Giáo viên bị chậm trả lương: Trường và kho bạc đổ lỗi
Cứ vào khoảng từ 1/5 hàng tháng là cán bộ, giáo viên các trường THPT được nhận lương. Nhưng đến 28/1, trường này đã trả lương chậm cho giáo viên.
Theo thông lệ, cứ vào khoảng từ 1/5 hàng tháng là cán bộ, giáo viên các trường trung học phổ thông (THPT) được nhận lương. Thế nhưng, mãi cho tới sáng 28/1, hàng trăm cán bộ, giáo viên trường THPT Lý Thường Kiệt (H.Hóc Môn, TP HCM) mới nhận được lương tháng 1/2016. Trong khi đó, cán bộ, giáo viên trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (cùng huyện) cũng vẫn chưa được nhận lương dù vào thời điểm này, giáo viên đang rất cần tiền sắm tết.
Giáo viên đến ngày cận tết chỉ mong được trả lương, thưởng đúng hạn để kịp chi tiêu, mua sắm .
Lương đã thấp, còn bị chậm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ CB, GV hai trường THPT Lý Thường Kiệt và Nguyễn Hữu Cầu bị chậm trả lương, mà hầu như cả khối THPT của huyện này đều trong tình cảnh tương tự. Cụ thể, CB, GV trường THPT Nguyễn Hữu Tiến cũng mới chỉ được nhận lương vào ngày 26/1, trễ so với bình thường hơn 20 ngày. Một GV trường THPT Nguyễn Hữu Tiến cho biết: “Tết năm nay chúng tôi bị giảm thu nhập tăng thêm mà lương GV thì phải khiếu nại mới có. Nhà trường trả lời do kho bạc huyện chưa cho giải ngân”.
Trước đó, do bức xúc trước việc không nhận được lương khi tết đã cận kề, một số GV của trường THPT Nguyễn Hữu Tiến và trường THPT Bà Điểm đã gửi đơn cầu cứu nhiều nơi. Lý giải việc chậm trả lương CB, GV, hai trường đều cho biết lỗi do kho bạc.
Thầy Lê Thanh Tòng – Hiệu trưởng trường THPT Bà Điểm nói:
Video đang HOT
“Chúng tôi đã hoàn tất hồ sơ từ đầu tháng, nhưng kho bạc giải quyết chậm, nên mãi đến tuần này GV mới có lương”. Cô Đào Thị Kim Nhi – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Tiến cũng khẳng định: “Về hồ sơ lương, trường đã ký duyệt xong từ cuối tháng 12/2015 và hiện nay đã duyệt luôn cho tháng 2/2016. Còn việc chậm lương, theo nhân viên kế toán của trường, là do kho bạc chưa cho giải ngân”.
Tuy nhiên, bà Võ Thị Hương – Giám đốc Kho bạc nhà nước H.Hóc Môn cho biết: “Từ ngày 25/12, chúng tôi đã tổ chức hội nghị hướng dẫn thủ tục giải ngân đến tất cả các cơ quan công sở, trường học, bệnh viện trên địa bàn huyện. Theo đó, chúng tôi thông báo rõ ràng việc cho tạm ứng lương tháng 1/2016 ngay từ ngày 1/1. Nhiều đơn vị đã thực hiện tạm ứng, kịp chi trả lương cho cán bộ công chức – viên chức từ ngày 1 đến ngày 5/1.
Riêng các đơn vị khối THPT trên địa bàn huyện chậm làm thủ tục giải ngân cho GV. Khi chúng tôi tìm hiểu thông tin thì được phản hồi rằng vào tháng Một, CB, GV, NV của các trường đã được nhận thu nhập tăng thêm tương đối khá, đảm bảo chi tiêu rồi. Cụ thể trường Nguyễn Hữu Cầu và Lý Thường Kiệt đã trả lời như vậy. Trên địa bàn huyện chỉ có trường THPT Nguyễn Văn Cừ, sau khi được kế toán kho bạc gọi nhắc đã mang hồ sơ lên để giải ngân. Chúng tôi không hề chậm trễ, bằng chứng là các trường mang hồ sơ lên đều được giải ngân ngay trong ngày”.
Bà Hương còn nói thẳng: “Thực tế cho thấy hầu như năm nào tình trạng chậm lương tháng Một của GV cũng xảy ra. Nguyên do là các trường chờ Sở GD&ĐT duyệt dự toán của năm nên không làm tạm ứng lương tháng Một, ngại sau khi dự toán được duyệt lại phải quyết toán lại với kho bạc. Kế toán các trường rất ngại việc này, cho nên dù nhân viên kho bạc đã nhắc nhở nhiều lần, các trường vẫn “kiên trì” chờ duyệt dự toán xong mới lên làm thủ tục giải ngân. Năm nay cũng vậy”.
Không chỉ riêng huyện Hóc Môn mới xảy ra tình trạng GV bị chậm trả lương tháng Một, mà rất nhiều GV tại TP HCM cho biết, họ chỉ được nhận lương sau ngày 15/1 vừa qua, trong khi bình thường, lương vào tài khoảng từ ngày 1 đến ngày 5 mỗi tháng. Nguyên do đều vướng đâu đó ở khâu kế toán hoặc giải ngân.
Giáo viên bị ngân hàng truy nợ
Mấy ngày qua, nhiều GV ở trường THPT An Thới, thị trấn An Thới, H.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang rất bức xúc vì bị nhân viên Ngân hàng (NH) S. – chi nhánh Phú Quốc đến tận trường đòi nợ.
GV xác nhận là có nợ NH, nhưng đến hạn mà vẫn chưa thể trả là vì chưa nhận được lương tháng 1/2016. Trước đó, một hợp đồng cho GV vay tín chấp theo hình thức trừ lương hàng tháng đã được ký kết giữa Ban giám hiệu Trường THPT An Thới với NH.
Theo hợp đồng, vào những ngày đầu tháng, thông thường vào ngày 5, sau khi nhận được lương, nhà trường sẽ trừ lương những GV có vay tiền và chuyển trả cho NH cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, đến nay đã sắp hết tháng 1/2016, GV tại nhiều trường vẫn chưa nhận được lương. Nhiều GV phải đi vay bên ngoài để chuyển trả cho NH đúng hạn.
Tình trạng không có tiền chi trả lương và các khoản chi khác cho sự nghiệp giáo dục cũng đã gây bức xúc cho nhiều CB, GV huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Cuối tháng 12/2015, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình đã ký tờ trình gửi UBND tỉnh và Sở Tài chính xin tạm ứng hơn 17 tỷ đồng để chi trả các khoản: nợ chế độ phụ cấp thâm niên (hơn 7 tỷ đồng), nợ nâng lương (4,8 tỷ đồng), nợ tiền thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi và thu hút đối với nhà giáo ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (1,7 tỷ đồng) cùng một số khoản chi khác.
Theo tờ trình này, khoản nợ hơn 17 tỷ đồng phát sinh là do trong giai đoạn từ năm 2010-2015, kinh phí phân bổ cho sự nghiệp giáo dục của huyện không tăng, trong khi nguồn ngân sách của địa phương đang gặp khó khăn lại phải chi thêm nhiều khoản phát sinh ngoài kế hoạch.
Tình trạng chậm lương tháng Một của GV như một “bài ca” cũ rích, năm nào cũng bị nhai đi, nhẩm lại nhưng dường như chưa “động” được tới tấm lòng của những người có trách nhiệm. Cứ đặt mình là GV, với đồng lương vốn đã bèo bọt, mà những chi phí như nợ NH, tiền học phí cho con, tiền điện, tiền nước… là những khoản phải chi trả theo thời gian cố định, nhưng cứ đến tháng cận tết lại thấp thỏm vì lương thì thật xót xa.
Theo H.C. – Gia Tuệ – H. Dung/Theo Phụ nữ Online
Đồng Tháp: Trường mầm non có thể tổ chức giữ trẻ ngày Tết
Ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp - cho biết: Theo quy định của Sở, các trường mầm non, mẫu giáo có thể tổ chức giữ trẻ trong thời điểm Tết (nếu cha mẹ các cháu có nhu cầu) trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh về thời gian, chi phí.
Về thời gian nghỉ Tết, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh các trường học, cơ sở giáo dục được nghỉ Tết 11 ngày, từ ngày 4 đến hết ngày 14/2/2016.
Công chức, người lao động đang công tác tại Sở, phòng GD&ĐT được nghỉ Tết 9 ngày, từ 6 đến hết ngày 14/2/2016.
Các trường học và cơ sở giáo dục có thể kết hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, văn nghệ, thể dục thể thao ... trong các ngày từ 1 đến 3/2/2016. Ngày 15/2/2016, các hoạt động của Ngành trở lại bình thường.
Việc thực hiện chương trình do Trưởng phòng GD&ĐT và thủ trưởng các đơn vị thực hiện căn cứ kế hoạch thời gian năm học 2015 - 2016 và điều kiện cụ thể của đơn vị để quyết định.
Sở GĐ&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc tổ chức sơ kết học kỳ 1, họp mặt cuối năm. Không sử dụng kinh phí của đơn vị và huy động đóng góp của học sinh và cha mẹ các em để tổ chức tiệc, liên hoan...
Bên cạnh đó, tổ chức thăm hỏi, chúc Tết các nhà giáo về hưu, nhà giáo đang công tác nhưng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đồng thời, tham gia đầy đủ các hoạt động mừng Xuân do địa phương tổ chức.
Có kế hoạch phân công lãnh đạo, công chức, nhân viên trực giải quyết công việc đột xuất trong các ngày nghỉ Tết và bảo vệ an toàn cơ quan.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc dạy học và các hoạt động khác của Ngành theo kế hoạch thời gian năm học 2015-2016 ngay sau khi nghỉ Tết.
Theo giaoducthoidai.vn
Con gái bị trêu, phụ huynh đến trường đánh nam sinh ngất xỉu Nghe con gái kể bị bạn học cùng lớp trêu chọc, ông Dũng tức giận đến trường dùng khăn quàng, băng keo trói tay nam sinh rồi đánh em đến ngất xỉu. Người dân và tập thể giáo viên Trường tiểu học số 1 Nhơn Hậu (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) bức xúc vì một phụ huynh ngang...