Giáo viên làm gì khi học sinh dùng điện thoại trong lớp?
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 32 Điều lệ trường THCS, THPT cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học. Điều này đang gây tranh cãi trong cả giáo viên và phụ huynh
Hiện nay, đa số trường phổ thông đều cấm tuyệt đối học sinh (HS) sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, dưới góc độ một giáo viên (GV) dạy bậc THPT, tôi cho rằng quan điểm cấm sử dụng điện thoại trong giờ học cần phải được đánh giá khách quan.
Cần khai thác thế mạnh của internet
Việc cấm sử dụng điện thoại thông minh chắc chắn sẽ hạn chế HS tiếp cận tri thức phong phú từ internet. Trong giờ học, HS sẽ trải nghiệm nhiều tình huống trong giờ học và cần được giải mã ngay. Tình huống mới này không thể được giải quyết khi ở nhà. Nếu không có kết nối với tri thức “bách khoa toàn thư” trên mạng thì sẽ kìm hãm tính sáng tạo, chủ động tìm tòi của lứa tuổi học trò.
Bên cạnh đó, trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin đang rất phát triển, tại sao lại để HS trượt ra khỏi không gian mở? Người thầy cũng phải sử dụng internet để chuẩn bị tài liệu, bài giảng, thậm chí GV có thể tra cứu ngay trong giờ dạy thì tại sao lại cấm HS sử dụng điện thoại trên lớp? Người thầy trong thời đại 4.0 phải nắm bắt kịp thời các sự kiện đang diễn ra trên thế giới liên quan đến bộ môn và tri thức chuyên ngành. Thông tin liên quan đến bài học có tính thời sự, nóng hổi thì sẽ tác động mạnh đến HS.
Ví dụ, khi dạy nghị luận xã hội, GV đang cùng HS thảo luận về vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đời sống con người. Nếu GV cập nhật ngay những sự kiện đang xảy ra trên thế giới như cháy rừng ở khu vực nào, hạn hán, lũ quét ở đâu… thì sẽ tác động mạnh mẽ tới thái độ, nhận thức, quan điểm của HS về vấn đề đang bàn luận. GV sẽ đặt câu hỏi liên quan để HS tự tìm hiểu từ internet về sự kiện đang diễn ra mà thầy – trò đang bàn bạc. Như vậy, các tình huống liên quan đến thực tiễn đã được giải quyết ngay trong giờ học một cách linh hoạt, hiệu quả.
Học sinh sử dụng điện thoại phải đúng mục đích và được sự cho phép của giáo viên Ảnh: NGUYỄN THUẬN
Bên cạnh đó, giáo dục đang khuyến khích việc kết nối thông tin, khả năng vận dụng kiến thức từ đời sống vào bài học và qua đó, HS có thể vận dụng trở lại những tri thức đó vào tình huống mới trong thực tế. Việc sử dụng internet sẽ giúp HS cập nhật được thông tin cụ thể, cần thiết vào trong giờ học. Đặc biệt, trong hoạt động thảo luận nhóm, GV nêu chủ đề và HS có thể tra cứu từ Google, từ đó hình thành cách hiểu riêng của cá nhân và nhóm trong thảo luận.
Trong thực tế giảng dạy, khi HS tra cứu thông tin trên mạng thì những hiểu biết đúng chiếm tỉ lệ cao hơn so với HS phải tự mình phán đoán hoặc tiếp nhận kiến thức một cách thụ động từ GV. Chẳng hạn, trong bài đọc văn “Chiến thắng Mtao-Mxây” (trích sử thi Đam San), GV phải giảng giải cho HS về tục chuê nuê (tục nối dây) của người Ê Đê, một luật tục của xã hội mẫu quyền. Trong khi sách giáo khoa chỉ giải thích đơn giản và HS không được đọc trọn vẹn tác phẩm dẫn đến việc HS không hiểu rõ mối liên quan của tập tục này đối với nhân vật. Ở tình huống này, GV có thể cho HS vào internet để đọc thêm đoạn văn trước đoạn trích, tìm hiểu về tục nối dây, từ đó HS sẽ có những hiểu biết cụ thể về hình tượng người anh hùng Đam San với phẩm chất nổi bật là lòng dũng cảm (dám chống lại luật tục nối dây)…
Năng lực quản lý lớp học của giáo viên
Video đang HOT
Vấn đề nhiều người lo lắng là làm sao quản lý HS sử dụng điện thoại với lớp học trên 40 HS. GV thường lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn khi cho phép HS dùng điện thoại như chơi game, nghe nhạc, lướt Facebook, chat… gây sao nhãng, lơ là trong giờ học. Do vậy, đa phần GV ủng hộ quan điểm cấm HS sử dụng điện thoại trong giờ học.
Tuy nhiên, việc cho phép sử dụng điện thoại liên quan đến năng lực quản lý lớp học của GV. Để HS sử dụng sai mục đích là lỗi của GV. Người thầy lúc này cần phải tổ chức các hoạt động học để HS tiếp nhận, kết nối thông tin, tri thức và định hướng nội dung truy cập để HS không thụ động trong giờ học.
GV cần có năng lực quan sát, điều khiển lớp học thì mới cho phép HS sử dụng điện thoại trong giờ học được. Nếu các em sử dụng sai mục đích thì GV phải phát hiện và điều chỉnh ngay. Như vậy, GV đang dạy HS cách học chủ động, tự giác trong tiếp nhận kiến thức và quản lý bản thân trong giờ học. GV cũng hình thành cho người học kỹ năng tiếp nhận và xử lý thông tin để vận dụng vào việc học. Từ đó, hình thành kỹ năng tự học và tự học suốt đời.
Thông tư 32 nhấn mạnh HS chỉ được sử dụng điện thoại khi GV cho phép. Nghĩa là không phải bất cứ giờ học nào HS cũng cần phải dùng điện thoại mà việc này phải đáp ứng mục tiêu bài học, môn học. Vấn đề này đòi hỏi GV phải có những chỉ dẫn cụ thể về cách thức, phạm vi thông tin cần tra cứu để phù hợp với nội dung học.
Chương trình phổ thông mới đang hướng tới việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa, hệ thống tài liệu mở. Cho nên việc sử dụng điện thoại cho mục đích học tập trên lớp là điều cần thiết và đòi hỏi cao hơn năng lực quản lý lớp học của GV.
Phụ huynh không quá cứng nhắc
Trong việc sử dụng điện thoại thông minh theo xu hướng tích cực thì vai trò định hướng và quản lý HS tại nhà là rất quan trọng. Phụ huynh không quá cứng nhắc trong việc cấm con sử dụng điện thoại mà phải tìm hiểu, kiểm soát con đang sử dụng điện thoại với mục đích gì. Phụ huynh cũng cần đưa ra những nguyên tắc sử dụng điện thoại đối với con để cha mẹ hiểu con hơn và có thể hỗ trợ con trong việc sử dụng điện thoại cho học tập và giải trí.
Thời đại 4.0, học trò bị cảnh cáo toàn trường khác gì "bêu" trước cả thế giới
Thời đại 4.0 này, nếu cảnh cáo trước toàn trường sẽ là cảnh cáo "trước toàn thế giới". Học trò mắc lỗi bị áp lực quá nặng nề, khó lòng vươn lên...
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo (lần 2) Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư số 08, được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 1988.
Nghiên cứu dự thảo, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội đánh giá:
"Trước tiên tôi hoan nghênh tinh thần cơ bản của dự thảo này, đặc biệt những điểm mới so với quy định hiện hành.
Về đối tượng áp dụng là học sinh phổ thông, hầu hết là trẻ em và tuổi vị thành niên. Vì thế các điều, khoản quy định đều có tính giáo dục xuyên suốt.
Mục đích của khen thưởng là "tạo động lực" cho học sinh phát huy hơn nữa phẩm chất và năng lực.
Mục đích của kỷ luật là "phòng ngừa và ngăn chặn" các hành vi không nên, không phải của học sinh.
Từ mục đích có tính giáo dục đó nên các hình thức khen thưởng và kỷ luật đã được cân nhắc kỹ lưỡng khi áp dụng với đối tượng là học sinh phổ thông".
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội (ảnh: Thùy Linh)
Đặc biệt, theo thầy Khang, về hình thức kỷ luật đã có những điểm mới đáng lưu ý:
Một là, vẫn có các hình thức khiển trách, cảnh cáo nhưng không "bêu" trước lớp, trước toàn trường như bấy lâu nay vẫn làm. Thời đại 4.0 này, nếu cảnh cáo trước toàn trường sẽ là cảnh cáo "trước toàn thế giới". Học trò mắc lỗi bị áp lực quá nặng nề, khó lòng vươn lên...
Hai là, hình thức kỷ luật "tạm dừng học tập trên lớp" đã thay thế cho cụm từ "đuổi học" thường dùng hiện nay. Thời hạn "tạm dừng học tập trên lớp" tối đa là 02 tuần, không như hiện nay có thể cả năm học.
Ba là, hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc tạm dừng học tập trên lớp không áp dụng đối với học sinh tiểu học, tức là không áp dụng với trẻ em.
Về biện pháp giáo dục học sinh phạm kỷ luật lần này yêu cầu nhà trường, giáo viên tăng tính giáo dục nhiều hơn, có những nội dung cụ thể, kiên trì hơn trong việc giúp học sinh sửa lỗi. Không được sử dụng các biện pháp "trừng phạt" học sinh về tinh thần và thể chất.
Cũng theo thầy Khang, "biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực" - một khái niệm mới rất đáng được lưu ý. Trong đó có việc "tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm" là một điểm mới.
Chúng ta thường nóng vội, dựa vào hành vi của học sinh để kết luận chủ quan về sự việc. Nếu có điều kiện tìm hiểu sâu xa hoàn cảnh và nội tâm của học trò mắc lỗi sẽ giải quyết được tận gốc vấn đề, giúp học trò sửa được lỗi lầm bền vững hơn.
"Việc tư vấn tâm lý cho học sinh "có vấn đề", không chỉ với học sinh phạm lỗi, sẽ góp phần "phòng ngừa và ngăn chặn" những lỗi lầm có thể xẩy ra trong học sinh. Tư vấn tâm lý cho học sinh là biện pháp giáo dục văn minh và hiệu quả nhất, rất đáng được đầu tư đến nơi đến chốn", Hiệu trưởng trường Marie Curie nhấn mạnh.
Được biết, điểm mới của dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh là có bổ sung thêm các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực.
Cụ thể, Điều 9 của dự thảo Thông tư quy định giáo viên thu thập các thông tin khách quan, xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm để lập kế hoạch giáo dục cho học sinh sửa chữa khuyết điểm.
Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp dưới đây để giáo dục kỉ luật tích cực phù hợp đối với từng học sinh như: khuyên bảo động viên; phê bình riêng; phối hợp với cha mẹ để cùng thực hiện các kế hoạch giáo dục; tư vấn tâm lý cho học sinh.
Giáo viên cũng có thể yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được học sinh thỏa thuận, cam kết thực hiện theo nội quy của nhà trường như:
Hoàn thành bài tập còn thiếu, viết lại bài cần học thuộc, viết lại nội quy; viết cảm nhận, kiểm điểm; sưu tầm, tìm hiểu sách, tài liệu, phim ảnh hoặc câu chuyện thực tế đã được trải nghiệm, có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh, sau đó trình bày suy nghĩ, cảm nhận về nội dung và bài học rút ra cho bản thân; lao động công ích như trực nhật, vệ sinh khuôn viên trường...
Học sinh mắc khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, vi phạm nội quy nhà trường, các quy chế, quy định của ngành Giáo dục, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, nhà trường xem xét thực hiện các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực nêu trên hoặc áp dụng các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.
Hình thức kỷ luật cao nhất theo Thông tư 08 là "đuổi học một năm" nhưng trong dự thảo Thông tư mới đã thay từ "đuổi học" thành "tạm dừng học tập trên lớp" với mức tối đa giảm xuống còn hai tuần đối với những vi phạm như: Đánh nhau có tổ chức, sử dụng vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, học sinh khác...
Về khen thưởng học sinh, dự thảo nêu rõ: Việc khen thưởng cần phải dân chủ, công khai, công bằng, khách quan, kịp thời, đảm bảo thực chất, đúng người, đúng việc, tránh hình thức. Các hình thức khen thưởng gồm: Tuyên dương trước lớp; tuyên dương trước toàn trường; tặng giấy khen...
Nam sinh trường ĐH Kiểm sát tự tin tham gia chung kết Olympic tiếng Anh toàn quốc Nguyễn Quang Hùng, Chi đoàn K4C (trường Đại học Kiểm sát Hà Nội) lọt chung kết Hội thi Olympic tiếng Anh học sinh, sinh viên toàn quốc lần thứ III. Nguyễn Quang Hùng - sinh viên năm cuối, trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Ngay từ những năm học phổ thông, Hùng đã có niềm đam mê với tiếng Anh. Tuy nhiên,...