Giáo sư – Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại: Thế hệ mới cần nền giáo dục mới
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là chặng đường dài. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại, GS.TS Hồ Ngọc Đại – người đã dày công xây dựng công nghệ giáo dục từ hơn 40 năm nay cho hay, ông luôn thực hiện 3 điều cốt lõi.
Dạy cho mỗi cá nhân trở thành chính mình
Thưa GS, những ngày qua, sau khi sách giáo khoa (SGK) Tiếng việt và Toán lớp 1 – tài liệu Công nghệ giáo dục của ông không được Hội đồng thẩm định SGK mới thông qua, đã có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Ông có thể nói rõ hơn 3 điều cốt lõi được thực hiện trong dạy học theo công nghệ giáo dục?
- Xử lý một vấn đề giáo dục phải có 3 nhân tố, đó là lịch sử, triết học và nghiệp vụ sư phạm. Từ những năm 1970, tôi đã nhận thấy sự thay đổi về nhận thức của thế hệ thanh niên, đến năm 8x bắt đầu lộ rõ, 9x càng bộc lộ ra những cái mới. Và, trẻ em thế kỷ XXI sinh từ ngày 1/1/2001 đã có những nhận thức và tư duy mới mà các thế hệ trước chưa có. Khi một thế hệ chưa hề có trong lịch sử rất cần có một nền giáo dục mới, chính là căn bản và toàn diện.
Một nền giáo dục mới phải được xây dựng trên cơ sở triết học. Nền giáo dục ấy là dạy cho các cá nhân, thay hẳn cho triết lý của Khổng Tử đó là sự phục tùng. Và tôi đã đưa ra khẩu hiệu “Mỗi cá nhân học tập để trở thành chính mình, để xứng đáng với chính mình”.
“Trẻ em hiện đại, ăn cơm hiện đại, uống nước hiện đại, hít thở không khí hiện đại, các em phải hưởng những thành tựu hiện đại nhất trong các lĩnh vực có được.” – GS Hồ Ngọc Đại
Bởi thực sự trong cuộc sống không có ai giống ai, mà phải noi gương, phấn đấu được như người này, người khác là làm khổ cá nhân. Hãy để cho mỗi cá nhân trở thành chính mình và xứng đáng với chính mình. Vì là phạm trù cá nhân nên mọi người đều có quyền như nhau nhưng quan hệ với nhau trên cơ sở hợp tác, phân công.
Và trong hoàn cảnh đó, nghiệp vụ sư phạm của tôi là dành cho các cá nhân. Theo đó, mỗi cá nhân phải tự làm lấy mọi việc để trở thành chính mình, xứng đáng với chính mình. Ai làm nhiều thì có giá trị nhiều, làm ít có giá trị ít. Muốn vậy, mỗi cá nhân phải tự học, tự làm. Nghiệp vụ sư phạm của giáo viên lúc này hoàn toàn khác với những năm 1970, mang khẩu hiệu “thầy không giảng, trò không cần cố gắng”.
Mọi người đã phản ứng thế nào với khẩu hiệu “thầy không giảng, trò không cần cố gắng” hết sức vô lý này?
- Đúng là lúc đó mọi người thấy vô lý và hoang mang quá. Người ta học miệt mài, ra sức mãi còn chưa đạt kết quả tốt, thế mà tôi lại lấy khẩu hiệu “Không cần cố gắng”. Lý do hết sức đơn giản thế này: Khi cô đi bộ thì phải cố gắng, ra sức. Còn khi cô ngồi trên ô tô, máy bay không cần cố gắng.
Tôi đã thay nghiệp vụ sư phạm thầy giảng trò ghi nhớ trước đây bằng “thầy giao việc, trò làm việc”. Thầy giáo giao việc, học trò tự làm ra sản phẩm cho chính mình, mỗi sản phẩm học trò làm ra chính là xác thực cá nhân. Trong xã hội hiện đại, chúng ta phải thừa nhận những cái mang dấu ấn cá nhân, không ai theo ai.
Và kết quả thu nhận được thế nào, thưa GS?
Video đang HOT
- Kết quả tốt hẳn. Học trò của tôi bất kể là ai, dân tộc nào, có hay không đi học mẫu giáo, nói tiếng Việt hay không, cứ 6 tuổi đến trường học theo phương pháp giáo dục của tôi, chỉ cần một năm là đọc thông, viết thạo, viết đúng chính tả, không thể tái mù.
Đến bây giờ mọi người đã thấy, lúc đầu, tôi đưa ra khẩu hiệu “Mỗi cá nhân học tập để trở thành chính mình, để xứng đáng với chính mình”, nhiều người cho là ảo tưởng. Họ cho rằng học hay làm công việc gì cũng cần phải cố gắng. Nhưng không phải thế. Khi trẻ em làm điều gì đó một cách tự nhiên sẽ rất say sưa, háo hức. Còn khi cố gắng, ra sức làm do bị cưỡng ép thì chúng không hào hứng, mất đi sự sáng tạo của trẻ, nhiều khi chúng làm như một cái máy đã được hướng dẫn, sắp đặt sẵn.
Người thầy quyết định đổi mới giáo dục
Năm học 2020 – 2021, ngành giáo dục đang thực hiện thay đổi chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Theo ông, từ kinh nghiệm trên 40 năm làm công nghệ giáo dục, sự thay đổi nên theo hướng nào?
- Có 3 lĩnh vực để thay đổi căn bản giáo dục, đó là khoa học, nghệ thuật và đạo đức. Mỗi lĩnh vực lại có nghiệp vụ sư phạm riêng. Tiếng Việt và Toán thuộc lĩnh vực khoa học, cốt lõi là khái niệm. Môn Tiếng Việt có 4 khái niệm, lớp 1: Chữ cái, ngữ âm; lớp 2: Từ và câu; lớp 3: Ngữ; lớp 4: Bài; lớp 5: Tổng hợp. Môn Toán có 4 khái niệm về số bao gồm: Số, số tự nhiên, số thập phân, phân số. Về phép Toán tiểu học có: Đếm, đo, cộng, nhân (trừ và chia là phép ngược của cộng và nhân).
Cô và trò trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa trong giờ học. Ảnh: Phạm Hùng.
Vì mỗi cá nhân học sinh là một thực thể khác nhau nên mỗi em lại có khả năng riêng. Chẳng hạn, khi xem một vở kịch, có em khóc rưng rức nhưng em khác thấy bình thường. Đó là cuộc sống của học sinh nên mình tôn trọng những cái khác của cá nhân và không lấy ai làm mẫu cho ai. Và, thầy không được lấy mình làm mẫu và càng không thể lấy học trò này làm chuẩn cho em khác. Đó chính là nghệ thuật.
Việc dạy đạo đức cho học sinh cũng được xử lý qua việc làm. Trước hết là cách cư xử của người lớn trong gia đình; người thầy trong lớp học, trường học phải chuẩn mực. Giáo dục đạo đức trong nhà trường thì thầy tôn trọng trò, trò kính trọng thầy, các bạn học sinh tôn trọng lẫn nhau.
Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của T.Ư thì yếu tố nào quan trọng nhất, thưa ông?
- Trước hết, tôi muốn khẳng định, nếu ngành giáo dục làm đúng như Nghị quyết 29 thì quá tuyệt vời, đất nước đi lên. Nhưng trong trường hợp mượn Nghị quyết 29 để vụ lợi thì hoàn toàn ngược lại.
Với 7 năm nghiên cứu công nghệ giáo dục, 40 năm thực hiện giảng dạy theo hướng này, tôi nhận thấy: Người thầy đóng vai trò quyết định trong đổi mới giáo dục. Nếu không có thầy hướng dẫn, trò không làm tốt, có sản phẩm. Thành bại trong giáo dục là do người thầy quyết định, học sinh là trung tâm. Chứ không phải như Bộ GD&ĐT lấy thi, kiểm tra, đánh giá là khâu quyết định để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Để giúp cho người thầy làm tốt vai trò của mình, mỗi cuốn SGK Toán và Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục của học trò, chúng tôi thiết kế một quyển sách dành cho giáo viên. Trong cuốn sách ấy, chúng tôi hướng dẫn cho giáo viên cách làm trong từng tiết học. Cụ thể, trong sách học sinh là sản phẩm giả định, nhưng khi các em làm ra là sản phẩm thật. Sách cho giáo viên sẽ hướng dẫn biến sản phẩm giả định thành sản phẩm thật. Với cách làm này, giáo viên vẫn có sự sáng tạo một cách linh hoạt.
Thưa GS, với việc Hội đồng thẩm định GSK lớp 1 không thông qua sách Toán và Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục, sau những ngày suy nghĩ, ông có dự tính điều chỉnh theo những góp ý của họ?
- Tôi đã trả lời với họ là sẽ không điều chỉnh gì. Hai bộ sách Toán và Tiếng Việt lớp 1 là sản phẩm công nghiệp đã tương đối hoàn chỉnh. Tôi đã mất 7 năm để thảo ra công nghệ giáo dục và hơn 40 năm dùng công nghệ giáo dục để dạy học trò. Từng năm qua tôi đã có sự điều chỉnh và cách đây 2 năm thì hoàn thiện bộ sách này.
Việc các thành viên Hội đồng thẩm định nhận xét sách của tôi thiếu sót, kiến thức vượt trình độ, nhận thức của học sinh đấy là theo cách hiểu của họ. Nếu họ nói “cao quá” nhưng trẻ con chấp nhận được, học tốt và phát triển tư duy tốt, sao gọi lại là cao?
Tôi muốn nói lại: Tôi đã hoàn thành công việc của mình. Bây giờ là việc của Bộ GD&ĐT, nhà trường phải xử lý hơn 900.000 học sinh đang học SGK lớp 1 công nghệ giáo dục sao cho thỏa đáng.
Xin cảm ơn GS!
Theo kinhtedothi
48 tỉnh dùng SGK của GS Hồ Ngọc Đại: Có mâu thuẫn với Hội đồng thẩm định?
Năm học 2018 - 2019, cả nước có 48 tỉnh triển khai dạy SGK tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại với 923.842 học sinh.
Đánh giá về hiệu quả của SGK tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục tại hội nghị Tổng kết năm học 2018 - 2019 của giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 tại một số cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008- 2009 đến năm học 2016- 2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT trong 3 năm học liên tiếp gần đây, từ 2016 đến 2019, cả nước có 48/63 tỉnh thành triển khai dạy SGK tiếng Việt 1 giáo dục công nghệ của GS. Hồ Ngọc Đại. Số trường, số học sinh học tăng lên hàng năm. Cụ thể, năm 2016 - 2017, có 6.651 trường với 678.800 học sinh; Năm 2017- 2018 có 7.511 trường với 771.777 học sinh; Năm học 2018 - 2019 có 8.198 trường với 923.842 học sinh.
48 địa phương triển khai dạy SGK tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục
Về kết quả học tập, Bộ GD&ĐT khẳng định, đa số học sinh nắm chắc cấu tạo ngữ âm Tiếng Việt nên đều đọc được và đọc tốt; nắm chắc các quy tắc chính tả, học đến đâu chắc đến đó, không bị nhầm lẫn khi viết chính tả; đặc biệt học sinh được rèn nền nếp học tập ngay từ những ngày đầu vào lớp 1;
Về kỹ năng: Học sinh thành thạo các thao tác; hiểu và thực hiện tương đối tốt các lệnh trong quá trình học; được tham gia tích cực vào các hoạt động học tập, học sinh có kĩ năng đọc và nghe - viết chính tả tốt;
Về thái độ: Học sinh hứng thú học, yêu thích môn học;
Về năng lực, phẩm chất: Học sinh chủ động, tự tin tham gia các hoạt động học tập; thông qua việc làm, các thao tác học, tự tìm ra và chiếm lĩnh tri thức, được phát huy khả năng tư duy và năng lực tối ưu của bản thân một cách nhẹ nhàng, hứng thú.Trong đó các địa phương được Bộ GD&ĐT đánh giá là đạt các thành tích nổi bất về quản lý, có nhiều sáng tạo, vận dụng linh hoạt trong công tác chuyên môn, khắc phục khó khăn đặc thù của địa phương và kết quả học tập cuối năm của HS rất đáng ghi nhận ... phần lớn là các tỉnh miền núi như: Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam.
Bên cạnh đó cũng có các địa phương vùng thuận lợi triển khai tốt như Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Ninh Bình, Huế, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau...
Đa số học sinh dân tộc thiểu số đạt yêu cầu chương trình
Trước đó, Ngày 6/12/2018, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ Khoa học và công nghệ cấp Bộ "Nghiên cứu đánh giá sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục và đề xuất các giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới", do PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Phương làm chủ nhiệm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, về chất lượng sách có một số ưu điểm như thể hiện sự thương yêu dành cho trẻ em qua cách đối xử của cha mẹ, thầy cô và những người khác; thể hiện tường minh yêu cầu về cấu trúc ngữ âm tiếng Việt và luật chính tả, chú trọng phát triển kĩ năng đọc thành tiếng và viết chính tả cho HS lớp 1;
HS được đọc toàn âm tiết không nhất thiết phải đánh vần, phù hợp với bản chất "chỉnh thể trọn vẹn" của âm tiết tiếng Việt; cách thiết kế sách hỗ trợ khá tốt hoạt động kiểm tra, đánh giá của giáo viên.
Bên cạnh đó còn hạn chế: chưa thể hiện rõ ràng việc phát triển các kĩ năng nói và nghe, năng lực sử dụng tiếng Việt trong văn hóa và đời sống; không dạy đọc hiểu nghĩa tường minh và "vượt quá mức" của CT về cấu trúc ngữ âm TV; hạn chế sự sáng tạo của giáo viên và tích cực hóa HS khi họ phải tuân thủ nghiêm nhặt qui trình 4 VIỆC LÀM của sách; chưa cập nhật những thành tựu về "dạy ngôn ngữ thông qua giao tiếp đọc, viết, nghe, nói" và xu thế phát triển công nghệ giáo dục trên thế giới.
Về hiệu quả sử dụng sách, kết quả nghiên cứu cho hay đa số học sinh đạt yêu cầu chương trình (khoảng 20% đạt kĩ năng cao, 75% nắm vững kiến thức âm, vần và quy tắc chính tả, 70% đạt yêu cầu đọc trơn, tốc độ 41 từ/ phút, 70% đạt yêu cầu viết, 55% đạt yêu cầu nghe, nói). Học sinh dân tộc thiểu số có thể phân tích được ngữ âm, nắm được cấu trúc vần; đọc nhanh, đúng và chắc chắn; nghe, viết đúng chính tả; mạnh dạn, tự tin.
Vậy dư luận băn khoăn đặt câu hỏi những đánh giá của Bộ GD&ĐT và kết quả nghiên cứu đề tài cấp bộ có mâu thuẫn với đánh giá của Hội đồng thẩm định chương trình SGK mới hay không khi 15/15 thành viên hội đồng thống nhất SGK tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại không đạt từ vòng đầu?
Theo Tiền phong
Muốn qua được ải thẩm định, sách giáo khoa mới cần phải đạt 13 tiêu chí Bản thảo sách giáo khoa được đánh giá "đạt" khi đáp ứng đầy đủ tiêu chí về nội dung, phương pháp giáo dục, cấu trúc, ngôn ngữ hay hình thức trình bày. Ngày 12/9, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới thông tin, Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục của Giáo sư...