Giáo viên dạy thử để được tuyển làm… giáo viên
Thay vì tuyển dụng đặc cách các giáo viên đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, tỉnh Đắk Lắk tổ chức xét tuyển đặc cách các giáo viên hợp đồng thông qua phỏng vấn hoặc kiểm tra sát hạch trình độ
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành kế hoạch “tổ chức xét tuyển đặc cách” đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng BHXH từ năm 2015 trở về trước trên địa bàn tỉnh.
Đứng lớp 10 năm vẫn phải… dạy thử
Trước đó, Bộ Nội vụ có Công văn 5378/BNV-CCVC về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng BHXH từ năm 2015 trở về trước. Trong công văn, Bộ Nội vụ không yêu cầu phải tổ chức phỏng vấn hoặc kiểm tra sát hạch trình độ giáo viên khi tuyển dụng.
Tuy nhiên, tại Đắk Lắk, ngoài việc yêu cầu các đối tượng tham gia xét tuyển đặc cách phải đủ điều kiện, tiêu chuẩn như Công văn 5378, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), UBND các huyện, thị xã, thành phố vận dụng thủ tục trình tự xét tuyển viên chức để xây dựng phương án xét tuyển đặc cách theo 2 vòng.
Theo đó, vòng 1 kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển theo yêu cầu về điều kiện xét tuyển đặc cách giáo viên và theo yêu cầu của vị trí việc làm. Nếu phù hợp, người dự tuyển sẽ tham dự vòng 2 là trả lời phỏng vấn hoặc thực hành kiểm tra, sát hạch về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… UBND tỉnh Đắk Lắk cũng giao giám đốc Sở GD-ĐT, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định hình thức phỏng vấn hoặc thực hành.
Sau khi tiếp nhận kế hoạch này, nhiều giáo viên hợp đồng đủ điều kiện xét tuyển tỏ ra lo lắng và cho rằng tỉnh Đắk Lắk đã làm trái quy định tại Công văn 5378 của Bộ Nội vụ khi không tuyển dụng đặc cách mà tổ chức xét tuyển đặc cách.
Một nữ giáo viên tiểu học tại huyện Krông Năng thắc mắc: “Vị trí tôi đang dạy nằm trong chỉ tiêu biên chế và chỉ 1 mình tôi. Đối chiếu theo quy định tại Công văn 5378 của Bộ Nội vụ thì tôi được tuyển dụng thẳng, sao phải xét tuyển? Tỉnh làm như vậy có bảo đảm đúng quy định, khách quan, không để xảy ra tiêu cực hay không?”.
Một giáo viên khác cũng ở huyện Krông Năng, cô N.T.T cho biết cô đáp ứng tiêu chuẩn tuyển dụng đặc cách theo quy định tại Công văn 5378 nhưng theo kế hoạch của huyện thì cô phải qua sát hạch. “Tôi dạy gần 10 năm rồi, nay phải đứng dạy 1 tiết để đánh giá xem có làm được giáo viên hay không thì kỳ quá” – cô T. băn khoăn.
Video đang HOT
Dù đủ điều kiện xét tuyển đặc cách theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, giáo viên hợp đồng ở Đắk Lắk vẫn phải trải qua kỳ phỏng vấn hoặc dạy thử mới được tuyển dụng. (Ảnh mang tính minh họa)
Không cạnh tranh vẫn phải xét tuyển
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho biết trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT và UBND các huyện, thành phố, thị xã đang xây dựng kế hoạch xét tuyển đặc cách trình Sở Nội vụ phê duyệt. Riêng Sở GD-ĐT đã trình Sở Nội vụ về phương án xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng thuộc quản lý của đơn vị và lựa chọn phương án phỏng vấn tại vòng 2.
Lý giải vì sao không tổ chức tuyển dụng đặc cách như Công văn 5378 mà phải xét tuyển, ông Khoa cho biết một số địa phương, trường có những vị trí có cạnh tranh (số lượng giáo viên hợp đồng nhiều hơn chỉ tiêu biên chế) nên phải có phỏng vấn, kiểm tra để xác định được người trúng tuyển.
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề đối với những địa phương, những trường không xảy ra tình trạng cạnh tranh thì giáo viên hợp đồng (đủ điều kiện theo Công văn 5378) sẽ được tuyển dụng đặc cách, ông Khoa nói: “Cũng phải tiến hành theo 2 vòng như chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, do không cạnh tranh nên chỉ cần đạt điểm trung bình là được”.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Bảy, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng, các ngành đang tổ chức xây dựng phương án xét tuyển đặc cách đối với giáo viên theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Qua rà soát, huyện có 124 giáo viên đủ điều kiện xét tuyển đặc cách, không xảy ra tình trạng 1 vị trí việc làm nhưng có 2 ứng viên. Huyện dự kiến trong vòng 2 sẽ tổ chức sát hạch qua hình thức dự giờ 1 tiết dạy của ứng viên để chấm điểm. Do không cạnh tranh nên ứng viên chỉ cần đạt 50/100 điểm là trúng tuyển.
Trả lời câu hỏi không xảy ra tình trạng 1 vị trí có 2 ứng viên thì sao không tổ chức tuyển thẳng mà phải qua sát hạch, ông Bảy cho rằng UBND tỉnh không cho phép.
Ông Bạch Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, cho rằng không phải tỉnh không thực hiện chỉ đạo theo Công văn 5378 của Bộ Nội vụ mà tỉnh đang giao các địa phương thực hiện trên tinh thần công văn ấy. Việc không tuyển dụng mà xét tuyển đặc cách là do hiện nay tỉnh Đắk Lắk đang có việc thừa thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương, các trường.
Đối với các địa phương như huyện Krông Năng, nếu không xảy ra tình trạng cạnh tranh vị trí việc làm thì căn cứ vào tình hình thực tế mà xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm về phương án của mình.
Huyện Krông Pắk không có trường hợp đặc cách
Ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắk (nơi có hơn 500 giáo viên hợp đồng bị nghỉ việc), cho biết theo kế hoạch của tỉnh là xét tuyển đặc cách đối với giáo viên đang có hợp đồng lao động và có tham gia BHXH từ năm 2015 trở về trước. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện không có trường hợp nào thuộc diện này. Lý do là hơn 500 giáo viên hợp đồng dôi dư, huyện đã chấm dứt hợp đồng lao động từ trước.
Bài và ảnh: CAO NGUYÊN
Tạm dừng chấm dứt hợp đồng với giáo viên để chờ xét đặc cách
UBND huyện Sóc Sơn vừa có văn bản chỉ đạo tạm dừng chấm dứt hợp đồng, sắp xếp lại lịch giảng dạy để giáo viên tiếp tục công tác trong thời gian chờ chỉ đạo của cấp trên về việc xét tuyển đặc cách.
Công văn do Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh ký ngày 20/12 gửi tới Hiệu trưởng các trường Tiểu học và THCS công lập trên địa bàn huyện.
Công văn nêu, ngày 5/11/2019, UBND huyện đã ban hành thông báo số 5134 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với những giáo viên hợp đồng không xác định thời hạn đang công tác tại các trường Tiểu học,THCS công lập trên địa bàn huyện từ ngày 1/1/2020.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 5/11/2019, Bộ Nội vụ có văn bản số 5378 về việc tuyển dụng đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước. UBND huyện đang thống kê, tổng hợp danh sách giáo viên hợp đồng lao động.
Vì vậy, UBND huyện Sóc Sơn yêu cầu Hiệu trưởng các trường Tiểu học,THCS công lập trên địa bàn tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên theo văn bản 5134 đã ban hành trước đó.
Đồng thời, lãnh đạo các trường phải sắp xếp lịch giảng dạy để giáo viên tiếp tục công tác trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội và UBND huyện.
Sóc Sơn tạm dừng chấm dứt hợp đồng với giáo viên để chờ xét đặc cách.
Trước đó, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua việc dành 2.692 biên chế để bố trí cho giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách. Trong số các điều kiện xét đặc cách có yêu cầu giáo viên vẫn đang ký hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập; Có thời gian ký hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 31/5/2015.
Tuy nhiên, hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội hoang mang vì lý do họ đã bị chấm dứt hợp đồng trước khi chờ đến ngày được xét đặc cách vào biên chế.
Cụ thể, hơn 300 giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức không đạt tiêu chí đóng bảo hiểm xã hội khi họ không được UBND huyện đóng bảo hiểm trong suốt nhiều năm liền.
Ở thị xã Sơn Tây, đã có 57 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng.
Tại Ba Vì, 208 giáo viên Tiểu học và THCS cũng đã bị huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng trước khi chờ đến ngày được xét đặc cách.
Tại Sóc Sơn, 256 giáo viên hợp đồng cũng đang lo lắng vì đã nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng từ 1/1/2020.
Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây vừa qua đã nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng sau 17 năm đứng trên bục giảng. Thầy lo lắng: "Chúng tôi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trong khi bản thân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nếu dựa vào tiêu chí "giáo viên phải đang giảng dạy hợp đồng tại các trường công lập" mới được xét đặc cách thì chúng tôi không đạt. Như thế là quá thiệt thòi và bất công".
Theo Vietnamnet
Ngày đầu tiên đi làm của năm Canh Tý, giáo viên cả nước mong ước điều gì? Năm vừa qua đã phơi bày những gam màu xám xịt của ngành giáo dục. Khó có thể tưởng tượng được rằng có giáo viên chỉ nhận được vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng/ tháng. Mong nghề giáo viên mầm non sẽ được đối xử công bằng Trong ngày đầu tiên đi làm của năm mới (năm Canh Tý), cô giáo Hoàng Thị...