Giáo sư Mỹ chỉ ra tâm lý sính bằng ngoại của người Việt
GS Neal Koblitz (đến từ Trường ĐH Washington, Seattle, Mỹ) đã đưa ra một số quan điểm cũng như quan sát của mình về giáo dục Việt Nam và Mỹ tại buổi trò chuyện tại Viện Toán học ngày 25/12.
Những chia sẻ được nêu ra trong tổng thể bài giảng đại chúng Những thách thức trong giảng dạy toán học, từ bậc phổ thông đến bậc tiến sĩ của ông.
GS Neal Koblitz là một nhà Toán học nổi tiếng và hoạt động xã hội rất tích cực. Theo chỉ số thống kê, GS Neal Koblitz được trích dẫn hơn 16.500 lần – con số “khủng khiếp” đối với một nhà Toán học
“Sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ Toán về nước sẽ làm việc tại đâu?”
Đây là câu hỏi của GS Neal Koblitz khi bắt đầu buổi nói chuyện.
Theo ông, ở Việt Nam thì họ có thể có công ăn việc làm tại các trường ĐH, tại các cơ quan Nhà nước, công ty tư nhân, hoặc rời Việt Nam ra nước ngoài (thường gọi là lãng phí chất xám), hay cuối cùng thì họ có thể không làm Toán nữa mà tìm công việc khác.
“Mục đích của chúng ta ngày hôm nay là làm cho phương án 1 đến 3 khả thi, để việc lãng phí chất xám hay phải đi tìm một công việc khác không diễn ra”, vị giáo sư chia sẻ.
Từ đó, ông nêu quan điểm của mình về phương án 1 (làm việc tại các trường ĐH) và phương 3 (làm việc tại các công ty tư nhân).
Theo ông, điều này chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta mở rộng và nâng cao chất lượng các trường đại học (phát triển giáo dục đại học).
“Người Việt thường mong muốn con em mình được hưởng nền giáo dục hàng đầu, có công ăn việc làm ổn định và có bằng cấp danh giá. Tuy nhiên, hiện có nhiều đơn vị tự xưng là trường đại học nhưng thực chất không phải như vậy mà là các “đại học” vì lợi nhuận. Mục tiêu đầu tiên của họ không phải là làm giáo dục mà là làm kinh tế, chương trình họ đào tạo chỉ thích hợp với những nghề nghiệp mức thấp.
Chính vì lý do này, Việt Nam cần ưu tiên cho việc cải thiện cũng như nâng cấp chất lượng các trường đại học quốc gia và địa phương. Điều này sẽ đáp ứng được nhu cầu của người Việt, và giúp đảm bảo việc làm chất lượng cao cho nghiên cứu sinh nhận bằng tiến sỹ toán học thuần túy hay toán học ứng dụng” – ông bình luận.
“Tuy nhiên, những trường đại học như vậy ở Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia đang phát triển khác đáng buồn là có rất ít” – ông nói thêm.
Video đang HOT
Theo ông, điều này cũng khá chính xác với các công ty quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam. Các công ty đó phần lớn đang tập trung vào tiếp thị và sản xuất, rất ít các công ty có bộ phận nghiên cứu và phát triển. Vì vậy, theo GS Neal Koblitz, một câu hỏi lớn khác cho những thạc sĩ và tiến sỹ đang tìm việc là những công việc trình độ cao nào – nghĩa là công việc sử dụng kiến thức về toán mà họ được đào tạo – đang có trong công nghiệp?
“Trang web của Intel có một dòng chữ như sau: Trong TP.HCM sự có mặt của Intel bao gồm một cơ sở lắp ráp và một văn phòng bán hàng và tiếp thị. Nên tôi cảm thấy là dĩ nhiên ở đây không có chỗ cho người có bằng tiến sĩ” – ông nói.
Trong khi đó, tại Trung Quốc hay Ấn Độ và một số ít các quốc gia khác thì Intel có bộ phận nghiên cứu và phát triển. Do đó, Việt Nam cần gia nhập hàng ngũ các quốc gia có các công ty công nghệ cao thực hiện nghiên cứu.
“Việt Nam là quốc gia có trình độ dân trí cao hơn các quốc gia khác có cùng tốc độ phát triển về kinh tế. Điều này sẽ hấp dẫn các công ty công nghệ cao”.
GS Neal Koblitz cho rằng người Việt tự hào về những trường phổ thông và các đại học của mình, và trình độ cao về giáo dục đã được duy trì qua lịch sử, thậm chí qua thời kỳ khó khăn nhất của chiến tranh và nạn đói.
“Nhưng không phải tất cả mọi người có chung suy nghĩ này” – ông nhìn nhận.
GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học, theo dõi bài giảng. Ảnh: Thanh Hùng.
Bằng ngoại không phải lúc nào cũng “xịn”
Vị Giáo sư cũng chỉ ra một vấn đề khá lớn tại Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia đang phát triển khác, đó là tâm lý sính ngoại. “Suy nghĩ đó là tất cả những gì thuộc về chế độ, hoặc những quốc gia phương Tây khác, tốt hơn những gì mà quốc gia mình đang có”.
Ông dẫn các bình luận của các học giả nổi tiếng về vấn đề này: “Sau khi đạt được tự do về chính trị, những thuộc địa cũ sẽ phải thực hiện một cuộc đấu tranh dài và gian khó về tâm lý và trí tuệ. Họ phải vượt qua những sang chấn về tâm lý bởi nhiều năm bị áp bức bởi thế lực đế quốc. Ở các nước đang phát triển, người dân có xu hướng sùng bái tâng bốc những văn hóa, những đơn vị đào tạo của Mỹ hay các quốc gia châu Âu, và có xu hướng chê bai những trường và những viện của nước mình”.
GS Neal Koblitz đưa ra dẫn chứng: Rất nhiều người ở Ấn Độ, Trung Quốc tin rằng tấm bằng của Trường ĐH Alabama là danh giá và có giá trị hơn tấm bằng của Viện công nghệ Ấn Độ hoặc của Trường ĐH Thanh Hoa – là những cơ sở hàng đầu trên thế giới về chất lượng đào tạo đại học. Trong khi đó, Trường ĐH Alabama ở Mỹ chỉ nổi tiếng vì… đội bóng bầu dục của họ.
“HLV đội bóng bầu dục của họ nhận mưc lương rất cao, 11 triệu USD/năm. Một năm chi trả ngần đó cho HLV đội bóng thì tiền đâu chi trả cho học thuật, cho nghiên cứu?”.
GS Neal Koblitz cũng chỉ ra hai tác động tiêu cực từ việc coi trọng quá mức đối với bằng cấp nước ngoài. Thứ nhất là một người có trình độ thấp hơn lại được nhận việc thay vì những người trình độ cao hơn nhưng (chỉ) có bằng trong nước.
“Ở Việt Nam, một số người nghĩ rằng học tại Trường CĐ Cộng đồng Houston (chi nhánh tại Việt Nam) hay tại ĐH Fulbright tốt hơn tại ĐHQG Hà Nội. Sự ngớ ngẩn này là một ví dụ và nó có ảnh hưởng tiêu cực đối với các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia khác”.
Ảnh: Thanh Hùng
Và tác động tiêu cực thứ hai, theo ông, là “hầu hết các trường ĐH ở Mỹ, kể cả trường tôi, chấp nhận ngày càng nhiều sinh viên đến từ Trung Quốc. Trong số này có nhiều sinh viên xuất sắc, xuất sắc hơn rất nhiều sinh viên Mỹ, nhưng một số sinh viên kém vẫn được nhận học mặc dù khả năng tiếng Anh thấp. Thiên vị này là một dạng ưu tiên đối với những gia đình có điều kiện kinh tế tốt, có thể chi trả mức học cao. Điều này cũng có nghĩa là những người trẻ có công việc thu nhập cao vì gia đình họ giàu chứ không phải vì thực lực của họ”.
“Nhiều gia đình Trung Quốc có khả năng chi trả số tiền lớn, họ chi trả tiền cho sự danh giá của tấm bằng đại học của con cái. Điều gì sẽ xảy ra với những sinh viên này? Câu trả lời là sinh viên kém thường giao du, thậm chí gian lận để vượt qua thi cử.
Trong một số trường hợp, họ quay về nước, có công việc tốt vì các công ty tin rằng họ có bằng cấp được công nhận tại Mỹ, thành thạo tiếng Anh và có kinh nghiệm quốc tế. Tất cả điều này là sai. Các trường đại học Mỹ mở chi nhánh ở các quốc gia đang phát triển chủ yếu vì lý do tài chính. Họ thu được khoản lợi nhuận khổng lồ vì học phí cao. Họ bán thương hiệu và đang tạo điều kiện cho con các gia đình khá giả, dù có lực học không tốt, có cơ hội công việc tốt hơn”, vị giáo sư thẳng thắn nói.
Theo GS Neal Koblitz, giáo dục đại học Mỹ có 2 điểm tốt đó là: Hệ thống giáo dục được tổ chức phi tập trung (khi các trung tâm nghiên cứu hàng đầu được phân bổ ở nhiều vùng và thành phố), và giảng dạy tích hợp rất tốt với nghiên cứu (hầu hết các nhà toán học hàng đầu của Mỹ làm việc tại các trường đại học, dạy sinh viên và hướng dẫn nghiên cứu sinh).
Trong một số trường hợp, ông phản đối quan điểm Việt Nam nên bắt chước hệ thống giáo dục của Mỹ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát triển toán học, ông cho rằng có 2 bài học tích cực mà Việt Nam có thể học hỏi.
“Đầu tiên là cải thiện mở rộng các trường đại học khu vực. Những nhà toán học nên trực tiếp giảng dạy các cử nhân, những sinh viên đã tốt nghiệp (nhưng không quá nhiều và đảm bảo cho việc nghiên cứu). Việc các nhà nghiên cứu hoạt động hay làm việc tại các trường đại học giúp tăng thứ hạng cho trường, và điều này có ảnh hưởng trực tiếp tới thế hệ toán học sau này. Ngoài ra, nếu giảng dạy không quá nặng nề thì cũng kích thích sự đam mê nghiên cứu của họ”.
Thanh Hùng
Theo vietnamnet
3 sự kiện nổi bật chứng minh những tín hiệu đáng mừng của nền Giáo dục Việt 2018
Cùng nhìn lại những điểm sáng ấn tượng về giáo dục Việt Nam trong năm vừa qua.
Thành tích tại Olympic khu vực và quốc tế
Theo thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo, toàn bộ 38 lượt học sinh thuộc 7 đội tuyển dự thi Olympic đều đạt huy chương trong đó có 18 huy chương vàng, 14 huy chương bạc và 11 huy chương đồng. Đặc biệt, tại Olympic Toán và Khoa học Quốc tế, lần đầu tiên học sinh Việt Nam giành 8 Huy chương vàng.
Có thể nói, 2018 là năm đoàn học sinh Việt Nam đạt được thành tích cao tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế so với các năm trước đây.
Thành tích của học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế những năm gần đây thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ ở các môn môn khoa học tự nhiên khác như Hóa học, Vật lí, Sinh học. Học sinh Việt Nam đạt 4 Huy chương vàng Olympic Vật lí Châu Á Thái Bình Dương, xếp thứ 3 Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Dương.
Tại kỳ thi Olympic Sinh học, năm qua, đội tuyển Việt Nam dẫn đầu về thành tích với cả 4 học sinh đều đạt huy chương. Đặc biệt, em Nguyễn Phương Thảo giành huy chương vàng, đồng thời là thí sinh có điểm cao nhất trong số 261 học sinh dự thi.
Triết lý giáo dục hướng tới sự tự do
Có một điều ngẫu nhiên, từ khóa "triết lý giáo dục" lại xuất hiện trong các thảo luận khi mổ xẻ các vụ việc bạo hành, hay tranh luận tại diễn đàn sửa luật. Ngày 15/11, phát biểu tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân nói rằng: "Một nền giáo dục thiếu triết lý cũng như thiếu ngọn hải đăng dẫn đường. Đời người chỉ có một quãng thời gian ngắn ngủi ngồi trên ghế nhà trường. Do đó, những gì là tinh hoa của nhân loại, dân tộc và thời đại cần được chắt lọc để hướng dẫn thế hệ trẻ. Quốc hội đã quyết tâm cho một lần sửa đổi toàn diện thì cần thêm một lần mạnh dạn tư duy cho một nền giáo dục thỏa mãn tư duy, nhu cầu và điều kiện của cuộc cách mạng lần này".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi hồi đáp các ý kiến của đại biểu Quốc cho biết đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu ở đề tài cấp quốc gia và nghiên cứu thật sự cẩn thận để tạo sự thống nhất cao về triết lý giáo dục trong mục tiêu và nguyên lý giáo dục để có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục tới đây.
Ngày 7/12, khi phân tích về hiện tượng bao hành, TS Tâm lý học Lê Nguyên Phương chỉ ra vòng luẩn quẩn sợ lẫn nhau: Học sinh sợ giáo viên, giáo viên sợ hiệu trưởng, hiệu trưởng sợ quan chức giáo dục... . Để chấm dứt sự sợ hãi, cần thay đổi nhận thức về bản chất của con người và giáo dục. Điều đó đòi hỏi mỗi người có liên quan tới giáo dục phải nhận diện được ý nghĩa của việc làm người trong mối quan hệ với thiên nhiên, xã hội, và với chính mình. Đây là những vấn đề mang tính triết lý giáo dục, không ai có thể trốn tránh trách nhiệm suy ngẫm bằng cách để cho chính quyền hay một định chế giáo dục nào đó suy nghĩ giùm.
Không hẹn mà gặp, nhiều ý kiến về triết lý giáo dục thảo luận sôi nổi vào dịp cuối năm dù tiếp cận ở các góc độ khác nhau đều hướng tới khát vọng tự do. Nói như TS Lê Nguyên Phương: "Chỉ có những con người tự do mới giáo dục được một thế hệ tự do đứng ra gánh vác việc bảo vệ quốc gia và xây dựng xã hội. Việc này đòi hỏi việc thay đổi hệ thống lẫn sự chuyển hóa ở mỗi cá nhân".
Sinh viên ra trường có việc làm tăng
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm được cải thiện. Kết quả khảo sát độc lập về việc làm thông qua phỏng vấn trực tiếp 25.000 sinh viên tốt nghiệp sau 12 tháng của 50 trường đại học ở cả ba miền do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trung bình là 84% (chưa tính số người đi học tiếp), nhiều trường đạt từ 85 - 97%.
Theo saostar
Giáo dục bằng cách tát học sinh: 'Phải chăng giáo dục Việt Nam là phải bạo lực?' 2 vụ việc ép trẻ tát bạn thời gian vừa qua đã cho thấy hiện trạng vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em diễn ra khá phổ biến trong giáo dục Việt Nam TS.Vũ Thu Hương cho biết: "ép trẻ tát bạn cho thấy hiện trạng vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em diễn ra khá phổ biến trong giáo dục Việt Nam"...