Giáo sư Trần Diệp Tuấn: Cần phân biệt đào tạo từ xa với dạy học trực tuyến
Giáo sư Trần Diệp Tuấn cho rằng, đối với ngành y, không thể áp dụng đào tạo trực tuyến 100% nhưng có thể đào tạo kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.
Theo dự thảo Thông tư về Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến trong đó yêu cầu các trường chỉ đào tạo từ xa với các ngành đã tuyển sinh tối thiểu ba khóa chính quy liên tục, không áp dụng hình thức này đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Đây cũng là những điểm mới của dự thảo so với quy định hiện hành tại Thông tư 10 năm 2017.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, cần phải phân biệt rõ hai khái niệm: đào tạo từ xa và giảng dạy trực tuyến.
Đối với nhóm ngành sức khỏe là đào tạo nghề nghiệp, hành nghề. Vì vậy, đòi hỏi việc triển khai đào tạo thực hành hết sức quan trọng, không thể áp dụng đào tạo 100% trực tuyến đối với ngành y.
Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, không hẳn là cần phải loại bỏ hoàn toàn hình thức dạy học trực tuyến. Thay vào đó, chúng ta có thể kết hợp giữa phương thức đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp. Nghĩa là cần phân chia một tỷ lệ hợp lý khi kết hợp hai phương thức đào tạo này.
Với đặc thù của ngành y, cần một tỷ lệ nhất định bắt buộc phải đào tạo trực tiếp, mặt đối mặt với nhau để thầy cô hướng dẫn thực hành, cầm tay chỉ việc. Song, điều đó không có nghĩa bắt buộc 100% phải đào tạo trực tiếp. Có thể cho phép đào tạo trực tuyến đối với những phần chuyển tải kiến thức lý thuyết cơ bản, phần kiến thức lý thuyết của thực hành.
Giáo sư – Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Doãn Nhàn)
“Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, vì những phần lý thuyết, kiến thức cơ bản có thể giảng dạy trực tuyến, vấn đề quan trọng là cách chúng ta triển khai tổ chức dạy học như thế nào cho phù hợp và hiệu quả.
Tất nhiên không thể đào tạo trực tuyến toàn bộ nhưng có thể phân chia tỷ lệ nhất định cho đào tạo trực tuyến, từ 20 – 30% tổng số tín chỉ”, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.
Giáo sư Trần Diệp Tuấn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò và ý nghĩa của đào tạo thực hành trong ngành y.
Thầy Tuấn phân tích, đối với bài học về khám bệnh, nhà trường không thể triển khai dạy học trực tuyến và người học cũng không thể khám bệnh online.
Sinh viên phải khám, hỏi bệnh trực tiếp, khai thác bệnh sử trực tiếp trên bệnh nhân. Thầy giáo đứng cạnh quan sát, đánh giá sinh viên khám đúng hay không, việc này hoàn toàn không thể thực hiện nếu không đào tạo theo cách trực tiếp mặt đối mặt.
Hay đơn giản là học đo huyết áp cũng cần phải được thực hành, giảng viên hướng dẫn và quan sát để biết người học đo đúng hay sai, thậm chí nhiều người phải thực hành nhiều lần mới thao tác đúng. Với những học phần này cần phải được thực hành thực tế.
Video đang HOT
Học cách rửa vết thương cũng không thể dạy trực tuyến, khi người học rửa vết thương trực tiếp trên bệnh nhân, thầy giáo chỉ ra thao tác nào chưa đúng để sinh viên rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, ngay cả phần thực hành cũng có thể đào tạo trực tuyến những phần lý thuyết thuộc về thực hành. Ví dụ trước khi tiến đến thực hành rửa vết thương thì người học được đào tạo lý thuyết về những nguyên tắc khi rửa vết thương, các thao tác khi rửa vết thương, xem video về rửa vết thương cho bệnh nhân. Những phần kiến thức này có thể được triển khai dạy học trực tuyến để người học có hình dung rõ ràng trước khi bước vào thực hành.
Nhưng sau khi được học lý thuyết, người học buộc phải thực hành trên mô hình, bệnh nhân chuẩn và trên người bệnh.
Như vậy, phải phân chia hợp lý phần kiến thức nào có thể đào tạo trực tuyến, phần nào bắt buộc người học phải được đào tạo thực hành. Chính việc tổ chức triển khai giảng dạy sẽ quyết định chất lượng đào tạo.
Giáo sư Trần Diệp Tuấn chia sẻ thêm, đối với đào tạo bổ sung, cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ, có thể 50% đào tạo trực tuyến, còn với chương trình đại học, đào tạo trực tuyến có thể chiếm khoảng từ 20-30 %.
Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược Thái Bình cho biết, từ lâu, Bộ Y tế đã có quy định không áp dụng hình thức đào tạo từ xa hay đào tạo tại chức đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe. Vì vậy, Dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cụ thể hóa quy định của Bộ Y tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược Thái Bình. (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, các trường có thể dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Thời gian qua, các đơn vị vẫn triển khai dạy học trực tuyến trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, tuy nhiên, chỉ có thể thực hiện hình thức này với phần lý thuyết, chứ không đào tạo từ xa hoàn toàn như các ngành nghề khác, vì ngành y liên quan nhiều đến thực hành và thực tế.
Đối với ngành y, khối ngành đào tạo sức khỏe, đào tạo thực hành theo hướng “cầm tay chỉ việc” phải được thực hiện nghiêm túc, đào tạo từng kỹ thuật, chấm từng học phần một.
Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Tiến cho rằng, quy định không đào tạo từ xa đối với ngành y, Bộ Y tế cũng đã có quy định cụ thể và các trường đã thực hiện trong những năm qua.
Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược – Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: NVCC)
Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược – Đại học Thái Nguyên cho rằng, để đảm bảo chất lượng đào tạo trình độ đại học, với khối ngành sức khỏe, không nên có hình thức đào tạo từ xa.
Với ngành y, việc đào tạo thực hành có vai trò rất quan trọng, quyết định chất lượng nguồn nhân lực nên đào tạo từ xa sẽ không đảm bảo điều kiện cho giảng dạy thực hành, khó khăn trong quản lý người học, trong đào tạo kỹ năng thực hành.
Nếu giữ đào tạo từ xa ngành sức khỏe, giáo viên thì dễ gây rủi ro cho xã hội
Chuyên gia, nhà giáo nêu ý kiến về quy định không đào tạo từ xa với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, giáo viên trong dự thảo của Bộ GD.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư ban hành quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học. Một trong những điểm mới của dự thảo là không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Nếu biết bác sĩ điều trị cho mình tốt nghiệp đào tạo từ xa, khả năng nhiều bệnh nhân sẽ "phát hoảng"
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Giáp Văn Dương, bày tỏ quan điểm ủng hộ yêu cầu không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe và nhóm ngành đào tạo giáo viên của dự thảo.
"Theo tôi, đây đều là những ngành đòi hỏi sự thực hành, hướng dẫn và thảo luận trực tiếp của sinh viên với giảng viên nên cần phải gắn liền với các tình huống thực tế. Hơn nữa, đây cũng là 2 lĩnh vực ngành nghề sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hoặc sự phát triển của con người nên không phù hợp với hình thức đào tạo từ xa. Nếu vẫn triển khai việc đào tạo từ xa cho các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên sẽ dễ gây rủi ro cho xã hội.
Chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Giáp Văn Dương (Ảnh: NVCC)
Bản thân tôi là người ủng hộ việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục, chủ yếu trong việc tự học hoặc đào tạo từ xa. Tuy nhiên, tôi biết đào tạo từ xa có những hạn chế riêng. Sẽ có một số ngành không phù hợp với hình thức đào tạo này, đặc biệt là ngành y và ngành sư phạm.
Với các ngành thuộc 2 lĩnh vực sức khỏe và giáo viên, đòi hỏi môi trường đào tạo phải đáp ứng được các yêu cầu đặc thù ngành, nghề. Môi trường đó cần đảm bảo tối thiểu ba yếu tố sau: những người thầy mẫu mực để làm gương; cơ sở vật chất và trang thiết bị để thực hành; các tình huống thực tế để trải nghiệm.
Những người thầy mẫu mực đó cần hiện hữu trước mắt học trò, trực tiếp tương tác và chỉ dẫn học trò cũng như cần đảm bảo các yếu tố về cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hành, rèn luyện chuyên môn.
Các tình huống thực tế sẽ giúp cho người học trải nghiệm và ứng dụng những điều đã được học vào việc xử lý vấn đề mình sẽ phải đối mặt trong hoạt động nghề nghiệp sau này. Ví dụ như với ngành y thì đó là giải phẫu, xét nghiệm, hội chẩn, điều trị, cấp cứu... Còn với ngành sư phạm thì đó là lên bục giảng, trò chuyện, khuyến khích, truyền cảm hứng, xử lý các tình huống sư phạm...
Đặc biệt, những tình huống thực tế này cần phải diễn ra trong các không gian đặc dụng như phòng thực hành, bệnh viện hoặc trường học, với sự phối hợp của nhiều bộ phận chuyên môn khác nhau thì mới có kết quả.
Nếu không có được ba yếu tố trên, thì không thể đào tạo được nguồn lực y bác sĩ và giáo viên có chất lượng.
Theo tôi được biết, trong hai năm chống dịch Covid-19 vừa qua, riêng với ngành giáo dục, sinh viên sư phạm phải học trực tuyến trong một thời gian dài, không được đi thực tập, không được va chạm với các tình huống sư phạm, nên chịu rất nhiều thiệt thòi khi vào lớp giảng dạy thực tế. Nếu không được đào tạo lại và hướng dẫn trực tiếp thì rất khó để đứng lớp ngay được.
Còn với ngành y, ảnh hưởng của đào tạo từ xa đến chất lượng y bác sĩ sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Để hình dung cụ thể hơn, chúng ta hãy giả dụ tình huống sau: một người đến bệnh viện và nếu biết bác sĩ đang điều trị cho mình tốt nghiệp chương trình đào tạo từ xa thì nhiều khả năng bệnh nhân đó sẽ "phát hoảng" rồi yêu cầu bệnh viện đổi ngay bác sĩ, hoặc chuyển sang bệnh viện khác.
Vì vậy, nếu quy định được triển khai, sẽ giúp kiểm soát và chuẩn hóa chất lượng đào tạo của hai ngành quan trọng này. Nhờ đó mà cải thiện, tiến tới đảm bảo chất lượng đào tạo. Sự cải thiện và đảm bảo này không đến từ việc tuân thủ các quy định hành chính, mà đến từ chính việc thực hành, tương tác thực, trải nghiệm thực, trong các tình huống thực tế mà cả thầy và trò phải cùng nhau xử lý trong quá trình dạy và học", Tiến sĩ Giáp Văn Dương cho hay.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Giáp Văn Dương cho rằng, khác với đào tạo trình độ đại học, cấp bằng, nếu chỉ là bồi dưỡng giáo viên, chủ yếu mang tính cập nhật thông tin và quy định mới thì có thể sử dụng hình thức đào tạo từ xa.
Bởi sau khi đã tốt nghiệp ra trường, giáo viên muốn nâng cao chuyên môn thì phải tự đào tạo là chính. Việc bồi dưỡng chỉ mang tính cập nhật thêm trên nền tảng những gì đã có, nên có thể tiến hành qua hình thức đào tạo từ xa để tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả giáo viên và ngành giáo dục.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Giáp Văn Dương, việc bồi dưỡng giáo viên vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở. Dù theo hình thức trực tiếp, trực tuyến hay đào tạo từ xa thì chất lượng bồi dưỡng vẫn chưa được như kỳ vọng.
Nên cân nhắc với tùy từng ngành đào tạo sức khỏe cho phù hợp
Cũng chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Vũ Hồng Nhung, giảng viên bộ môn Điều dưỡng, khoa Điều dưỡng Hộ sinh, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho rằng:
"Đào tạo đối với riêng ngành sức khỏe luôn đặc biệt. Bởi đối tượng tốt nghiệp của ngành này phục vụ và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy, hình thức đào tạo từ xa với lĩnh sức khỏe sẽ không thể đảm bảo được chất lượng tay nghề cho người học.
Sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định trong giờ thực hành (Nguồn: Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định)
Với thời đại công nghệ 4.0 thì khái niệm giảng dạy từ xa đã không còn mới mẻ. Việc giảng dạy từ xa đang ngày dần hoàn thiện với những thiết bị phục vụ người học vô cùng hiện đại có thể giúp người học tiếp cận với nhiều nền văn minh trên thế giới mà không cần học trực tiếp.
Vậy nên, với quy định không giảng dạy từ xa với các ngành sức khỏe thì nên cân nhắc với tùy từng ngành riêng trong nhóm ngành cho phù hợp. Có thể áp dụng hình thức đào tạo từ xa cho 1 số ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe như: xét nghiệm, điều trị tâm lý, dược..., những ngành ít tiếp xúc, tác động trực tiếp đến người bệnh".
Cũng theo Thạc sĩ Vũ Hồng Nhung chia sẻ, hiện Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đang đào tạo 1 số lớp liên thông ngành Điều dưỡng và Hộ sinh. Chủ yếu việc đào tạo từ xa là dành cho phần giảng dạy lý thuyết.
Khi tổ chức thi lý thuyết, nhà trường sẽ cử cán bộ đến điểm liên kết đào tạo để coi thi và kiểm tra quá trình tổ chức thi. Ngoài ra, đối với các lớp học hệ đào tạo từ xa thì trường sẽ cho sinh viên làm các câu hỏi mang tính thảo luận nhóm, các câu hỏi mở để khai thác được hết những vấn đề lý thuyết mà sinh viên tìm hiểu được.
Còn khi học thực hành, sinh viên vẫn phải tham gia học trực tiếp tại các bệnh viện liên kết với trường để đảm bảo yêu cầu và chất lượng.
Ứng viên 3 năm liên tiếp làm hồ sơ xét Giáo sư, Chủ tịch Hội đồng ngành Y nói gì? GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y, cho biết rút kinh nghiệm những năm trước bị 'búa rìu dư luận', năm nay Hội đồng làm rất kỹ. Năm nay, ngành Y có 43 ứng viên được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn, trong đó có 7 ứng viên đạt chuẩn Giáo sư và 36...