Giáo viên giỏi chạy từ trường công sang tư: Không chỉ do thu nhập
Giáo viên giỏi chạy từ trường công sang tư, không chỉ vì thu nhập khu vực tư cao hơn mà còn do cơ chế và điều kiện làm việc để các giáo viên khai thác hết năng lực của mình.
Giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hành tại một trường ĐH tư thục ở TP.HCM – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Người giỏi chuyển từ công sang tư, theo nhiều người, là xu hướng tất yếu không chỉ vì thu nhập khu vực tư cao hơn mà còn do cơ chế và những điều kiện làm việc tạo cơ hội để các giáo viên khai thác hết năng lực của mình.
Mượn phòng dạy học cần tới 5 – 6 chữ ký
Thạc sĩ Châu Thế Hữu dạy tại Khoa Quản trị kinh doanh quốc tế của Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM chia sẻ về lý do rời một trường ĐH công lập có tiếng để đến một trường tư thục làm việc: “Mỗi nơi đều có những lợi thế và khó khăn riêng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy môi trường ĐH công có khá nhiều điều gò bó và thiếu linh hoạt, nếu cứ liên tục và kéo dài chắc chắn sẽ gây mệt mỏi. Nhất là những người trẻ mong muốn được cống hiến. Dường như trường công lập có một quy trình làm việc khá máy móc và không thể khác được. Đơn giản nhất, khi tôi mượn phòng để dạy học, tôi phải làm tờ trình xin mượn, rồi phải cần 6 – 7 chứ ký, từ trưởng bộ môn, trưởng ban lãnh đạo, ban đại diện thiết bị đến bảo vệ giữ chìa khóa. Sau đó, trình lên ban giám đốc ký. May mắn thuận lợi thì trong buổi chiều là xong, có người mất vài ngày vì người cần ký không có ở trường, hoặc nếu sai một chi tiết phải làm lại và xin chữ ký lại từ đầu. Cũng là mượn phòng, ở trường tư, tôi chỉ cần đến phòng giám thị đăng ký, báo thời gian, không cần làm đơn, không cần xin chữ ký…”.
Thạc sĩ Hữu thông tin thêm, vì cơ sở TP.HCM của trường ĐH cũ không có khoa tiếng Anh mà chỉ được gọi là bộ môn nên công việc gì liên quan đến chương trình học, kiểm tra đánh giá sinh viên… bộ môn cũng phải làm tờ trình chuyển ra cơ sở chính ở Hà Nội, sau đó ban giám hiệu chuyển xuống khoa chuyên môn… “Có khi phải mất cả năm mới có kết quả, rất mệt mỏi và mất thời gian. Không thể nào khác được vì đó được xem là quy trình bắt buộc. Tôi nghĩ nếu cơ chế trường công thông thoáng hơn, bớt đi thủ tục hơn, thì những người trẻ có năng lực, nhất là những người đi học ở nước ngoài về, mới cảm thấy có môi trường tốt để làm việc và gắn bó lâu dài”, thạc sĩ Hữu nhìn nhận.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thời gian qua thu hút không ít cán bộ, giảng viên từng làm việc cho các trường công lập. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho rằng: “Cán bộ, giảng viên trẻ có những suy nghĩ rất khác so với thế hệ lớn tuổi. Họ có khả năng thay đổi môi trường làm việc và đáp ứng môi trường mới khá nhanh, không gặp khó khăn lớn. Nhiều nghiên cứu sinh từ nước ngoài về thích vào trường tư thục do cơ chế tự chủ. Mặc dù các trường công lập cũng đang dần tự chủ tài chính, nhưng vẫn còn những rào cản khác không thể thông thoáng bằng trường tư thục”.
Theo tiến sĩ Quốc Anh, ở trường tư thục, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Nếu những đề xuất của cán bộ, giảng viên hợp lý và vì mục tiêu chung của trường, thì sẽ rất nhanh được thông qua, không cần phải trình lên các cấp cao hơn như trường công lập. Những vấn đề liên quan đến thu chi, miễn sử dụng đồng tiền hiệu quả thì đều được duyệt nhanh chóng.
Vấn đề thăng tiến cũng là một yếu tố thu hút cán bộ, giảng viên trẻ. Thạc sĩ Châu Thế Hữu nhận định: “Tôi nhận thấy trường tư thục không lấy quy trình ra để cất nhắc người giỏi. Miễn là bạn có năng lực, nhiệt tình, hết mình cống hiến cho trường, thì dù bạn rất trẻ, trường tư cũng bổ nhiệm bạn ở vị trí cao, không quan trọng thâm niên hay các điều kiện khác. Trong khi đó, tại các trường công, người giỏi, trẻ tuổi chắc chắn vẫn phải trải qua một quy trình nhất định, mới có thể được thăng tiến”.
Tiến sĩ Võ Nguyên Sơn, tiến sĩ ở nước ngoài từng làm việc tại một trường công lập, nay đã chuyển sang một trường tư thục, nhận định: “Trường công hiện đang thừa hưởng nhiều ưu thế mang tính nền tảng hơn để thu hút người giỏi như thương hiệu, cơ sở vật chất được nhà nước đầu tư, uy tín của đội ngũ giảng viên… Tuy nhiên, nói đến việc tạo một môi trường làm việc tốt thì không hề đơn giản. Nhiều trường tư đang làm tốt hơn trong việc tạo môi trường làm việc hấp dẫn”.
Thu nhập tốt hơn
Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhìn nhận: “Trong những năm gần đây, sự thay đổi của xã hội về quan niệm công tư, các chính sách của nhà nước hạn chế phân biệt công tư, và các chính sách ở trường tư không khác, thậm chí còn năng động hơn khối công lập nên tạo điều kiện để nguồn nhân lực giỏi lựa chọn nơi làm việc phát huy năng lực của bản thân. Đối với nhân lực giỏi, có trình độ chuyên môn cao, trường thường trả mức thu nhập đủ để các bạn sống tốt. Ngoài ra, trường tạo điều kiện về công việc để lực lượng này ổn định cuộc sống, yên tâm công tác tại trường”.
Video đang HOT
Theo tiến sĩ Hải, trường xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương tương ứng với nhiệm vụ và năng suất làm việc hằng năm. Mỗi cán bộ của trường sẽ có bảng mô tả công việc riêng, lãnh đạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, kể cả hỗ trợ kinh phí trong những chuyến công tác trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, mỗi cán bộ sẽ được chủ động chọn nhiệm vụ để thực hiện phù hợp với năng lực và sở thích của cá nhân, đánh giá và tạo điều kiện để hoàn thành trong năm tiếp theo.
Nhiều giảng viên đang làm việc tại trường tư thục cho biết, thu nhập là một trong những yếu tố thu hút giảng viên, người tài đến trường tư. Nếu trường công trả mỗi tiết dạy từ 60.000 – 100.000 đồng, trường tự chủ có thể cao hơn chút, thì trường tư là 150.000 – 200.000 tùy học hàm học vị. Ngoài ra, mức thu nhập còn căn cứ vào năng lực. Một người nổi trội vẫn có thể được trả lương cao hơn mức quy định, nhất là những vị trí đang thiếu thì thường các trường tư trả lương rất cao để thu hút.
Ý kiến
Môi trường làm việc tốt hơn
Đãi ngộ ở đây không có nghĩa đơn thuần là trả lương mà còn môi trường làm việc và cơ hội phát triển, thăng tiến. Có những người khi xin nghỉ trình bày thẳng vì được trường tư thục đề nghị làm lãnh đạo với tài chính tốt hơn nên xin đi để khi về hưu có thu nhập cao hơn.
PGS-TS Trần Thiên Phúc
(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
Để tiếp tục giữ vị trí quản lý
Có những người đi vì thu nhập nhưng có người vì cơ chế. Theo quy định hiện hành, một người chỉ được giữ chức vụ trưởng khoa tối đa 2 nhiệm kỳ (10 năm) trong một trường. Nếu không được đề bạt chức vụ cao hơn hoặc luân chuyển sang vị trí quản lý khác, người này phải làm giảng viên. Nên có những người tìm cách chuyển sang trường tư thục để được tiếp tục giữ vị trí quản lý trưởng một khoa chuyên môn mình từng phụ trách khi ở trường công.
(Nguyên hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM)
Sẽ không còn phân biệt công tư
Quan niệm trường công và tư sẽ dần tiến đến gần nhau và rồi sẽ không còn khoảng cách. Nguồn nhân lực vì thế sẽ là một sự cạnh tranh sòng phẳng với các trường. Đối với các giảng viên, việc lựa chọn nơi làm việc có điều kiện tốt, chế độ đãi ngộ cao là hoàn toàn chính đáng và cần được tôn trọng.
(Trưởng phòng tổ chức hành chính một trường ĐH công lập tại TP.HCM)
Cơ hội phát huy sự sáng tạo
Cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường tư sẽ thuận lợi cho giáo viên phát huy năng lực, sáng tạo. Đó là chưa kể, có một bộ phận không nhỏ lãnh đạo trường công có lối tư duy cũ kỹ, không chịu và không tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới, chỉ lo làm đúng theo quy định khiến giáo viên mất dần những động lực với nghề.
(Hiệu trưởng một trường THCS công lập tại TP.HCM)
Hà Ánh – Bích Thanh (ghi)
“Trường công hiện đang thừa hưởng nhiều ưu thế mang tính nền tảng hơn để thu hút người giỏi… Tuy nhiên nhiều trường tư đang làm tốt hơn trong việc tạo môi trường làm việc hấp dẫn”
Tiến sĩ Võ Nguyên Sơn
Theo thanhnien
Giáo viên giỏi chạy từ trường công sang tư
Nếu trước đây khái niệm 'chảy máuhat chất xám' được dùng để chỉ việc du học sinh không trở về nước thì nay đang khá phổ biến với hiện tượng lao động giỏi có xu hướng bỏ trường công sang trường tư ngay trong nước.
Nhiều giáo viên trẻ chọn trường tư để giảng dạy - ẢNH: TRỌNG HOÀNG
Khi "hạt giống vàng" cũng nhảy việc
Từ địa phương khác chuyển đến làm giáo viên (GV) trường công lập tại Q.1, TP.HCM là mơ ước không nhỏ đối với nhiều GV. Thế nên phải mất gần một năm suy nghĩ, cân nhắc và đắn đo, thầy giáo H.L.T, GV ngữ văn cấp THCS mới quyết định "nhảy việc" từ trường công lập sang trường tư thục. Sau khi thực hiện các thủ tục theo quy định với nhà trường, thầy T. chuyển đi trong im lặng mà không dám chia tay với học trò. Ngày khai giảng, đến trường mới biết thầy mình không còn dạy, không ít học sinh của trường THCS tại Q.1 ấy đã nhắn tin "hờn trách".
Sở dĩ học trò luyến tiếc bởi thầy T. là một GV trẻ, cá tính và dám đổi mới, dám dấn thân, không ngừng sáng tạo. Chính thầy là người cùng với học sinh đứng ra thực hiện những dự án học văn một cách nhân văn, "thoát" ra khỏi sách vở, học bằng những trải nghiệm thực tế như: Chuyện đời quanh em, Tiếng gọi từ biển. Cũng từ những dự án có tiếng vang này, GV của TP.HCM cùng một số tỉnh, thành khác đã áp dụng mô hình học tập của thầy H.L.T để giúp học trò học tập tích cực. Không chỉ được ví là người "truyền lửa" cho nhiều đồng nghiệp mà trường nơi thầy T. công tác xem thầy là "hạt giống vàng".
Trước khi theo học thạc sĩ chuyên ngành hóa học ở Úc, cô V.V.V giảng dạy tại một trường THPT có tiếng của Q.10. Ngay khi tốt nghiệp trở về nước, với suy nghĩ dạy trường công để ổn định công việc, có điều kiện chăm lo cho gia đình, 2 năm trước cô V. nộp hồ sơ đăng ký tuyển dụng vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Cô V. trúng tuyển với số điểm khá cao và được hội đồng tuyển dụng đánh giá tốt sau khi thực hiện những bài phỏng vấn, tiết dạy thử nghiệm. Thời điểm đó, không ít thành viên hội đồng tuyển dụng dự đoán GV mới của trường chuyên nổi tiếng cả nước sẽ tiến nhanh trong sự nghiệp của mình. Thế nhưng, cuối cùng cô V. "nói lời chia tay" ngay trước thềm năm học mới vì có những dự định cho tương lai. Lý do, theo cô V., "dù trường công ổn định nhưng lại không đảm bảo những điều kiện khác".
"Chảy máu ngày càng nặng"
Phát biểu tại buổi làm việc của cán bộ chủ chốt ĐH Quốc gia TP.HCM với đoàn công tác Ban Kinh tế T.Ư ngày 10.10 vừa qua, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH này, cho biết có hiện tượng rất đáng quan ngại là "chảy máu" chất xám ngày càng nặng từ trường công sang tư. Ông Đạt cho biết, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng rơi vào tình trạng này. Đáng nói, hiện tượng này không chỉ xảy ra với người đã nghỉ hưu mà ngay trong lực lượng lao động trẻ.
"Tôi nghĩ một phần là do thiếu nguồn lực ở trường tư và nếu nguồn lực này không tốt hơn, tình trạng "chảy máu chất xám" sẽ trầm trọng hơn. Sẽ rất tiếc nếu trường công không giữ được lực lượng này", ông Đạt chia sẻ.
Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong khoảng 8 năm ông làm quản lý, có khoảng vài chục cán bộ giảng viên của trường chuyển sang các trường tư. Trong đó không ít người trước khi đi đang là giảng viên và khi chuyển sang trường tư đều được giữ chức vụ trưởng bộ môn, trưởng khoa và nhiều người trong ban giám hiệu.
Nguyên hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cho biết trong một nhiệm kỳ 5 năm có 5 người xin nghỉ để chuyển sang làm tại các trường khác. Chưa kể số người xin học bổng du học rồi tìm cách ở lại nước ngoài. Đây chủ yếu là cán bộ giảng viên các ngành khoa học tự nhiên, những người có trình độ cao và năng lực thực sự.
Chiến dịch "săn người" của trường tư
Hiện nay, những trường tư, đặc biệt những trường có điều kiện về tài chính, đã tạo nhiều chính sách để thu hút và "săn" GV, quản lý các trường có uy tín về chuyên môn và trình độ.
Năm học trước, những người trong ngành giáo dục tại TP.HCM không khỏi bất ngờ và "sốc" trước việc 3 hiệu phó và 4 GV của những trường tiểu học, THCS có tiếng tại TP chuyển sang làm ở các trường tư. Trong số đó có người đã đoạt giải nhất GV sáng tạo, được vinh danh tại Diễn đàn Giáo dục toàn cầu tổ chức tại Mỹ và là người truyền cảm hứng cho GV trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng học sinh đến với kỹ năng toàn cầu. Còn trong năm học này, một hiệu trưởng THCS năng động, có nhiều ý tưởng đổi mới, sáng tạo của quận nội thành đã được một số trường tư mời về làm việc. Tuy nhiên ý định này chưa kịp thực hiện vì những người phụ trách công tác tổ chức cán bộ của địa phương đó đã có những buổi trao đổi, làm công tác tư tưởng để "giữ chân" GV.
Còn hiệu trưởng của một trường THCS có GV "nhảy việc" nói: "Thầy cô ra trường đã hơn 10 năm, dạy cả 2 buổi, tăng tiết suốt tuần mà tổng thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi các trường tư có chế độ đãi ngộ với thu nhập gấp 4 lần và điều kiện cơ sở vật chất khác hoàn toàn nên khó mà níu giữ, vì rõ ràng mình không thể đáp ứng những điều kiện như vậy".
Ý Kiến
Trường công lập không thể nuôi sống, đáp ứng nhu cầu
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dạy trường công hay tư. Việc dạy ở trường công hay tư đều không ảnh hưởng gì đến uy tín, năng lực chuyên môn... Muốn làm tốt nghề thì phải nuôi sống bản thân trước đã. Do vậy, khi trường công lập không thể nuôi sống và đáp ứng nhu cầu bản thân, gia đình, không thể tạo mọi điều kiện có thể để tôi phát triển bản thân... thì tôi quyết định đến với một trường tư thục mang định hướng quốc tế".
Giáo viên H.L.T (TP.HCM)
Lương quá thấp không đảm bảo cuộc sống
"Tôi chuyển từ trường công sang làm ở một trường quốc tế sau 4 năm vì thu nhập ở trường công không đủ trang trải cuộc sống. Khi có bằng thạc sĩ, thu nhập cũng chỉ 4,1 triệu đồng/tháng, nếu chịu khó coi thi cật lực thì có thể kiếm thêm trên 2 triệu đồng/học kỳ. Lương quá thấp không đảm bảo được cuộc sống".
Một cựu giảng viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM
Theo thanhnien
Chi phí đại học ở nơi đắt đỏ nhất thế giới Học phí đắt đỏ, sinh viên ngoài bang và người không cư trú tại Mỹ phải trả nhiều gấp đôi, gấp ba so với sinh viên trong bang. Học phí ở đại học Mỹ là bao nhiêu? Nếu quan tâm đến việc học tập tại xứ sở cờ hoa, một trong những yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc là bạn sẽ...