Giáo sư Trương Nguyện Thành chia sẻ bí quyết thi trắc nghiệm THPT
GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ) vừa thực hiện một clip ngắn dành cho các học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Trong đó, ông chia sẻ những bí quyết để đạt kết quả tốt khi làm bài thi trắc nghiệm.
Theo GS Trương Nguyện Thành, để thi trắc nghiệm tốt thí sinh chú ý 2 vấn đề.
Thứ nhất, bài thi trắc nghiệm được thiết kế và xây dựng thế nào.
Thứ hai, thí sinh phải có chiến lược để trả lời những câu hỏi trắc nghiệm.
GS Thành chia sẻ, câu hỏi trắc nghiệm thường có 4 câu trả lời. Trong đó, một trong những câu trả lời mà thí sinh chỉ có một xíu kiến thức thì dễ dàng nhận ra đó là hoàn toàn sai; đối với một em có trình độ trung bình thì có thể nhận ra nó sai vì nó có khoảng 50% đúng, sai; hai câu còn lại rất khó nhận dạng câu nào đúng và câu nào sai (80% đúng và khoảng 20% sai) và chỉ có 1 câu đúng.
Tuy nhiên, do áp thời gian và trong phòng thi nên thí sinh thường đọc nhanh và không suy nghĩ nên bốc một câu trả lời cảm thấy đúng. Cho nên, một số em sau khi thi trắc nghiệm có cảm giác rằng “Tôi làm bài thi được” nhưng cuối cùng kết quả lại không tốt.
Bí quyết GS Thành chia sẻ là: “Trong bài thi trắc nghiệm, thường những câu hỏi được sắp xếp một cách ngẫu nhiên không theo trình tự từ dễ đến khó. Nhưng theo quán tính, các em thường bắt đầu từ trên xuống dưới, điều này dẫn đến vấn đề thường xuyên gặp là vướng vào một câu hỏi khó và mất hết thời gian và không còn cơ hội làm những câu dễ hơn ở bên dưới”.
Do đó, GS Thành dành 3 lời khuyên cho các học sinh:
Thứ 1, chuẩn bị tinh thần, sức khỏe và trí tuệ. Cần có một giấc ngủ thật ngon ngày trước khi đi thi. Khi vào phòng thi, hít thở thật sâu và chậm để giảm nhịp tim. Vì nếu nhịp tim tăng cao thì não bộ sẽ không hoạt động bình thường.
Thứ 2, khi bắt đầu thi, các em bỏ vài phút đọc hết các câu hỏi, không cần đọc câu trả lời. Nhận dạng được những câu nào dễ và mình có thể trả lời ngay.
Thứ 3, khi bắt đầu trả lời câu hỏi, thay vì chọn câu trả lời đúng thì bắt buộc các em phải đọc từng câu trả lời một và loại bỏ từng cái: cái này sai hoàn toàn; cái này sai 50%; so sánh sự khác biệt giữa 2 câu còn lại. Từ sự khác biệt đó, các em có thể phát hiện ra một điểm hơi vô lý của câu trả lời và loại bỏ câu trả lời đó để còn lại câu trả lời duy nhất.
Video đang HOT
GS Trương Nguyện Thành sinh năm 1962, là tiến sĩ khoa học ngành hóa và tính toán do Trường Minnesota (Hoa Kỳ) cấp năm 1990. Năm 1993, ông đoạt giải “Một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ”. Ông tham gia giảng dạy tại Đại học Utah (Hoa Kỳ) từ năm 1992-2002, tham gia công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa hóa của trường này.
GS Trương Nguyện Thành
Năm 2002, ông được phong GS cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp GS ở Mỹ) khi mới 41 tuổi. Năm 2005, ông được Phó chủ tịch UBND TPHCM khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân (nay là Bí thư Thành ủy TPHCM- PV) mời về nước để diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán. Sau đó, GS Trương Nguyện Thành được mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và công nghệ tính toán TP.HCM.
Từ tháng 1/2017 đến tháng 5/2018, ông Thành đảm nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng điều hành của trường ĐH Hoa Sen. Ông được HĐQT trường đề cử làm hiệu trưởng nhưng không được chấp thuận vì không đạt chuẩn của Bộ GD-ĐT. Sau khi không được chấp thuận làm hiệu trưởng, GS Trương Nguyện Thành đã quay về Mỹ và tiếp tục giảng dạy tại ĐH Utah.
Lê Phương
Theo Dân trí
Không công nhận 'GS quần đùi' làm hiệu trưởng có thuyết phục?
Câu chuyện GS Trương Nguyện Thành - có kinh nghiệm quản lý ở ĐH Utah, Mỹ song lại không được công nhận hiệu trưởng ĐH Hoa Sen do 'thiếu 5 năm quản lý' khiến nhiều người băn khoăn.
Giáo sư Trương Nguyện Thành - Ảnh tư liệu
Có ý kiến cho rằng yêu cầu hiệu trưởng trường ĐH phải có 5 năm kinh nghiệm quản lý là quy định cứng nhắc, mang tính hình thức và "mới chỉ hướng vào công tác quản trị, chưa chú trọng đến vai trò lãnh đạo với các ý tưởng chiến lược".
Quy định hình thức, cứng nhắc
Theo TS Lê Viết Khuyến - trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, có vẻ như khi đối chiếu với quy định hiện hành yêu cầu hiệu trưởng phải từng có 5 năm làm công tác quản lý cấp khoa, phòng của trường mà GS Trương Nguyện Thành không đạt là bác luôn.
Nhưng vấn đề ở đây là quy định cứng này mang tính hình thức rất rõ. Bởi lẽ cứ nói kinh nghiệm quản lý chung chung thì việc quản lý ở khoa, bộ môn của trường đại học vài ba ngành với trường có hàng trăm ngành, ở nơi có vài chục, vài trăm sinh viên với nơi có hàng vạn sinh viên thì đều được đánh đồng như nhau.
TS Lê Viết Khuyến - Ảnh: N.K.
"Những tiêu chí mù mờ như vậy đôi khi vẫn được cơ quan quản lý khi can thiệp lại dẫn văn bản ra để ngụy biện cho những quyết định vô lý của mình.
Đáng lý ra nếu điều lệ trường đại học, Luật giáo dục đại học có những điểm dở, vô lý thì phải sửa chữa ngay, chứ không phải lại vin vào những văn bản đó để cản trở đổi mới giáo dục đại học", TS Khuyến nói.
Theo TS, đã đến lúc phải thay quy định cứng nhắc này bằng việc phát huy tinh thần tự chủ của trường đại học.
Cơ quan quản lý, Bộ GD-ĐT chỉ nên đưa ra quy định để làm sao các trường xây dựng được hội đồng trường, hội đồng quản trị đảm bảo những người đủ trí tuệ, tâm huyết. Đó mới là nơi quyết định lựa chọn hiệu trưởng thế nào thì phù hợp với sự phát triển của trường.
"Chúng ta vẫn hô hào 'trải thảm đỏ' đón người tài trở về để cống hiến cho quê hương. Nhưng những quy định cứng nhắc, không thông thoáng đã làm cản trở những bước chân trở về", ông nhấn mạnh.
Nên xét theo năng lực thay vì thâm niên
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Minh Oanh - nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng quy chế cần thay đổi để các trường không bị gò bó. Nên để tập thể giáo viên và hội đồng trường có thể lựa chọn người tài, có năng lực thực tế hơn là quan trọng vấn đề thâm niên.
"Dĩ nhiên để làm quản lý cần có kinh nghiệm, hiệu trưởng mà không kinh qua quản lý cấp khoa, bộ môn sẽ rất khó. Một người dù giỏi chuyên môn thế nào mà không tường tận mọi ngóc ngách về xây dựng chương trình giảng dạy, có thời gian quản lý ở cấp dưới, đột ngột nhận quản lý cả trường đại học là rất khó.
Quy chế mới có thể giảm thâm niên hoặc mở ra hướng đặc cách trong một vài trường hợp cụ thể", PGS.TS Oanh đề nghị.
PGS.TS Ngô Minh Oanh (phải) và GS Đặng Ứng Vận - Ảnh: M.N-X.TR.
Trong khi đó GS Đặng Ứng Vận - bí thư Đảng ủy, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, đề xuất Bộ trưởng GD-ĐT có thể quyết những trường hợp đặc biệt.
Theo GS, các quy định hiện hành yêu cầu tiêu chuẩn hiệu trưởng trường đại học phải có 5 năm kinh nghiệm quản lý "mới chỉ hướng vào công tác quản trị, chưa chú trọng đến vai trò lãnh đạo với các ý tưởng chiến lược".
Nhà trường cần lãnh đạo ở các ý tưởng sáng tạo, đổi mới, tiệm cận và hội nhập quốc tế. Rõ ràng tiêu chuẩn kinh nghiệm 5 năm quản lý theo luật là nặng về quản trị nhà trường, không phải là người lãnh đạo.
Hiệu trưởng trường đại học cần phẩm chất của nhà lãnh đạo nhiều hơn để tổ chức được bộ máy quản trị tốt.
Trường hợp GS Trương Nguyện Thành đã có kinh nghiệm quản lý ở Đại học Utah (Mỹ) cũng nên tính đó là kinh nghiệm quản lý trong cơ sở giáo dục đại học.
Trong trường hợp cụ thể này, nếu xem là còn những điểm vướng so với luật, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có thể xem xét và quyết định phù hợp để tránh lãng phí, ngăn trở người tài đảm nhiệm vị trí lãnh đạo.
Điều 20 Luật Giáo dục đại học quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm, có trình độ tiến sĩ đối với trường ĐH, giám đốc học viện, đại học, có sức khỏe tốt.
Theo tuoitre.vn
THI THPT QUỐC GIA 2018: Bốn lỗi thí sinh thường mắc phải khi làm bài thi trắc nghiệm Thực tế từ kỳ thi THPT quốc gia trước đây, có khoảng 1% thí sinh bị mắc lỗi trong quá trình làm bài thi trắc nghiệm và làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi thí sinh. Thông tin này được chia sẻ trong hội nghị tập huấn thanh tra thi THPT quốc gia năm 2018 diễn ra mới đây. Theo Bộ GD-ĐT,...