Giáo viên đánh tới tấp vào đầu nhiều học sinh lớp 2: Hội bảo vệ trẻ em Việt Nam nói gì?
Bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam cho rằng hành động giáo viên đánh học sinh cần phải lên án mạnh mẽ.
“Những giáo viên có hành vi bạo lực đối với học trò không đủ tư cách để đứng lớp. Nhà trường cần xem xét chuyển cô giáo sang vị trí khác, không cho họ đứng lớp, tránh tình trạng tiếp diễn những hành động như vậy với các em nhỏ”, bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam nhấn mạnh, liên quan đến vụ cô giáo đánh, tát liên tiếp vào đầu và mặt của học sinh ở Hải Phòng.
Bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. (Ảnh: Vietnamnet)
Bà Hồng cho rằng, đánh trẻ em là hành động đáng lên án. Cô giáo không được phép đánh học sinh trong mọi tình huống, dù học sinh có hư đến đâu. Hơn thế, các em còn nhỏ tuổi, muốn học trò nghe lời, cô giáo mầm non và Tiểu học cần phải như những người mẹ hiền thực sự, “dạy” về kiến thức, đồng thời là phải “dỗ” bằng tình thương, coi trò như con của mình.
“Trong độ tuổi trẻ lớp 1, lớp 2 là chúng ta phải vừa dạy, vừa dỗ, chứ không chỉ dạy không. Dù bằng bất cứ hình thức nào, cô giáo đánh trẻ là hoàn toàn sai, là vi phạm pháp luật”, bà Hồng nói.
Trẻ chịu ảnh hưởng nặng nề sau bạo lực
Theo bà Hồng, những em bé bị đối xử tàn nhẫn về mặt thể xác, như bị bố mẹ đánh hay thầy cô giáo đánh thường có hai chiều hướng xảy ra. Một là, các em sẽ thù hằn, cảm thấy bất lực và muốn tìm một người để xả cơn giận, từ đó có thể khiến các em có hành vi đánh bạn hoặc không thân thiện với bạn bè.
Hai là, khi nhắc đến việc học, các em sẽ sợ và co rúm lại, không dám gặp ai. Sự hào hứng, mong được đến trường, đến lớp để gặp thầy, gặp cô của các em không còn.
Bên cạnh đó, việc đánh vào đầu học sinh lớp 2 – độ tuổi còn quá non nớt còn khiến các em cảm thấy xấu hổ, đau đớn về thể xác, nghiêm trọng hơn là tinh thần cũng bị hoảng loạn.
“Thông thường trẻ rất tin, yêu cô giáo, bố mẹ nói chưa chắc chúng đã nghe bằng cô giáo. Trẻ đặt nhiều hy vọng, sự tin tưởng mà bị cô đánh như thế, ngoài tổn thương về mặt thể xác, trẻ còn gặp phải nỗi đau về tinh thần. Các em sẽ cảm thấy xấu hổ, mặc cảm, sợ sệt và sợ hãi. Hành động như vậy của các cô sẽ mãi ám ảnh các em”, bà Hồng phân tích.
Phụ huynh nên làm gì để bảo vệ con
Trước hàng loạt những vụ việc bạo hành, thậm chí cả xâm hại tình dục xảy ra trong thời gian gần đây, bà Hồng khuyên, bố mẹ nên dành thời gian để tâm sự với con, xem ngày hôm nay con đến lớp vui hay buồn, gặp bạn bè hoặc có vấn đề gì không. Nếu thấy con sợ sệt hoặc thấy con có điều bất thường thì bố mẹ phải tìm hiểu ngay.
Video đang HOT
Đặc biệt, với những vết thương trên cơ thể, bố mẹ phải chụp ảnh lại và đưa con đến cơ sở y tế xem có vấn đề gì không, nhất là bị đánh vào đầu, với có em ngày hôm ấy không sao, nhưng đêm hoặc ngày hôm sau mới phát bệnh.
Không những vậy, phụ huynh phải tìm cách để trao đổi, an ủi động viên con. Bố mẹ cần cần giải thích cho con rằng không phải tự nhiên cô đánh con, lỗi này của con cô phải xử lý bằng biện pháp khác, cô đánh con là cô sai. Bố mẹ sẽ bảo vệ con, sẽ có ý kiến với nhà trường. Con cứ yên tâm các bạn vẫn luôn yêu thương con, các thầy cô giáo khác vẫn yêu thương con.
Nghĩa là bố mẹ phải làm nhiều động tác để nâng đỡ tinh thần con mình, để con có thể quay lại hòa đồng với các bạn và mới có thể quay lại trường được,
Ngày 15/5, Facebook Nhu Anh Nguyen đăng tải nội dung cùng đoạn clip “vạch trần” những cái bạt tai khiến nhiều người bức xúc. Facebook này là của một phụ huynh một học sinh vì quá bức xúc nên đưa hình ảnh lên mạng xã hội.
Đoạn clip dài hơn 11 phút ghi lại những cảnh giáo viên liên tiếp tiếp tát vào mặt, đầu và cầm thước dài khoảng gần 1m đánh nhiều học sinh. Trong đó 2 nam học sinh phải bật khóc, tay ôm chỗ đau. Không dừng lại ở đó, một nữ giáo viên khác sau khi bước vào lớp cũng tát một học sinh.
Hình ảnh diễn ra trong buổi kiểm tra học kỳ 2, tại lớp 2A7, trường Tiểu học Quán Toan (quận Hồng Bàng, Hải Phòng).
Người thực hiện hành vi đánh học sinh là cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang (32 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A8). Hiện cô này đã bị đình chỉ công tác 6 tháng. UBND quận yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường không bố trí cho nữ giáo viên này chủ nhiệm trong một năm.
Theo VTC
Học sinh kiểm tra, giáo viên làm giám thị thì mắc mớ gì mà phải đánh học trò?
Thực sự chúng tôi cũng không thể lý giải được vì sao cô Nguyễn Thị Thu Trang lại có những hành động phi giáo dục đến vậy?
Mấy ngày nay, chúng tôi đã xem đi, xem lại nhiều lần clip cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A8, Trường Tiểu học Quán Toan, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng đánh các em học sinh lớp 2A7 trong giờ kiểm tra học kỳ 2.
Thực sự chúng tôi cũng không thể lý giải được vì sao cô Trang lại có những hành động phi giáo dục đến vậy? Chỉ trong một tiết kiểm tra Tiếng Việt mà giáo viên đã có hơn 20 lần đánh nhiều học trò trong lớp, có em bị đánh đến 5-6 lần.
Đa phần các lần đánh học trò thì cô giáo này đều tát vào mặt và tát liên tục nhiều cái.
Những giọt nước mắt và sự hối hận của cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang (Ảnh: vov.vn)
Có người cho rằng giáo viên này đánh học trò vì áp lực thành tích nhưng chúng tôi không cho là vậy. Bởi, cô Thu Trang chủ nhiệm lớp 2A8 mà cô gác kiểm tra ở lớp 2A7 thì yếu tố bệnh thành tích ở đây đã không còn.
Nếu có thì cũng rất mờ nhạt bởi những học sinh này không phải là lớp cô Thu Trang chủ nhiệm. Điểm cao, điểm thấp thì cũng chẳng liên quan gì đến thành tích của cô giáo này.
Đã là giám thị thì làm tròn vai trò, nhiệm vụ của người giám thị, hà cớ gì mà giáo viên cứ phải đi xuống từng bàn mà lật xem học sinh làm bài làm gì.
Nếu hướng dẫn điền thông tin thì cũng chỉ vài phút đầu là xong, sau đó giám thị ngồi giám sát học sinh làm bài, hết giờ thì thu bài chứ việc gì cứ chạy lên, chạy xuống đánh học trò bôm bốp như thế?
Các em không làm được bài thì bị điểm kém, mắc mớ gì mà phải đánh học trò. Thời gian 1 tiết kiểm tra ở cấp tiểu học có bao nhiêu đâu mà cô giáo làm cho học sinh không tập trung vào làm bài được.
Mỗi lần cô đánh, cô chửi thì ắt dẫn đến việc ảnh hưởng cho các em khác trong phòng. Hơn nữa, có những học sinh bị cô đánh nhiều lần trong giờ kiểm tra thì còn đâu tâm trí để tập trung làm bài nữa.
Đặc biệt là khi xem clip này, chúng tôi đã thấy có 2 lần cô giáo đánh xong là học trò khóc. Những tiếng khóc của bạn trong lớp chắc cũng sẽ ảnh hưởng nhiều tới việc làm bài kiểm tra của học trò.
Bởi, cứ thấy cô hỏi là tát, hỏi là cầm cây đánh học trò.Cứ nhìn hành động đánh học trò của giáo viên trong clip, chúng ta có thể hình dung ra việc làm này có thể được giáo viên áp dụng thường xuyên.
Không chỉ đánh các em mà cô giáo còn có rất nhiều từ ngữ xưng hô không phù hợp với học trò tiểu học như: con này, thằng này, mày, tao...rất phản cảm.
Điều đánh buồn nhất là trong clip này có tới 2 giáo viên cùng đánh học trò. Tại sao nhà trường tổ chức kiểm tra học kỳ mà nhìn vào lớp cứ như là cái chợ vậy. Người này vào, người kia vào và cùng nhau đánh học trò trong lớp?
Việc đánh học trò của các giáo viên ở đây hình như họ không biết sợ là gì. Bởi, phòng học được kết nối camera nhưng hai cô giáo cứ thẳng tay tát bôm bốp các em nhỏ. Nếu sợ thì họ đã không dám đánh và không đánh nhiều học sinh trong lớp trong một tiết kiểm tra đến vậy.
Các em còn nhỏ lắm, lớp 2 nghĩa là mới 8 tuổi đầu thôi nên làm sao dám lên tiếng thanh minh, làm sao dám phản kháng lại cô giáo đang đánh mình.
Nếu bị chửi cũng chỉ biết ngồi im mà chịu đựng, nếu bị đánh thì cũng chỉ biết phụng phịu, chảy nước mắt hoặc đau lắm thì khóc thé lên rồi lạ phải tức thì im bặt. Bởi, lời nói của cô đối với học trò tiểu học quan trọng lắm.
Cô Trang là giáo viên giỏi nhiều năm...
Chúng ta đã quá quen thuộc với mỗi lần giáo viên vi phạm lại nghe những lời thanh minh là cô ấy, thầy ấy có chuyên môn vững vàng và từ trước đến nay chưa có điều tiếng gì cả và là giáo viên dạy giỏi cấp quận, huyện nhiều năm...
Và, khi clip cô Thu Trang được mọi người biết đến, các cơ quan chức năng vào cuộc thì bà Nguyễn Thị Họa- Hiệu trưởng trường Tiểu học Quán Toan đã chia sẻ rằng cô Trang là giáo viên chủ nhiệm lớp 2A8 được phân công quản lý, giám sát buổi thi của lớp 2A7 ngày 8/5.
Tất nhiên, những thành tích đó không ai phủ nhận nhưng ở thời điểm hiện tại giáo viên có những hành động không phù hợp với nhiều học trò thì danh hiệu giáo viên giỏi cấp quận nhiều năm cũng là một dấu hỏi lớn.Cô Trang về trường công tác từ 2009 và vào biên chế năm 2014. Cô Trang từng được công nhận giáo viên giỏi của quận nhiều năm liền.
Giáo viên giỏi có ai đánh học trò như thế hay không? Khi đi thi giáo viên giỏi toàn thấy những thầy cô không chỉ giỏi chuyên môn mà ngôn phong trong ứng xử cũng ngọt ngào lắm cơ mà? Tại sao cô Trang lại có những hành động và ngôn phong kì lạ như trong clip?
Những giọt nước mắt muộn màng
Có những giáo viên khi vi phạm khóc trước các cơ quan chức năng và các phóng viên khiến dư luận động lòng thương cảm và rất muốn được chia sẻ, bênh vực.
Nhưng, đối với cô Thu Trang thì lại hoàn toàn khác bởi khi xem xong clip cô đánh học trò đã khiến cho nhiều người bất bình.
Chúng tôi không bàn luận về mức kỷ luật của thành phố Hải Phòng dành cho cô Thu Trang.
Chúng tôi chỉ muốn nhắn gửi với cô Trang rằng hành động của cô rất phản cảm trong môi trường giáo dục hiện nay. Bởi, học sinh tiểu học luôn cần những thầy cô thực sự gương mẫu, yêu thương học trò mới uốn nắn các em trưởng thành được.
Dù biết cô Thu Trang cũng như những thầy cô dạy tiểu học luôn vất vất hơn rất nhiều những thầy cô dạy ở các cấp học khác. Chính vì thế, các thầy cô tiểu học luôn cần vị tha và kiên trì giáo dục học trò một cách nhân văn nhất để làm đẹp thêm cho hình ảnh người thầy.
Nếu các thầy cô dạy tốt thì tương lai các em sẽ trở thành người người tốt cao hơn bởi ở lứa tuổi này, các em đang hình thành những thói quen của con người sau này.
NGUYỄN CAO
Theo giaoduc.net
Vì sao hai giáo viên cùng đánh tới tấp nhiều học sinh, nhưng chỉ một người bị kỷ luật? Trong clip trích xuất từ camera của Trường Tiểu học Quán Toan, có hai cô giáo cùng tát tới tấp nhiều học sinh, nhưng chỉ chỉ người bị kỷ luật. Trong buổi làm việc giữa UBND TP Hải Phòng và đại diện sở, ban ngành tại trường Tiểu học Quán Toan chiều 16/5, Phó Chủ tịch thành phố Lê Khắc Nam cho rằng,...