Giáo viên chật vật đánh giá học sinh
Từ cuối năm 2020 đến nay, cô Huyền, chủ nhiệm một lớp 12 ở Vĩnh Long, liên tục nhận được câu hỏi “mặt mũi em này thế nào” từ giáo viên bộ môn.
Thông tư 26/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT có hiệu lực từ tháng 10/2020 quy định giáo viên đánh giá học sinh phải kết hợp giữa nhận xét và điểm số. Trước đó, việc đánh giá kết hợp nhận xét và điểm chỉ áp dụng cho môn Giáo dục công dân, các môn khác cho điểm.
Là giáo viên Văn, năm nay cô Huyền dạy ba lớp 12 với hơn 100 học sinh. Để đánh giá, cho điểm hết học kỳ I, cô làm phần nhận xét học sinh trước khi có điểm thi. Nội dung nhận xét gồm thái độ học tập, chuyên cần, khả năng tiếp thu, năng lực tự học và trình độ viết, đọc. Đến lúc có kết quả kiểm tra định kỳ và tổng kết học kỳ I, cô đối chiếu với phần đã nhận xét và chỉ cần chỉnh sửa ở một vài em.
Trước đây, mỗi giáo viên có một sổ điểm cá nhân để ghi điểm học sinh ở tất cả lớp mình phụ trách với đầy đủ cột điểm. Nay, cô Huyền phải làm thêm danh sách học sinh kèm điểm, phần nhận xét được đánh máy rồi in ra, chuyển cho giáo viên chủ nhiệm. Điểm và nhận xét của tất cả giáo viên bộ môn sau đó đóng thành quyển, nộp về Ban giám hiệu nhà trường.
Việc đánh giá kết hợp giữa nhận xét và cho điểm khiến giáo viên vất vả hơn. Với thầy cô dạy Sử, Địa, Công nghệ, Giáo dục Công dân…, mỗi tuần chỉ 1-2 tiết, giáo viên phải dạy 5-7 lớp mới đủ chỉ tiêu. Nhiều người phải nhận xét hàng trăm học sinh. Thời gian lên lớp ít, lại không phải chủ nhiệm nên nhiều giáo viên bộ môn không nhớ mặt học sinh, chỉ dựa theo các cột điểm để đánh giá đại khái.
Phần nhận xét được in ra nộp về trường, không phát cho học sinh hay gửi về phụ huynh nên không tác dụng. Để đỡ “phí công”, cô Huyền thường chụp lại phần nhận xét, gửi về cho phụ huynh.
Cô giáo hy vọng có phần mềm hoặc sổ điểm điện tử để giáo viên nhập điểm, nhận xét trực tiếp trên hệ thống, giảm bớt công đoạn tự làm sổ, thông tin được gửi về điện thoại của phụ huynh. “Khi đó, tôi nghĩ việc nhận xét của giáo viên mới có ý nghĩa, bản thân thầy cô cũng sẽ nhận xét có trách nhiệm hơn khi biết những gì mình viết ra đến với phụ huynh, học sinh”, cô Huyền nói.
Sổ theo dõi và đánh giá học sinh được giáo viên ở Vĩnh Long sử dụng trong năm học 2020-2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Video đang HOT
Thầy Nguyên, giáo viên Toán một trường THPT ở TP HCM quy mô 2.000 học sinh, cũng “mướt” mồ hôi đánh giá học sinh sau đợt kiểm tra cuối kỳ I.
Thầy kể, với giáo viên dạy Toán, Văn, nếu làm công tác chủ nhiệm thì phải dạy ba lớp với khoảng 150 học sinh. Để nhận xét hết các em cũng không mấy khó khăn. Tuy nhiên, với giáo viên các môn ít tiết trong tuần là “bất khả thi”. Chẳng hạn với giáo viên Giáo dục công dân, số phải nhận xét là 700, riêng môn Công nghệ là 1.000. Không nhớ hết mặt học sinh, giáo viên phải nhận xét na ná nhau như: Chăm, ngoan, có tiến bộ trong học tập, cần nỗ lực hơn về việc học.
Theo thầy Nguyên, hiệu quả của cách đánh giá này chưa rõ ràng. Với môn Toán, giáo viên thường yêu cầu học sinh làm bài trên bảng, giấy nháp hoặc các bài kiểm tra. Khi chấm, giáo viên thường sửa rất kỹ, có nhận xét và rút kinh nghiệm chung cho cả lớp. Với môn Văn, giáo viên còn có lời phê vào từng bài kiểm tra.
“Bây giờ, giáo viên phải làm thêm một thao tác nữa là đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục để làm gì?”, thầy giáo đặt câu hỏi. Chưa kể, giáo viên nhận xét ở sổ điểm, học sinh, phụ huynh đều không đọc được nên không hiệu quả.
Thông tư 26/2020 có hiệu lực từ tháng 10/2020, học kỳ I năm học 2020-2021 là lần đầu áp dụng việc đánh giá nhận xét kết hợp điểm số. Qua khảo sát, mỗi trường có cách làm riêng, chưa thống nhất.
Hiệu trưởng một trường TP HCM cho biết, để ghi điểm cho học sinh, hiện có các sổ: Sổ học bạ, sổ gọi tên và ghi điểm, sổ ghi điểm của giáo viên. Theo Thông tư 26, các cột điểm kiểm tra, đánh giá có sự thay đổi (không còn kiểm tra một tiết), nhưng các cột điểm trong các sổ này chưa kịp thay đổi. Do đó, trường khuyến khích giáo viên in thêm một bảng danh sách học sinh, các cột điểm theo thông tư mới và thêm cột nhận xét, kẹp vào sổ điểm cá nhân giáo viên. Bảng điểm này cuối học kỳ sẽ được sao thành nhiều bản, gửi cho giáo viên chủ nhiệm để có cơ sở đánh giá học sinh toàn diện và gửi về cho phụ huynh để nắm bắt việc học của con.
Theo hiệu trưởng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành mẫu sổ ghi điểm mới, thống nhất để phù hợp với Thông tư 26. Ngoài ra, cần khuyến khích việc nhận xét học sinh bằng các ứng dụng công nghệ để giảm tải áp lực cho giáo viên và tạo sự liên kết chặt chẽ với phụ huynh.
Trường THCS – THPT Đào Duy Anh, quận 6, TP HCM cũng tập huấn cho giáo viên cách nhận xét học sinh theo tinh thần Thông tư 26. Trường đưa ra một số gợi ý, minh họa cho việc nhận xét học sinh tương ứng với kết quả học tập. Chẳng hạn, với các em đạt 8-10 điểm có thể nhận xét: Năng lực học tập tốt; Học tập tích cực, chăm chỉ. Với em đạt ngưỡng trung bình, từ 5 đến dưới 6,5 thì nhận xét: Cố gắng hơn sẽ tiến bộ; Học được nhưng chưa cố gắng…
Do đặc thù trường nội trú, số lượng học sinh ít nên giáo viên theo rất sát học sinh. Việc đánh giá học sinh theo cách mới không gây khó khăn với giáo viên của trường. “Điều quan trọng nhất là giáo viên phải đánh giá sát năng lực, thái độ học tập, chỉ ra những hạn chế để các em tốt hơn. Cách đánh giá mới này sẽ có hiệu quả tích cực”, Hiệu phó Trần Văn Minh cho hay.
Bỏ kiểm tra 1 tiết, trường đánh giá học sinh ra sao?
Khi không còn thực hiện bài kiểm tra 1 tiết, giáo viên sẽ có những phương pháp nào kiểm tra kiến thức học sinh để vẫn đảm bảo chất lượng dạy và học?
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) thực hiện chuyên đề thay cho bài kiểm tra truyền thống - BÍCH THANH
Nhận xét nếu thô cứng sẽ làm học sinh ức chế
Ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: Điểm mới đáng chú ý đầu tiên của Thông tư 26 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh (HS) THCS, THPT là tất cả các môn học đều có đánh giá bằng nhận xét, thay vì chỉ ở một số môn như trước đây. Việc đánh giá bằng nhận xét nhằm hiện thực mục tiêu theo định hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học; nói cách khác là đánh giá vì sự tiến bộ của HS.
Bà Nguyễn Thị Anh Lương, giáo viên (GV) Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP.Cần Thơ), cho rằng thay đổi hình thức đánh giá là cần thiết. Khi đánh giá bằng nhận xét, GV sẽ tăng việc, nhưng HS sẽ tiếp nhận được thông tin GV là cần điều chỉnh cái gì. Theo bà Lương, để việc này có hiệu quả, thứ nhất phải triển khai quán triệt tới các cơ quan chủ quản để coi trọng đánh giá quá trình và đa dạng hình thức đánh giá. Bà Lương cũng nêu kinh nghiệm sẽ có GV vụng về trong việc truyền đạt thông tin, chẳng hạn thô cứng quá thì dễ làm HS ức chế, phụ huynh phản ứng; nhưng nếu được tập huấn, chịu khó học hỏi thì GV sẽ dần làm tốt.
Ông Nguyễn Anh Minh, GV Trường THPT Trường Chinh, TP.HCM, chia sẻ: "Tôi dạy 6 lớp, có khoảng 240 HS, vậy đánh giá bằng nhận xét như thế nào? HS đông thế thì làm sao xuể? Thực ra không phải GV nhận xét tất cả HS mà chỉ lựa hoạt động nào cần đánh giá năng lực của HS, thấy các em ở mảng này mạnh thì đánh giá để em phát triển thế mạnh đó, còn HS yếu, lười học, lười làm thì chú ý tìm hiểu kỹ hơn từ nhiều kênh để nhận xét đánh giá HS. Giảm điểm số giúp HS thoải mái, GV cũng đỡ áp lực. Nhiều khi cho điểm nhiều, GV rất chán".
Đánh giá thông qua dự án, chuyên đề
Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), nhận định: "Nếu như trước đây có nhiều bài kiểm tra thì nếu sai 1 bài, HS còn bài kiểm tra khác để sửa sai, kéo điểm lại; giờ đây khi còn bài duy nhất, nếu sơ sẩy, khả năng cải thiện sẽ không có. Nhưng bù lại nếu thực hiện đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá bằng các yêu cầu thực hiện dự án, các công cụ thể hiện, tư duy kiến thức... thì GV có thể đánh giá HS thông qua quá trình thực hiện, học tập".
Là một trong những GV có nhiều đổi mới, đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá HS trong nhiều năm qua, thạc sĩ Đăng Du cũng nói việc đa dạng hóa hình thức kiểm tra là chủ trương thể hiện xu hướng khách quan và tất yếu. Để làm tốt điều này, GV không còn cách nào khác là phải chủ động, đánh giá HS bằng năng lực chứ không còn là kiến thức máy móc.
Chẳng hạn với môn lịch sử, những HS không có khả năng ghi nhớ máy móc sự kiện thì kiểm tra các em qua việc thực hiện sơ đồ tư duy. Với HS có khả năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng phân tích... thì yêu cầu thể hiện năng lực kiến thức bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với sở trường của HS.
Theo ông Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình, TP.HCM), khi thực hiện đa dạng hình thức kiểm tra, nhà trường và GV sẽ mạnh dạn đưa công nghệ thông tin vào kiểm tra, đánh giá theo năng lực HS. Có thể thực hiện bài kiểm tra trên máy tính, trên điện thoại thông minh, các bài trắc nghiệm mà câu hỏi được xáo trộn, hạn chế được tiêu cực... Tùy từng lớp, GV chủ động xây dựng, thiết kế bài giảng, đề xuất hình thức kiểm tra đánh giá sao cho phù hợp.
Mạnh dạn đổi mới
Ông Đặng Đình Quý, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM), nhận định quy định mới sẽ là cơ sở pháp lý để nhà trường mạnh dạn hơn trong đổi mới. Nếu như trước đây thầy cô, nhà trường có thể còn e dè thì với thông tư này, việc đổi mới đánh giá, kiểm tra là bắt buộc. Như vậy, GV với nhà trường cũng sẽ buộc phải chuyển mình. Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy một cách đa dạng hơn để phù hợp với yêu cầu của kiểm tra, đánh giá mới.
Theo ông Quý, để thông tư thực sự có hiệu quả khi đi vào trong từng trường học thì mỗi nhà trường phải xây dựng được quy chế trong khen thưởng một cách chặt chẽ hơn. Trong đó, phải chỉ rõ bao nhiêu loại kiểm tra, những tiêu chí kiểm tra, đánh giá như thế nào để tạo tính công bằng, không quá dễ dãi, tùy tiện, cũng không khắt khe, đánh đố hay gây khó.
Môn nhiều nhất chỉ có 6 đầu điểm/năm học
Ông Sái Công Hồng cho biết theo Thông tư 26, tổng số đầu điểm đã giảm so với quy định hiện hành; môn nhiều nhất cũng chỉ có 6 đầu điểm. Môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học: quy định 2 đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết: quy định 3 đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 70 tiết: quy định 4 đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên.
Trong mỗi học kỳ, một môn học có 1 điểm kiểm tra đánh giá giữa kỳ và 1 điểm kiểm tra đánh giá cuối kỳ; không còn điểm 1 tiết. Điểm trung bình môn học kỳ là trung bình cộng của điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, điểm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và điểm kiểm tra, đánh giá cuối kỳ với các hệ số quy định. Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1; điểm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ tính hệ số 2 và điểm kiểm tra, đánh giá cuối kỳ tính hệ số 3.
Tuệ Nguyễn - Q.Trang
Thi thay đổi, dạy và học đổi thay - Kỳ 2: Khổ với 'nhận xét học sinh' Dù cho rằng đổi mới kiểm tra - đánh giá học sinh có nhiều ưu điểm và cần phải làm ngay nhưng nhiều hiệu trưởng và giáo viên vẫn còn không ít băn khoăn. Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG Một trong những băn khoăn đó là về đánh giá học sinh thông...