Giáo sư tranh luận chuyện chữa nói ngọng
Xung quanh câu chuyện Hà Nội chữa nói ngọng, các GS, PGS chuyên ngành ngôn ngữ trao đổi liệu việc làm này có cần thiết và có làm được hay không.
Không thể và không cần sửa
GS.TS Trần Trí Dõi, hiện là Chủ nhiệm Bộ môn “Ngôn ngữ và Văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam” khoa Ngôn ngữ học, Giám đốc Trung tâm “Nghiên cứu Phát triển các dân tộc thiểu số và miền núi” Trường ĐH Khoa học& Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ ý kiến:
“Chuyện phát âm lẫn lộn một hiện tượng nào đó của tiếng Việt ở một vài địa phương được chấp nhận, trở thành “giọng truyền thống” thì không thể sửa được và cũng không cần phải sửa”.
Còn GS Nguyễn Văn Hiệp, Phó khoa Ngôn ngữ, ĐH Khoa học xã hội&Nhân văn thì nhấn mạnh: “Một việc làm biết không có kết quả mà vẫn làm. Tiếng Việt có nhiều phương ngữ, chỉ cần thống nhất về chữ viết cho đúng thôi. Không cần thiết chuyện tốn tiền để sửa phát âm “l,n” làm gì. Nếu ai đó ở vùng nói ngọng khi ra Hà Nội cần phải phát âm đúng l,n để thuận lợi cho công việc thì tự họ sẽ có ý thức sửa được.
Bắt mấy địa phương ở Hà Nội sửa phát âm tôi thấy còn có ý coi thường, hạ thấp người ta. Như nước ngoài ở London (Anh), Trung Quốc,… nhiều nơi họ vẫn có tiếng địa phương của mình. Mà mỗi người muốn hòa đồng nhanh với một cộng đồng thì phải cố gắng nói giống nhau, nói đúng có khi không ai chơi nên phải nói “ngọng” lại.
“Hoàn toàn sửa được”
PGS.TS Vũ Kim Bảng: “Nói không sửa được l/n là thiếu trách nhiệm!”
PGS.TS Vũ Kim Bảng, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học nhắc lại rằng: “Cách phát âm như vậy chỉ là hiện tượng xã hội, không phải là một bệnh lí. Và chúng ta hoàn toàn có thể sửa được
Không phản đối chuyện mỗi địa phương có cách phát âm khác nhau nhưng chia sẻ của vị PGS.TS cho rằng: “Chúng ta tôn trọng cá nhân, việc người Huế hay nơi nào có cách phát âm của họ mình không cấm được. Song cần phải hướng tới một chuẩn mực giao tiếp và có văn hóa. Ngắn gọn hơn là đi tới cái đẹp hơn, hay hơn.
Video đang HOT
Không thể nói chỉ cần viết đúng là được, còn phát âm như thế nào là tùy ý. Tôi chưa biết khi nào và có không chuyện toàn xã hội không quan trọng chuyện phát âm l/n? Còn hiện nay, việc lẫn lộn này chỉ xảy ra ở địa phương, còn cộng đồng lớn hơn không như vậy. Không thể đánh đồng với nhau như vậy. Và khi những Hà Nội hay Hải Phòng đã đặt vấn đề tức là xã hội đang có cái nhìn, mong muốn giải quyết.
Tốn thời gian và phải thật sự kiên trì
GS Nguyễn Văn Hiệp: “Một việc làm biết không có kết quả mà vẫn làm”
GS.TS Trần Trí Dõi, PGS.TS Vũ Kim Bảng đều đồng ý rằng việc sửa này rất khó, mất nhiều thời gian, cần thật kiên trì. “Đặc biệt trong những vùng trên khi học sinh chỉ có môi trường hẹp là giáo viên và nhà trường để hướng dẫn, còn môi trường rộng hơn là gia đình, xã hội còn phát âm, nói sai” – ông Bảng chia sẻ.
Theo GS.TS Trần Trí Dõi: “Việc sửa cách phát âm và viết đúng hai phụ âm đầu “l/n” trong trường học ở Hà Nội và một số địa phương là một việc làm thiết thực”.
Nêu ý kiến về chuyện sửa và không cần sửa, GS Dõi bổ sung: “Nhưng khi cả cộng đồng nói tiếng Việt đều cho rằng cách phát âm và viết lẫn lộn hai phụ âm đầu “l/n” là “nói ngọng” thì phải nên sửa và, theo tôi, có thể sửa được.
(…) Nhưng muốn thành công thì phải “thật sự kiên trì”, vì đây là một hiện tượng có tính cộng đồng ở một số địa phương. Tôi nói phải “thật sự kiên trì” vói nghĩa là cả cộng đồng “nói ngọng l/n” phải có ý thức cùng chữa và phải kiên trì chữa trong một khoảng thời gian dài, rất dài”.
Ông cũng bày tỏ nỗi niềm: “Ngôn ngữ là sản phẩm của một cộng đồng. Muốn chữa “nói ngọng l/n” thì chỉ chính bản thân cộng đồng phát âm lẫn lộn ở từng địa phương ấy sửa chữa mới được. Nhưng cộng đồng cũng chính là những cá nhân được tập hợp lại.
Vậy thì trước hết là “những cá nhân” như giáo viên “, học sinh ở bậc “mẫu giáo” và “tiểu học” ở địa phương ấy rèn luyện đi. Khi những đối tượng này không “lẫn lộn” nữa, thế hệ này tiếp thế hệ khác thì địa phương ấy sẽ hết nói ngọng thôi. Cho nên không thể coi chuyện này thành công chỉ trong ngày một ngày hai được đâu”.
Theo BĐVN
Trường nghề thiếu học sinh trầm trọng
Các trường nghề vốn đã khó khăn nay càng khốn đốn hơn. Năm nay, nhiều trường chỉ tuyển được 10-20% chỉ tiêu.
Đưa chúng tôi đi dọc các phòng học, ông Hà Kim Vọng, hiệu trưởng Trường trung cấp nghề (TCN) Khôi Việt, lắc đầu ngao ngán: phòng học trang bị đầy đủ thiết bị, chỉ thiếu học sinh! Thống kê của trường cho thấy học sinh đăng ký học nghề dài hạn của trường liên tục sụt giảm trong các năm gần đây. Năm 2008 trường tuyển được 615 học sinh, năm 2009 giảm còn 390, năm 2010 mới chỉ tuyển được 80 học sinh. Trong đó, ngành hướng dẫn viên du lịch không có học sinh nào theo học.
Ngày càng thưa vắng
Riêng trong năm 2011, chỉ tiêu của trường là 450 nhưng sau ba đợt tuyển sinh, mới chỉ có khoảng 70 học sinh theo học. Khóa tháng 11 đang tuyển sinh nhưng đến thời điểm này mới chỉ có sáu hồ sơ đăng ký! Đây là một trong những trường đầu tư cơ sở vật chất khá tốt. Một số trường khác như CĐ nghề Việt Mỹ, ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM đưa sinh viên sang học thực hành tại đây trong khi học sinh của trường ngày càng "teo tóp".
L iên thông còn khúc mắc Cuối năm 2010, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn liên thông từ hệ nghề lên CĐ và ĐH. Đây được xem như "làn gió mát" đối với hệ đào tạo nghề. Thế nhưng một năm đã qua, việc thực hiện liên thông từ nghề lên CĐ, ĐH mới chỉ suôn sẻ với các học sinh, sinh viên các trường ĐH có đào tạo nghề (liên thông ngay tại trường), còn đại đa số các trường TCN chưa thể thực hiện việc này.
Tương tự, từ năm 2007 trở lại đây, số lượng học sinh đăng ký học nghề dài hạn tại Trường TCN Việt Giao liên tục giảm dần. "Những năm trước đó trường luôn tuyển vượt chỉ tiêu (450 chỉ tiêu/năm) nhưng từ khi trường ĐH được phép đào tạo nghề, lượng học sinh bắt đầu sụt giảm. Năm 2010 trường chỉ tuyển được 100 học sinh và khóa 2011 có 500 chỉ tiêu nhưng đến thời điểm này mới chỉ tuyển được 70 học sinh. Tình hình tuyển sinh của trường hết sức khó khăn bởi không cạnh tranh được với các trường ĐH, CĐ" - ông Đặng Thanh Vũ, hiệu trưởng Trường TCN Việt Giao, cho biết.
Đáng ngại hơn là Trường TCN Kỹ thuật - kinh tế Sài Gòn 3, đến thời điểm này mới chỉ có 10 hồ sơ đăng ký nhập học. Được nâng cấp lên CĐ từ năm 2010, Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn tuy tuyển sinh có khả quan hơn nhưng số học sinh cũng giảm so với trước đây. Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân - hiệu trưởng nhà trường - cho biết những năm trước trường tuyển 1.200-1.500 học sinh nhưng đến thời điểm hiện tại mới tuyển được chưa đến 900 học sinh.
Trong khi đó, nhiều trường nghề công lập cũng không nằm ngoài tình trạng khó khăn chung. Nhiều năm nay, Trường TCN Nhân Đạo không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Ông Trần Trung Lạc - phó hiệu trưởng - cho biết trong bối cảnh khó khăn chung của khối trường nghề, trường tuyển được khoảng 85%, vậy là tốt rồi. Điều đặc biệt là số học sinh đăng ký học hầu hết là học sinh tốt nghiệp THCS, số học sinh tốt nghiệp THPT theo học không nhiều. Trong khi đó, Trường TCN Lê Thị Riêng chỉ tuyển được 1/3 chỉ tiêu. Bà Trần Thùy Trang - phụ trách đào tạo - cho biết tuy ít học sinh nhưng vẫn phải duy trì lớp để giữ ngành.
Học sinh ngành quản trị khách sạn nhà hàng Trường TCN Khôi Việt thực hành môn pha chế.
Cạnh tranh không cân sức
Với số lượng học sinh nghề dài hạn quá ít, nhiều trường đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Trường TCN Khôi Việt từng là trường có tiếng về đào tạo ngành du lịch - khách sạn nhưng trước cảnh thưa vắng người học, ông Hà Kim Vọng phải thốt lên: số học sinh ít thế này có khi trường phải đóng cửa! Trong khi đó, hậu quả rõ ràng nhất của việc người học thờ ơ là Trường TCN Việt Giao, từ hai cơ sở trường đã đóng cửa một cơ sở để giảm bớt gánh nặng chi phí.
Trong khi đó, một thành viên hội đồng quản trị Trường TCN Việt Giao cho biết một số người làm trong ngành giáo dục vừa mua lại trường từ người chủ trước. "Chủ trương trước đây một phần chuyển đầu tư sang lĩnh vực khác, một phần vì việc tuyển sinh quá khó khăn nên bán trường bởi càng để lâu càng lỗ nhiều hơn" - vị này cho biết.
Bà Trần Thùy Trang cho rằng tâm lý của gia đình và xã hội thường ngại chữ "nghề", thích bằng ĐH, CĐ nên các trường nghề gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, trong chính sách lương hiện nay, bậc nghề không được xếp vào ngạch lương nào. Khi ra trường đi làm, người học nghề thường thiệt thòi hơn. Đó cũng là lý do khiến người học ngại học nghề.
Ông Đặng Thanh Vũ phân tích: "Chỉ tiêu nghề của nhiều trường ĐH, CĐ khá lớn, trường nghề không thể nào cạnh tranh lại và cuối cùng chỉ có số ít học sinh theo học tại các trường nghề". Đây là lý do chính được các trường đưa ra để lý giải tình trạng ngày càng ít học sinh. Nếu chỉ tính riêng hệ nghề tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chỉ tiêu CĐ - TCN của trường này bằng tổng chỉ tiêu của ít nhất khoảng 10 trường TCN cộng lại. Hàng loạt trường ĐH, CĐ khác như Công nghiệp thực phẩm, Kỹ thuật công nghệ, Cao Thắng, Kinh tế kỹ thuật miền Nam... mỗi trường có từ vài trăm đến gần 2.000 chỉ tiêu đào tạo nghề.
"Học sinh chỉ có vậy, trường ngày càng nhiều nên phải chia miếng bánh ra nhiều phần khác nhau, trường nào mạnh thì thắng. Các trường ĐH trên thế giới chỉ đào tạo bậc ĐH và bậc cao hơn, không đào tạo dưới cấp trong khi ĐH ở VN thì đào tạo đủ các bậc, các hệ từ chuyên nghiệp đến nghề. Cha mẹ và học sinh có tâm lý muốn học nghề trong trường ĐH để liên thông dễ dàng hơn, trường nghề làm sao cạnh tranh lại" - ông Trần Trung Lạc nói.
Tuyển đã khó, giữ càng khó hơn Không chỉ tuyển sinh khó, việc giữ chân học sinh, sinh viên nghề lại càng khó hơn. Thống kê từ nhiều trường cho thấy tỉ lệ bỏ học giữa chừng của các khóa nghề dao động từ 30-50%. Theo một cán bộ phòng đào tạo của Trường TCN Nhân Đạo, với những học sinh tốt nghiệp THPT, việc quản lý tương đối dễ dàng do các em đã xác định đi học nghề. Trong khi học sinh tốt nghiệp THCS rất khó quản lý bởi các em đã chán ngán việc học văn hóa nên bỏ bê học hành. Trong khi đó, khóa 2010 Trường TCN Việt Giao tuyển được 100 học sinh nhưng chỉ sau một năm, đến nay chỉ còn 50 học sinh theo học. Theo cán bộ quản lý nhiều trường nghề, không ít học sinh xem trường nghề chỉ là nơi học tạm trong lúc chờ thi lại ĐH. Một khi đậu ĐH hay CĐ, số học sinh này sẵn sàng bỏ các trường nghề.
Theo BĐVN
Những cô giáo đến lớp từ 3 giờ sáng Khi mọi người đang chìm sâu trong giấc ngủ trong màn đêm tĩnh mịch ở xã vùng cao Lệ Ninh, thuộc huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) thì những cô giáo mầm non đã phải thức dậy. Họ đến lớp để đón những trẻ thơ khi vẫn đang còn ngái ngủ, mắt nhắm mắt mở, la hét inh ỏi không chịu rời tay bố...