Giáo viên chia sẻ: Phụ huynh bênh con, thầy cô phải… “sợ” học trò
Thời nay phụ huynh hay bênh con, đôi khi chỉ cần nghe con nói thầy cô thề này, thế kia là họ vào trường ngay để mắng giáo viên. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn đâm đơn thưa gửi thầy cô giáo của con lên tới Phòng Giáo dục.
Ảnh minh họa
Một buổi sáng, cả trường tôi náo loạn vì một bậc phụ huynh. Đứng trước phòng hội đồng, họ xối xả trách mắng cô giáo chủ nhiệm của con. Họ cho rằng cô chủ nhiệm đang trù úm con mình. Họ không ngừng trách “Vì sao con mình lại bị hạnh kiểm Khá? Rồi họ bảo như thế là rất thiệt thòi cho con mình”. Cứ thế, họ không ngừng trách mắng cô chủ nhiệm của con. Nghe phụ huynh nói, tự nhiên tôi cảm thấy buồn vô cùng.
Cậu học trò của vị phụ huynh này đang học lớp 9. Cháu thông minh nhưng khá hiếu động. Trong lớp cháu rất hay gây gổ với bạn bè. Thỉnh thoảng cháu lại bày trò để gây sự chú ý từ bạn bè. Nhiều lần giáo viên chủ nhiệm (GVCN) nhắc nhở, nhưng cháu vẫn tái phạm. Đã mấy lần giáo viên (GV) phải điện thoại để trao đổi cùng phụ huynh. Thế nhưng lần nào phụ huynh cũng bênh con. Họ luôn cho rằng con mình ngoan, rằng con tôi, tôi hiểu nó mà.
Hai, ba lần như vậy, cô chủ nhiệm đâm chán. Trên lớp cô vẫn nhắc nhở và mong em tập trung vào việc học tập. Chưa bao giờ cô tỏ ý ghét em cả. Điều này thì cả lớp đều rõ mà.
Dẫu rất thương trò nhưng cô vẫn xếp loại em hạnh kiểm Khá. Cô muốn em có dịp nhìn nhận lại mình mà cố gắng. Năm nay, em xếp loại học lực Giỏi nhưng hạnh kiểm chỉ đạt Khá. Vì thế, em không được khen thưởng. Mới chỉ nghe vậy, phụ huynh tức tốc vào trường mắng cô giáo. Chưa dừng ở đó. Phụ huynh còn muốn thưa gửi tới tận Phòng Giáo dục. Nghe vậy, cô chủ nhiệm chỉ biết rớt nước mắt vì buồn.
Sau khi nghe ban giám hiệu giải thích rằng cô xếp loại hành vi đạo đức cho trò như vậy là hoàn toàn đúng. Rồi một số GV khác giải thích thêm. Cuối cùng phụ huynh đành hậm hực ra về.
Thực ra, câu chuyện này không phải là hiếm trong trường học. Phụ huynh thì cứ bênh con. Đôi khi chỉ cần nghe con nói thầy cô thề này, thế kia là họ vào trường ngay để mắng GV. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn đâm đơn thưa gửi thầy cô giáo của con lên tới Phòng Giáo dục.
Video đang HOT
Tôi từng chứng kiến cảnh một đồng nghiệp của mình khóc rất nhiều vì bị phụ huynh thưa gửi. Lí do cô giáo có la rầy vài lời vì em không thuộc bài. Rồi chẳng hiểu sao, em về nói gì mà phụ huynh vô cùng tức giận. Cứ thế, họ vào trường làm ầm ĩ lên đòi thưa gửi cô giáo. Cuối cùng, cô phải nhờ Ban giám hiệu xuống lớp để đối chất với học sinh mới xong. Từ đó, cô chẳng dám nặng lời với trò bao giờ nữa.
Bây giờ, nhiều GV đi dạy chẳng dám phạt học trò đâu. Dường như họ đang buông xuôi học trò. Họ chỉ làm đúng trách nhiệm của mình thôi. Đến giờ thì vào lớp giảng bài, học sinh hư cũng kệ. Con người ta chứ có phải con mình đâu. Làm quá, cuối cùng chỉ mình là người thiệt thòi. Khi gặp chuyện, GV lại là người đơn thương độc mã. Thôi thì cứ né cho lành.
Bản thân là một GV, tôi từng không đồng tình với cách phạt trò của một số GV. Nhiều hình phạt mang tính phản cảm, làm nhục. Tuy nhiên để giáo dục trò, thầy cô vẫn cần có thưởng và có phạt. Cần phạt làm sao để giúp các em nhận ra sai trái mà nên người.
Nhớ thời đi học, chúng tôi vẫn thường bị thầy cô mắng phạt đó thôi. Chưa kể, ba mẹ biết chuyện còn mắng thêm nhiều hơn nữa. Cứ thế rồi chúng tôi cũng nên người. Còn bây giờ, con ít, các em đều là vàng bạc, kim cương cả. Ai đụng con họ, họ sẵn sàng hơn thua tới cùng.
Cha mẹ thương con, bênh con, nên nhiều em thường tỏ thái độ với thầy cô. Nhiều em còn tỏ thái độ thách thức với GV. Ngay cả, khi các em sai, các em vẫn nghĩ mình là người đúng. Cuối cùng chính thầy cô là người phải “sợ” trò.
LT
Theo Dân trí
Bạo lực học đường: Phụ huynh thiếu kiểm soát và thấu hiểu con
"Gần như không khi nào tôi hỏi con về các sự việc đánh nhau hay to tiếng gây gổ có xảy ra ở lớp hay không. Vì tôi nghĩ nếu có xảy ra việc hư hỗn của con thì cô giáo chủ nhiệm đã gọi điện ngay lật tức cho phụ huynh, nên tôi bỏ qua vấn đề này".
Là chia sẻ của phụ huynh khi được hỏi về việc đã dạy con trẻ cách phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) ra sao khi thời gian gần đây không ít những vụ ẩu đả học đường liên tiếp xảy ra, phổ biến các hình thức đánh bạn hội đồng, bắt phạt quỳ xin lỗi và quay video tung lên các trang mạng xã hội...
Khoảng trống từ phụ huynh
Các sự việc bạo lực liên tiếp xảy ra, hàng ngày, hàng giờ, thế nhưng không ít bậc phụ huynh vẫn xem nhẹ vấn nạn này và đôi khi lại biện hộ cho những hành động đó "xuất phát từ sự bồng bột của trẻ con, lớn lên sẽ tự ngoan".
Chị Nguyễn Thị Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, sau mỗi giờ tan học, đón con về nhà, tôi thường hỏi con 'ngày hôm nay ở trường thế nào?', 'có gì vui không?', 'con chơi với các bạn ra sao?'... gần như không khi nào tôi hỏi về các sự việc đánh nhau hay to tiếng gây gổ có xảy ra ở lớp con hay không. Vì tôi nghĩ nếu có xảy ra việc hư hỗn của con thì cô giáo chủ nhiệm đã gọi điện ngay lật tức cho phụ huynh, nên tôi bỏ qua vấn đề này.
Phụ huynh lúng túng dạy con phòng chống bạo học đường (ảnh minh họa).
Anh Hà Quốc Trị (Đoan Hùng, Phú Thọ) có hai cậu con trai học cấp 1 cho rằng, bố mẹ thường ít hỏi con cái về những việc như to tiếng, hay giận hờn bạn nào ở lớp; thay vào đó sẽ lặng lẽ quan sát diễn biến tâm lý và sức khỏe của con mỗi ngày để xét tình hình. Ví dụ ngày nào đi học về thấy con buồn, con chán nản không hào hứng với trò chơi, không muốn ăn cơm, ít trò chuyện với bố mẹ... như vậy là con đã gặp phải vấn đề ở lớp.
Đối với phụ huynh có con lớn tuổi hơn như anh Bùi Tiến Dũng (Kiến Xương, Thái Bình) cho biết, con cái trong và sau độ tuổi dậy thì diễn biến tâm lý rất phức tạp, bố mẹ rất khó để hiểu được tâm sinh lý ấy. Thường ngày, gia đình chỉ hỏi việc học hành, điểm số, thời khóa biểu của con. Chúng tôi không hay nói chuyện về những chủ đề bạo lực học đường; thi thoảng cả nhà ngồi ăn cơm tối, tivi có chiếu về các vụ việc đánh nhau thì gia đình cũng chỉ nhắc nhở cháu không học theo các thói hư tật xấu.
Chị Nguyễn Phương Thảo (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự, gia đình vẫn thường xuyên chỉ bảo con không được đánh bạn, không được tụ tập bỏ học và đua theo thói hư của các bạn trong lớp... Nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ chỉ bảo, răn đe bằng cách biện pháp trừng phạt nếu con vi phạm.
Phần đa những lời chia sẻ của các bậc phụ huynh, dễ dàng để thấy việc quan tâm và giáo dục con cái trước bạo lực học đường đang bị mơ hồ và bỏ trống; tạo ra một lỗ hổng lớn cho con trong cách ứng biến khi chẳng may gặp phải sự cố bạo lực ở trường.
Bố mẹ là người hiểu con cái nhất
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, chuyên gia tư vấn tâm lý nhận định, hiện nay dù toàn ngành giáo dục và cả xã hội đang quyết liệt lên án các vụ bạo lực học đường (BLHĐ) nhưng về phía phụ huynh lại rất lúng túng trong việc chỉ dạy và khuyên con trước phòng chống vấn nạn này.
Theo nhiều nghiên cứu về tâm lý cho thấy sự ảnh hưởng của gia đình và những nhóm xã hội lân cận quyết định phần lớn tới hành vi của các em. Nhưng thời gian bố mẹ dành cho việc trò chuyện với con không có, điều kiện để uốn nắn cũng không.
Mặt khác, phụ huynh cũng đang quá nuôi chiều con quá mức, chỉ biết cung cấp, đáp ứng về tiền bạc, giải trí mà thiếu kiểm soát, quan tâm đến suy nghĩ, hành động của con trẻ. Mặc nhiên nghĩ rằng nhu cầu giáo dục phòng chống BLHĐ là việc của nhà trường và các thầy cô giáo cần làm đối với học sinh.
Chính vì sự chủ quan như vậy mà các phụ huynh vẫn luôn có suy nghĩ "cháu ở nhà rất ngoan và chăm chỉ; đi học về đều chào hỏi lễ phép và ít khi đi chơi về muộn". Điều này cần được thay đổi ngay lật tức trước khi quá muộn; giáo dục cho con phòng chống BLHĐ là việc làm liên tục, mỗi ngày thông qua lời nói, cử chỉ, hành động của bố mẹ với hàng xóm và mọi người xung quanh sẽ là tấm gương phản chiếu cho con trẻ noi theo.
PGS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh, "tôi cho rằng trong giáo dục phòng chống bạo lực, phụ huynh chiếm 50% sự định hướng, kiểm soát và thấu hiểu con cái trước những hành vi, lời nói, thái độ sau mỗi giờ học trên lớp. Do đó, bản thân các bậc làm bố, làm mẹ cần tự ý thức được trách nhiệm dạy dỗ để mạnh dạn tìm hiểu, nghiên cứu các hình thái và hướng xử lý của BLHĐ.
Hà Cường
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Cái roi của người thầy Chiều qua khi đến giờ đón con ở trường tiểu học, tôi cùng một phụ huynh khá thân thiết đến bên cửa lớp và gặp cô giáo chủ nhiệm của các con. Cô mở lời với người mẹ bên cạnh tôi rằng hôm nay cô có khẽ một roi vào tay của con vì cháu không hợp tác với cô trong giờ tập...