Giáo viên ‘bắt bệnh’ đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 môn tiếng Anh
Giáo viên đánh giá đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 môn tiếng Anh có điều chỉnh giảm độ khó so với những năm trước.
Đang dạy học sinh lớp 12 năm nay, cô Văn Thị Giang (trường THPT Hoàng Văn Thụ, Nha Trang, Khánh Hoà) cảm thấy nhẹ nhõm sau khi đọc đề tham khảo thi THPT quốc gia năm 2020.
“Nội dung đề nằm chủ yếu trong chương trình sách giáo khoa lớp 12, không thuộc những phần đã giảm tải từ đầu năm học cũng như những nội dung mới được Bộ GD&ĐT tinh giản. Độ khó của đề giảm hơn đề thi chính thức năm 2019. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn phù hợp với điều kiện dạy-học đặc biệt của năm nay, khi học kỳ 2 học sinh phải tự học ở nhà, học qua internet và truyền hình vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dù giảm độ khó nhưng đề thi vẫn có sự phân hoá để đảm bảo mục tiêu làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng”, cô Giang nói.
Nữ giáo viên phân tích, lượng kiến thức trong đề tham khảo đủ rộng để bao hàm toàn bộ chương trình sách giáo khoa của cả hệ 7 năm và hệ 10 năm. Nội dung kiến thức phù hơp với chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình học phổ thông. Số lượng câu hỏi, cấu trúc các phần của đề thi được giữ ổn định như các năm trước, tạo cảm giác quen thuộc, yên tâm cho thí sinh.
Đề tham khảo môn tiếng Anh “dễ thở” nhưng vẫn đảm bảo độ phân hóa. (Ảnh minh họa).
Sự điều chỉnh giảm độ khó của đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 môn tiếng Anh được thể hiện rõ nét ở phần ngữ pháp và từ vựng vần. Theo đó, số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu được tăng lên; tỷ lệ câu hỏi vận dụng và vận dụng cao trong phần từ vựng giảm đi so với những năm trước.
“Kiến thức ở phần ngữ pháp của đề tương đối cơ bản, học sinh trung bình có thể dễ dàng làm được khoảng 9 câu. Các câu dẫn, đa số là ngắn, nên các em không mất nhiều thời gian để đọc mà có nhiều thời giờ hơn để phân tích và chọn đáp án. Độ khó chỉ xuất hiện ở 2 câu từ vựng 17, 18″, cô Giang nói.
Phần đồng nghĩa – trái nghĩa, một số câu tương đối dễ, học sinh trung bình-khá có thể dễ dàng làm được. Một số câu sử dụng từ xa lạ với đa số học sinh, nhưng những em học lực khá trở lên có thể dựa vào ngữ cảnh để đoán ra đáp án.
Bài “Điền khuyết” “dễ thở” hơn mọi năm, khi sử dụng chủ đề quen thuộc với học sinh là Du lịch sinh thái. Độ khó của từ vựng giảm, số câu về từ vựng được giảm bớt, câu hỏi về ngữ pháp tăng lên, số lượng câu ở mức độ vận dụng cũng ít đi.
Bài “Đọc hiểu”, phần 1 có độ dài cơ bản giống như đề thi năm 2019, chủ đề về tuổi vị thành niên khá phổ thông, từ vựng có độ khó vừa phải với học sinh THPT (bậc 03 VSTEP), do đó, thí sinh sẽ không gặp nhiều khó khăn khi làm bài này. Phần 2 trong bài “Đọc hiểu” này dù “nhẹ nhàng” hơn so với đề thi năm 2019 nhưng vẫn là thách thức lớn nhất đối với học sinh. Phần thi gồm một đoạn văn khá dài, độ khó của từ vựng thuộc bậc 04 VSTEP, nên thí sinh phải đọc kỹ, có vốn ngôn ngữ tốt, mới có thể hoàn thành được.
Phần viết đoạn văn cũng tương đối nhẹ nhàng với các câu hỏi chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chủ điểm ngữ pháp quen thuộc với học sinh. Tuy nhiên, câu hỏi xác định lỗi sai, nếu các em không có kỹ năng suy luận, loại trừ tốt, thì khó có thể đạt được điểm.
“Nhìn tổng thể, đề minh họa thi THPT quốc gia 2020 môn tiếng Anh khá thân thiện với học sinh. Đề đảm bảo chính xác về nội dung dạy-học trong chương trình phổ thông, không có phần kiến thức nào rơi vào những nội dung đã được tinh giản. Với đề này, học sinh trung bình có thể đạt được 4-5 điểm; học lực khá có thể đạt 5.5-6.5 điểm, các em học xuất sắc mới có thể đạt 9 điểm trở lên, nhưng để có 10 điểm là một thách thức mà không nhiều học sinh chiến thắng được”, cô giáo tiếng Anh – Văn Thị Giang nói.
Trong khi đó, cô giáo Phạm Thị Nương (trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cũng đánh giá, đề tham khảo môn tiếng Anh 2020 dễ hơn so với đề thi tham khảo và chính thức của 2 năm gần đây. Tuy nhiên, điều này là hợp lý, phù hợp với thực trạng học sinh cả nước năm nay phải nghỉ học ở trường kéo dài, khiến chất lượng kiến thức các em tiếp thu được không tốt so với học sinh các năm trước.
Một ưu điểm của đề tham khảo tiếng Anh là kiểm tra được nhiều yếu tố cần thiết đối với người học ngoại ngữ. Cụ thể, đề kiểm tra được ngữ pháp của cả 3 lớp cấp THPT, trong đó chủ yếu ở lớp 12; kiểm tra được lượng từ vựng đáng kể, cả từ dễ và khó, đoán từ trong văn cảnh; kiểm tra được các kĩ năng đọc, viết, nói.
Chất lượng các câu hỏi được đánh giá là tốt khi có nội dung rõ ràng, không có câu hỏi gây hiểu nhầm hoặc đánh đố, lượng từ vựng phong phú, đủ để học sinh hiểu, suy luận và làm bài. Các bài đọc và câu hỏi có tính thời sự và tính giáo dục cao.
“Đề thi vẫn có tính phân loại với một số câu hỏi khó buộc học sinh phải có kỹ năng tổng hợp kiến thức, tư duy phân tích… mới có thể làm được. Dù vậy, số lượng câu hỏi đủ khó để phân loại được chính xác học sinh giỏi là không nhiều. Do vậy, với đề tham khảo này, số lượng điểm trung bình có thể không quá vượt trội so với năm ngoái, nhưng điểm 8-9.5 có thể tăng cao; điểm 10 không dễ dàng đạt được”, cô Nương nhận định.
Video: Bộ GD&ĐT giảm tải chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020
Tùng Lâm
Dạy trực tuyến theo chương trình tinh giản của Bộ GD-ĐT khi nghỉ dịch Covid-19
Ngày 3.4, Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn các trường THCS, THPT trong việc thực hiện dạy và học qua internet, trên truyền hình trong học kỳ 2 theo chương trình tinh giản của Bộ GD-ĐT vào thời gian tạm nghỉ do dịch Covid-19.
Giáo viên dạy học trực tuyến - Liễu Nguyễn
Theo đó, trong thời gian học sinh tiếp tục nghỉ do diễn biến của dịch Covid-19 và Bộ GD-ĐT đã có những hướng dẫn điều chỉnh nội dung môn học, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông qua internet, trên truyền hình phù hợp với điều kiện dạy học thực tế hiện nay của thành phố trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid -19.
Nhà trường xây dụng kế hoạch khoa học, công bằng
Kế hoạch thực hiện cần đảm bảo tính khoa học, đảm bảo cơ bản chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình phổ thông hiện hành, tinh giản các nội dung theo quy định của Bộ. Nhà trường tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh nhằm tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của người học.
Sở cũng lưu ý các trường xây dựng chủ đề dạy học trực tuyến để hỗ trợ học sinh học tập tại nhà. Các chủ đề cần được xây dựng và quản lý chặt chẽ theo đúng quy định. Nhà trường xây dựng các phương án hợp lý cho tất cả học sinh, đảm bảo mọi học sinh đều được tham gia học tập, đảm bảo tính công bằng trong giáo dục. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập.
Cũng theo hướng dẫn do Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hiếu ký và ban hành đề nghị nhà trường xây dựng các phương án cụ thể khi học sinh đi học trở lại như: Xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
Đặc biệt có trách nhiệm thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cho những học sinh không có điều kiện tham gia học tập trực tuyến được bổ sung các nội dung kiến thức mà nhà trường đã thực hiện trong thời gian nhà trường thực hiện dạy học trực tuyến.
Trong quá trình học do nghỉ ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà trường xây dựng thời gian biểu dạy học trực tuyến phù hợp, thông báo lịch học, tương tác với thầy cô phụ trách cho học sinh và phụ huynh học sinh. Xây dựng đầy đủ các phương án tổ chức hoạt động dạy và học phù hợp cho các đối tượng học sinh. Các hệ thống phải tích hợp được với nhau trong quá trình thực hiện.
Giáo viên phải biết sử dụng công cụ
Về phía giáo viên, Sở cũng yêu cầu phải các giáo viên phải biết cách sử dụng công cụ hoặc dịch vụ công nghệ thông tin để tổ chức dạy học qua internet. Tổ chức các hoạt động học cho học sinh bao gồm: thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên; kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học qua internet khi học sinh đi học trở lại; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình.
Trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập trực tuyến; qua các bài kiểm tra trên hệ thống phần mềm (được quản lý theo hệ thống), các bản báo cáo quá trình học tập của học sinh; các bài thu hoạch sau các khóa học của học sinh... gọi chung là kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của học sinh.
Phụ huynh tham gia giám sát quá trình học tập qua internet của học sinh
Còn học sinh, có thể tham gia học online trực tiếp tương tác với giáo viên hoặc không tương tác trực tiếp với giáo viên tùy theo điều kiện của mình. Tuy nhiên, học sinh cần thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ học tập trong thời gian chủ đề dạy học diễn ra. Thực hiện đầy đủ các hoạt động học tập theo yêu cầu của giáo viên; hoàn thành và nộp sản phẩm học tập để được kiểm tra, đánh giá.
Song song với đó, trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải thực hiện các giải pháp học tập, Sở cũng đặt vấn đề gia đình có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ quá trình học tập qua internet của học sinh. Phối hợp, hướng dẫn học sinh hoàn thành nhiệm vụ và nộp sản phẩm học tập cho giáo viên để kiểm tra, đánh giá.
Khi học sinh đi học trở lại sau thời gian gián đoạn việc đến trường do dịch Covid-19, nhà trường tổ chức cho học sinh ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học, thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định của Bộ về đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức.
Bích Thanh
Học sinh nghỉ học vì COVID-19, cơ hội đổi mới các hình thức tổ chức dạy học Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Sơn Hải cho biết, hiện nay có 92 cơ sở đào tạo đại học, rất nhiều trường phổ thông đang áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến. 13 tỉnh thành tổ chức dạy học trên truyền hình cho học sinh trong giai đoạn trường học bị đóng cửa...