Giáo viên còn thiếu kỹ năng sống
Việc lồng ghép kĩ năng sống vào các môn học là cần thiết nhưng nhiều nhà khoa học, quản lý giáo dục e ngại sẽ khó đạt hiệu quả khi mà chính giáo viên – những người sẽ dạy kĩ năng sống cho học sinh – cũng thiếu kỹ năng sống.
Sáng 30/3, UBND và Phòng GD-ĐT Q. Phú Nhuận (TPHCM) tổ chức Hội thảo khoa học “Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh – Thực trạng và giải pháp” với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục và giáo viên các cấp học ở TPHCM .
Học chữ “át” học… làm người
Ông Trịnh Xuân Thiều, Phó Bí thư thường trực quận ủy Q. Phú Nhuận cho hay trước tình trạng trẻ không kính già, trò không kính thầy, nạn bạo lực học đường gia tăng… thì việc lồng ghép giáo dục kỹ năng sống (KNS) vào các môn học, ngoài lý thuyết cần cho HS những trải nghiệm thực tế. Vì KNS chỉ hình thành khi các em được làm chứ không phải được nghe nói.
HS Trường THPT Hùng Vương (TPHCM) trong buổi tư vấn về sức khỏe giới tính.
Ông Thiều nêu cản trở: “ Chương trình học hiện nay quá nặng. Muốn thực hiện được điều này cần giảm tải chương trình, giảm những bài học không cần thiết để GV và HS có thời gian dành cho việc học, rèn luyện KNS”.
Đồng tình với ý kiến này, GS. TS Thái Duy Tuyên, cho hay việc đưa GD KNS là việc cần phải làm ngay. Nhưng do chương trình học đã rất nặng nề, không thể đưa KNS như một môn học mới nên cần lồng ghép, tích hợp vào các môn học khác. Theo ông, đây là vấn đề khó, đòi hỏi sự gia công của các chuyên gia có trình độ và cụ thể đòi hỏi người thầy giáo phải giỏi.
Video đang HOT
Muốn con tốt, trò tốt thì phụ huynh, GV phải tốt. Người lớn phải có KNS thì mới hình thành được KNS ở trẻ. Để GDKNS cho HS, trước hết thầy cô phải mẫu mực, nghiêm túc, có những cách ứng xử phù hợp. – Ông Trịnh Xuân Thiều, Phó Bí thư thường trực quận ủy Q. Phú Nhuận, TPHCM
Trong khi đó, ThS Phan Tấn Chí, Phó Trưởng khoa Quản lý, trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM thẳng thắn cho rằng, phần lớn GV không mặn mà khi lồng ghép thêm nội dung giáo dục trong khi lượng kiến thức yêu cầu họ truyền thụ không thay đổi. Nhiều người chỉ thực hiện lồng ghép GD KNS mang tính đối phó khi thao giảng học có dự giờ.
“Chương trình học hiện nay đã giảm tải nhưng vẫn nặng nề về chữ nghĩa, thi cử. Thế nên dù biết tầm quan trọng và sự cần thiết của GD KNS nhưng tiên hàng đầu của các trường vẫn là học văn hóa, là kết quả thi cuối cấp chứ chưa phải là HS được trang bị nhiều KNS hay không. Lẽ ra học gì thi nấy thì lâu nay cũng ta vẫn thi gì thì dạy nấy”, ThS Phan Tấn Chí bày tỏ.
GV cũng thiếu KNS
Với chủ trương lồng ghép GD KNS vào từng môn học thì GV chính là những người trực tiếp truyền đạt KNS cho HS. Điều này làm không ít người băn khoăn khi cho rằng chính GV cũng đang thiếu KNS thì lấy đâu cơ sở để giáo dục HS hình thành được các kĩ năng trong cuộc sống.
ThS Phan Tấn Chí phân tích, GV muốn dạy và rèn luyện cho HS kĩ năng thì họ phải là người rất thuần thục các kĩ năng mà họ sẽ dạy nhưng chính bản thân họ cũng thiếu hụt các kĩ năng này thì việc giảng dạy cho HS là điều không thể. Chương trình đào tạo GV nặng về khoa học cơ bản hơn là khoa học sư phạm. Kĩ năng sinh viên được rèn luyện chủ yếu là ki năng học tập, còn KNS không được rèn đủ để có thể truyền đạt lại cho người khác.
Ông Chí đưa ra ví dụ, trong chương trình giáo dục đổi mới có nhiều kĩ năng như làm việc nhóm, phản biện… nhưng rào cản là chính GV không thành thạo các kĩ năng đó nên không thể truyền đạt lại cho HS. Còn chương trình bồi dưỡng lại quá sơ sài, không hiệu quả khi mà bản thân GV cũng chưa chắc đã muốn làm vì công việc của họ đã “ngập đầu”.
“Nhiều nơi dạy KNS mà chẳng khác nào bài học đạo đức. Người không biết mà dạy KNS còn nguy hiểm hơn là không dạy”, ông này nhấn mạnh.
Ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, GĐ Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM bày tỏ thực tế hiện nay chính GV cũng thiếu kỹ năng sư phạm. Đâu đó vẫn có những GV dùng những lời lẽ mạt sát làm ảnh hưởng đến tâm lý HS. Một trong những áp lực đó chính là do đời sống GV quá khó khăn, trong khi trường học phải “gánh” rất nhiều việc như tệ tạn ma túy, an toàn giao thông…
Hoài Nam
Theo dân trí
HS thừa nhận: "Học nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu"
Trong buổi đối thoại với lãnh đạo sở GD-ĐT TPHCM vào ngày 28/3, phần lớn trong số 60 ý kiến của học sinh đều trăn trở đến chương trình học. Thậm chí các bạn cho rằng chương trình nặng, học nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu.
Hơn 150 học sinh (HS) đến từ các trường THPT trên toàn thành phố đã có dịp thẳng thắng nói lên những suy nghĩ, tâm tư của mình về những vấn đề học tập, sinh hoạt, mối quan hệ giữa thầy trò, ba mẹ... Đặc biệt, đa phần các bạn đều ý kiến rằng chương trình học hiện nay vẫn còn quá nặng về lý thuyết, nhiều áp lực cho HS.
Bạn Lê Trần Thanh Trúc, HS trường THPT Trần Hưng Đạo (Q.Gò Vấp) bày tỏ rằng mặc dù hiện nay đã giảm tải, giảm tiết nhưng chương trình học vẫn còn nặng về lý thuyết, HS ít có cơ hội được thực hành, kiểm nghiệm trong thực tế khiến không nhớ bài lâu. Hay như môn tiếng Anh chỉ nặng lý thuyết, thiếu những kỹ năng giao tiếp cơ bản nhất. Muốn nâng cao kỹ năng bắt buộc nhiều bạn phải ra học ở trung tâm ngoại ngữ, nhưng với các bạn không có điều kiện thì đành chịu thiệt thòi. Vậy học tiếng Anh để làm gì khi không thể áp dụng thực tế?
Học sinh TP.HCM thẳng thắng bày tỏ những suy nghĩ của mình về chương trình học nhiều áp lực.
Cùng quan điểm này, bạn Phan Quốc Trí, HS lớp 12 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ý kiến rằng thời lượng chương trình học phân bổ chưa hợp lý. Đơn cử như môn Văn, một tác phẩm được phân bố học 2 - 3 tiết nhưng thực tế phải học đến gấp đôi thời lượng mới hiểu hết được nội dung. Cũng như môn Lịch sử từ cấp 1 đến lúc học phổ thông đã được học với nội dung trùng lập lại khá nhiều. Điều quan trọng là học Sử để hiểu rõ tinh thần của dân tộc, học trọng tâm để nhớ sự kiện hơn là những con số, chi tiết khá lặt vặt mà HS chẳng nhớ được bao nhiêu. Còn môn ngoại ngữ trong sách giáo khoa khá lạc hậu, ít thú vị chưa phát huy hết các kỹ năng của môn này.
Bạn Trần Nguyễn Minh Thùy, HS trường THPT Củ Chi thì cho rằng các môn học như Giáo dục công dân là môn học thiết thực để dạy làm người nhưng ở nước ta lại chỉ dạy 1 tiết/tuần mà lại khó hiểu, trừu tượng và không gắn với thực tế. Trong khi đó, môn Tin học tại sao không ứng dụng những công nghệ hiện đại bây giờ mà chỉ dạy những chương trình khô, lạc hậu.
Bạn Ngô Trọng Hiền, HS trường THPT Gia Định bày tỏ băn khoăn: "Chúng em đến trường để học kiến thức nhưng chúng em cũng cần biết cách ứng dụng kiến thức đã học vào đời sống. Mặc dù được học nhiều môn nhưng phần ứng dụng lại gần như bỏ đi".
Bên cạnh mong mỏi lãnh đạo Sở có phương án giúp giảm áp lực chương trình học, các bạn cũng cho rằng nên bổ sung các hoạt động ngoại khoá, rèn kỹ năng sống hơn là chỉ học và học. HS Lê Hoàng Định, trường THPT Lê Minh Xuân (H. Bình Chánh) đặt vấn đề kỹ năng sống đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của giới trẻ nhưng tại sao kỹ năng sống chỉ mới phát triển là một hoạt động mà không trở thành tiết chính khóa trong hệ thống giáo dục.
Minh Thùy, trường THPT Củ Chi kiến nghị rằng những chương trình giáo dục giới tính, tâm lý hiện còn quá xa vời. "Thầy cô chỉ mới dạy chúng em về lý tưởng sống còn những vấn đề thắc mắc của chính HS chưa được chưa đi vào thực tế, đôi khi thầy cô còn lãng tránh mà không giải đáp cho HS hiểu" - Minh Thùy cho biết.
Còn HS Nguyễn Huy Hiệp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An chia sẻ rằng: "HS chúng em học nhiều đến mức giống cái máy photo. Tại sao không kèm thêm học là những sân chơi, hoạt động ngoại khóa để chúng em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn?".
Lắng nghe các bức xúc của HS, ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận việc các học sinh phản ảnh chương trình nặng nề có phần là do tâm lý xã hội đặt nặng vấn đề thi cử. Còn ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT thì cho biết Sở sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các học sinh để tạo điều kiện tốt nhất về môi trường học tập. Ông Sơn cũng động viên tinh thần các HS hãy tích cực trong học tập và rèn luyện.
Theo Dân trí
'Học nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu' Trong buổi đối thoại với lãnh đạo sở GD-ĐT TPHCM vào ngày 28/3, phần lớn trong số 60 ý kiến của học sinh đều trăn trở đến chương trình học. Thậm chí các em cho rằng chương trình nặng, học nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu. Hơn 150 học sinh đến từ các trường THPT trên toàn thành phố đã có dịp thẳng...