Giáo viên giáo dục đặc biệt: Sẽ quy định năng lực cần thiết
Từ sự việc đứa trẻ bị buộc dây vào cửa sổ do có biểu hiện rối loạn hành vi, cảm xúc đã bộc lộ bất cập: nhiều nơi trẻ khuyết tật, nhất là trẻ có dấu hiệu tự kỷ, chưa được quan tâm đúng mức.
Cô giáo Trung tâm hy vọng kiên trì dạy tiếng Việt cho một trẻ mắc chứng tự kỷ – Ảnh: N.TRẦN
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nghĩa, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đề nghị các địa phương quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và bố trí nhân viên hỗ trợ giáo dục học sinh khuyết tật cho các cơ sở giáo dục phổ thông để hỗ trợ, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khuyết tật theo các quy định đã có, giảm áp lực đối với giáo viên.
* Việc đào tạo giáo viên chuyên ngành đã được triển khai ở một số trường ĐH nhưng tình trạng chung nhiều năm qua là sinh viên ra trường không có việc làm vì không có định biên…
- Hiện cả nước có 18 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 104 cơ sở giáo dục chuyên biệt. Tuy nhiên đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có trẻ học hòa nhập (phương thức giáo dục chủ yếu đối với trẻ khuyết tật) lại không có quy định vị trí giáo viên dạy trẻ khuyết tật, vì vậy không tuyển dụng được giáo viên được đào tạo về giáo dục đặc biệt.
Giải pháp khắc phục đã và đang được Bộ GD-ĐT triển khai là phát triển chương trình, tài liệu, tổ chức bồi dưỡng giáo viên về kiến thức, kỹ năng phát hiện, can thiệp và chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật, bồi dưỡng thường xuyên hằng năm cho giáo viên.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo tổ chức biên soạn và triển khai nội dung giáo dục hòa nhập trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tại các trường ĐH, CĐ đào tạo giáo viên nhằm đảm bảo sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đều đã được trang bị kiến thức, kỹ năng về giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đang rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về giáo dục khuyết tật, phối hợp với các bộ, ngành bổ sung vị trí nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
* Hiện nay trẻ tự kỷ được khuyến cáo nên học hòa nhập chứ không nên chỉ gửi vào trung tâm giáo dục chuyên biệt, vậy theo bà, Bộ GD-ĐT có nên đề nghị một vị trí cho giáo viên được đào tạo giáo dục đặc biệt trong trường công lập không?
- Việc cho trẻ tự kỷ theo học phương thức giáo dục hòa nhập là phù hợp. Tuy nhiên, đối với những trẻ khuyết tật mức độ nặng cần có thời gian học tiền hòa nhập ở trường chuyên biệt. Trẻ đặc biệt nặng cần được chăm sóc ở trung tâm bảo trợ xã hội.
Video đang HOT
Trẻ tự kỷ là một dạng khuyết tật có những biểu hiện rất phức tạp, cần sự phối hợp liên ngành và có giáo viên được đào tạo chuyên sâu về giáo dục đặc biệt là cần thiết. Tuy nhiên, việc đề nghị có một vị trí giáo viên được đào tạo, chuyên trách trong các trường học là rất khó trong điều kiện hiện nay.
Theo tôi, giải pháp cho vấn đề này ở thời điểm hiện nay chỉ là tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về giáo dục khuyết tật, giáo dục trẻ tự kỷ cho giáo viên. Các nhà trường cũng cần có phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
Bên cạnh đó là việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, chia sẻ đối với trẻ khuyết tật và giáo viên dạy trẻ khuyết tật trong các nhà trường. Việc phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình, các cơ quan chuyên môn, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, cơ quan y tế, các chuyên gia để tư vấn và hỗ trợ cho trẻ cũng cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Hải – Ảnh: BÁ HẢI
* Chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên đủ khả năng chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật được Bộ GD-ĐT quy định như thế nào? Những giáo viên phải kiêm nhiệm liệu có thể được điều chỉnh mức lương phù hợp với công việc vất vả này?
- Hiện nay việc bồi dưỡng giáo viên dạy trẻ khuyết tật học hòa nhập được thực hiện thông qua bồi dưỡng thường xuyên (modun tự chọn) và hằng năm bộ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán về giáo dục hòa nhập, chủ yếu bồi dưỡng về phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật các dạng tật (nghe, nhìn, nói, vận động, trí tuệ, tự kỷ) để triển khai đại trà ở các địa phương.
Theo kế hoạch, năm 2019 bộ sẽ ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ về giáo dục đặc biệt cho giáo viên, trong đó sẽ có những quy định về năng lực cần thiết của giáo viên để đảm bảo chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật.
Về chế độ đối với giáo viên dạy hòa nhập, ngoài các chế độ được hưởng như những giáo viên khác thì được hưởng phụ cấp ưu đãi bằng tiền lương giảng dạy 1 giờ x 0,2 x số tiết thực tế ở lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập (nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10-4-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật).
* Theo bà, ngành GD-ĐT cần những cơ sở pháp lý như thế nào để thu hút các lực lượng xã hội và cha mẹ học sinh chung tay trong việc giáo dục đối với học sinh đặc biệt?
- Những vấn đề này đã được quy định tại Luật giáo dục và Luật người khuyết tật. Bộ GD-ĐT đã cụ thể hóa các quy định đó trong các văn bản quy phạm pháp luật (điều lệ, quy chế hoạt động các cơ sở giáo dục…) và các văn bản hướng dẫn chỉ đạo. Điều 5 nghị định số 28/2012/NĐ-CP đã quy định cụ thể chính sách xã hội hóa trợ giúp người khuyết tật.
Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ khác trợ giúp người khuyết tật.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ về loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, tạo việc làm và cơ sở cung cấp dịch vụ khác giúp người khuyết tật.
Các chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa giáo dục đã được quy định tại các nghị định của Chính phủ. Hiện nay, nhiều địa phương như TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội… đã thành lập các cơ sở giáo dục khuyết tật ngoài công lập.
VĨNH HÀ thực hiện
Theo tuoitre
Tổ chức chương trình tôn vinh các giáo viên tâm huyết dạy trẻ khuyết tật
Chủ đề của chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018 là tôn vinh các thầy giáo, cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội. Họ là những người đóng góp cho xã hội một cách thầm lặng, có nghị lực phi thường và tấm lòng yêu thương cao cả.
Ngày 25/7/2018, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức họp báo giới thiệu chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018.
Với tình thương với các em học sinh khuyết tật, các cô giáo luôn kiên trì, nỗ lực hết mình để dìu dắt học sinh vươn lên, hòa nhập cộng đồng (Ảnh: Tiến Thành)
Hưởng ứng phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi" của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11); tiếp nối truyền thống "Tôn sư trọng đạo", "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, năm 2015, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" triển khai trong giai đoạn 2015 - 2019 với nội dung tuyên dương các thầy giáo, cô giáo và những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ...
Trong 3 năm 2015, 2016 và 2017, Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" đã tuyên dương 166 thầy giáo, cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo; các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo và các cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm công tác dạy học giúp đỡ học sinh đến trường.
Năm nay, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Thiên Long tổ chức Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018, tuyên dương 63 thầy giáo, cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội và thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chia sẻ về lý do lựa chọn đối tượng của chương trình năm 2018, Ban Tổ chức chương trình cho biết nghề giáo đòi hỏi một sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ nhưng đối với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, sự hi sinh này còn lớn hơn, vất vả, khổ nhọc hơn rất nhiều. Người thầy phải có một ý chí, nghị lực phi thường và nhất là phải có tấm lòng yêu thương cao cả thì mới có thể bám trụ được với nghề.
Niềm hạnh phúc của mỗi thầy cô dạy trẻ khuyết tật chính là nhìn thấy sự tiến bộ, lạc quan và niềm tin trong cuộc sống của những học trò nhỏ, giúp các em khuyết tật tự khẳng định bản thân và có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật xứng đáng được xã hội tôn vinh, là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay...
Ảnh minh hoạ: Tiến Thành
Trong khuôn khổ chương trình, vào tháng 9/2018, "Chia sẻ cùng thầy cô" sẽ trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật tại một số tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt, "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018 sẽ tổ chức cuộc thi online mang tên "Nghĩ về người giáo viên giáo dục đặc biệt" để xã hội cùng chia sẻ khó khăn và gửi lời động viên đến đối tượng của chương trình năm nay.
Mỗi thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật được tuyên dương năm nay, sẽ được nhận 01 sổ tiết kiệm 10 triệu đồng; Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, Ban tổ chức chương trình sẽ đi thăm và tặng quà một số cơ sở giáo dục nơi có các giáo viên dạy trẻ khuyết tật được tuyên dương.
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018 sẽ nhận hồ sơ xét tuyên dương từ ngày 25/7/2018 đến hết ngày 25/9/2018. Hồ sơ gửi về Cổng tri thức Thánh Gióng, số 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Bìa hồ sơ ghi rõ: Tham gia Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018).
Dự kiến Lễ tuyên dương Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018 được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018 tại Thủ đô Hà Nội.
M.C
Theo Dân trí
"Đàn con đặc biệt" của cô giáo Hà thành ở miền sơn cước "Các con đặc biệt lắm, con thì không nghe được, con lại chậm hiểu, con thì đi lại khó khăn... nhưng con nào cũng ngoan ngoãn, nghe lời và luôn cố gắng học tập", cô Dương Liên tâm sự. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sóc Sơn ngoại thành Hà Nội, Dương Liên (sinh năm 1987) cứ tưởng mình sẽ gắn...