Giáo viên còn “mông lung” về triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới
Theo kế hoạch, năm học 2020-2021, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ chính thức triển khai bắt đầu từ lớp 1. Từ thời điểm này, các trường tiểu học và giáo viên liên tục có những đợt tập huấn, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu của chương trình.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều giáo viên vẫn chưa có hình dung cụ thể về các nội dung sẽ được triển khai đến từng lớp học.
Năm học 2020-2021, Chương trình GDPT mới sẽ được trển khai. Ảnh: ĐH.
Bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán
Theo Bộ GD&ĐT, các trường đại học sư phạm như: trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, trường Đại học Vinh… đã tiến hành các đợt tập huấn cho giáo viên cốt cán các tỉnh, thành. Trong tháng 10/2019, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều đợt bồi dưỡng giáo viên theo chương trình mới. Cụ thể, tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức bồi dưỡng chương trình GDPT mới cho 1.870 giáo viên cốt cán của 10 tỉnh, thành phía Bắc. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, trường Đại học Sư phạm TPHCM đã tổ chức bồi dưỡng cho 28.000 giáo viên cốt cán các trường phổ thông.
Đã thực hiện nhiều đợt tập huấn cho giáo viên, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, năm 2019 nhà trường được giao trọng trách bồi dưỡng cho hơn 5.000 giáo viên phổ thông cốt cán của 10 tỉnh, thành phía Bắc về chương trình GDPT mới. Nội dung của khoá bồi dưỡng ngoài giới thiệu chương trình tổng thể, chương trình các môn học của chương trình GDPT mới, giáo viên cốt cán sẽ được tập trung tìm hiểu, hướng dẫn những phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Tham dự khoá bồi dưỡng này, các giáo viên cốt cán ngoài tích luỹ các bài học và kinh nghiệm cho bản thân còn có nhiệm vụ trở về địa phương để hướng dẫn giáo viên đại trà cùng triển khai tốt chương trình GDPT mới.
Đối với Chương trình GDPT mới, giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng quyết định đến sự thành bại của chương trình. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: “Giáo viên là người trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục nên nếu tinh thần đổi mới chỉ đi từ Bộ GD&ĐT đến các Sở, Phòng GD&ĐT, các Hiệu trưởng trường phổ thông mà không tới được các giáo viên thì sự đổi mới sẽ không thể thành công. Ai đó đã có câu: Ý tưởng là nụ, giải pháp là hoa, chỉ có hành động mới cho ra quả ngọt. Nếu người giáo viên không triển khai đổi mới thì tất cả ý tưởng và giải pháp mà Bộ, Sở, Phòng đề ra cho một nền giáo dục mới theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học sẽ không có ngày thu được về trái ngọt”.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các giáo viên cốt cán tập trung cao độ tinh thần, trí tuệ và trách nhiệm để lĩnh hội đầy đủ, sâu sắc các kiến thức được cung cấp trong khóa tập huấn này. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng và các trường sư phạm trọng điểm được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán cho chương trình GDPT mới cần bố trí giảng viên có chất lượng tốt để “đứng lớp” các khoá bồi dưỡng này.
Nhiều vấn đề còn chung chung
Theo lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới, năm học 2020-2021 chương trình GDPT mới sẽ được triển khai lớp 1. Hiện thời gian thực hiện chương trình mới cũng không còn nhiều nhưng cả giáo viên và lãnh đạo quản lí vẫn còn thấy “mông lung” với chương trình mới.
Thầy Nguyễn Hữu Tuấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, bắt đầu từ tháng 7/2019, Phòng GD&ĐT Mỹ Đức và Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã tổ chức một số chuyên đề tập huấn Chương trình GDPT mới cho giáo viên. Phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức cũng đã có chỉ đạo tới các trường trên địa bàn huyện về những phương án chuẩn bị triển khai chương trình mới. Giáo viên của nhà trường cũng đã chuẩn bị tâm thế để thay đổi phương pháp giảng dạy theo chương trình mới.
Trong thời gian tới, các địa phương cần đảm bảo đủ cơ sở vật chất để thực hiện chương trình mới, ít nhất là đảm bảo sĩ số lớp học đúng quy định hiện nay: Cấp Tiểu học 35 học sinh/lớp, cấp THCS và THPT 45 học sinh/lớp. Hiện tại, số phòng học và phòng chức năng của trường Tiểu học Hồng Sơn cũng chưa thể đáp yêu cầu của chương trình mới. Vừa qua nhà trường đã được địa phương cấp ngân sách để có kinh phí mua sắm cơ sở vật chất, xây dựng thêm các phòng chức năng, phòng học nhằm đáp ứng với yêu cầu của chương trình mới. Thầy Tuấn cho biết, “Dù tâm thế chuẩn bị là như vậy, nhưng hiện nay những chỉ đạo của Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT cũng chỉ chung chung, theo chủ trương của Bộ GD&ĐT nên chưa có nội dung cụ thể. Hiện nay, nhà trường và giáo viên vẫn còn có phần lúng túng trong quá trình chuẩn bị triển khai chương trình mới”.
Video đang HOT
Theo thầy Tuấn, hiện nay giáo viên đang mong chờ sách giáo khoa mới để có những hình dụng cụ thể nhất về chương trình mới. “Như năm 1986 khi triển khai sách giáo khoa mới có một lộ trình rất dài, giáo viên cũng đã biết đến sách giáo khoa mới trước khi triển khai vào trường học khoảng 2 năm, từ đó, giáo viên và nhà trường đã có những bước chuấn bị tốt hơn. Còn đối với việc triển khai Chương trình GDPT mới, các trường chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa mà đến nay giáo viên vẫn chưa biết nội dung sách giáo khoa như thế nào. Do vậy, việc các trường triển khai chương trình gặp khó khăn” thầy Tuấn cho biết.
Vừa tham gia khóa tập huấn giáo viên do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, một giáo viên tiểu học cho biết dù tham gia tập huấn nhưng chưa có những hình dung cụ thể về chương trình mới, mọi thứ còn rất mơ hồ. “Khóa tập huấn của chúng tôi vẫn chỉ dừng ở những nội dung chung chung, chưa có gì cụ thể nên giáo viên chưa biết sẽ triển khai chương trình mới như thế nào. Hơn nữa, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT vẫn chưa công bố những bộ sách giáo khoa đạt yêu cầu nên các buổi tập huấn cũng khó đạt hiệu quả. Chúng tôi hy vọng Bộ GD&ĐT sớm công bố sách giáo khoa mới để giáo viên có những hình dung cụ thể về chương trình mới để chuẩn bị chu đáo về giáo trình và phương pháp giảng dạy”, giáo viên này cho biết.
Đỗ Hòa
Theo baohaiquan
Sau khi tập huấn ở Bộ về, giáo viên cốt cán sẽ tập huấn lại như thế nào?
Bao giờ thì tập huấn lại cho đội ngũ giáo viên còn lại để họ có thể tiếp cận với nội dung mà Bộ đã triển khai cho đội ngũ giáo viên cốt cán?
Những ngày qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mở nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán ở các địa phương về Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán là rất cần thiết bởi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới cũng đã cận kề.
Song, vấn đề đặt ra là sau khi đội ngũ giáo viên cốt cán được tập huấn từ Bộ về sẽ triển khai như thế nào đến đội ngũ giáo viên còn lại của địa phương mình?
Bao giờ thì tập huấn lại đại trà giáo viên để họ có thể tiếp cận với nội dung mà Bộ đã triển khai cho đội ngũ giáo viên cốt cán?
Bộ đã mở nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán ở các đại phương (Ảnh minh họa: moet.gov.vn)
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì từ đầu tháng 10/2019 đã có khoảng 700 giảng viên chủ chốt của 7 trường đại học sư phạm tham gia Chương trình bồi dưỡng giáo viên cốt cán của các địa phương trong cả nước.
Tính đến ngày 1/11/2019, toàn quốc đã có hơn 17.000/28.000 giáo viên cốt cán đã được bồi dưỡng trực tiếp về hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Số lượng này đã đạt hơn 60% kế hoạch của Bộ.
Các địa phương đã cử đội ngũ giáo viên cốt cán của mình đến các địa điểm mở lớp của Bộ để tham gia lớp tập huấn khá đầy đủ.
Nhìn chung, việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán đã và đang diễn ra đúng kế hoạch của Bộ và các địa phương.
Sau khi tập huấn về thì đội ngũ giáo viên cốt cán sẽ tập huấn lại như thế nào?
Thực tế thì trong những năm qua, Bộ, Sở vẫn thường xuyên mở những lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên để chuẩn bị cho việc thay đổi chương trình mới tới đây.
Thế nhưng, việc tập huấn dưới cơ sở thường chưa được làm kỹ lưỡng và thấu đáo.
Vì thế, dẫn đến việc lúng túng cho đội ngũ giáo viên khi áp dụng nội dung mới và chưa đồng bộ với nhau.
Tuy nhiên, đối với đợt tập huấn của Bộ lần này có một quy mô rất lớn, được diễn ra đồng bộ ở tất cả các địa phương.
Những giáo viên cốt cán được các địa phương cử đi tập huấn đa phần là các trưởng hội đồng bộ môn của các huyện, thị, các trường trung học phổ thông.
Bởi, nếu để lâu thì tinh thần đổi mới, nội dung mà những giáo viên cốt cán đã lĩnh hội qua đợt tập huấn khó còn nguyên vẹn.Chính vì vậy, điều cần thiết nhất là ngay sau khi tập huấn ở Bộ về thì các địa phương cần bố trí tập huấn đại trà lại cho giáo viên tức thì sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều nếu để lâu.
Điều đặc biệt là các địa phương cần bố trí thời gian tập huấn tương ứng với thời gian tập huấn ở Bộ.
Vì lâu nay, thường những giáo viên đi tập huấn dù 5 ngày, 3 ngày về thì cũng chỉ bố trí tập huấn lại cho giáo viên gói gọn trong 1 ngày, thậm chí có những đợt tập huấn mà người chủ trì không tập huấn lại.
Họ chỉ gửi cho các trường những file tập huấn rồi yêu cầu làm bài tập.
Ngày tập huấn tập trung thì các trường thay phiên nhau lên trình bày phần bài tập đã chuẩn bị của của mình là xong đợt tập huấn.
Làm như vậy không có hiệu quả mà vô tình giáo viên cũng rất khó lĩnh hội được những nội dung ban đầu mà cấp Bộ và Sở tập huấn cho các giáo viên cốt cán ở các Phòng Giáo dục...
Việc thay đổi Chương trình giáo dục phổ thông mới lần này rất quan trọng bởi nó khác hoàn toàn với các lần trước đây.
Chương trình giáo dục phổ thông mới lần này không tiến hành thực nghiệm rộng như chương trình, sách giáo khoa năm 2000 mà chỉ tập huấn một số nội dung mới rồi đi vào thực hiện đại trà ngay.
Hơn nữa, việc thay đổi lần này sách giáo khoa không còn là quan trọng nữa mà chương trình mới là quan trọng đối với việc giảng dạy trên lớp của giáo viên.
Thế nhưng, đến thời điểm này thì vẫn còn nhiều giáo viên chưa tiếp cận được chương trình tổng thể, chương trình môn học.
Thậm chí, nhiều giáo viên còn chưa phân biệt được các từ ngữ này bởi từ trước đến giờ thì giáo viên chỉ coi trọng sách giáo khoa mà thôi.
Phương pháp dạy học chương trình mới cũng khác, mục tiêu giáo dục lần này cũng khác nữa.Thế nhưng, khi tiếp cận với chương trình tổng thể, chương trình môn học, điều mà chúng tôi cảm nhận được ở tất cả các môn học có kiến thức nặng hơn chương trình hiện hành rất nhiều.
Nhất là ngành giáo dục đang chủ trương chuyển việc dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho học trò.
Dù công việc này không phải là mới mẻ đối với giáo viên nhưng để toàn thể giáo viên thay đổi cách dạy truyền thống cũng không hề là điều dễ dàng.
Vậy nên, việc tập huấn cho giáo viên nhằm lĩnh hội tốt nhất về chương trình giáo dục phổ thông mới lần này rất nặng nề, đòi hỏi những giáo viên cốt cán khi đi tập huấn ở Bộ phải thực sự chú ý, lĩnh hội được những cái hay, cái mới để về tập huấn lại cho giáo viên một cách tốt nhất.
Việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ thực sự hiệu quả khi tất cả các giáo viên trong ngành cùng chủ động tiếp cận với nó để lĩnh hội dần dần đến khi áp dụng đại trà không còn bỡ ngỡ, lúng túng.
Đặc biệt, vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán, vai trò của lãnh đạo các Sở, Phòng và Ban giám hiệu nhà trường, bộ phận chuyên môn là rất quan trọng trong việc phân công, điều động giáo viên cốt cán đi tập huấn cũng như sẽ mở lớp tại địa phương mình nhằm tập huấn đại trà cho giáo viên ở các nhà trường.
THANH AN
Theo giaoduc.net
Nên thay đổi hoàn toàn cách đào tạo giáo viên hiện nay Tuyển những sinh viên đã tốt nghiệp hoặc cả những người đang làm việc ở ngành nghề khác nhưng thực sự yêu thích nghề giáo, rồi tổ chức đào tạo về sư phạm. Để đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng của giáo dục đất nước, cùng với các trường sư phạm trung ương, hệ thống các trường sư phạm địa phương...