Giáo sư Hoàng Tụy “Xin được nói thẳng” những trăn trở về khoa học – giáo dục
Hơn 50 bài viết của Giáo sư Toán học Hoàng Tụy từng đăng trên tạp chí Tia sáng được tổng hợp và chỉnh lý thành cuốn sách mang tựa đề “Xin được nói thẳng”. Cuốn sách được ra mắt bạn đọc vào chiều ngày 16/6 tại Hà Nội do Tạp chí Tia sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ) và công ty Alphabooks tổ chức.
GS. Hoàng Tụy là một trong hai người tiên phong trong việc xây dựng ngành Toán học Việt Nam và được coi là cha đẻ của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục (Global Optimization). Không chỉ là một nhà Toán học tiêu biểu của Việt Nam, ông còn có nhiều đóng góp cho công cuộc chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Cuốn sách “Xin được nói thẳng” là tập hợp các bài viết của tác giả trong 20 năm qua.
Trong sách, có đoạn ông viết: “Trong cuộc chiến để dành chỗ xứng đáng với tầm vóc dân tộc, trong một thế giới nhiều biến động, chỉ có một chiến dịch khả dĩ thành công, đó là dựa vào trí tuệ và tài năng để khắc phục những yếu kém khác. Như vậy, lẽ sống còn của dân tộc kêu gọi ta hãy chăm lo đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nhân tài”. Đó cũng chính là những trăn trở của giáo sư đầu ngành Toán học trong suốt hơn 70 năm qua với tấm lòng tha thiết muốn đóng góp những điều tốt đẹp nhất cho nền khoa học-giáo dục Việt Nam.
Bởi vậy mà trong suốt những năm ấy, theo chiều dài lịch sử, GS. Hoàng Tụy thường xuyên tranh luận, lên tiếng trên các diễn đàn để thẳng thắn chỉ ra những điều bất cập, lệch lạc, gây trở ngại cho sự tiến bộ của khoa học, giáo dục, cũng như sự nghiệp phát triển đất nước.
Chia sẻ tại sự kiện, GS. Hà Huy Khoái – người từng có nhiều năm gắn bó với GS. Hoàng Tụy đã nói: “Sẽ không thể thấy hết lòng thiết tha với sự nghiệp giáo dục nếu chỉ đọc các bài viết của ông mà phải trực tiếp nghe ông nói. Người ta có thể đồng ý hay không đồng ý với những quan điểm nào đó của ông nhưng không ai không cảm động trước sự nhiệt tình của Giáo sư bởi ông như đang giãi bày tâm sự sâu nặng của chính mình. Và dường như trong từng lời nói ấy có cả sự day dứt của một con người khi chưa hoàn thành được ước nguyện nào đó của cuộc đời mình”.
GS. Hà Huy Khoái – cựu Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học các nước thế giới thứ ba.
Video đang HOT
Bằng sự hiểu biết sâu rộng về khoa học – giáo dục trong và ngoài nước, cùng với những kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy và quản lý trực tiếp, GS. Hoàng Tụy không chỉ đưa ra nhận xét về tình hình thực tế tại từng thời điểm mà còn nêu các giải pháp một cách cụ thể và chi tiết mà ông cho là phù hợp và khả dĩ với Việt Nam trong các tác phẩm của mình.
Từ những năm 90, những bài viết về giáo dục của thầy Tụy thường đề cập đến các vấn đề trong thi cử, dạy thêm – học thêm hay cải cách giáo dục… Và những điều mà Giáo sư chỉ ra chính là những vấn đề vẫn đang còn tồn đọng cho đến ngày nay.
Các giáo sư từng là đồng nghiệp và học trò của GS. Hoàng Tụy nhìn nhận, giữa những tiếng nói của các nhà trí thức, tiếng nói của thầy Tụy luôn nổi bật không chỉ vì danh tiếng cá nhân của ông. Tiếng nói ấy một mặt là sự kế thừa từ tinh thần các nhà sĩ phu yêu nước. Đặc biệt tiếng nói ấy không chỉ được can đảm cất lên từ rất sớm, mà còn giữ được sự tỉnh táo, trí tuệ, khách quan và chuẩn mực của một nhà khoa học.
Mặc dù nhiều những đề xuất của ông chưa được “lắng nghe” nhưng nó đã đặt nền móng cho suy nghĩ của các thế hệ kế tiếp bởi những giá trị thường hằng của chúng. Hay nói như TS. Khuất Thu Hồng: “Những hạt mầm mà ông đã dày công gieo trồng ấy vẫn đang ngày một phát triển và có sức sống mãnh liệt cho đến ngày nay”.
Khi nói về người bạn đã từng có nhiều năm làm việc gắn bó với mình, GS. Pierre Darriulat (nhà khoa học Pháp) cảm động chia sẻ: “Cho đến khi tuổi già sức yếu nhưng những lo lắng của ông không phải về bản thân mình mà hầu hết là vì vận mệnh tương lai của đất nước”.
GS. Pierre Darriulat – Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1986, Nguyên giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN).
Hay như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ: “Suốt đời ông đã cống hiến rất nhiều cho giáo dục, đặc biệt là toán học nhưng ngay cả trong các lĩnh vực khác thì Giáo sư vẫn luôn đặt sự quan tâm, tình yêu đối với đất nước và trách nhiệm với xã hội vào trong suy nghĩ của mình. Giáo sư luôn căn dặn chúng tôi, đã là người trí thức, đã là người muốn đóng góp cho đất nước thì phải có tinh thần dấn thân ở bất cứ vị trí nào, cống hiến tối đa cho sự phát triển của Việt Nam”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, phát biểu tại sự kiện.
GS. Hoàng Tụy đã viết hơn 100 công trình trên các tạp chí quốc tế. Ông đã được tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự và được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt đầu tiên. Tưởng thế cũng đã là đủ cho một cuộc đời, một sự nghiệp. Nhưng không, với ông thì đóng góp bao nhiêu cho khoa học, cho đất nước vẫn là chưa đủ. Mái đầu ông bạc sớm ngay từ tuổi ba mươi, nhưng tấm lòng và nhiệt tình của ông với đất nước, với khoa học và giáo dục thì vẫn còn trẻ mãi.
Ông chính là một minh chứng sống động cho thấy dân tộc ta, bất chấp biết bao khó khăn do nghịch cảnh chiến tranh, đói nghèo, lạc hậu, vẫn sản sinh ra những con người có đủ khát vọng, tài năng và phẩm chất cần thiết để cống hiến những thành tựu đáng kể cho nền tri thức nhân loại.
Hồng Nhung
Theo Dân trí
Ra mắt cuốn sách "Xin được nói thẳng" của GS Hoàng Tụy
Chiều ngày 17/6/2019 tại Hà Nội, Tạp chí Tia sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Công ty Alphabooks đã tổ chức ra mắt cuốn sách "Xin được nói thẳng" của GS Hoàng Tụy. Cuốn sách tập hợp hơn 50 bài viết của GS Hoàng Tụy đã đăng trên Tạp chí Tia Sáng.
Cuốn sách là tập hợp các bài viết của tác giả trong 20 năm qua
Cuốn sách này là sự tổng hợp và chỉnh lý từ những bài viết của GS. Hoàng Tụy đã đăng trên Tạp chí Tia Sáng (nay là ấn phẩm Tia Sáng của báo Khoa học và Phát triển) trong suốt hơn 20 năm qua, kèm theo đó là ý kiến thể hiện tình cảm và sự đánh giá từ các nhà trí thức, bạn bè thân thiết dành cho ông. Từ đó độc giả có thể nhìn xuyên suốt cả quá trình phát triển của nền khoa học - giáo dục trong nước, thấy được những thay đổi cũng như tồn đọng trong các chính sách và việc thực hiện chúng ở nước ta.
Giáo sư Hoàng Tụy sinh năm 1927 tại Quảng Ngãi và là cháu trực hệ của cố Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu. Các anh em ông có bảy người đỗ đạt thì 5 người làm giáo sư đại học như Hoàng Phê (ngôn ngữ học), Hoàng Quý (vật lý), Hoàng Kiệt (mỹ thuật), Hoàng Tụy và Hoàng Chúng (toán học)...
Trong cuốn sách, bằng hiểu biết về ngành khoa học và giáo dục trong và ngoài nước, kinh nghiệm trong nghiên cứu, giảng dạy và quản lý trực tiếp, cùng tấm lòng tha thiết muốn điều tốt đẹp nhất cho nền khoa học-giáo dục Việt Nam, đã không ngừng đóng góp ý kiến về các vấn đề này. Không chỉ đưa ra nhận xét về tình hình thực tế tại từng thời điểm, Giáo sư còn nêu các giải pháp một cách cụ thể và chi tiết mà ông cho là phù hợp và khả dĩ với Việt Nam.
Các ý kiến phát biểu tại buổi ra mắt cuốn sách của GS Hoàng Tụy
Dù ngày nay, thời cuộc thay đổi, khi những tiếng nói phản biện trở nên phổ biến và mạnh mẽ hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các mạng xã hội, nội dung cuốn sách "Xin được nói thẳng", bao gồm các bài viết của giáo sư Hoàng Tụy trên tạp chí Tia Sáng trong gần 20 năm qua, vẫn luôn đáng được quan tâm bởi giá trị thường hằng của chúng. Đặc biệt, cuốn sách cũng đáng được tham khảo đối với các nhà hoạch định chính sách muốn tìm giải pháp cho một số vấn đề cốt lõi vẫn tồn tại.
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách các giáo sư từng là đồng nghiệp và học trò của GS Hoàng Tụy nhìn nhận, trong suốt mấy chục năm, theo chiều dài lịch sử, với mong muốn góp phần xây dựng một nền học thuật và giáo dục tiên tiến, giáo sư Hoàng Tụy thường xuyên tranh luận, lên tiếng trên các diễn đàn để thẳng thắn chỉ ra những bất cập, lệch lạc, gây trở ngại cho sự tiến bộ của khoa học, giáo dục, cũng như sự nghiệp phát triển đất nước nói chung. Giữa những tiếng nói của các nhà trí thức, tiếng nói của giáo sư Hoàng Tụy luôn nổi bật không chỉ vì danh tiếng cá nhân của ông mà còn vì tiếng nói ấy được can đảm cất lên từ rất sớm, mà còn giữ được sự tỉnh táo, trí tuệ, khách quan và chuẩn mực của một nhà khoa học.
Quang Lộc
Theo congthuong
Ngôi trường độc đáo ở Ấn Độ: Thu học phí bằng chai nhựa, túi nilong Khác với những ngôi trường khác, tại đây thay vì nộp học phí, học sinh chỉ cần 'nộp' túi nilông, chai nhựa mà thôi. Sự khác biệt này dần thay đổi thói quen của cư dân tại khu vực này. Tại Ấn Độ, bang Asssam, học sinh ở trường Akshar chẳng phải lo lắng về vấn đề học phí khi đến trường, vì...