Giáo viên có nên mời học sinh, đến nhà chơi Tết?
Tết đến, xuân về, có học sinh đến nhà chúc Tết làm ấm lòng bao thế hệ nhà giáo Việt Nam. Càng trân quý hơn, khi “lũ quỹ” đến thăm nhà thầy cô là “dân lớn tuổi”
LTS: Chuyện học trò đi chúc Tết thầy cô là một điều đáng quý trọng. Tuy nhiên, thực tế có những câu chuyện không may, những tình huống khó xử khiến một số thầy cô sợ trò đi Tết mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của thầy Sơn Quang Huyến về chủ đề này.
Cứ Tết đến xuân về, chúng ta lại nghe đâu đó câu “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”.
Việc đi Tết thầy cô, đã khắc sâu trong tâm trí của người Việt. Tết thầy cô, là hành vi đẹp, thể hiện tôn sư trọng đạo của người Việt.
Tết đến, xuân về, có học sinh đến nhà chúc Tết làm ấm lòng bao thế hệ nhà giáo Việt Nam. Càng trân quý hơn, khi “lũ quỹ” đến thăm nhà thầy cô là “dân lớn tuổi”.
Ừ, nghèo mà thanh bạch, dạy chúng nó mấy chục năm rồi mà vẫn nhớ. Bố mẹ gồng gánh con cháu đến thăm thầy cô giáo cũ, một bài học tôn sư trọng đạo khó có dân tộc nào có.
Ngày nay, cứ sáng mùng ba Tết, ta bắt gặp trên nẻo đường hình ảnh từng nhóm học trò, tay xách, nách mang “ quà Tết”, ai cũng biết là đi thăm thầy cô.
Ấm lòng cho nghề giáo, nghề cao quý của những nghề cao quý!
Giáo viên có nên mời học sinh, đến nhà chơi Tết? Ảnh minh họa trên Baonghean.vn
Thế nhưng, cũng nhiều cảnh không muốn có, đã xảy ra trên con đường đó, với bọn trẻ. Cô giáo H. còn nhớ mãi sáng mùng ba Tết năm nào, nhận được điện thoại của phụ huynh “ Cô ơi, bé L. đi Tết cô, cùng ba bạn, bị tai nạn, đang ở phòng cấp cứu bệnh viện“.
Phận là cô giáo, đành phải chạy đôn, chạy đáo lo cho các em. Nghèo, gặp eo, đành chịu. Mấy năm sau, phân làm chủ nhiệm H. luôn viện cớ từ chối, thật ra “sợ học trò đi Tết”!
Kinh tế phát triển, kéo theo nhiều điều “không phát triển”, trong đó có cảnh phân biệt “thầy chính, thầy phụ”.
Video đang HOT
Cùng khu tập thể, ngày Tết, trò vào ra nườm nượp phòng “thầy chính”, phòng “thầy phụ” vắng như “Chùa Bà Đanh”!
Nhìn cảnh trò “Tết” thầy ấy, không ít giáo viên “nhụt chí”, một sự thực dụng quá đỗi trong đạo đức lối sống của học sinh! Vì thế các “thầy phụ” tìm cách “trốn Tết”, khóa trái cửa dù ở trong nhà; tìm việc làm thêm cho qua ngày Tết.
Trước thực trạng đó, một số công đoàn nhà trường có nhà công vụ, tổ chức phòng tiếp khách chung tại khu tập thể; thầy trò cùng vui với các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, các mòn quà quê học trò mang đến, v.v…
Với học sinh tiểu học, trung học cơ sở, nhắc nhở các em đi xe đạp đúng luật; nếu “đi xa” phải có bố mẹ chở đi.
Nhiều giáo viên ở địa phương khác đến, trước kì nghỉ Tết, chúc mừng các em năm mới, thêm tuổi mới; thông báo Tết này mình không ở nhà, các em đừng đi chúc Tết.
Các giáo viên chủ nhiệm người địa phương, tiết cuối, trước kì nghỉ Tết, chủ động mua bánh kẹo liên hoan với lớp; khéo léo thông báo với các em, Tết này chúng ta đã vui Tết rồi; ra Tết, bạn nào còn bánh kẹo, đưa lên lớp liên hoan, không cần đến nhà thầy cô.
Tri ân thầy cô, hành động đẹp. Tết đến, xuân về, học trò cũ nhớ về thầy cô giáo, góp phần vào ánh sắc xuân thêm lộng lẫy.
Học trò đang học, chưa có điều kiện đi xa, giữ cho mình an toàn, thực hiện nếp sống văn minh, lời chúc Tết quý báu nhất với thầy cô.
Chúc cho nhà giáo một cái Tết đầm ấm, an toàn trong mùa xuân mới, niềm vui mới, niềm hy vọng mới!
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net.vn
Xúc động quà Tết của SV trường ĐH Mỏ - Địa chất tặng hơn 1.000 HS nghèo vùng cao
Đoàn Thanh niên Trường Đại học Mỏ - Địa chất cùng các đơn vị đồng hành tổ chức chuyến đi đến với Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên và xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa để trao tặng nhà ở bán trú và quà Tết tới hơn 1.000 học sinh nghèo.
Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
Xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên nằm cách trung tâm huyện 49km, là một trong những xã nghèo thuộc vùng 135, hưởng Chương trìnrh 30a của Chính Phủ với 3 dân tộc Mông, Thái, Lào cùng sinh sống.
Nơi đây người dân chủ yếu sống phụ thuộc vào nương rẫy, kinh tế nghèo nàn, đường giao thông đi lại rất khó khăn nhất là về mùa mưa. Mỗi khi mùa đông đến, các em nhỏ thường phải nghỉ học do thời tiết quá lạnh, rất nhiều em bị mắc những bệnh về hô hấp và khớp do không được giữ ấm đầy đủ trong mùa đông.
Đa số các lớp học và nhà ở bán trú tại các điểm lẻ củaTrường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình còn dựng bằng tre, gỗ tạm bợ, các em học sinh không có chỗ để học mỗi khi mưa xuống hoặc khi thời tiết quá lạnh.
Biết được điều này, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã phát động chương trình tình nguyện "Áo ấm mùa đông năm 2018" trong toàn trường để góp phần sẻ chia và đem đến một mùa đông ấm áp hơn cho các em nhỏ và người dân ở đây.
Đường đến trường của học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
Ngày 19/01/2018, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã tổ chức chuyến đi đến với xã Tìa Dình - xã nghèo và xa nhất của huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
Vượt qua quãng đường gần 700km từ Hà Nội lên Điện Biên và 25km đường hoàn toàn bằng đất trơn trượt với rất nhiều đèo, dốc cheo leo, hiểm trở Đoàn Thanh niên Trường Đại học Mỏ - Địa chất và các đơn vị đồng hành đã mang đến và trao tặng cho các em học sinh củaTrường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình 470 chiếc áo rét mới, 65 chăn ấm, 470 đôi tất, 470 đôi dép mới, 4000 quyển vở, 2 máy lọc nước, 2 bình nóng lạnh, 1 tivi cùng nhiều phần quà bánh kẹo cho các em với tổng trị giá gần 250 triệu đồng.
Món quà đặc biệt nhất mà Đoàn Thanh niên Trường cùng các nhà tài trợ trong chương trình Áo ấm mùa đông 2018 gửi tặng các em đó là đã xây dựng được 1 nhà ở bán trú, 1 khu sân khấu tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình.
Căn nhà ở bán trú này sẽ giúp Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình đón các em nhỏ ở các Điểm trường nhỏ lẻ về học tập tại Trường, các em sẽ không còn phải học ở các căn nhà tạm bợ bằng tre nứa nữa tạo điều kiện cho các em được vui chơi, học tập và phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần; góp phần từng bước xóa đi sự cách biệt giữa miền xuôi - miền ngược và chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão của các em.
Thầy Ngô Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình xúc động tâm sự: "Căn nhà ở bán trú là một món quà lớn và đầy ý nghĩa với các em học sinh cũng như Nhà trường. Chúng tôi luôn trăn trở âu lo là làm thế nào cho các em có chỗ tá túc an toàn tại trường để lên lớp mỗi khi mùa mưa bão đến hoặc bố trí cho các em ở quá xa trường, đi lại khó khăn thì từ bây giờ các em học sinh ở xa được lưu trú tại trường nay đã thành sự thật.
Thay mặt các Thầy cô giáo cũng như các em học sinh của trường, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của Trường Đại học Mỏ - Địa chất và các nhà tài trợ đã ủng hộ, giúp đỡ cho các em học sinh có một căn nhà khang trang sạch đẹp. Đâycũng là một nguồn động viên to lớn giúp cho các thầy cô giáo, các em học sinh trường chúng tôi dạy và học ngày càng tốt hơn ".
Ngày 25/01/2019, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Mỏ - Địa chất vừa tổ chức chuyến đi đến với xã Mường Lý - xã nghèo nhất của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa để trao tặng quà tết tới 765 học sinh nghèo.
Mường Lý là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc huyện Mường Lát nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có đường biên giới giáp tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Lối vào trung tâm xã là con đường ngoằn nghèo chạy men theo các sườn núi bên triền sông Mã. Một số đoạn đường vào xã vẫn còn dấu hiệu bị sạt lở lớn bởi cơn bão số 4 năm 2018.
Hầu hết người dân nơi đây đều sống trên các ngọn núi cao, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất, thiếu nước sản xuất cộng thêm thường xuyên phải hứng chịu những đợt bão lũ nên cái nghèo cái đói cứ quẩn quanh.
Khi mùa đông mang cái rét bao phủ khắp miền Bắc thì các em học sinh nơi đây vẫn phải vượt qua hàng chục ngọn núi, con khe, đầu trần chân đất khoác trên mình tấm áo cũ mỏng manh đến trường. Với các em có được chiếc áo ấm mới là cả một niềm ao ước nhất là khi Tết đang đến gần.
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của các em, Đoàn Thanh niên Trường ĐH Mỏ - Địa chất đã phát động chương trình tình nguyện "Áo ấm mùa đông năm 2019" nhằm góp phần sẻ chia và đem đến một mùa đông ấm áp hơn cho các em nhỏ và người dân ở đây.
Với các em có được chiếc áo ấm mới là cả một niềm ao ước nhất là khi Tết đang đến gần.
Vượt qua khoảng cách hơn 300 km với rất nhiều đèo, dốc cheo leo, hiểm trở, Đoàn Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã mang đến và trao tặng cho các em học sinh của Trường Mầm non và Trường Tiểu học và THCS Mường Lý 765 chiếc áo rét mới, 3.500 quyển vở, bút, mũ len, chăn ấm, 3 máy lọc nước, 5 tivi mới cùng nhiều phần quà bánh kẹo.
PGS.TS Triệu Hùng Trường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Mỏ Địa chất cùng các nhà tài trợ cắt băng khánh thành khu sân trường Cấp 2 Mường Lý.
Đoàn tình nguyện của trường ĐH Mỏ Địa chất
Món quà đặc biệt nhất mà Đoàn Thanh niên Trường cùng các nhà tài trợ trong chương trình "Áo ấm mùa đông" 2019 gửi tặng các em đó là toàn bộ 360m khu sân trường THCS Mường Lý đã đổ bê tông sạch đẹp thay bằng nền đất để các em có chỗ vui chơi được hoàn thành với số tiền gần 60 triệu đồng từ các nhà hảo tâm.
Nhật Hồng
Theo Dân trí
"Thánh đường" của lễ nghĩa và nhân cách Một loạt vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo xảy ra trong thời gian qua là những "hạt sạn" đáng tiếc trong giáo dục. Điều đó ít nhiều cũng liên quan đến văn hóa ứng xử giữa thầy với trò và ngược lại. Hơn bao giờ hết, văn hóa ứng xử trong trường học càng cần được quan tâm, chú trọng....