Giáo viên giỏi thuyên chuyển về xuôi – nỗi lo lớn của giáo dục miền núi Nghệ An
Trong vài năm trở lại đây, mỗi năm có hàng chục giáo viên xin chuyển về xuôi đã để lại một “khoảng trống” rất lớn cho các huyện miền núi cao.
Theo tổng hợp của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, trong năm học này, toàn huyện có khoảng 20 giáo viên đang công tác ở các nhà trường xin chuyển về dạy ở miền xuôi. Điều này, gây nên khó khăn rất lớn cho các trường trong quá trình tổ chức dạy và học, đặc biệt khi số giáo viên chuyển trường đều là giáo viên dạy giỏi của tỉnh, của huyện và là giáo viên cốt cán của các nhà trường.
Học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương). Ảnh: Mỹ Hà
Năm học trước tại Hội nghị tổng kết năm học, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đã cho biết: Kỳ Sơn không còn giáo viên dạy giỏi tỉnh vì tất cả giáo viên dạy giỏi đã chuyển về xuôi.
Riêng năm nay, ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn nói thêm: Không chỉ giáo viên dạy giỏi tỉnh mà giáo viên dạy giỏi của huyện đã mất hơn một nửa. Đặc biệt, năm nay có một giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền và vừa được ngành Giáo dục tuyên dương cũng đã chuyển trường.
Tại huyện Tương Dương, hiện qua tổng hợp của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thì từ tháng 8/2019 đến nay trên địa bàn huyện đã có 20 giáo viên thuyên chuyển công tác, trong đó người nhiều tuổi nhất sinh năm 1977 và đã làm Phó Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Lượng Minh.
Nhiều giáo viên ở Trường Tiểu học Nậm Cắn (Kỳ Sơn) phải gửi con cho ông bà khi lên công tác vùng cao. Ảnh: Mỹ Hà
Bên cạnh đó, có 2 người khác cũng đã làm đến lãnh đạo nhà trường, 1 người là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Thái. 1/3 trong số giáo viên thuyên chuyển là xin chuyển về Vinh. Do giáo viên xin chuyển quá đông nên hiện nay, huyện tạm thời không đồng ý cho giáo viên tiếng Anh chuyển công tác vì huyện thiếu quá nhiều giáo viên tiếng Anh. Tuy nhiên, đã có 2 giáo viên xin thôi việc để chuyển về Nam Đàn, Thanh Chương.
Trong thời gian qua, rất nhiều huyện miền xuôi đã tuyển dụng giáo viên văn hóa và giáo viên tiếng Anh khiến cho rất nhiều giáo viên trên địa bàn huyện xin thuyên chuyển công tác. Đây là nhu cầu của mỗi cá nhân, nhưng việc giáo viên thuyên chuyển quá nhiều sẽ khiến cho giáo dục huyện nhà “vỡ trận” và chất lượng giáo viên miền núi sẽ giảm xuống.
Video đang HOT
Ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2019 – 2020.
Thực tế này cũng đã được phản ánh tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh nhưng giải quyết như thế nào là một vấn đề cần cân nhắc, bởi việc thuyên chuyển là quyền lợi của từng giáo viên và không trái với quy định.
Trao đổi thêm về nội dung này, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị trong năm học tới, nếu các địa phương tuyển dụng giáo viên từ các huyện miền xuôi thì trước khi tuyển dụng cần có văn bản đồng ý của đơn vị sở tại để tránh gây khó khăn cho cả địa phương và các giáo viên.
Việc quá nhiều giáo viên dạy giỏi thuyên chuyển đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác giáo dục ở các huyện vùng cao. Ảnh: Mỹ Hà
Trước đó, từ nhiều năm nay, trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An, số giáo viên là người vùng xuôi lên công tác khá đông, nhiều người trong số đó là vợ chồng. Vì điều kiện công tác khó khăn nên đa phần giáo viên “cắm bản” đều phải gửi con cho ông bà dưới xuôi nên việc thuyên chuyển về quê làm việc là nguyện vọng chính đáng của các thầy giáo, cô giáo nhằm ổn định cuộc sống.
Bất cập hiện nay là dù giáo viên thuyên chuyển nhiều nhưng nhiều năm nay các huyện miền núi lại ít được tuyển dụng mới, vì thế gây nên “khoảng trống” ở các nhà trường, cả về số lượng và chất lượng.
Tình trạng này, có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong năm học tới khi nhu cầu giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học và giáo viên tiếng Anh ở các huyện vùng xuôi đang thiếu rất nhiều. Thậm chí, nhiều địa phương dù có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không tuyển đủ giáo viên (như huyện Quỳnh Lưu). Đây chính là cơ hội cho các giáo viên vùng cao về xuôi, nhất là khi họ đều là giáo viên có kinh nghiệm và đã được công nhận giáo viên dạy giỏi của huyện, của tỉnh.
Chọn sách khổ lắm!
Chọn sách theo mình hay theo định hướng? Đó là câu hỏi mà không ít giáo viên tự hỏi chính bản thân mình.
Có định hướng không? Câu trả lời là có, nhưng rất khéo léo, nhẹ nhàng, chả ai bắt bẻ được; một lời khen, một lời chê về một cuốn sách hay bộ sách nào đó, rất khách quan của lãnh đạo, đã có định hướng đến chọn sách rồi.
Tại sao giáo viên muốn chọn sách theo định hướng?
Một thành viên chọn sách tâm sự: "Để đánh giá đúng được một quyển sách của một nhà xuất bản, một nhóm tác giả nào đó đâu phải dễ.
Họ toàn là những nhà nghiên cứu, tiến sĩ biên soạn. Còn đội ngũ giáo viên của chúng ta thì sao?
Chúng ta có yêu cầu họ quá cao hay không khi bắt họ đánh giá ở nhiều góc độ, khi trình độ họ chỉ có là của một giáo viên đạt chuẩn.
Thời gian dành cho giáo viên nghiên cứu để đánh giá sách là bao lâu? Trong khoảng không gian như thế nào? Trong khi họ còn bao lo toan cho cuộc sống thường ngày, rồi còn phải lo bài dạy, lên lớp, v.v...
Thậm chí là giáo viên, lãnh đạo của các nhà trường còn phải chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan....
Khổ lắm Thầy ạ."
Vì vậy việc chọn sách giao về cho trường học sẽ mang cảm tính nhiều hơn; giáo viên và hội đồng chọn sách sẽ chọn việc nhàn nhã, đó là chọn sách theo định hướng, gợi ý của lãnh đạo, của chuyên viên.
Chọn sách giáo khoa có theo định hướng không? (Ảnh minh họa: Daidoanket.vn)
Chọn sách theo định hướng có lợi gì cho giáo viên?
Lợi trước tiên đó là không cần phải đọc sách, không cần tốn công nhọc tâm cho việc tìm ra bộ sách nào phù hợp hay không phù hợp.
Chọn sách theo định hướng hay gợi ý của lãnh đạo, giáo viên không phải chịu áp lực; không phải phản biện hay tranh luận nội dung nhận xét của bản thân.
Dù có định hướng nhưng quy trình chọn sách thể hiện trên văn bản hoàn toàn dân chủ, đố ai bắt bẻ được; có đầy đủ bản nhận xét đánh giá được ghi chép trong hồ sơ chuyên môn.
Có nên định hướng chọn sách?
Chính bất cập về trình độ của giáo viên, có địa phương giao cho mỗi giáo viên cốt cán chọn một đầu đầu sách, sau đó giáo viên cốt cán sẽ nhận xét đánh giá các đầu sách trong tọa đàm chọn sách giáo khoa. (Chính những giáo viên cốt cán này sẽ là thành phần chọn sách cấp Tỉnh trong năm học 2021-2022).
Trong tọa đàm, các giáo viên này sẽ định hướng ... mà không phải định hướng.
Chọn sách định hướng kiểu này không phát huy được trí tuệ tập thể. Người ta có câu "Ba anh hàng da họp lại thành Gia Cát Lượng", vì thế dù sao đi nữa cũng không nên định hướng chọn sách giáo khoa.
Muốn cả địa phương có chung bộ sách, càng không nên định hướng, chỉ nên chọn những đầu sách có nhiều trường chọn nhất mới đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương.
Thực tế, có những vấn đề sai sót của bộ sách giáo khoa cũ, chỉ đến nay mới phát hiện ra sai sót. Vì vậy chọn sách, là công việc khó, khổ của giáo viên hiện nay, dẫu vậy cũng không nên định hướng chọn sách cho giáo viên.
Chọn sách theo định hướng, thầy cô đã chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai?
Lê Mai
Theo giaoduc.net
Hà Nội chuẩn bị 3.300 phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2020 Ngày 5-6, tại cuộc họp trực tuyến về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì với các địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại Hà Nội. Phó...