Giáo viên cốt cán không có chế độ, giáo viên tập huấn hộ tranh thủ kiếm tiền
Để việc bồi dưỡng đi vào thực chất, mỗi nhà giáo cần xác định mục tiêu của việc tự học, tự bồi dưỡng.
Để chuẩn bị cho việc triển khai dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán phổ thông.
Điểm khác biệt của các đợt tập huấn lần này so với những lần tập huấn thay sách giáo khoa trước đây là kết hợp tập huấn trực tuyến và trực tiếp, chú trọng vào các kĩ năng thực hành cho người được tập huấn.
Hiện nay trong kế hoạch bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên mỗi cấp học có tất cả 9 modul bồi dưỡng thực hiện ( tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông).
Đến thời điểm này, các trường đại học sư phạm, học viện được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao bồi dưỡng đã thực hiện bồi dưỡng xong modul 3 ( “Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”) cho giáo viên phổ thông cốt cán và đang triển khai bồi dưỡng cho giáo viên đại trà.
Là người được tham gia các đợt tập huấn giáo viên cốt cán, tôi cho rằng các trường đại học đã triển khai rất nghiêm túc và hiệu quả các nội dung tập huấn, giúp học viên có thể tự tin truyền đạt lại những nội dung cơ bản của từng modul trong việc hỗ trợ đồng nghiệp khi triển khai tập huấn đại trà.
Tuy nhiên khi về triển khai tại địa phương đã nảy sinh một số trở ngại trong việc hỗ trợ đồng nghiệp là giáo viên đại trà.
Trong kế hoạch bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên, mỗi cấp học có tất cả 9 modul bồi dưỡng thực hiện. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)
Trước khi tập huấn trực tiếp, giáo viên các trường phải trải qua quá trình tập huấn trực tuyến.
Nội dung chương trình tập huấn giữa các môn học trong cùng một cấp học (trung học cơ sở, trung học phổ thông) cơ bản là giống nhau, chỉ khác ở bài thu hoạch cuối khóa học.
Phần đông các thầy cô giáo tự vào tài khoản của mình để học nhưng vẫn có không ít giáo viên vì không thành thạo công nghệ thông tin (hoặc vì lý do nào đó) nên nhờ người khác học hộ.
Chính vì nguyên nhân này nên xuất hiện một dịch vụ mới trong ngành giáo dục đó là dịch vụ học hộ.
Video đang HOT
Tuy là một giáo viên tiểu học nhưng cứ mỗi đợt học modul cô N.T.T.L. (đề nghị không nêu tên) luôn bận rộn với công việc học hộ của mình.
Những người nhờ cô học hộ phần lớn là giáo viên lớn tuổi, giáo viên không thông thạo máy tính cấp tiểu học và một số giáo viên của cấp trung học cơ sở.
Ban đầu cô chỉ nhận làm giúp cho một số đồng nghiệp cùng trường, sau thấy nhu cầu của không ít giáo viên nên cô nhận học hộ mỗi modul của một giáo viên với số tiền là 200.000 đồng. Trung bình mỗi đợt học modul, cô nhận học hộ khoảng 20 người.
Cũng theo cô L. vì số lượng giáo viên đăng ký học hộ nhiều nên cô đã phải san sẻ và nhờ các đồng nghiệp khác hỗ trợ.
Về phần giáo viên phổ thông cốt cán, khi hỗ trợ đồng nghiệp và chấm bài họ rất vất vả nhưng không được hưởng các chế độ. Trung bình mỗi giáo viên cốt cán phải chấm khoảng 20 bài kế hoạch cuối khóa.
Họ phải đọc, hướng dẫn đồng nghiệp hoàn thành các nội dung của modul, đôi khi còn chịu sự chỉ trích, khó chịu của đồng nghiệp khi họ chấm các bài thu hoạch không đạt và chỉ ra những tồn tại của giáo viên trong bài thu hoạch.
Vì vậy để an toàn, nhiều giáo viên cốt cán thường chấm điểm cho các đồng nghiệp thật cao, qua loa để mọi người không có sự so đo, ý kiến.
Các modul bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2021 nhằm hỗ trợ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời của mỗi giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Do đó để việc bồi dưỡng đi vào thực chất, mỗi nhà giáo cần xác định mục tiêu của việc tự học, tự bồi dưỡng.
Các đơn vị trường học cần nghiêm túc khi tổ chức tập huấn các modul, tránh làm qua loa, đại khái.
Về phần giáo viên cốt cán, chúng tôi kiến nghị chương trình ETEP ( Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ) nên có chế độ bồi dưỡng cho giáo viên khi chấm bài của đồng nghiệp.
Việc tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên trong thời gian qua là cơ sở quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà giáo khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Vì vậy nếu thực hiện không nghiêm túc sẽ là lực cản trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Chưa bao giờ giáo viên tiểu học bận như bây giờ, phải tập huấn các môn không dạy
Cấp có thẩm quyền sẽ nghiên cứu và quy định việc học bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên đúng môn học, tránh kiểu buộc giáo viên phải học tràn lan như hiện nay...
Thời gian này, giáo viên ở 2 bậc tiểu học và trung học cơ sở ngoài việc chăm lo cho công việc giảng dạy còn phải học và hoàn thành các modun của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ đã mở nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán ở các đại phương (Ảnh minh họa: moet.gov.vn)
Hiện chúng tôi vẫn đang vừa phải học tập trung do các giáo viên cốt cán báo cáo, vừa phải tự học trên các phần mềm quản lý của Bộ Giáo dục nên thời gian rất bận rộn.
Suốt cả tuần đi dạy, tối về tự học để hoàn thành tiến độ học tập theo quy định, nhiều ngày cuối tuần phải đi học tập trung nghe báo cáo viên triển khai. Bởi thế, sự mệt mỏi, áp lực là không thể tránh khỏi.
Tuy thế, nếu như giáo viên tự học, tự hoàn thành nội dung học tập trên phần mềm khá thuận lợi và cũng mang lại hiệu quả cao thì việc phòng giáo dục buộc tất cả giáo viên bậc tiểu học phải ngồi nghe báo cáo cả những môn học không phải chuyên môn của mình, không chỉ làm ảnh hưởng đến việc học, tiếp thu kiến thức của những giáo viên môn chuyên mà còn lạm dụng thời gian của những thầy cô khác một cách vô ích và không cần thiết.
Có nên buộc tất cả giáo viên tiểu học phải ngồi học cả những môn không phải chuyên môn dạy của mình?
Lịch tập huấn chương trình mới của chúng tôi được bố trí đan xen giữa các môn: Ví như 7 giờ 30 phút học môn Toán, Ngữ văn, Đạo đức; 9 giờ học Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật, Thể dục; 10 giờ 30 tiếp tục học Toán, Ngữ Văn, Đạo đức...
Nhiều người thắc mắc, sao không tách môn chuyên để tập huấn riêng cho giáo viên dạy chuyên mà phải xếp đan xen để buộc tất cả giáo viên phải ngồi học?
Khác với hơn 20 năm về trước, giáo viên tiểu học phải dạy tất cả các môn mà hiện nay gần như các trường tiểu học đã có đầy đủ các giáo viên dạy môn chuyên như, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học.
Vì thế, thay vì giáo viên dạy môn nào chỉ cần tập huấn chuyên sâu môn ấy sẽ hiệu quả hơn nhiều việc buộc tất cả giáo viên phải học tập một cách đại trà.
Có thầy cô than, tụi em phải chạy gần 20 cây số đến chỉ nghe báo cáo những môn học mà mình không dạy ở trường như môn Mỹ thuật, Thể dục, Âm nhạc...nên chẳng ai muốn nghe .
Ngồi nghe báo cáo mà chán vì nó cũng chẳng liên quan đến chuyên môn của mình. Sao không để giáo viên chuyên môn họ học riêng, mình học riêng sẽ chất lượng và hiệu quả hơn nhiều?.
Đó là, thắc mắc của không ít thầy cô giáo dạy tiểu học khi bị cấp trên yêu cầu đi học bồi dưỡng modun chương trình mới của tất cả các môn học.
Đâu phải chỉ giáo viên tiểu học tâm tư, giáo viên môn chuyên cũng không đồng tình khi phải học chung với giáo viên tiểu học. Một đồng nghiệp đề nghị giấu tên nói với người viết:
"Mình không muốn học chung với giáo viên tiểu học như thế vì lớp học quá đông nên khó tương tác với báo cáo viên được".
Không riêng gì giáo viên, một số thầy cô giáo là báo cáo viên cũng tỏ ra không đồng tình với kiểu ngồi học chung vì theo họ học chung với giáo viên tiểu học nên một lớp học sĩ số phải lên đến vài trăm người.
Bởi thế, báo cáo viên cũng khó trao đổi, truyền đạt kỹ những nội dung đến các giáo viên chuyên.
Cần bố trí linh hoạt thời gian học tập hợp lý để giáo viên có nhiều thì giờ dành cho việc học tập chuyên sâu hơn những môn dạy của mình.
Chưa bao giờ giáo viên lại bận rộn như lúc này. Ngoài giờ lên lớp, các thầy cô giáo phải lo hoàn thành hồ sơ sổ sách, các kế hoạch dạy học, học lấy chứng chỉ chức danh, tìm minh chứng cho việc đánh giá xếp lợi công chức, nghiên cứu bài dạy theo hướng phát triển năng lực, bình chọn sách giáo khoa, tìm hiểu và học tập theo chương trình mới tất thảy có 9 modun...
Cái khó ở chỗ, nếu không sắp xếp hợp lý sẽ dễ dẫn đến tình trạng công việc chính là giảng dạy sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, sắp xếp việc học, việc dạy thế nào để mọi công việc đều đạt kết quả tốt là điều không hề dễ.
Từ thực tế, chúng tôi cho rằng việc học tập, bồi dưỡng chương trình mới cho giáo viên cần làm chuyên sâu sẽ đạt kết quả hơn việc bắt tất cả giáo viên học một cách đạt trà cả những môn học mà mình chẳng bao giờ giảng dạy.
Hiện trên hệ thống học bồi dưỡng chương trình phổ thông 2018 có những nội dung quy định là "Môn tham khảo" dành cho những thầy cô giáo muốn học, muốn tìm hiểu thêm khi có nhu cầu.
Vì vậy, mong rằng cấp có thẩm quyền sẽ nghiên cứu và quy định việc học bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên đúng môn học, tránh kiểu buộc giáo viên phải học tràn lan như hiện nay vừa mất thời gian mà kết quả học tập cũng không cao.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Giáo viên bận tập huấn chương trình mới, người dạy thay có được tính tăng giờ? Đề nghị các trường học tại thị xã La Gi nghiên cứu Công văn số 2674/SGDĐT-MN&TH để thanh toán chế độ đi tập huấn cho giáo viên theo đúng quy định. Cứ mỗi khi có công văn điều động giáo viên cốt cán đi tập huấn chương trình mới, người được cử đi cùng người ở nhà đều chẳng thấy vui vẻ gì....