Giáo sư trẻ nhất VN 2019: Học sinh giỏi Văn mê Toán học, 38 tuổi vẫn độc thân
Thầy giáo Sĩ Đức Quang – giảng viên Khoa Toán – Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (sinh năm 1981) vừa được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn Giáo sư 2019. Anh là giáo sư trẻ nhất của năm 2019.
Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, thầy Sĩ Đức Quang là con út và cũng là người duy nhất được đi học đến nơi đến chốn. Ở tuổi 11, cậu có tư duy thích học. Được người bạn thân cùng lớp cho mượn một số cuốn tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, Quang thích thú nghiền ngẫm từng trang.
Vốn ở trong đội tuyển môn Ngữ văn, nhưng những con số thú vị và cả những câu chuyện trong các cuốn tạp chí khiến cậu cảm thấy mê mẩn.
“Đó là lý do tôi quyết tâm thi vào lớp chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình)” – giảng viên tuổi 38 chia sẻ.
Thầy Sĩ Đức Quang là giáo sư trẻ nhất trong 75 người được công nhận chức danh này của năm 2019. (Ảnh: Thúy Nga)
Trong lớp chuyên Toán của thầy Quang ngày ấy, hầu như ai cũng đều từ các lớp toán trường chuyên của huyện lên, có lẽ chỉ mình thầy là từ học sinh lớp thường trường thường nên việc học toán của Quang khá chật vật trong học kỳ đầu tiên.
“Học sinh trường chuyên có nhiều kiến thức các bạn ai cũng biết hết rồi (do được học chuyên từ bé), mà tôi lại chưa hề biết gì, thầy giáo lại quen dạy cho học sinh chuyên nên lướt rất nhanh. Vì thế nên tôi phải tự học, tự đọc. Sang học kỳ 2 năm lớp 10 thì tôi đuổi kịp các bạn, đến lớp 11 thì mọi chuyện suôn sẻ hơn, lớp 12 thì được vào đội tuyển của tỉnh đi thi học sinh giỏi toán cấp Quốc gia và đạt giải Nhì”, thầy Quang kể.
Video đang HOT
Suốt 3 năm THPT, cậu học sinh Sĩ Đức Quang luôn đau đáu rằng nếu thi ĐH thì phải chọn trường nào để bố mẹ không bị áp lực về việc nuôi con học ĐH nên đã chọn Học viện Kỹ thuật Quân sự. Lý do là học ở đó thì được hỗ trợ các chi phí ăn ở, đi lại, hơn nữa không phải lo đến vấn đề việc làm trong tương lai. Nhưng sau đó, một cánh cửa khác mở ra với Giáo sư Sĩ Đức Quang. Vì đoạt giải Nhì trong Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia nên thầy được tuyển thẳng đại học và vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thầy Quang tâm sự: “Hồi đó tôi được học lớp chất lượng cao nên có học bổng khoảng 200.000 – 240.000 đồng/tháng. Cơm căng tin thì chỉ 3.000 đồng/suất, được ở KTX miễn phí. Mà hồi đó nhu cầu của tôi cũng chỉ đủ ăn với có thời gian để học nên 4 năm học đại học của tôi trôi qua êm đềm. Thậm chí hè về quê, tôi còn thỉnh thoảng biếu bố mẹ được khoảng một trăm nghìn đồng”.
Sau khi tốt nghiệp Đại học năm 2003, Giáo sư Sĩ Đức Quang tiếp tục học thạc sĩ. Năm 2007, anh học tiến sĩ tại Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) và về nước vào năm 2010, công tác ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Ở tuổi 39, GS Sĩ Đức Quang vẫn đang độc thân. “Tôi vẫn chưa có dự định thời điểm nào sẽ lập gia đình vì với tôi bất kỳ khi nào tôi gặp được tâm đầu ý hợp thì sẽ kết hôn. Anh Lê Bá Khánh Trình, chuyên gia toán học nổi tiếng và cũng là người anh lớn khuyên tôi không nên lấy vợ gấp gáp. Năm nay, tôi đã gần 40 tuổi và theo anh ấy thì tuổi này lấy vợ vẫn còn… sớm.
Mọi người đừng nghĩ tôi chỉ suốt ngày ở phòng nghiên cứu nên bị… ế vợ. Khi nghiên cứu ở bậc cao hơn, không phải lúc nào tôi cũng ngồi trong phòng làm việc. Muốn nghiên cứu khoa học cần phải có sự sáng tạo, cũng phải ra ngoài mới bật ra được ý tưởng. Muốn sáng tạo thì cần một chút tự do và lãng mạn. Cho nên, những lúc áp lực, tôi thường đọc tiểu thuyết của Jack London hay những truyện dã sử của Trung Hoa, truyện kiếm hiệp.
Ngoài thời gian lên lớp giảng dạy, nghiên cứu, tôi cũng ngồi cà phê, đọc sách, đi leo núi… chứ không chôn chân trong phòng nghiên cứu như mọi người hay nghĩ”, Giáo sư Quang tâm sự.
Giáo sư Sĩ Đức Quang chia sẻ thêm: “Sau khi trở thành giáo sư thì tôi sẽ phải có ý thức hơn về sự đóng góp của mình với cộng đồng khoa học, với việc nâng cao chất lượng đào tạo các thế hệ kế cận như thế nào… Khi dạy sinh viên, chúng tôi rèn sinh viên theo hướng yêu cầu các em cố gắng tự mình tư duy mỗi khi được giao bài tập, không nên đưa ra lý do là vì dạng bài này thầy chưa chữa nên bọn em không làm được. Để làm thầy thì các em phải cố gắng tự tư duy thì sau này mới dạy cho học trò phương pháp tư duy. Mình phải tự làm thì mới dạy người khác được”.
Theo infonet
Thử thách với "Pi" khi mang toán học tới học sinh khiếm thính
"Pi" tiếp tục nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, khuyến khích học sinh THCS, THPT tìm hiểu toán học và khoa học. Năm 2020, chương trình sẽ được triển khai tại trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội. Đây là một trường liên cấp (gồm có cấp tiểu học và THCS) đặc biệt, bởi có nhiều học sinh là trẻ khiếm thính.
Tạp chí "Pi" do GS Ngô Bảo Châu khởi xướng. Đây là tạp chí hướng đến mọi thành phần học sinh, sinh viên, các giáo viên, giảng viên đại học hay bất cứ ai quan tâm đến toán học và các ứng dụng của nó, những người thích toán và cả những người tạm thời chưa thích toán.
Từ khi ra đời và cho đến nay, tạp chí Pi luôn là sản phẩm tinh thần chung của cộng đồng toán học Việt Nam mà đại diện là Hội toán học Việt Nam.
Việc sản xuất tạp chí Pi do GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện toán học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội toán học Việt Nam, trực tiếp điều hành, với sự hỗ trợ tích cực của nhiều nhà khoa học đang làm việc tại Viện toán học Việt Nam.
Tạp chí Pi
Đến nay, Pi đã tổ chức triển khai chương trình này tại Trường THCS Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội; 2 trường THCS Thị trấn Tiên Lãng, THPT Tiên Lãng đều cùng ở huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng; Trường THCS Đông La, Hoài Đức, Hà Nội.
Chương trình của hoạt động bao gồm các bài nói chuyện về toán học, học toán và dạy toán; các hoạt động tập thể, chiếu phim, đố vui có thưởng liên quan tới toán học và khoa học; giới thiệu sách, báo về toán.
GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện toán học Việt Nam cho biết, tại các trường nói trên, giáo viên và học sinh đã đón nhận chương trình với sự hồ hởi, thích thú, và tò mò, bởi chương trình đã tạo nên một buổi học toán chung cho tất cả các em. Cho dù các em ở các độ tuổi khác nhau, lớp học khác nhau, nhưng cùng được chung nhau một trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của toán với sự say mê, chung nhau niềm vui vượt qua thử thách.
"Qua các hoạt động đó, toán học trở nên gần gũi với các em, kích thích sự sáng tạo, kỹ năng tư duy, nâng cao năng lực và khả năng tiếp thu, đồng thời thắp lên ngọn lửa tình yêu với môn toán trong các em. Cũng qua những hoạt động như vậy, các thầy cô cũng nhận thức rõ hơn sự cần thiết về việc thay đổi phương pháp giảng dạy để phù hợp hơn với chương trình giáo dục phổ thông mới, với nhiều hoạt động trải nghiệm và ứng dụng trong đời sống" - GS Phùng Hồ Hải chia sẻ.
Chương trình Mang toán và sách toán tới các trường phổ thông đầu tiên của năm 2020 dự kiến được tổ chức vào 14 giờ chiều ngày 7.1.2020, tại trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội. Đây là một trường liên cấp (gồm có cấp tiểu học và THCS) đặc biệt, bởi có nhiều học sinh là trẻ khiếm thính.
GS Phùng Hồ Hải cho hay, việc tổ chức chương trình tại ngôi trường đặc biệt này là một thử thách thú vị với các nhà toán học và ban biên tập tạp chí Pi. Tuy nhiên, với phương châm, không để học sinh sợ học toán, vì học toán không khó, ban tổ chức chương trình hy vọng chương trình sẽ thành công.
Hiện nay, Pi tiếp tục tìm kiếm các trường THCS, THPT quan tâm tới việc nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, khuyến khích học sinh tìm hiểu toán học và khoa học để phối hợp tổ chức. Pi cũng đồng thời tìm các bạn tình nguyện viên cho hoạt động này.
Hồng Hạnh
Theo dantri
Hỗ trợ 3,63 triệu/tháng, ngành sư phạm đã đủ hấp dẫn? Hỗ trợ chi phí sinh hoạt hàng tháng cho sinh viên sư phạm ngoài việc miễn học phí là điều Bộ GD-ĐT đang tính đến để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Song chừng ấy liệu đã đủ hấp dẫn? Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi...