Giáo viên chỉ cách vượt qua “sợ hãi” để đạt điểm cao môn Lịch sử kỳ thi vào lớp 10
Theo một số giáo viên dạy môn Lịch sử, môn Lịch sử được chọn trong kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội không có gì quá ngạc nhiên, học sinh cần có kế hoạch ôn tập hiệu quả, nhất là đối với những học sinh chủ quan chưa quan tâm đến môn học này.
Nhận định về việc môn Lịch sử trở thành môn thứ 4 tại Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022 của Hà Nội, TS. Lê Thị Thu Hương (ĐH Thủ đô Hà Nội) cho rằng, việc lựa chọn môn Lịch sử là môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 năm nay là do bốc thăm ngẫu nhiên từ các môn còn lại nên Lịch sử lần 2 thứ liên tiếp được chọn là môn thi thứ 4 cũng là điều bình thường. Lịch sử được chọn là môn thi thứ 4 có chút ít bất ngờ với một số học sinh nhưng không gây khó khăn cho đại đa số các em học sinh lớp 9, có chăng chỉ khó khăn với các em có chủ quan, học lệch từ đầu năm.
Để có kết quả thi môn Lịch sử tốt trong kì thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội, TS. Hương đưa ra lời khuyên các em học sinh cần lưu ý, trước tiên cần tạo tâm thể thoải mái, tránh lo quá mức, cần điều chỉnh kế hoạch học và ôn tập của mình phù hợp với lượng kiến thức hiện có của 4 môn thi vào THPT, nhất là với các em chủ quan từ đầu năm lớp 9 chưa tập trung học môn Lịch sử thì cần ưu tiên thời gian ôn thi của mình cho bộ môn Lịch sử.
Môn Lịch sử trở thành một trong 4 môn kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022 tại Hà Nội. Ảnh minh họa
” Học sinh đọc kĩ SGK, nắm được kiến thức cơ bản của mỗi bài học. Chú trọng ôn tập nhiều cho lịch sử Việt Nam (1919 – 2000), nội dung này chiếm 2/3 đề thi; Lịch sử thế giới (1945 – 2000), nội dung 1/3 đề thi. Sau mỗi chương cần luyện tập bằng việc trả lời các câu hỏi trắc nghiệm. Hai tuần trước khi thi, tập trung luyện đề tổng hợp cả kiến thức Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam ” – TS. Lê Thị Thu Hương chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Trinh giáo viên Lịch sử ( Hệ thống Giáo dục HOCMAI) cho biết, năm nay, dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song trong suốt thời gian nghỉ, học sinh vẫn đảm bảo việc học qua hình thức học trực tuyến, tự học tại nhà. Đồng thời, học sinh Hà Nội cũng đã có sự chuẩn bị tinh thần cho môn thi thứ 4 nên việc thi môn thứ 4 hoàn toàn phù hợp để tránh tâm lí chủ quan, tạo điều kiện kiểm tra đánh giá toàn diện học sinh.
Video đang HOT
” Môn Lịch sử đã được chọn làm môn thi thứ tư một lần trong kì thi năm 2019, giáo viên có kinh nghiệm ôn tập, lượng tài liệu ôn tập phong phú nên phụ huynh và học sinh không cần quá lo lắng, áp lực, thậm chí việc chọn môn Lịch sử theo tôi còn là một điểm thuận lợi. Như năm 2019, dù là năm đầu thi môn thứ 4 nhưng phổ điểm của môn Sử lại khá cao, nhiều học sinh còn xem đây là môn “gỡ” điểm ” – cô Trinh chia sẻ.
Đưa ra lời khuyên trong ôn tập môn Lịch sử, cô Trinh cho biết, học sinh cần bình tĩnh, lập kế hoạch ôn tập, phân chia khối lượng kiến thức theo từng chặng, ôn tập từ khái quát để nắm các nội dung lớn trước sau đó mới đi vào các nội dung cụ thể, chi tiết, giai đoạn cuối nên dành để luyện đề. Học sinh cần phải đặt ra những mục tiêu cụ thể cho mình qua từng thời gian, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đó.
” Học sinh cần bỏ ngay suy nghĩ kiểm tra Lịch sử là kiểm tra ngày tháng năm, sự kiện, số liệu, học thuộc lòng để tránh lo lắng trong quá trình ôn tập. Học lịch sử chú trọng vào cách học có chiều sâu và hiệu quả, sử dụng các phương pháp như sơ đồ tư duy để ghi nhớ tổng thể, khái quát tiến trình lịch sử.
Học theo công thức “5W1H” để ghi nhớ hiểu bản chất sự kiện, lập các công thức để ghi nhớ các loại kiến thức như nguyên nhân sự kiện, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm… Khi có phương pháp ôn tập tốt, học sinh sẽ ôn tập nhanh và hiệu quả, tự tin làm bài ” – Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Trinh tư vấn.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2021 – 2022 được tổ chức vào các ngày 29 và 30/5/2021 với 4 bài thi bắt buộc như sau: Bài thi, tổ chức 4 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.
Trường THCS lên kế hoạch bồi dưỡng Lịch sử cho học sinh
Nhiều trường THCS lên kế hoạch cho học sinh làm bài khảo sát, tăng tiết ôn tập môn Lịch sử khi chỉ còn hơn 2,5 tháng nữa là đến kỳ thi vào lớp 10.
Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo bốn môn thi vào lớp 10 năm 2021 là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử hôm 12/3, Ban giám hiệu trường THCS Đông La, huyện Hoài Đức, đã họp với giáo viên để lên kế hoạch ôn tập cho khoảng 200 học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 năm nay.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Dung cho biết do ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đã được thông báo trước, trường chủ động cho học sinh ôn tập từ đầu năm. Với môn thứ tư, có thể là một trong sáu môn Sinh học, Hoá học, Vật lý, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, trường cho các em học đều trên cơ sở mục tiêu phát triển toàn diện cả về kiến thức và phẩm chất, năng lực.
Vì vậy, khi môn Lịch sử được thông báo là môn thi thứ tư vào lớp 10 ở thời điểm chỉ còn hơn 2,5 tháng là tới kỳ thi, nhà trường cần có kế hoạch cụ thể để ôn tập kỹ hơn cho học sinh. "Việc môn Lịch sử được lựa chọn khá bất ngờ với nhiều thầy cô và học sinh, nhưng cũng là may mắn vì nhà trường đã có kinh nghiệm, giáo viên từng tham gia bồi dưỡng các em thi vào lớp 10 năm 2019 và thi học sinh giỏi. Nhiều em tỏ ra hứng thú với môn học này", cô Dung nói.
Theo cô Dung, học sinh đang học Lịch sử bình thường, chưa có tâm thế để thi môn này. Vì vậy, đầu tuần tới, hai giáo viên Lịch sử phụ trách 5 lớp 9 của trường sẽ ra đề thi với hình thức và nội dung tương tự đề thi do Sở Giáo dục và Đào tạo ra năm 2019 để khảo sát, xem các em còn yếu phần nào. Sau đó nhà trường sẽ sắp xếp thêm tiết trong tuần để tăng cường ôn tập, dự kiến là tăng hai tiết buổi chiều, đồng thời tận dụng tiết truy bài đầu giờ.
Ngoài các buổi học trên lớp, học sinh sẽ được hướng dẫn ôn luyện qua hệ thống học và thi trực tuyến HanoiStudy và một số ứng dụng. Bất cứ khi nào có khúc mắc, học sinh có thể liên hệ với thầy cô để được hướng dẫn, giải đáp thông qua các phần mềm học trực tuyến, giống như cách nhà trường đã áp dụng trong hai mùa học online vừa qua.
Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp học sinh ôn thi, đặc biệt là với Lịch sử - môn thi được thông báo cuối cùng. Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay ngay từ khi xây dựng kế hoạch năm học, nhà trường đã định hướng việc thi vào lớp 10 bởi xác định đây là kỳ thi căng thẳng khi hơn 90.000 học sinh dự thi thì khoảng 30.000 em không trúng tuyển vào các trường THPT công lập.
Từ đầu năm, khi mới biết ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ chắc chắn có trong kỳ thi, trường đã có định hướng ôn tập rõ ràng. Với môn thứ tư sẽ được chọn là một trong sáu môn, trường ôn luyện cho học sinh theo hướng chuẩn kiến thức, kỹ năng chung của chương trình lớp 9.
Để học sinh làm quen, từ học kỳ I, tất cả đề kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ ở sáu môn được đưa ra dưới dạng trắc nghiệm theo đúng cấu trúc đề của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thậm chí trộn bốn mã đề trong phòng thi và để các em làm bài trên phiếu tô trả lời như khi thi thật. "Nhờ đó, đến nay các em đã nắm vững cách thức tổ chức thi, quy chế, phương pháp, cách thức làm bài", thầy Cường nói.
Giáo viên trường THCS Thái Thịnh hướng dẫn học sinh trong một giờ học. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Về phía giáo viên, các tổ nhóm chuyên môn của trường đã chuẩn bị từ những năm trước để hình thành các bộ đề trắc nghiệm, giúp học sinh ôn tập. Đặc biệt với môn Lịch sử, vì đã thi cách đây hai năm, nhà trường vẫn còn nguyên tất cả sự chuẩn bị, giờ chỉ cần bổ sung một số nội dung.
Cũng theo thầy Cường, tới đây nhà trường sẽ khảo thí độc lập từ kho đề của mình để kiểm tra học sinh, cho các em thi thử, sớm phát hiện yếu mảng nào, từ đó có kế hoạch củng cố kiến thức thêm vào các buổi chiều. Khi chương trình các bộ môn kết thúc, nhà trường sẽ ưu tiên thêm thời gian cho môn Lịch sử để học sinh tự tin hơn trước khi bước vào kỳ thi lớp 10.
"Khi môn Lịch sử được lựa chọn thi, chúng tôi xác định đây là cơ hội lớn để học sinh có thời gian nghiên cứu sâu thêm về lịch sử Việt Nam và thế giới, từ đó yêu thích môn Lịch sử, yêu đất nước hơn. Vì vậy, dù là ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng, giáo viên vẫn phải chú trọng phương pháp dạy để các em không cảm thấy bị áp lực thi cử và nhàm chán", thầy Cường nói.
Trước đó, trường THCS Thái Thịnh vẫn thường xuyên cho học sinh làm dự án, đóng vai, thuyết trình để thấy việc học Lịch sử cũng như các môn khác thú vị. Năm 2019, điểm trung bình môn Lịch sử của trường trong kỳ thi vào lớp 10 là khoảng 8. Đó là cơ sở để thầy Cường tin tưởng khoảng 350 học sinh lớp 9 của trường năm nay sẽ làm tốt bài thi môn này.
Không chỉ trường THCS Đông La hay Thái Thịnh, nhiều trường khác như THCS Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm), THCS Chu Văn An (huyện Thanh Trì) cũng đã có kế hoạch giảm tiết ôn tập buổi chiều ở một số môn để tăng 2-3 tiết Lịch sử mỗi tuần, giúp học sinh chuẩn bị tốt kiến thức trước khi bước vào kỳ thi do môn này có thời gian ôn tập ít nhất trong bốn môn thi.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên ở Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 29-30/5 với sự tham gia của gần 91.000 học sinh. Trong đó, khoảng 62% được tuyển vào các trường THPT công lập, 22% vào trường ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính, 8% vào trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 8% tham gia học nghề.
Học sinh Hà Nội bất ngờ khi phải thi Lịch sử vào lớp 10 Nhận được tin Lịch sử là môn thi thứ tư vào lớp 10 đầu giờ chiều 12/3, Bảo Hân phải đi tìm ngay văn bản có dấu đỏ vì "không thể tin". Bảo Hân, học sinh lớp 9 một trường THCS ở quận Hà Đông, chia sẻ: "Lần đầu tiên tổ chức thi 4 môn năm 2019, học sinh đã thi Lịch sử....