Giáo viên Hà Nội kiệt sức vừa dạy học, vừa ôn thi IELTS
Việc Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu toàn bộ giáo viên tham gia thi nâng chuẩn trình độ tiếng Anh IELTS khiến nhiều thầy cô chật vật vừa phải dạy học, vừa lo ôn thi.
Trò ôn thi, cô cũng ôn thi
Cô N.T.N là giáo viên môn tiếng Anh một trường THPT ở Thanh Xuân, Hà Nội ngạc nhiên khi Sở GD&ĐT đưa ra quy định yêu cầu rà soát, đánh giá trình độ giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế trên địa bàn thành phố.
“Để trở thành giáo viên giảng dạy ở bậc THPT, thì ít nhất trình độ tốt nghiệp phải từ cử nhân Ngoại ngữ trở lên. Đồng thời, trước khi thi tuyển vào trường, giáo viên chúng tôi đều phải học để lấy chứng chỉ C1.
Liên tục trong nhiều năm qua, trình độ tiếng Anh chỉ có tăng lên chứ không thể giảm bớt. Vậy tại sao Sở lại đưa ra việc rà soát vô nghĩa trong thời điểm cuối năm học này?”, cô N.T.N thắc mắc.
Đây cũng là điều khiến cô L.H.O, giáo viên trường THPT Thường Tín (Hà Nội) nhiều ngày mất ngủ vì áp lực. Khoảng thời gian này, giáo viên và học sinh đang phải học đuổi chương trình để bắt kịp tiến độ kế hoạch năm học 2019-2020. Gần như cả cô và trò đều sắp kiệt sức.
Trong khi đó, Sở GD&ĐT Hà Nội lại đưa ra yêu cầu rà soát thi IELTS 6.5 khiến giáo viên “việc chồng việc”. “Vừa phải dạy học sinh, vừa kiểm tra cuối năm, ôn thi tốt nghiệp THPT, ôn thi IELTS… chúng tôi có quá nhiều thứ phải làm. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả và tâm lý”, cô L.H.O nói.
Thuộc diện phải đi thi, cô T.T.M, giáo viên trường THPT Ngọc Hồi (Hà Nội) cho biết, thời gian theo yêu cầu của Sở quá gấp gáp, cô cảm thấy “ mệt mỏi với việc vừa đi dạy, vừa ôn tập”.
Video đang HOT
“ Tôi tự tin vào chuyên môn của mình, nhưng để tham gia rà soát trình độ theo hướng thi IELTS thì tôi phải ôn tập lại từ đầu. Dạy học trên lớp và kỹ năng khác với thi IELTS. Những bài thi này đòi hỏi 4 kỹ năng nghe- nói- đọc- viết rất cao, buộc thầy cô phải dành nhiều thời gian ôn luyện lại trước khi thi”, giáo viên nói.
Đang là giai đoạn nước rút, giáo viên không thể vừa ôn luyện phục vụ cho việc khảo sát, vừa phải đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại trường, cô T.T.M lo lắng.
Nhiều ý kiến lại cho rằng, học sinh hiện có trình độ tiếng Anh tốt, rất nhiều em đạt từ 6.0 đến 8.0; nếu giáo viên không đạt từ 6.5 IELTS trở lên thì khó lòng dạy học.
“Chúng tôi dạy học sinh những kiến thức, kỹ năng ngữ pháp cơ bản theo chương trình hiện hành của Bộ GD&ĐT. Chúng tôi không dạy để các em đi thi lấy chứng chỉ quốc tế. Nếu học sinh có nhu cầu lấy chứng chỉ thì sẽ có những hướng học, luyện đề và rèn 4 kỹ năng chuyên sâu hơn”, thầy N.M.Đ, trường THPT Hoài Đức (Hà Nội) thắng thắn chia sẻ.
Thầy Đ đồng tình với việc Sở GD&ĐT rà soát, đánh giá nhằm mục đích bồi dưỡng nâng chuẩn tiếng Anh cho giáo viên. Tuy nhiên về thời gian, thầy giáo phản đối việc Sở tổ chức đợt thi trong thời gian cuối năm học như hiện nay.
Giáo viên giảng bài cho học sinh. (Ảnh minh hoạ)
Nâng chuẩn theo lộ trình
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc đào tạo nâng chuẩn quốc tế (IELTS) cho giáo viên tiếng Anh ở tất cả các cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn mới.
“IELTS là một trong những hệ thống bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh theo bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và được đánh giá uy tín nhất trên thế giới. Sở lựa chọn hình thức này để hỗ trợ cho giáo viên tiếng Anh phát triển tốt nhất bốn kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghe nói.
Kết quả rà soát giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế IELTS được sử dụng làm căn cứ phân loại, xếp lớp đào tạo nâng chuẩn tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho giáo viên”, Sở GD&ĐT Hà Nội lý giải
Lớp đào tạo sẽ chia làm nhiều đợt, giáo viên được tham gia các khóa học chuẩn để nâng 1 bậc khung trình độ IELTS. Dự kiến bình quân cứ cách một năm Sở GD&ĐT lại tổ chức bồi dưỡng một lần giúp giáo viên tiếp tục nâng chuẩn.
Mục tiêu tới năm 2025, toàn ngành GD&ĐT Hà Nội có trên 50% giáo viên các cấp học đạt trình độ 6.5 IELTS trở lên.
Về kinh phí đào tạo, giáo viên tham gia được hỗ trợ toàn bộ tiền, bao gồm cả công tác phí trong quá trình học tập bồi dưỡng, giảm thời gian giảng dạy tại trường. “Giáo viên có thể hoàn toàn yên tâm nâng cao năng lực ngoại ngữ cũng như kỹ năng sư phạm của mình sau đợt khảo sát này”, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.
Theo kế hoạch, từ ngày 18/6 đến ngày 5/7, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ triển khai việc kiểm tra rà soát để xếp lớp đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh. Tất cả giáo viên đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc sẽ tham dự kỳ kiểm tra, rà soát đánh giá.
Hà Nội: Giáo viên nâng chuẩn IELTS được hỗ trợ toàn bộ kinh phí
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, giáo viên tham gia lớp đào tạo nâng chuẩn tiếng Anh quốc tế IELTS sẽ được hỗ trợ toàn bộ kinh phí (bao gồm cả công tác phí trong quá trình học tập bồi dưỡng), giảm thời gian giảng dạy tại trường.
Ảnh minh họa
Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện đáp ứng việc rà soát xếp lớp theo chuẩn quốc tế, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chuẩn bị, bố trí lịch kiểm tra theo các các cấp học hợp lý, đảm bảo giáo viên được rà soát đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo quy định của tổ chức khảo thí quốc tế.
Do vậy, giáo viên có thể hoàn toàn yên tâm nâng cao năng lực ngoại ngữ cũng như kỹ năng sư phạm của mình sau đợt khảo sát này.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, việc chuẩn bị tổ chức kiểm tra rà soát này, Sở đã thông tin đến các đơn vị để có sự chuẩn bị từ năm 2019.
Ngay từ đầu năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT Hà Nội không chỉ ban hành kế hoạch, công văn mà còn triển khai trong các cuộc họp giao ban với các phòng GDĐT, các đơn vị trường học trên địa bàn Thành phố chuẩn bị cho đợt kiểm tra rà soát để xếp lớp đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh.
Từ ngày 24/9/2019, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn số 4228/SGDĐT-GDPT gửi các đơn vị đề nghị gửi danh sách giáo viên tiếng Anh chuẩn bị cho đợt rà soát, đào tạo bồi dưỡng. Sau đó, Sở GDĐT Hà Nội đã thông báo danh sách rà soát đến các trường, đề nghị gửi danh sách chốt vào cuối tháng 3/2020.
Tuy nhiên, kế hoạch khảo sát theo dự kiến ban đầu phải thay đổi do các trường học, các trung tâm khảo thí trên địa bàn Thành phố tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19.
Đến ngày 29/5/2019, Sở GD&ĐT Hà Nội đã gửi công văn số 1647/SGDĐT-GDPT đề nghị các đơn vị rà soát theo chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh, thông báo tới toàn thể đội ngũ giáo viên tiếng Anh các trường phổ thông, trung tâm GDNN-GDTX chuẩn bị tham dự kiểm tra rà soát năng lực theo chuẩn quốc tế IELTS.
Việc rà soát và triển khai bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế trong Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 23/01/2019 của UBND TP Hà Nội thể hiện sự quan tâm đến đội ngũ giáo viên giúp nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học môn tiếng Anh, nhất là kỹ năng nghe, nói của học sinh phổ thông của Thủ đô.
Năm 2025, trên 50% giáo viên có trình độ nghe nói tiếng Anh từ 6.5 IELTS trở lên Việc đào tạo nâng chuẩn quốc tế (IELTS) cho giáo viên tiếng Anh ở tất cả các cấp học đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới. Hà Nội đang rà soát để xếp lớp đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6...