Giáo viên chính thức thoát “ám ảnh” các hội thi giáo viên giỏi?
Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục không được ép buộc, tạo áp lực cho giáo viên tham gia các hội thi giáo viên giỏi. Đây là tin vui đối với giáo viên trước thềm năm mới 2020.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGD ĐT quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo Thông tư, hội thi là nhằm mục đích phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục trẻ em, học sinh, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn Ngành;
Tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp; Góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học.
Nguyên tắc của hội thi cũng được nêu rõ: Dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi; Đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất; Đảm bảo đúng quy định của chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành.
Từ năm 2020, các hội thi giáo viên giỏi sẽ dựa trên tinh thần tự nguyện của giáo viên.
Video đang HOT
Thông tư còn quy định, hội thi được xây dựng trên ba nguyên tắc: Dựa trên sự tự nguyện, không ép buộc, tạo áp lực cho giáo viên; đảm bảo tính trung thực, dân chủ; đảm bảo đúng quy trình, pháp luật.
Thông tư quy định giáo viên cơ sở mầm non và giáo dục phổ thông cần trình bày một hoạt động giáo dục cụ thể hoặc một tiết học theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi. Hoạt động giáo dục này không được dạy trước, được tổ chức lần đầu tại nhóm, lớp với nguyên trạng số lượng học sinh. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị không quá hai ngày trước thời điểm thi.
Giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, huyện và tỉnh phải đảm bảo: Phần thực hành tiết dạy, tổ chức hoạt động giáo dục được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá giỏi, không có giám khảo đánh giá trung bình trở xuống; phần trình bày biện pháp được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá đạt. Kết quả hội thi là minh chứng để tham gia đánh giá chuẩn nghề nghiệp và thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên theo quy định.
Đáng chú ý, Thông tư 22 không quy định số năm công tác trước khi tham gia Hội thi như các thông tư trước. Trong cùng một năm, giáo viên có thể tham gia cả ba hội thi: Cấp trường, huyện, tỉnh. Ngoài ra, các tiêu chuẩn để tham gia hội thi các cấp chỉ cần thông tin nghề nghiệp của hai năm trở lại, không cần đến 3 hay 4 năm như các thông tư trước đã quy định.
Thông tư của Bộ GD&ĐT ban hành được coi là quy định “cởi trói” cho giáo viên sau những hội thi giáo viên giỏi nặng về thành tích và “diễn” được bàn luận rất nhiều trong thời gian qua. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, quá trình triển khai các hội thi trong thời gian qua đã bộc lộ nhược điểm, một số quy định không còn phù hợp.
Có trường hợp cử giáo viên tham dự thi vì thành tích tập thể; nhiều sáng kiến kinh nghiệm chỉ là hình thức, sao chép hoặc kém chất lượng để nhằm có đủ nội dung thi giáo viên giỏi. Do đó, Thông tư 22 mới ban hành của Bộ GD&ĐT thay thế các Thông tư đã ban hành, được đánh giá la sẽ khắc phục các hạn chế, bất cập, tuy nhiên không làm gián đoạn các hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi của các địa phương.
Theo giadinh.net
Nghẹn ngào miền ký ức thầy trò 40 năm hội ngộ
Dự thảo quy định công nhận GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội.
Chủ trương công nhận GV giỏi vẫn được duy trì nhưng cách thức sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Ảnh minh họa/ Internet
Không thể phủ nhận, những quy định hiện hành về hội thi GV dạy giỏi các cấp học đã phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ các thầy, cô giáo. Ở một góc độ nào đó là mục tiêu phấn đấu của đội ngũ nhà giáo. Nhưng xét trong bối cảnh hiện nay, những quy định đó dường như không còn phù hợp.
Theo lẽ thường, khi GV được dự thi GV dạy giỏi sẽ là niềm vinh dự đối với họ. Nhưng đâu đó lại trở thành gánh nặng, việc bất đắc dĩ phải làm. Ở nhiều nơi còn tổ chức thi GV dạy giỏi mang tính hình thức, chiếu lệ và trở thành "diễn" GV dạy giỏi.
Với khá nhiều thay đổi so với quy định hiện hành, nhiều người tin tưởng, nếu những quy định trong dự thảo trở thành hiện thực sẽ giúp GV giảm tải những áp lực vô hình và có thêm động lực để cống hiến cho nghề. Quan trọng hơn là ngành GD sẽ có được nhiều GV giỏi thực chất.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là những gì không còn phù hợp thì nhất quyết phải sửa đổi. Những áp lực không đáng có đối với GV, kiên quyết loại bỏ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng nói: Một trong những việc ngành GD kiên quyết thực hiện từ năm 2019 là: Để giảm áp lực và tạo động lực cho GV, cần giảm gánh nặng về sổ sách hành chính và các cuộc thi không cần thiết. Bộ trưởng cũng đề nghị địa phương và các bộ, ban, ngành liên quan chung tay giải quyết áp lực thi đua cho các trường; có chính sách lương bổng để nhà giáo yên tâm dạy học thật tốt.
Lời nói đi đôi với việc làm và hành động, vì thế Bộ GD&ĐT luôn tìm cách để có phương án điều chỉnh những áp lực về thành tích. Qua thăm dò ý kiến, mong đợi của các thầy cô là vẫn giữ hội thi GV dạy giỏi. Và với tinh thần cầu thị, lắng nghe, kế thừa phát huy những ưu điểm của cái cũ, dự thảo quy định về công nhận GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi được soạn thảo theo tinh thần trên.
Lắng nghe và thấu hiểu những tâm nguyện của GV, dự thảo lần này vẫn đề xuất hội thi GV dạy giỏi. Tuy nhiên điểm mới là hội thi bao gồm: Cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và không còn hội thi cấp toàn quốc. Hội thi dựa trên nguyên tắc tự nguyện của GV; không ép buộc và không tạo áp lực cho GV tham gia. Khi tổ chức hội thi phải bảo đảm tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan. Nghiêm cấm tổ chức hội thi trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành.
Có thể nói chủ trương công nhận GV giỏi vẫn được duy trì nhưng cách thức sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Hội thi GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi cũng không bị mất đi nhằm đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo.
Nhưng hội thi phải thực sự là "sân chơi" lành mạnh để tôn vinh những GV giỏi; để những tâm huyết, sáng kiến đổi mới trong giảng dạy của nhà giáo được lan truyền cho các đồng nghiệp khác nghiên cứu, tham khảo học tập. Bởi theo dự thảo, GV được công nhận GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi có trách nhiệm dạy lại tiết dạy, tiết hoạt động trải nhiệm hoặc báo cáo lại chuyên đề trong phạm vi cấp trường, liên trường trên địa bàn để chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm trong hoạt động dạy học và làm công tác chủ nhiệm lớp, GD đạo đức trẻ em, HS.
Song, điều mà dư luận mong muốn, mọi thay đổi phải theo hướng tích cực và bảo đảm thực chất, nếu không sẽ chuyển từ áp lực này sang áp lực khác cho đội ngũ thầy cô giáo.
Tâm An
Theo GDTĐ
Góp ý Dự thảo quy định công nhận giáo viên dạy giỏi: Khích lệ giáo viên sáng tạo Bộ GD&ĐT mới đưa ra dự thảo Thông tư ban hành quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông. Với tinh thần dự thảo mới, những người trong cuộc cũng mong muốn việc thi giáo viên dạy giỏi sẽ bớt tính hình thức, những tiết thi giảng sẽ thực chất...