Giáo viên chia sẻ 13 điều phụ huynh giúp con học tốt
Rèn luyện thói quen đọc, ăn tối cùng con, quan tâm việc học ở trường, hợp tác tốt với giáo viên… là những cách phụ huynh nên áp dụng.
Nghiên cứu của Đại học North Carolia, Đại học Brigham Young và Đại học California (Mỹ) cho thấy phụ huynh đóng vai trò quan trọng hơn nhà trường trong sự thành công về mặt học vấn của trẻ. Thực tế, trẻ chỉ dành phần nhỏ thời gian mỗi ngày ở trường. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn sự nuôi dưỡng, giáo dục được thực hiện ở nhà.
Để tìm ra những gì phụ huynh có thể làm ở nhà để giúp con vượt trội, Business Insider (Mỹ) tham khảo ý kiến và nhận được gợi ý từ hơn 40 thầy cô. Những điều dưới đây được cho là tốt nhất với việc học của con:
1. Cùng con rèn thói quen đọc
Khuyến khích thói quen đọc sách là câu trả lời phổ biến nhất được giáo viên đưa ra. Họ cho rằng phụ huynh cần đọc cho trẻ, đọc với trẻ và để trẻ đọc lại cho nghe. Làm như vậy mỗi ngày, phụ huynh sẽ giúp trẻ hình thành thói quen đọc.
2. Ăn tối cùng nhau
Một giáo viên lớp hai ở New York cho rằng bữa ăn gia đình là thời gian để các thành viên bắt kịp cuộc sống của nhau, con và bố mẹ có thể trò chuyện về những gì xảy ra trong ngày, những điều tốt và xấu. Từ đó, bố mẹ có thể hiểu rõ về cuộc sống của con mình.
Ảnh minh họa: Roy Niswanger/Flickr
3. Trở thành tấm gương tốt
Trẻ thường có thói quen học bằng cách bắt chước những hành động, lời nói của người lớn. Vì vậy, nếu bạn muốn con đọc, trước hết bạn phải là một người đọc. nếu muốn con cải thiện kỹ năng viết, hãy bắt đầu viết thư cho con. Và nếu muốn con học tốt môn Toán, đừng nói với chúng rằng bạn ghét Toán.
4. Hãy để trẻ trải nghiệm cuộc sống
Không phải mọi kiến thức đều nằm trong sách vở. Vì vậy, bạn nên khuyến khích con tham gia các hoạt động trải nghiệm.
5. Có kỳ vọng cao về sự thành công của con
“Tôi biết rất nhiều phụ huynh bận rộn với công việc và tôi không thể yêu cầu họ dành nhiều thời gian hơn với con. Tôi biết một số người trong số họ không thể ngồi xuống và giúp con làm bài tập về nhà”, Jennifer, một giáo viên lớp 5 ở New Jersey nói.
Theo giáo viên này, điều tốt nhất phụ huynh có thể làm là kỳ vọng sự xuất sắc của con mình. Nếu bạn không kỳ vọng con được A, con sẽ không cố gắng để được điểm đó. Nếu bạn muốn con được D, con sẽ chỉ hoàn thành mức này mà không thấy có lý do gì để làm tốt hơn. Vì vậy, hãy đặt ra những kỳ vọng để tạo cho con động lực thực sự trong học tập.
Video đang HOT
Tuy nhiên, kỳ vọng khác với áp đặt. Đôi khi ở một số môn học, D là điểm tốt nhất con có thể đạt được và bạn nên động viên con vì điều đó.
6. Hạn chế cho con sử dụng thiết bị công nghệ
Nhiều giáo viên cho rằng phụ huynh nên cho con đọc sách báo, khuyến khích con đi dạo và tham gia hoạt động ngoài trời thay vì ngồi nhà và nhìn chằm chằm vào màn hình Ipad, điện thoại di động hay máy tính.
Giáo viên tiếng Anh ở một trường tư thục tại New York hoảng sợ khi một khảo sát chỉ ra có thanh thiếu niên dành 11 tiếng mỗi ngày để ngồi trước màn hình thiết bị công nghệ. “Tôi cảm giác như chúng không biết làm thế nào để được ở một mình và tôi lo lắng về những gì chúng sẽ làm để được độc lập”, giáo viên này chia sẻ.
Ảnh minh họa: Reuters
7. Hãy quan tâm việc học của con ở trường
Một số phụ huynh thậm chí không nhận ra con mình đang thất bại hay gặp khó khăn trong học tập. Họ không kiểm tra email, trả lời thư thoại từ thầy cô và cũng không tham gia các cuộc họp phụ huynh ở trường. “Đừng hỏi con công việc học tập ở trường thế nào bởi vì chúng sẽ nói rằng vẫn ổn. Hãy hỏi giáo viên”, giáo viên tiếng Anh Rebecca Rosen ở New York nói.
Một giáo viên khác cho rằng trong thời đại công nghệ như hiện nay, bố mẹ dễ dàng nắm bắt được công việc con đang làm ở trường. Nếu có câu hỏi về lớp học hay bài tập, bố mẹ nên liên hệ trực tiếp với giáo viên đứng lớp trước khi tỏ ra khó chịu và đi gặp cấp quản lý cao hơn.
8. Hợp tác với giáo viên chứ không chống lại
Hãy để con hiểu bạn và giáo viên có quan điểm giống nhau về kỷ luật, sự thành công hay trạng thái cảm xúc. Không nên cho con nghĩ rằng bố mẹ sẽ cứu con khỏi giáo viên khi chúng hành động sai.
9. Khuyến khích con tương tác với nhiều người hơn
Cho con tiếp xúc với nhiều đứa trẻ khác để chúng học cách chơi và hợp tác tốt. Hãy luôn ghi nhớ “Ít công nghệ và nhiều tương tác” sẽ giúp con học tốt hơn.
10. Dành thời gian chơi với con
Hãy sắp xếp công việc để có thời gian thư giãn bên con, từ đó bạn sẽ hiểu con hơn.
11. Đưa đón con đi học đúng giờ
Cả học kỳ bạn chỉ đưa con đi học muộn một, hai lần thì đó không phải vấn đề lớn. Nhưng nếu một tuần có năm buổi và con bạn được đưa đi học hay đón về muộn bốn buổi, chúng sẽ cảm thấy bối rối và xấu hổ, đặc biệt khi bạn cùng lớp luôn chú ý đến việc đi muộn đó.
12. Cho phép con thất bại
Con sẽ học được bài học lớn từ những thất bại gặp phải.
13. Chăm sóc sức khỏe của con
“Ít đường và chất béo. Tập thể dục nhiều hơn” là gợi ý ngắn gọn về cách đảm bảo sức khỏe cho con của giáo viên tiểu học ở London dành cho phụ huynh.
Theo VNE
10 cách phụ huynh giúp con vượt qua nỗi sợ hãi
Cho phép con thất bại, chỉ ra những lợi ích phía sau là cách để phụ huynh giúp con đối phó với nỗi sợ hãi.
Sợ hãi là cảm xúc tự nhiên của con người nhằm cảnh báo về những thiệt hại có thể xảy ra. Nó như một lời kêu gọi hành động để bảo vệ bản thân. Tuy nhiên trong thế giới hiện đại, nỗi sợ hãi thường có xu hướng vượt khỏi nguy cơ và có thể ngăn cản con người đạt được những gì mong muốn.
Là phụ huynh, bạn cần có hành động cụ thể để giúp con đối phó với sợ hãi. Lifehack đưa ra 10 lời khuyên cho bạn.
1. Thừa nhận nỗi sợ hãi
Nói đừng sợ hoặc cấm sợ hãi ngớ ngẩn không phải là cách hiệu quả giúp con vượt qua. Bạn cần thừa nhận vì đó là thực tế. Hãy để con có cơ hội nói về nó và cho thấy bạn thực sự hiểu. Sự sợ hãi cần được thừa nhận trước khi giúp con loại bỏ nó.
2. Để con biết rằng thất bại cũng là một lựa chọn
Mọi người đều phải chịu áp lực là không được thất bại và tỏ ra sợ hãi mà quên rằng nó là một phần quan trọng của quá trình học tập. Hầu hết phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử đều là kết quả của một loạt nỗ lực không thành công.
Vì vậy, hãy cho con biết rằng đôi khi có thể thất bại và không cần sợ hãi vì điều đó. Hãy chỉ cho con cách học hỏi từ thất bại để làm tốt hơn trong những lần tiếp theo.
Ảnh minh họa: Lifehack
3. Đừng đặt nỗi sợ hãi của bạn lên con
Đây là điều hầu hết phụ huynh nhận thức được nhưng thực tế bạn không bao giờ có thể che giấu hoàn toàn nỗi sợ của mình trước con. Những gì bạn có thể làm là nói chuyện, cho con thấy bạn cũng là người bình thường và cũng biết sợ hãi. Hãy cho con thấy cách bạn đang làm để đối phó và vượt qua những nỗi sợ đó.
4. Giúp con xác định nỗi sợ hãi thực sự
Nếu ai đó nói rằng sợ bay thì có lẽ họ không thực sự sợ điều đó mà là sợ bị rơi xuống đất. Con nói sợ những quái vật dưới gầm giường, nhưng thực tế đang sợ quái vật đi ra khỏi gầm giường và làm hại mình. Như vậy, con đang không xác định đúng nỗi sợ. Hãy giúp con hiểu được điều đó và cùng con giải quyết vấn đề.
5. Cho con thấy những lợi ích
Đôi khi con tập trung quá vào nỗi sợ mà không nhìn thấy những thứ xung quanh. Hãy trò chuyện nhiều với con về lợi ích của việc vượt qua nỗi sợ, những gì có thể đạt được sau đó. Hãy hỏi những câu hỏi để khuyến khích con suy nghĩ về kết quả tích cực thay vì chỉ nói theo cách liệt kê.
6. Nhắc lại những lần con vượt qua nỗi sợ hãi
Hãy nhắc nhớ ở thời điểm trước, con sợ phải thử một cái gì đó nhưng cuối cùng đã tận hưởng nó. Cách làm này giúp con tự tin hơn vào khả năng của mình.
7. Tránh so sánh con với người khác
Việc bạn so sánh liên tục với những đứa trẻ khác có thể làm con mất tự tin và cảm thấy mình không có năng lực gì. Điều này hoàn toàn vô ích trong việc giúp con vượt qua nỗi sợ hãi.
8. Cho con biết có những lúc sợ hãi là tốt
Việc vượt qua nỗi sợ hãi là rất quan trọng nhưng cũng cần nhớ rằng có một số nỗi sợ hoàn toàn hợp lý và lành mạnh. Nếu con sợ nhảy xuống một dòng sông đầy cá sấu, đó là điều tốt và bạn không có lý do gì để bắt con phải vượt qua nỗi sợ đó. Hãy giải thích để con nhận ra sự khác biệt giữa nỗi sợ hợp lý và phi lý bằng cách nói về những rủi ro và hậu quả.
9. Giải thích cho con hiểu có thể cần nhiều bước nhỏ để vượt qua sợ hãi
Đôi khi cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ là nhảy thẳng vào nó nhưng cũng có lúc giải quyết một cách chậm rãi và nhẹ nhàng lại tốt hơn. Nếu nỗi sợ đang áp đảo tâm trí con, hãy cho thấy con có thể chinh phục theo từng bước nhỏ và chỉ chuyển sang bước tiếp theo khi đạt được mức độ thoải mái nhất định. Lập kế hoạch các bước để con thấy rõ những gì sẽ xảy ra và đừng gây bất ngờ vì con sẽ không tin tưởng bạn vào những lần sau.
10. Thường xuyên nhắc con không cô đơn
Đây có lẽ là điều quan trọng nhất. Hãy giải thích để con hiểu rằng không phải đối mặt với nỗi sợ hãi một mình. Nếu cảm thấy an toàn khi biết có người đồng hành, con sẽ tự tin tiến lên phía trước.
Theo VNN
Phụ huynh có phải là những người nhiều tiền khôn ngoan hay không? Mới đầu năm, chữ còn chưa "nhặt" được mấy dòng, đã nở ra toàn những thứ trứng ung! Mấy ngày này, sau vài cơn bão càn quét tan hoang, tội nhất là nhìn các em nhỏ khu vực miền cao, nơi lũ lốc tràn về thổi trôi bản trôi trường, trôi bàn trôi trại, lóp ngóp dưới mưa, ngồi xổm hóng chờ con...