Giáo viên không chỉ cần yêu nghề, yêu trẻ mà phải… giáo dục hiệu quả
Lâu nay, chúng ta chỉ mới bàn đến tiêu chuẩn yêu nghề, yêu trẻ của giáo viên nhưng nếu chỉ yêu nghề, yêu trẻ thôi thì không đủ mà giáo dục phải hiệu quả.
Nội dung này đã được đề cập tại hội thảo “Giáo viên hiệu quả, trường học hạnh phúc” vừa diễn ra ở TPHCM.
Hội thảo “Giáo viên hiệu quả, trường học hạnh phúc”
Thầy trò Việt cùng thiếu hạnh phúc?
Tại hội thảo, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương chia sẻ tại một bức ảnh bà chụp lại trong viện bảo tàng Hy Lạp trong chuyến đi công tác ở châu Âu gần đây. Đó là bức ảnh chụp lại hình chiếc hộp trưng bày gồm có hạt hồ đào vỡ, sách vở bị xé và cái tông đơ đắt tóc.
Cạnh đó là bảng chú thích cho chủ đề với nội dung: Không dùng đòn roi thì không dạy được học trò.
Các hình phạt được diễn giải: Giáo viên dùng roi gỗ đánh học trò, em nào nghịch nhất phải tự mang cái gậy của mình lên cho thầy cô đánh. Các hình phạt khác như thụt xì dầu, kéo tai, tóc, đứng một chân, nhốt trong hầm tối. Và hình phạt nặng nhất là phải quỳ lên vỏ hạt bồ đào vỡ.
Bà Uyên Phương phải thốt lên: “Giống quá, ở Việt Nam không có hạt hồ đào mà là vỏ mít. Có điều, cách đây hơn 70 năm, họ đã đưa chúng vào viện bảo tàng. Còn chúng ta đến bây giờ vẫn chưa thể”.
Hình ảnh giáo dục bằng đòn roi được trưng bày ở bảo tàng giáo dục Hi Lạp từ cách đây hơn 70 năm trước
Video đang HOT
Bên cạnh bức ảnh này, ThS Uyên Phương cũng chia sẻ hình ảnh chụp lại bức tranh biếm họa về giáo dục Việt Nam của một tạp chí của người nước ngoài ở TPHCM. Một bên của bức tranh vẽ một đứa trẻ đứng trên đống bò, gạo, sữa… mà cha mẹ đã phải bán để cho nó đi học, với tay đến phía bên kia bức tranh là một người ngoại quốc, ông ấy mang lời hứa hẹn về thế giới khác phồn vinh nhưng trong tay ông ta không có cái gì hết ngoài một cách bịch nhỏ, ghi: ENGLISH
“Đây là góc nhìn của người nước ngoài về giáo dục Việt Nam. Rất chua chát, chúng ta nghèo mà bỏ hàng tỷ đô để đi theo cái gọi “tị nạn giáo dục”, bà Phương nói.
Và khi gặp nhiều phụ huynh, nhiều người vẫn nói với bà Uyên Phương rằng như vậy không đắt đỏ. Họ chấp nhận bán bò, gạo, sữa để con đi, không cần kiến thức nữa, chỉ mong con hạnh phúc hơn,
“Học sinh Việt Nam ra nước ngoài, kiến thức, học thuật không ai chê được nhưng khoảng trống lớn nhất của chúng ta là hạnh phúc. Chúng ta cần phải tăng thời gian chất lượng thời gian dạy và học ở trường học”, bà Phương cho hay.
Theo ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, một khảo sát của UNESCO chỉ ra 5 yếu tố các trường học ở châu Á không hạnh phúc:
- Môi trường kém an toàn, dễ bị bắt nạt
- Học sinh quá tải, bị stress do áp lực, điểm số
- Môi trường học tập và không khí nhà trường tiêu cực
- Giáo viên có thái độ và phẩm chất không phù hợp
- Các mối quan hệ xấu.
Chúng ta tin rằng học trò là đối tượng để ta truyền thụ kiến thức, giống như một cái bình, và giáo viên là người rót cho đầy cái bình kia. Điều này dẫn đến sự quá tải, học trò sợ đến, giáo viên cũng nặng nề, mệt mỏi.
Giáo viên “dạy” nhưng không được quên “học”
Nhiều vấn đề được đề cập tại hội thảo như những khó khăn trong giáo dục Việt Nam, mâu thuẫn giữa phụ huynh và giáo viên, làm sao để giáo viên hiệu quả, hạnh phúc… với nhiều góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, các ý kiến đều đồng tình, nghề dạy học không thể tách rời “dạy” và “học”, người thầy vừa dạy nhưng cũng vừa phải học để thấy hiệu quả trong công việc, hạnh phúc trước nhất cho chính bản thân mình rồi cho học trò, cho xã hội.
Thầy Trần Đức Huyên: Người thầy phải tự học thì mới có thể trao cho học sinh khả năng tự học
TS Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó tổng hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan bày tỏ lâu nay chúng ta nói quá nhiều đến tiêu chuẩn yêu nghề, yêu trẻ của giáo viên nhưng nếu chỉ yêu nghề, yêu trẻ thôi thì không đủ mà phải là hiệu quả. Hiệu quả trên sản phẩm của họ, học trò phải tiến bộ từng ngày ở mặt nào đó nhìn thấy được. Người giáo viên cần phải trả lời: “Mình làm được gì cho học sinh?”
TS Bùi Trân Phượng, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen cho biết, nhà mình có 5 đời làm nghề giáo, rất băn khoăn và cả sợ khi nhắc đến giáo viên hiệu quả.
Theo bà, sợ nhất là chúng ta đánh mất bản chất của giáo dục, hiệu quả của giáo viên có thể thấp một chút nhưng phải giữ được bản chất giáo dục. Chúng ta cứ tưởng mục tiêu giáo dục là thế này nhưng có thể mình đang đi sai.
Có người nói, mục tiêu ở THCS là vào được trường chuyên, mục tiêu ở THPT là phải vào được trường đại học top này top nọ hay đi du học. Mục tiêu này không đúng với bản chất giáo dục, chúng ta đang hiểu giáo dục để tạo ra thành tích, điểm số.
“Giáo dục là phát triển người học và người thầy cùng phát triển với người học”, bà Phượng nhấn mạnh.
Giáo viên có khả năng vừa dạy vừa học sẽ giúp tìm mình tìm được hiệu quả, hạnh phúc trong công việc. (Ảnh minh họa)
Thầy Trần Đức Huyên, Hiệu trưởng trường liên cấp Hoàng Việt, nguyên Hiệu phó Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM cho rằng giáo viên hiệu quả gồm có 3 tiêu chí: luôn suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống; nhận ra sớm và luôn hành động theo chân lý về bản chất của dạy học, khơi gợi ngọn lửa đam mê trong học sinh và đặc biệt thầy cô luôn là người phải tự học vì không thể cho học sinh cái mà mình chưa có.
Trong chương trình hội thảo, gần 100 giáo viên cũng được khám phá miễn phí mô hình đào tạo giáo viên hiệu quả do TS Thomas Gordon (người từng 3 lần được đề cử Nobel Hòa Bình) sáng lập.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Giáo viên hiệu quả, trường học hạnh phúc
Mới đây, tại hội thảo "Giáo viên hiệu quả, trường học hạnh phúc" do Tổ chức đào tạo và tư vấn giáo dục FAROS Education and Consulting tổ chức, hơn 200 chuyên gia giáo dục đến từ các trường học, viện nghiên cứu trên địa bàn TPHCM đã chỉ ra 5 yếu tố khiến trường học ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung chưa đạt mục tiêu hạnh phúc.
Ảnh minh họa
Đó là nguy cơ kém an toàn và dễ bị bắt nạt, học sinh chịu áp lực lớn từ sự quá tải và gánh nặng thi cử, môi trường học tập và không khí nhà trường còn nhiều tiêu cực, giáo viên có thái độ và phẩm chất không phù hợp, diễn biến xấu của các mối quan hệ (giáo viên - học sinh, phụ huynh - giáo viên, giáo viên - giáo viên...). Vậy điều gì làm nên một ngôi trường hạnh phúc?
Theo Th.S Nguyễn Thúy Uyên Phương, 3 yếu tố cấu thành nên một ngôi trường hạnh phúc gồm con người, hệ thống quy trình và văn hóa. Trong đó, 5 thành phần cần được bớt đi trong trường học hiện nay là kiểm tra, cạnh tranh, thành tích, xếp hạng và bài vở. Ở chiều ngược lại, các yếu tố cần được tăng cường là coi trọng góc nhìn của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển khả năng sáng tạo và chơi đùa, cho trẻ được khám phá, khuyến khích trẻ thể hiện các kỹ năng cảm xúc, xã hội...
Để trả lời cho câu hỏi "Thế nào là giáo viên hiệu quả", TS Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, cho biết nhiều giáo viên hiện nay còn mơ hồ, thậm chí hiểu sai về mục tiêu giáo dục là phấn đấu vì thành tích và điểm số của học sinh. "Có một hiệu trưởng đã thẳng thắn nói với tôi rằng, ông hiểu rõ bản chất mục tiêu của giáo dục. Nhưng khi phụ huynh trao con cho nhà trường, mục tiêu của nhiều người trong số họ là thành tích và danh hiệu. Nhà trường không thể không chạy theo yêu cầu của phụ huynh. Giáo viên cũng chỉ là một con ốc nhỏ trong guồng máy đó", TS Bùi Trân Phượng ngậm ngùi bày tỏ.
Riêng đối với cô Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó tổng Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS), giáo viên trong thời đại mới cần chủ động tiếp cận, truyền thông hình ảnh đến phụ huynh (bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như gửi mail tự giới thiệu kinh nghiệm, triết lý giáo dục của bản thân với phụ huynh vào đầu năm học, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh quá trình tiến bộ của học sinh sau mỗi tuần học...), thay cho việc thụ động ngồi chờ phụ huynh đến hoặc chỉ giao tiếp với phụ huynh khi có sự cố xảy ra.
Đặc biệt, nhà giáo này lưu ý, một phương pháp giáo dục hiệu quả chỉ thật sự đạt mục tiêu như kỳ vọng khi có sự đồng thuận của phụ huynh. Bên cạnh đó, một số yêu cầu trước đây của nghề giáo như lòng yêu nghề, mến trẻ thôi chưa đủ, mà để đạt hiệu quả, người dạy phải nỗ lực chuyển hóa kiến thức, phương pháp, lòng yêu mến thành sản phẩm là sự tiến bộ mỗi ngày của học sinh.
Trong bối cảnh định nghĩa "trường học hiệu quả" còn khác nhau giữa Bộ GD-ĐT, trường học, phụ huynh, thậm chí giữa trường công và trường tư, các chuyên gia giáo dục đều khẳng định người giáo viên cần trước hết trang bị cho mình một số kỹ năng như nhận diện cảm xúc và nhu cầu của phụ huynh, cân bằng cảm xúc, kỹ năng đương đầu xung đột để làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình, đồng thời có sự phối hợp nhịp nhàng với phụ huynh nhằm mang lại lợi ích tối đa cho người học.
MINH QUÂN
Theo SGGP
Đừng để ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục chỉ là câu khẩu hiệu Thực tế thì đa phần các nhà trường chưa tận dụng được tối đa lợi thế của công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành hoạt động của đơn vị mình. Hiện nay, các Sở, Phòng Giáo dục và phần lớn các trường học phổ thông đều đã có website riêng nhưng đa phần các đơn vị chưa tận dụng tối...