Giáo sư Việt được Quận Cam vinh danh “Nhà giáo dục xuất sắc và tiên phong năm 2019″
Anh Nguyễn Đình Phú, giáo sư người Việt tại Đại học California Irvine (UC Irvine) vừa được Hội đồng kỹ sư Quận Cam (California, Hoa Kỳ) trao tặng giải thưởng Nhà giáo dục xuất sắc và tiên phong năm 2019 (Distinguished and Pioneer Educator Award) cho những đóng góp nổi bật tại UC Irvine và các hoạt động khoa học quốc tế.
Anh Nguyễn Đình Phú – giảng viên Đại học Nông Lâm TP.HCM đang là giáo sư (assistant adjunct professor) ngành Tài nguyên nước tại Đại học California Irvine.
Hội đồng kỹ sư Quận Cam (Orange County Engineering Council – OCEC, thành lập năm 1962) đã vinh danh giáo sư Việt vào ngày 16/2 vừa qua.
Anh Nguyễn Đình Phú trong lễ trao giải ngày 16/2 vừa qua tại Quận Cam, California (Hoa Kỳ). Ảnh: OCEC.
“Giáo sư Phú Nguyễn là một nhà giáo dục và nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực thuỷ văn và tài nguyên nước với sự nhiệt tình và quan tâm đến sinh viên.
Trong thời gian ngắn từ khi bắt đầu công tác giảng dạy tại UC Irvine (tháng 10/2016), ông đã hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh và nhiều sinh viên bậc đại học ngành kỹ thuật và khoa học máy tính – những người sau đó đã cùng ông phát triển nhiều thuật toán, hệ thống tiên tiến cho truy cập và xử lý dữ liệu vệ tinh trong quan trắc mưa toàn cầu theo thời gian thực, phục vụ cho ứng dụng và nghiên cứu khoa học.
TS. Nguyễn là một đại sứ xuất sắc ở tầm quốc tế, đã tổ chức nhiều khoá huấn luyện cho những người làm trong lĩnh vực thuỷ văn và kỹ sư tài nguyên nước tại châu Á và châu Phi trong việc sử dụng dữ liệu mưa từ vệ tinh được phát triển bởi Trung tâm Khí tượng thuỷ văn và viễn thám (CHRS) thuộc UC Irvine.
Những khoá huấn luyện này được tài trợ bởi US Army Corps of Engineers thuộc Quân đội Hoa Kỳ với sự hợp tác của UNESCO.
Những đóng góp xuất sắc của TS. Nguyễn trong việc phát triển và phổ biến các hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin về mưa từ vệ tinh cho ứng dụng trong dự báo lũ và quản lý tài nguyên nước trên phạm vi toàn cầu đã làm tăng danh tiếng của UC Irvine và là vinh dự cho cộng đồng kỹ sư công trình tại Quận Cam” – Trích từ bài giới thiệu của Hội đồng xét duyệt giải thưởng.
Bài giới thiệu của Hội đồng xét duyệt giải thưởng về TS. Nguyễn Đình Phú.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, GS Phú chia sẻ: “Là người Việt học tập và làm việc tại Quận Cam, bang California nơi tập trung đông nhất người Việt ở hải ngoại, giải thưởng này là sự ghi nhận và niềm vinh dự của cá nhân tôi và cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Mỹ nói chung.
Điều đặc biệt là tin vui này đến ngay trong dịp Xuân Kỷ Hợi, thời điểm mà người Việt trong và ngoài nước hân hoan đón Tết và chào mừng năm mới”.
Video đang HOT
Trong thời gian công tác tại UC Irvine, giáo sư người Việt đã phát triển nhiều thuật toán, hệ thống tiên tiến cho truy cập và xử lý dữ liệu vệ tinh trong quan trắc mưa. Ảnh: OCEC.
Ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu tại UC Irvine, anh Phú là người có nhiều đóng góp nổi bật trong các hoạt động cộng đồng tại Mỹ và hướng về tổ quốc. Anh Phú là đồng sáng lập, Tổng thư ký (2013-2015), Chủ tịch (2015-2017) của Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ – tổ chức đại diện chính thức cho hơn 30 nghìn thanh niên, sinh viên đang học tập, làm việc tại Hoa Kỳ.
Năm vừa qua, anh Phú cùng với các bạn trẻ tại Mỹ và Việt Nam phát triển dự án Cơ sở dữ liệu về người Việt VietSearch, hướng đến xây dựng hệ thống kết nối hàng triệu người Việt trên toàn cầu.
Đặc biệt, TS. Nguyễn Đình Phú là tác giả của iRain, một công trình nghiên cứu từng gây tiếng vang trong cộng đồng khoa học thế giới và nhận được tài trợ từ UNESCO, Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA)… trong năm 2016.
iRain là một ứng dụng di động (có thể dùng, tải trên hai hệ điều hành iOS lẫn Android) giúp người dùng có thể chia sẻ thông tin về lượng mưa tại vị trí của họ, từ đó thu thập dữ liệu kết hợp dữ liệu từ vệ tinh để tạo nên những bản đồ mưa với các mốc thời gian cụ thể theo thời gian thực trên phạm vi toàn cầu (http://irain.eng.uci.edu). Ứng dụng của 8X Việt đã được vinh danh trên trang web của Tổ chức kỹ sư công trình thuộc quân đội Mỹ và UNESCO.
Trước iRain, anh Phú từng có sản phẩm RainSphere nhận được đánh giá rất cao từ cộng đồng khoa học quốc tế. Khi những “đứa con tinh thần” được vinh danh, điều khiến TS. Phú hạnh phúc nhất là giới thiệu được trí tuệ Việt với cộng đồng khoa học quốc tế. Trong tất cả các dự án nghiên cứu, anh đều cố gắng tối đa sử dụng chất xám Việt.
Thông qua giáo sư người Việt tại Đại học Mỹ này, đã có một bạn sinh viên Việt đoạt học bổng toàn phần hệ tiến sĩ tại Mỹ, hai bạn trẻ Việt được nhận vào làm toàn thời gian với quỹ lương hàng trăm nghìn USD/năm cũng như tạo điều kiện cho hàng chục bạn trẻ Việt làm việc, nghiên cứu trong các dự án lớn.
Giành được học bổng thạc sĩ, tiến sĩ ở Úc và Mỹ, có nhiều nghiên cứu được quốc tế công nhận rồi trở thành giáo sư tại ĐH tại Mỹ, anh Phú cho biết ngoài việc được Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tạo điều kiện thì phần còn lại đến từ sự tập trung cao độ trong công việc.
“Trong lĩnh vực nào cũng vậy, chỉ cần bạn làm việc một cách tâm huyết thì sẽ tạo được uy tín và có chỗ đứng trong sự nghiệp. Bên cạnh đó, trong tôi luôn có một quan điểm vững chắc là không có gì là không thể làm được vì con người có khả năng vô hạn. Việc gì khó quá thì cần thời gian lâu hơn để giải quyết thôi.
Đây là điều giúp tôi gây dựng được niềm tin với các người thầy tại Mỹ cũng như làm tốt các công việc ngoài chuyên môn”, nhà giáo dục Việt xuất sắc tại Quận Cam nhấn mạnh.
Nguyễn Đình Phú sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo thuộc xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ấu thơ của Phú là mỗi ngày đi học một buổi, buổi còn lại đi chăn bò, lội ruộng phụ gia đình việc đồng áng.
Năm Phú đang học lớp 8, mẹ mua về một con bê và bảo cậu hãy nuôi bê chóng lớn, mắn đẻ vì đó sẽ là “kinh phí” học đại học. Cuộc sống nhà nông vất vả, cách giáo dục đậm chất dân dã nhưng cũng nhờ đó Nguyễn Đình Phú có động lực học để thay đổi số phận.
Có lẽ, “máu” nông dân sẵn trong người nên Nguyễn Đình Phú đã học đầy say mê chuyên ngành tài nguyên nước (ĐH Bách khoa TP.HCM) lúc đó còn rất mới mẻ và chẳng chút thời thượng. Hướng đi trên vừa hun đúc hi vọng chung tay giúp được người dân quê nhà, vừa giúp anh thoát khỏi sự cạnh tranh khi kiếm việc sau đó.
Phú trở thành giảng viên ĐH Nông Lâm TP.HCM sau khi tốt nghiệp đại học.
Năm 2008, Phú lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Melbourne, Úc. Năm 2014, anh tốt nghiệp tiến sĩ tại UC Irvine, Hoa Kỳ.
Năm 2016, 8X Việt trở thành giáo sư (assistant adjunct professor) nghiên cứu và giảng dạy ngành Tài nguyên nước tại UC Irvine – một trong 10 trường thành viên thuộc hệ thống Đại học California danh tiếng.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Nâng chất lượng giáo dục đại học: Gắn học với hành
Chất lượng giáo dục ở bậc đại học những năm gần đây được đánh giá có nhiều chuyển biến, song vẫn còn hạn chế, trong đó rõ nhất là "sản phẩm" đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để giải quyết thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025, trong đó xác định rõ giá trị yêu cầu của việc gắn kết giữa học tập và thực hành trong quá trình đào tạo.
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia giờ thực hành tại Viện Kỹ thuật hóa học.
Nâng chất lượng "sản phẩm" đào tạo
Quyết định số 69/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 ban hành ngày 15-1-2019 đã trở thành sự kiện đáng chú ý nhất của lĩnh vực giáo dục ngay trong những ngày đầu năm 2019. Có thể nói, trước đây đã có khá nhiều đề án, kế hoạch... nhằm cải thiện chất lượng giáo dục đại học, song đây là lần đầu tiên, một đề án tổng thể về giáo dục đại học nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất và giải quyết căn cơ những hạn chế ở bậc học này được ban hành với một lộ trình dài.
Quan điểm xuyên suốt được xác định trong đề án là Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ thông qua việc xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi để phát triển giáo dục đại học; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nâng cao chất lượng "sản phẩm" đào tạo, cụ thể là chất lượng sinh viên tốt nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp trọng tâm sẽ được tập trung triển khai trong giai đoạn từ nay tới năm 2025. Đến năm 2025, 100% sinh viên tốt nghiệp sẽ phải đạt chuẩn đầu ra về mọi mặt, trong đó có cả trình độ ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia thị trường lao động.
Nhằm nâng cao chất lượng "sản phẩm" đào tạo, đáp ứng yêu cầu của nơi sử dụng lao động, đề án đề ra 7 giải pháp, như đẩy mạnh tự chủ, đổi mới quản trị giáo dục đại học theo hướng gắn cơ chế quản lý với giám sát; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong đó có việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, ưu tiên đầu tư cho một số trường đại học sư phạm trọng điểm; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ...
Thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm gần đây, đa phần sinh viên tốt nghiệp đại học đều có kiến thức vững vàng, song kỹ năng thực hành còn hạn chế nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động. Bởi vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị được coi là một trong những giải pháp trọng tâm, cũng là nhu cầu cấp thiết của các cơ sở giáo dục đại học.
Trong điều kiện kinh phí còn hạn chế, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng các trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học; thí điểm xây dựng một số làng đại học quốc tế nhằm thu hút các cơ sở có uy tín của nước ngoài tham gia đào tạo, chia sẻ tài nguyên và hợp tác nghiên cứu khoa học. Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội cũng sẽ được quan tâm đẩy mạnh trong giai đoạn này.
Nguyễn Hoàng Nam, sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hào hứng: "Việc được tiếp cận với doanh nghiệp ngay trong thời gian học tập sẽ là cơ hội để chúng em biết mình còn thiếu gì để đáp ứng yêu cầu công việc, từ đó có kế hoạch học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng. Chúng em rất mong được thực tập thường xuyên, thực hành trong quá trình học để trau dồi về chuyên môn và kỹ năng, từ đó tăng khả năng ứng dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống".
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để nâng chất lượng giáo dục đại học, cần có các giải pháp đồng bộ và tổng thể, trong đó đội ngũ giảng viên là yếu tố then chốt. Để gắn học với hành một cách có chất lượng, đội ngũ giảng viên phải luôn năng động, cập nhật kiến thức chuyên môn, khả năng ngoại ngữ và tin học nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong quá trình hội nhập quốc tế, tạo ra những "sản phẩm" có chất lượng, đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài nước.
Việc giảm khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành trong quá trình đào tạo, trong đó có việc thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo ngay khi sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường đại học cũng là một giải pháp được kỳ vọng sẽ đem lại những chuyển biến về chất lượng sinh viên tốt nghiệp đại học.
Ông Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp trong các nhà trường hiện chiếm khoảng 15% và đang có chiều hướng tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục nghiên cứu để ban hành chính sách hỗ trợ sinh viên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.
Nhằm cụ thể hóa Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức khởi động đề án với những giải pháp, mục tiêu cụ thể cho từng chặng nhằm tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Mới đây, ngày hội khởi nghiệp quốc gia dành cho học sinh, sinh viên đã được tổ chức lần đầu tiên, thu hút hàng trăm ý tưởng, dự án mang tiềm năng ứng dụng, đánh dấu bước chuyển mạnh về "chất" trong quá trình đào tạo, tạo nền tảng vững chắc nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn tới.
Một số chỉ tiêu của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025: 100% số giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trong đó ít nhất 35% có trình độ tiến sĩ; 100% số cơ sở giáo dục đại học thực hiện kiểm định chất lượng; 35% số chương trình đào tạo được kiểm định trong nước hoặc nước ngoài; 100% chương trình đào tạo giáo viên ở tất cả các trình độ được kiểm định.
Theo hanoimoi
Hiện tượng chất xám trôi nổi và điều chưa hợp lý Tình hình lãng phí, chảy máu chất xám đã đánh động từ lâu, nhất là từ ngày có cao trào đổi mới. Xưa ta nghĩ chất xám chảy ra nước ngoài, nhưng nay, chất xám "chảy máu" ngay trong nước, khi người có tài, có năng lực lại không sử dụng cái tài, cái năng lực của mình vào việc có ích, đóng...