 đồng/chậu, trừ chi phí, thầy Nhi ước tính sẽ thu về gần 50 triệu đồng. “Tết của cả nhà đang trông cậy vào vườn mai này. Sắm sửa trong nhà rồi mua quần áo mới cho con cũng đang chờ tiền bán mai” – thầy Nhi cho biết. Cũng theo thầy Nhi, cây mai chịu ảnh hưởng nhiều từ thời tiết nên nếu trời lạnh, nụ hoa bị “điếng”, không chịu “mở mắt” thì xem như thất thu.
Với những thầy, cô giáo trồng quất, hoa cúc, hoa hồng… tuy ít rủi ro về thời tiết nhưng lợi nhuận không cao. Thầy giáo Bùi Văn Cường ở xã Bình Kiến năm nào cũng trồng khoảng 200 chậu quất và hoa cúc nhưng chỉ bỏ công làm lời. “Biết vậy nhưng nếu mất khoản này, chúng tôi không tìm đâu ra tiền để sắm Tết cho con” – thầy Cường nói.
Theo cô giáo Văn Thị Hạnh, người đang sở hữu hơn 100 chậu hoa hồng chuẩn bị bán Tết, càng cuối năm, những nhà giáo trồng hoa như cô đếm thời gian không phải bằng ngày, bằng giờ mà canh từng chút đổi thay của hoa. Sáng ra, thấy nụ hồng nhú thêm một ít là biết cái Tết gần kề.
Video đang HOT
Thầy giáo Nguyễn Văn Nhi với vườn mai đang chờ Tết.
“Cậy” hoa giữ nghề
Trường THCS Đinh Tiên Hoàng hiện có gần 50% giáo viên, CBCNV làm thêm nghề trồng hoa. Trường đã thành lập một tổ Công đoàn về trồng hoa và cây kiểng. Khi đoàn viên nào thiếu kinh phí mua vật tư, cây giống, các đoàn viên khác trong tổ gom góp cho mượn.
Thầy Võ Xuân Ánh, Hiệu trưởng Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, cho biết điều đáng mừng là tổ Công đoàn này luôn dẫn đầu về công tác giảng dạy tại trường; tất cả thành viên đều là giáo viên dạy giỏi, giáo viên tiên tiến. “Trung bình mỗi tuần, Công đoàn tổ chức buổi gặp mặt để truyền đạt kinh nghiệm về nghề trồng hoa cũng như phương pháp giảng dạy. Nhờ đó, thu nhập của các thầy cô được cải thiện mà công tác giảng dạy cũng không bị ảnh hưởng”- thầy giáo Tô Văn Ngọ, tổ trưởng tổ Công đoàn hoa cây kiểng, cho biết.
Trong tổng số gần 11.300 giáo viên từ bậc tiểu học đến THPT của tỉnh Phú Yên, hiện có trên 1.600 giáo viên làm thêm nghề trồng hoa kiểng, với thu nhập bình quân từ 20 triệu đến 80 triệu đồng mỗi năm. Nhiều giáo viên cho biết sở dĩ chọn trồng hoa kiểng vì đây là nghề giữ được sự thanh bạch vốn có của nhà giáo. Mỗi buổi sáng thức dậy tưới hoa hay buổi chiều cầm kéo cắt tỉa cành, họ bỗng thấy lòng thanh thản; những thị phi, lo toan thường nhật cũng tan biến. Nhờ đó mà nhiều giáo viên cảm thấy nhẹ lòng hơn mỗi khi bước lên bục giảng.
Trồng hoa nuôi con vào ĐH Hơn 15 năm trước, thầy Võ Xuân Ánh định bỏ nghề vì đồng lương giáo viên không đủ trang trải cuộc sống. “Thật tình, lúc ấy tôi không muốn bỏ nghề nhưng đồng lương ba cọc ba đồng không đủ lo cho con. Tôi suy nghĩ mãi và quyết định làm thêm nghề trồng hoa. Giờ đây, nghĩ lại thấy đấy là nghề phù hợp nhất đối với nhà giáo” – thầy Ánh bộc bạch. Cũng nhờ nguồn thu nhập tưởng phụ nhưng lại chính này, hai người con đầu của thầy Ánh đều học hết cao học, còn người con út cũng sắp tốt nghiệp ĐH
Theo BĐVN
Liên kết "chui", sinh viên lãnh đủ
Không có giấy phép nhưng Trường ĐH Hòa Bình, một trường có trụ sở ở Hà Nội, vẫn bắt tay liên kết đào tạo với Trường ĐH công nghệ thông tin Gia Định TP.HCM tổ chức tuyển sinh, đào tạo ngoài luồng đến 350 sinh viên hệ cao đẳng chính quy từ năm 2010.
Sau gần hai năm học, 298 sinh viên còn lại giờ đứng trước nguy cơ phải ngưng học vì mọi hoạt động liên kết đào tạo đều trái quy định hiện hành.
Chưa có phân hiệu cũng tuyển sinh
Trong năm 2010, Trường ĐH Hòa Bình đã ký hợp đồng liên kết đào tạo với Trường ĐH công nghệ thông tin Gia Định TP.HCM và tuyển sinh 350 sinh viên bậc cao đẳng (trúng tuyển qua hình thức xét tuyển NV2). Đến nay, còn 298 sinh viên theo học ba ngành: quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và kế toán. Đến trước thời điểm bị phát hiện, số sinh viên này được bố trí học tại địa chỉ 137E Nguyễn Chí Thanh, P.9, Q.5, TP.HCM.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa chỉ trên vừa là văn phòng đại diện vừa là Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế của Trường ĐH Hòa Bình đặt tại TP.HCM. Trường ĐH Hòa Bình cũng chưa được phép lập phân hiệu tại TP.HCM. Trong khi đó, theo khoản 1 điều 48 quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ về điều lệ trường đại học có nêu rõ: "Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của trường đại học... không thực hiện tuyển sinh, không tổ chức hoạt động đào tạo và hoạt động khoa học - công nghệ". Cũng theo quyết định 58, các trường đại học muốn đào tạo chính quy tại các tỉnh, thành phố khác với nơi đặt trụ sở chính của trường phải lập phân hiệu. Việc thành lập phân hiệu phải do bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập khi đáp ứng các điều kiện như thành lập trường đại học theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Chưa hết, trong tháng 4-2011 Trường ĐH Hòa Bình cũng ký kết hợp đồng thực hiện liên kết đào tạo liên thông từ trung cấp nghề lên cao đẳng nghề với Trường trung cấp nghề Thủ Đức và Trường trung cấp nghề Nhân đạo (quận 3) nhưng chưa có giấy phép của cơ quan quản lý.
Nơi đào tạo "ngoài luồng" 298 sinh viên sáng 12-1 đã treo bảng cho thuê nhà.
Thu gần 1 tỉ đồng
Đáng nói là Trường ĐH công nghệ thông tin Gia Định TP.HCM tuy đứng tên ký kết hợp đồng liên kết nhưng lại khẳng định tất cả việc tuyển sinh, cấp giấy báo trúng tuyển, tổ chức đào tạo trường này đều "không hề hay biết, tất cả đều do Trường ĐH Hòa Bình quyết định".
Trao đổi với chúng tôi về hợp đồng đã ký kết với Trường ĐH Hòa Bình, TS Nguyễn Đăng Liêm, hiệu trưởng Trường ĐH công nghệ thông tin Gia Định TP.HCM, cho rằng: "Hợp đồng ký kết với Trường ĐH Hòa Bình chỉ là hợp đồng nguyên tắc chứ chưa thực hiện. Còn việc tuyển sinh, quản lý và triển khai đào tạo tôi không hề biết. Tất cả đều do phía Trường ĐH Hòa Bình thực hiện".
Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, theo như nội dung thỏa thuận, bên A (Trường ĐH Hòa Bình) chịu trách nhiệm "tổ chức xét tuyển đầu vào, nội dung chương trình đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp, thu học phí". Trong khi đó, bên B (Trường ĐH công nghệ thông tin Gia Định TP.HCM) phối hợp tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo, hỗ trợ cơ sở vật chất. Về tài chính, bản thỏa thuận bên A chi trả cho bên B 10% tổng học phí thu được. Và thực tế, Trường ĐH công nghệ thông tin Gia Định TP.HCM đã nhận của Trường ĐH Hòa Bình 10% trên tổng số học phí thu được từ 298 sinh viên (gần 1 tỉ đồng) với số tiền gần 100 triệu đồng vào ngày 16-3-2011.
Nói về việc liên kết này, GS.TSKH Đặng Ứng Vận, hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, thừa nhận: "Về chương trình đào tạo cho sinh viên từ năm 2010 đến nay cả hai bên đều tham gia. Tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn là Trường ĐH Hòa Bình quản lý và chúng tôi giao cho văn phòng đại diện tại TP.HCM triển khai".
Tuy nhiên, theo quyết định 42 về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học do Bộ GD-ĐT ban hành, đơn vị chủ trì đào tạo, cụ thể là Trường ĐH Hòa Bình phải có văn bản cho phép mở ngành đào tạo định liên kết, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chỉ tiêu, được Bộ GD-ĐT ra quyết định cho phép liên kết đào tạo... Thực tế, Trường ĐH Hòa Bình không hề chuẩn bị đầy đủ các thủ tục pháp lý này trước khi thực hiện liên kết đào tạo.
Trong khi hai bên vẫn còn đùn đẩy trách nhiệm, số phận của 298 sinh viên trên vẫn rất mập mờ. Sáng 12-1, chúng tôi trở lại căn nhà 137E Nguyễn Chí Thanh, P.9, Q.5, TP.HCM thì tất cả đã trống vắng. Không còn sinh viên nào ở đây. Phía trước căn nhà đã dán biển cho thuê nhà. Một số người có mặt tại đây cho biết các lớp học đã chuyển địa điểm nhưng dời đi đâu không ai biết.
Sẽ chuyển sinh viên sang trường khác? Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho hay việc Trường ĐH Hòa Bình và Trường ĐH công nghệ thông tin Gia Định TP.HCM ký hợp đồng liên kết đào tạo và giao cho Trung tâm Hợp tác quốc tế của Trường ĐH Hòa Bình tại TP.HCM thực hiện là trái quy định. Hiện Bộ GD-ĐT đang xem xét đình chỉ hoạt động liên kết đào tạo nói trên, đồng thời yêu cầu hai đơn vị nhanh chóng khắc phục sai phạm nhằm đảm bảo quyền lợi cho 298 sinh viên. Trong đó, phương án chuyển toàn bộ số sinh viên này sang một trường khác cũng đang được Bộ GD-ĐT tính đến.
Theo BĐVN
Co ro những đôi chân không giầy, tất Lớp học trống hoác, nhiệt độ thường xuyên dưới 10 độ vào mùa đông, mấy chục học sinh tiểu học thuộc trường TH và THCS Háng Đồng (Xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) hàng ngày vẫn phải co ro ngồi học trong cái rét cắt da cắt thịt. Xã Háng Đồng là một trong những xã xa xôi, khó khăn...