Giáo viên Ba Lan biểu tình đòi tăng lương
Nhằm phản đối yêu cầu tăng giờ giảng với mức tăng lương ít ỏi, giáo viên đình công từ 8/4 và tổ chức biểu tình quy mô lớn hôm 23/4.
Hàng nghìn giáo viên khắp Ba Lan tập trung tại thủ đô Warsaw hôm thứ ba (23/4) để biểu tình đòi tăng lương, khiến hầu hết trường học đóng cửa. Nhiều buổi mít tinh nhỏ lẻ được tổ chức từ khi cuộc đình công bắt đầu vào ngày 8/4, nhưng cuộc biểu tình hôm thứ ba có quy mô lớn nhất, diễn ra tại 22 thị trấn và thành phố.
Giáo viên khắp cả nước đổ về Warsaw hôm thứ ba. Ảnh: AP
Người đứng đầu Liên đoàn giáo viên Ba Lan, Slawomir Broniarz, thề sẽ chiến đấu cho “phẩm giá của giáo viên”. Giữa dòng người đứng biểu tình, một tấm băng rôn nổi bật với nội dung: “Hãy để những trường học bị đóng cửa mở mắt cho mọi người”. Nhiều người cầm tấm biển có dấu chấm than màu đen, dấu hiệu của sự khẩn cấp.
Cuộc đình công của giáo viên được xem như cuộc chiến mới của phe bảo thủ và tự do. Sự đối đầu thể hiện rõ trong các cuộc biểu tình thường xuyên vài năm qua, liên quan đến quyền phá thai và việc đảng cầm quyền tiếp quản hệ thống tòa án và truyền thông nhà nước.
Ba Lan từ lâu đã có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng giáo dục quốc tế, nhưng các giáo viên nói rằng chất lượng ngày một giảm bởi mức lương thấp đang đẩy những người giỏi ra khỏi nghề. Họ bị thu hút bởi khu vực tư nhân vốn có mức lương cạnh tranh.
Nhiều giáo viên bức xúc khi cuộc cải tổ giáo dục của đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền, bao gồm loại bỏ các trường trung học cơ sở, khiến khối lượng công việc của họ tăng lên trong khi lương vẫn giậm chân tại chỗ.
Video đang HOT
Những người ủng hộ chính phủ cho rằng 500.000 giáo viên đình công đang cố đánh vào chính trị hơn là đấu tranh vì quyền lợi, dẫn chứng việc các nhóm hoạt động chống chính phủ đã ủng hộ cuộc biểu tình của giáo viên như thế nào. Họ cáo buộc giáo viên sử dụng học sinh làm công cụ chính trị khi đóng cửa trường học trong thời gian sắp diễn ra kỳ thi cuối năm và kỳ thi tuyển sinh đại học.
Giáo viên Ba Lan kiếm được khoảng 1.800-3.000 zloty (470-780 USD) mỗi tháng, tùy thuộc vào kinh nghiệm. Chính phủ sẽ tăng 15% mức lương này từ tháng 9 và tiếp tục tăng nhẹ vào năm tới, tương ứng với việc tăng số giờ giảng dạy. Tuy nhiên, liên đoàn giáo viên cho hay các nhà giáo hiện làm việc trung bình 47 giờ mỗi tuần và từ chối đề nghị của chính phủ. Theo họ, mức tăng lương phù hợp phải là 30%.
Giáo viên không đồng ý với yêu cầu tăng giờ giảng của chính phủ. Ảnh: AP
Ngoài ra, nhiều người bức xúc trước sự “đạo đức giả” và “vô cảm” của bộ phận cầm quyền. Phát ngôn viên của Thượng viện, Stanislaw Karczewski, người kiếm được 20,000 zloty (5.200 USD) mỗi tháng, nói rằng giáo viên nên làm việc vì lý tưởng, đừng làm việc vì tiền.
“Chúng tôi thực sự đang làm việc vì lý tưởng, nhưng không ai có thể sống chỉ bằng lý tưởng”, Patryk Utowka, giáo viên tiểu học 29 tuổi cho biết. Anh tham gia phong trào biểu tình nhằm đòi hỏi sự tôn trọng của chính phủ đối với nghề giáo.
Mỗi tuần Utowka làm việc 50 giờ, bao gồm cả soạn giáo án, chấm điểm kiểm tra, gặp phụ huynh học sinh. Do đó, anh cảm thấy việc chính phủ đòi tăng giờ giảng mang tính xúc phạm và không thể chấp nhận được.
“Điều rất cay đắng mà bạn có thể nhìn thấy ở đây là chính phủ không phản ứng trước yêu cầu của chúng tôi”, Utowka nói.
Thùy Linh
Theo AP
Cấp thiết cải thiện chế độ tiền lương cho nhà giáo
Bàn về chính sách lương và chế độ đãi ngộ cho nhà giáo không phải là câu chuyện mới, nhưng chưa bao giờ hết "nóng".
Chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo là hoàn toàn chính đáng với vai trò của một nghề đặc thù trong xã hội
Nhiều ý kiến khác nhau đã được nêu ra xung quanh đề xuất tăng lương cho giáo viên (GV). Mới đây, góp ý cho Dự thảo Luật GD sửa đổi, GS Trần Hồng Quân (Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đề xuất lương giáo viên phải được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang. Lý lẽ GS Trần Hồng Quân đưa ra là vì giáo dục có một sứ mệnh đặc biệt quan trọng, là quốc sách hàng đầu. Có một thực tế đang xảy ra là rất nhiều người giỏi nhưng ra nước ngoài học tập, làm việc mà không trở về Việt Nam để cống hiến. Một trong những lý do "lãng phí chất xám" chính là lương, chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc không đủ khích lệ người giỏi phát triển.
Các GV lao động vất vả. Không chỉ dạy học ở trường, mà hết giờ dạy, đến tối về nhà GV lại tiếp tục lao động với các công việc tìm tòi để đổi mới phương pháp giảng dạy, soạn giáo án, công tác chủ nhiệm, chấm bài... Tăng lương cho GV chính là khiến GV nhận được đúng sức lực và thời gian thực tế phải bỏ ra cho công việc.
Cải thiện chế độ tiền lương cho GV là mong mỏi của các nhà giáo, là phù hợp với tinh thần Nghi quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.
Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, không ai khác, chính đội ngũ nhà giáo là "nhân vật chính" phải "đứng mũi chịu sào". Nhà giáo muốn tâm huyết với đổi mới giáo dục, phát huy hết năng lực cho đổi mới... nhưng mỗi ngày đến trường, đứng trên bục giảng, nhà giáo vẫn không an lòng, vẫn đau đáu với cơm áo gạo tiền, vẫn nhẩm tính chi tiêu căn cơ đồng lương sao cho đủ sống. Với đồng lương và chế độ đãi ngộ nghề không đủ khích lệ, các nhà giáo sẽ khó phát huy hết khả năng sáng tạo trong giảng dạy.
Nếu đãi ngộ đúng mức sẽ tạo được động lực, sức hấp dẫn cho nghề giáo. Từ đó sẽ có được sự sàng lọc, lựa chọn được người thực sự giỏi vào ngành sư phạm. Ngược lại, khi hưởng lương và đãi ngộ cao, nhà giáo buộc phải đạt được những tiêu chí cao hơn, phải luôn nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất...
GS Trần Hồng Quân cho rằng viển vông khi chỉ tuyên dương nghề giáo là nghề cao quý, mà cần phải có thái độ của xã hội, cụ thể là phải có sự đãi ngộ đúng mức.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, với khả năng có hạn của ngân sách Nhà nước, sẽ nảy sinh khó khăn cho chính sách lương và đãi ngộ đối với nhà nhà giáo. Chính vì vậy, các cấp các ngành hữu quan, các chuyên gia đã và đang đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để tháo gỡ vấn đề này. Một trong những giải pháp được nhắc đến trong việc tăng thu nhập cho GV chính là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục với những chế tài cụ thể và thiết thực.
Cải thiện chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, giúp tăng thu nhập cho nhà giáo chính là thúc đẩy giáo dục phát triển.
Tâm An
Theo giaoducthoidai
Đề xuất lương giáo viên ngang lực lượng vũ trang: Hợp lý hay vô lý? Đề nghị lương giáo viên ngang lực lượng vũ trang của GS Trần Hồng Quân đã làm nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi. Mới đây, GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đề xuất lương giáo viên phải được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong...