Giáo sư Mỹ kể lại nỗ lực cứu hành khách bị hút khỏi máy bay nổ động cơ
Khi thấy Riordan bị hút khỏi máy bay, bà MacKey và bé gái ngồi cạnh đã ôm chặt lưng người gặp nạn, cố ra hiệu nhờ giúp đỡ.
Giáo sư Hollie Mackey trả lời phỏng vấn hôm 20/4. Ảnh: Oklahoman.
Ghế cạnh cửa sổ là chỗ ưa thích của Hollie Mackey, nữ giáo sư trường đại học Oklahoma, Mỹ. Tuy nhiên, chuyến bay 1380 từ New York tới Dallas của hãng Southwest Airlines dự kiến dài 4 tiếng đã khiến Mackey đổi ý, theo Newsok.
“Tôi luôn nghe người ta bảo chỗ cánh là vị trí an toàn nhất trên máy bay, vì thế tôi lúc nào cũng nghĩ mình sẽ ngồi ở đó”, bà Mackey kể lại hôm 20/4. Nhưng khi biết mình sẽ phải ngồi lâu, bà đã chọn ghế ngồi cạnh lối đi.
Khi chọn hàng ghế số 14 trên chuyến bay hôm 17/4, Mackey không nghĩ đó là vị trí nguy hiểm nhất. Ít phút sau khi máy bay cất cánh, một động cơ phát nổ làm vỡ cửa sổ, hút Jennifer Riordan, người ngồi cách MacKey một ghế ra khỏi máy bay.
Riordan lên máy bay sau MacKey, dừng lại ở dãy ghế 14 và tươi cười chào rồi hỏi liệu bà có thể lách vào để ngồi ghế cạnh cửa sổ không. Riordan vừa ngồi xuống thì một bé gái khoảng 9-12 tuổi cũng tiến vào, ngồi giữa hai người. Máy bay cất cánh, Riordan lấy sách ra đọc, cô bé kia chăm chú nhìn điện thoại, còn MacKey xem tài liệu trên iPad.
“Mọi việc đều bình thường”, nữ giáo sư nhớ lại. “Đó là một chuyến bay dài, thật dễ chịu khi có những bạn đồng hành như thế, dù không quen biết. Khi đó tôi đã nghĩ ‘Ồ, đây là một nhóm thật tuyệt’”.
Chuyện tiếp theo xảy ra khiến cả thế giới chấn động. Hai mươi phút sau khi cất cánh, áp suất trong khoang hành khách thay đổi đột ngột, mặt nạ oxy rơi xuống, lực đẩy không khí lập tức kéo nửa người Riordan ra ngoài.
Cửa sổ vỡ lập tức hút người Riordan ra ngoài. Ảnh: Twitter.
Video đang HOT
“Tôi quay sang, nhìn thấy Jennifer đang bị hút ra ngoài. Tôi đã hành động ngay lập tức”, MacKey nói. Bà bỏ mặt nạ oxy ra, vẫn giữ đai an toàn thắt chặt, vòng tay qua eo của Riordan, cố kéo lại nhưng không đủ sức.
Cửa sổ vỡ tạo ra tiếng rít ồn điếc tai trong khoang, không ai nghe thấy người khác nói gì, nhưng cả MacKey và cô bé đều cố giữ chặt Riordan đang được dây bảo hiểm níu lại. Do cách bố trí ghế ngồi trong máy bay, những hành khách khác không thể nhìn thấy chuyện đang diễn ra.
“Chúng tôi cố ra hiệu cho mọi người chạy xuống. Đã có lúc tiếp viên tới gần, tôi cứ tưởng cô ấy chạy lại giúp, nhưng lại quay sang giúp người khác”, MacKey kể.
Cố làm Riordan dễ chịu hơn và bảo vệ bé gái, bà MacKey đặt tay lên lưng Riordan và giữ cô bé, cố ngăn cái lạnh và lực hút từ cửa sổ. Một phụ nữ tiến đến, đặt tay lên lưng MacKey.
“Cảm giác có ai đó đặt tay lên lưng mình, tôi quay lại và nghĩ, mình chỉ có thể ở đó bên cạnh bé gái và Jennifer, thật khủng khiếp khi phải ở một mình”, bà nói.
Họ giữ tình trạng đó trong 10 phút. Tim McGinty, một công nhân xây dựng và Andrew Needham, một lính cứu hỏa, chạy tới kéo Riordan vào trong. Peggy Phillips, một y tá đã nghỉ hưu cùng các tiếp viên hàng không lập tức làm hô hấp nhân tạo cho nạn nhân.
“Tôi nghĩ ai chưa trải qua tình cảnh đó sẽ không thể nào thấu hiểu sự quan trọng của những người có mặt ở đấy, khi có người đang tuyệt vọng cần họ giúp đỡ, và họ không ngần ngại lao tới”, MacKey nói.
Diễn biến vụ hành khách bị hút khỏi máy bay nổ động cơ.
Bất chấp mọi nỗ lực, Riordan được kết luận đã tử vong gần như ngay lập tức vì chấn thương nặng ở đầu, cổ và vai, theo Sở y tế Philadelphia. Cơ trưởng Tammie Jo Shults hạ cánh khẩn cấp xuống Philadelphia, khen ngợi hành động của MacKey và những hành khách khác. Họ được đưa khỏi máy bay bằng xe buýt, đáp một chuyến bay khác tới Dallas vào tối hôm đó.
“Lúc đó tôi nghĩ rằng nếu mình không lên chuyến bay này, thì cả đời mình sẽ không đủ can đảm để bay tiếp”, nữ giáo sư nói về chuyến bay thứ hai trong ngày 17/4. “Một đồng nghiệp đi cùng còn sợ hãi hơn tôi. Đôi khi, ta phải làm điều mà bản thân không hề muốn, bởi ta phải làm gương cho người khác, để họ nghĩ rằng cũng đủ sức làm giống ta. Đó là tôn chỉ sống của tôi”.
Sau khi chờ nối chuyến ở Dallas, bà tiếp tục bay về thành phố Oklahoma lúc 22h30 hôm 17/4 trong sự hân hoan của chồng và đồng nghiệp Randy Garibay. Tâm sự với các con chuyện đã xảy ra, MacKey leo lên giường, nhìn điện thoại. Khi đó đã quá nửa đêm, hơn 13 tiếng sau khi cất cánh từ New York.
“Chẳng có cách nào để ta tự an ủi bản thân hay cảm thấy vui mừng cả. Chúng tôi cùng ở trong một không gian xa lạ, nghĩ rằng tại sao cả cái máy bay không rơi xuống? Tại sao cửa sổ cạnh dãy số 14 bị vỡ chứ không phải chỗ khác? Tại sao máy bay không nổ tung? Suy nghĩ theo hướng nào đó, Riordan đã cứu mạng chúng tôi, nhưng nó cũng không giải thích hết được số phận”, MacKey kết luận.
Chiếc Boeing 737 của hãng Southwest Airlines chở 144 hành khách và 5 thành viên tổ bay gặp sự cố khi đang bay ở độ cao 10.000 mét qua vùng trời New York hôm 17/4. Ngoài Riordan thiệt mạng, 7 người khác cũng bị thương.
Theo kết quả điều tra sơ bộ của Ủy ban An toàn Giao thông Mỹ, một trong 24 cánh quạt ở động cơ bên trái có thể bị gãy và gây ra phản ứng dây chuyền khiến động cơ phát nổ. Các mảnh kim loại bắn ra đã làm vỡ cửa sổ ở hàng ghế thứ 14 và hư hại vỏ máy bay.
Southwest Airlines đã bồi thường 5.000 USD cho mỗi hành khách trên chuyến bay. Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cũng đã yêu cầu kiểm tra khẩn cấp hàng trăm động cơ máy bay giống mẫu phi cơ gặp nạn.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Mỹ cảnh báo đường bay đáng lo ngại của tên lửa Triều Tiên
Dẫn thống kê của Cơ quan hàng không liên bang Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson cảnh báo các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đang đe dọa an toàn hàng không.
Vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên cuối tháng 11/2017 (Ảnh: Reuters)
Theo Bloombeg, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, các hành khách trên chuyến bay thương mại từ San Francisco đi Hong Kong đã tận mắt thấy tên lửa liên lục địa (ICBM) Triều Tiên phóng thử hôm 28/11.
"Theo thông tin từ Cơ quan hàng không liên bang Mỹ, chuyến bay San Francisco - Hong Kong khi đó chỉ cách điểm rơi của tên lửa khoảng hơn 400km. Thời điểm đó 9 chuyến bay khác cũng đang hoạt động ở khoảng cách tương tự", Ngoại trưởng Tillerson cho biết ngày 16/1 khi đang ở Vancouver (Canada) dự hội nghị về Triều Tiên.
"Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, trong ngày hôm đó có khoảng 716 chuyến bay hoạt động ở khoảng cách tương tự", ông Tillerson nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ không nêu cụ thể hành khách của hãng hàng không nào đã nhìn thấy tên lửa của Triều Tiên phóng hôm 28/11 cũng như liệu máy bay đó có thay đổi đường bay hay không.
"Quan điểm của tôi là Triều Tiên sẵn sàng phóng tên lửa bất cứ lúc nào và hàng ngày đe dọa đến công dân của bất cứ nước nào khi máy bay thương mại đi vào không phận khu vực", ông Tillerson cảnh báo.
Những bình luận trên được đưa ra khi ông Tillerson đang ở Vancouver dự hội nghị quốc tế với sự tham dự của 20 quốc gia để thảo luận về vấn đề Triều Tiên. Tại đây, ông Tillerson một lần nữa nhấn mạnh đến việc phải tăng cường trừng phạt để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình tên lửa, hạt nhân gây tranh cãi.
Triều Tiên hôm 28/11 phóng đi một tên lửa liên lục địa được đánh giá là "mạnh nhất từ trước đến nay". Tên lửa này đã bay khoảng 53 phút, đạt độ cao hơn 4.000km và bay xa gần 1.000km trước khi rơi xuống vùng biển cách bờ biển Nhật Bản chỉ khoảng 250km.
Hôm 4/12, đại diện hãng hàng không Cathay Pacific cũng xác nhận, phi hành đoàn trên chuyến bay CX893 từ San Francisco (Mỹ) đến Hong Kong hôm 28/11 đã phát hiện một vật thể lạ đang tái nhập khí quyển, được cho là tên lửa Triều Tiên "nổ tung và bắn ra thành nhiều mảnh".
"Mặc dù vật thể đó di chuyển cách máy bay một quãng khá xa, nhưng phi hành đoàn của chúng tôi vẫn báo cáo với cơ quan kiểm soát không lưu Nhật Bản theo quy định", phát ngôn viên của Cathay Pacific cho biết.
Minh Phương
Theo Dantri
Phi công máy bay Mỹ chết khi chuẩn bị hạ cánh Một cơ phó hãng American Airlines "mất hết khả năng" và được xác định đã chết sau khi phi cơ hạ cánh an toàn xuống một thành phố tại bang New Mexico. Cơ phó chết khi máy bay American Airlines đang chuẩn bị hạ cánh. Ảnh: AP Chuyến bay 1353 của American Airlines đang đi từ Dallas - Forthworth, bang Texas, tới Albuquerque,...