Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói về việc triển khai dạy sách giáo khoa lớp 1: “Cơ bản là để chia… tiền”
(GDVN) – Đã đến lúc Bộ Giáo dục cần chính thức làm rõ phát biểu của thầy Hồ Ngọc Đại về việc Bộ trưởng, Thứ trưởng giúp ông “lách luật”, chương trình mới chỉ làm tiền.
Trước những ồn ào của dư luận về cách đánh vần theo Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, ngày 28/8 Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng chia sẻ với kênh VTC14 về vấn đề này.
Nội dung thầy Hồ Ngọc Đại nói về cách đánh vần theo Công nghệ giáo dục và sự khác biệt với cách đánh vần tiếng Việt lâu nay khá dài, thời lượng phát sóng hơn 2 phút không lột tả hết;
Chính vì vậy nên nhà báo của VTC14 đã tải toàn bộ video phỏng vấn lên tài khoản mạng xã hội Facebook của mình. Đoạn video này đã và đang được người xem chia sẻ rộng rãi.
Ảnh chụp màn hình đoạn video nhà báo kênh VTC14 phỏng vấn Giáo sư Hồ Ngọc Đại ngày 28/8/2018 đang được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn này, thầy Hồ Ngọc Đại đã có những giải thích khá dễ hiểu về cách đánh vần theo Công nghệ giáo dục, cũng như sự khác biệt với cách đánh vần truyền thống.
Bên cạnh đó, điều khiến chúng tôi còn đặc biệt quan tâm là những đánh giá và bình luận của thầy về chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền”
Chúng tôi xin được ghi lại những trao đổi giữa nhà báo của VTC14 với Giáo sư Hồ Ngọc Đại trong đoạn cuối của video phỏng vấn thầy Đại, về chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo để hầu bạn đọc:
Phóng viên: “Từ năm 2019-2020, tức năm học sau đấy, sách giáo khoa mới của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đưa vào…”
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Không hơn gì cái cũ đâu. Nó chỉ chia nhau tiền, để nó làm tiền, không hơn gì hết. Bản chất nó vẫn thế.
Phóng viên: “Mà lúc đó lại có nhiều bộ sách giáo khoa cho học sinh, cho giáo viên, cho phụ huynh lựa chọn thì nó sẽ rối rắm như thế nào ạ?”
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: “Cái này rối rắm, việc vớ vẩn thôi. Tức là tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền, thế thôi. Cô có biết cái số tiền nó bỏ ra bao nhiêu không? Cô tưởng tượng 1 con số 7 và 13 con số 0.” [1]
“1 con số 7 và 13 con số 0″, theo cá nhân người viết, dường như thầy Hồ Ngọc Đại muốn nhắc đến đề án Đổi mới Chương trình – sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015.
Đề án này dư luận gọi vắn tắt là “đề án 70 nghìn tỷ”, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra năm 2011 với vài chục trang giấy và khái toán 70 nghìn tỷ đồng từng làm rúng động xã hội một thời.
Đáng chú ý, đề án này được xây dựng dưới thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, bắt đầu từ ngay khi vừa triển khai xong cuốn sách giáo khoa cuối cùng của lớp 12, Chương trình 2000.
Nó kéo dài cho đến tận bây giờ với nhiều lần biến động về con số, từ 70 nghìn tỷ đồng năm 2011 xuống 34 nghìn tỷ đồng tháng Tư 2014, xuống 462 tỷ đồng tháng Mười 2014 và hiện nay đang triển khai với 80 triệu USD.
Thầy Hồ Ngọc Đại phê phán đội ngũ làm Chương trình 2000, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đồng tình hưởng ứng
Trong chương trình Đối thoại chính sách vào khoảng thời gian vừa bắt đầu năm học mới 2011-2012 giữa nhà báo Quang Minh của VTV với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đề án 70 nghìn tỷ đồng đã được nhắc đến.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và nhà báo Quang Minh trong một chương trình Đối thoại và chính sách năm 2011, ảnh chụp màn hình.
Thầy Hồ Ngọc Đại khi đó bình luận:
“Khẩu hiệu tôi đưa ra năm 1978 là: “Đi học là hạnh phúc”, “mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”.
Sau 2015 Bộ lại có một đợt cải tổ chương trình sách giáo khoa. Vấn đề cải cách sách giáo khoa là buộc phải làm thôi. Vấn đề là ai làm?
Video đang HOT
Tôi thì tôi không tin cái bộ phận hiện nay làm có thể thành công được.
Những người mà từng làm dự án ấy, họ mà tiếp tục làm thì không thể thành công được. Vì mỗi một người cái trình độ tư duy chỉ có thế thôi.
Một cái tổ chức, trình độ tư duy của nó chỉ có thế thôi.
Anh không thể khác được. Không thể ra tư duy mới được. Nhất là những người đã định hình rồi.
Nghe danh hiệu thì ghê gớm lắm, nhưng mà không biết gì đâu. Giáo sư gì, Phó giáo sư gì, Tiến sĩ, Phó tiến sĩ. Tư duy cũ lắm.
Với cái lớp ấy mà nó hạn chế thì đất nước này nguy hiểm lắm. Cho nên tôi tin rằng Bộ trưởng mới sẽ có cách xử lý mới. Tôi tin là như thế.
Bởi vì không thể dựa vào cái lực lượng như thế được.”
Khi đó Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đáp lời thầy Hồ Ngọc Đại rằng:
“Điều ấy là khẳng định rồi.
Hiện nay như tôi nói ban đầu là cái đề án này, cái phần hồn của việc đổi mới chưa có. Ở đây nó mới chỉ là cái khung thời gian triển khai những cái loại công việc.
Ví dụ đến ngày này hội đồng phải họp, nhưng họp bàn cái gì, quyết định cái điều gì, ai ngồi dự họp ở đấy thì chưa có. Mà quan trọng cái khó nó ở cái phần hồn ấy.” [2]
Không biết hậu trường cuộc đối thoại chính sách này, thầy Hồ Ngọc Đại có góp ý gì cho Giáo sư Phạm Vũ Luận về “nguy cơ chia tiền” của đề án “1 con số 7 và 13 con số 0″ khi chỉ có mấy dòng về khung thời gian, hay không;
Còn trên chương trình phát sóng chính thức của VTV không thấy thầy Đại nhắc đến 70 nghìn tỷ đồng.
Chúng tôi cũng chưa tìm thấy bất kỳ ý kiến nào thầy Đại công khai trên truyền thông, tham mưu cho Giáo sư Phạm Vũ Luận và Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển về “nguy cơ chia tiền” trong đề án rất sơ sài mà 2 ông chịu trách nhiệm chính.
Ngợi ca Bộ trưởng, Thứ trưởng biết “lách luật”
Khoảng gần 1 năm sau đó, ngày 21/5/2012 tham dự bàn tròn trực tuyến “Những vấn đề giáo dục sau sự kiện đạp đổ cổng trường” do Báo VietnamNet tổ chức, thầy Hồ Ngọc Đại ca ngợi Giáo sư Phạm Vũ Luận và Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển:
“Năm vừa rồi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ra quyết định chính thức đưa phương án của công nghệ giáo dục về địa phương. Nhưng vì Quốc hội ra Nghị quyết số 40 chỉ có một bộ sách toàn quốc nên buộc phải dùng từ “thí điểm”.
Nhưng mà “thí điểm” hiện nay có 16 tỉnh và có 50.000 học sinh… Chỉ cần nếu làm thí điểm thì chỉ cần 1.000 là đáng tin cậy.
Giải pháp đưa ra là giải pháp, khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo thì xuống chủ tịch ủy ban nhân dân quận ra quyết định, ủy ban nhân dân huyện ra quyết định nên làm việc ngon hẳn. Rất ngon!
Tôi chưa bao giờ làm việc thuận lợi như năm vừa rồi. Trước đây làm gì thì chỉ làm với anh Hiển thôi, anh Thành thôi. Anh Hiển là Thứ trưởng, anh Thành là Vụ trưởng, các anh ấy cho phép làm, cùng hỗ trợ.
Trong 3-4 năm nay, khi chỉ có thứ trưởng và vụ trưởng làm, nói chung cũng vất vả, phải thuyết phục. Nhưng khi Bộ trưởng có quyết định thì tình hình khác hẳn.
Tôi thấy khi thực sự chính quyền vào cuộc thì tình hình rất dễ. Mà cũng may, hai anh là anh Hiển và anh Luận phụ trách là hai người thực bụng muốn làm giáo dục, không sợ, không ngại thủ tục và chấp nhận danh từ “thí điểm” để lách luật.
Khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dám ra quyết định chính thức bằng văn bản, tôi thấy tình hình khác rồi.
Nhân chuyện ấy tôi nói, chúng ta không nên nhận, kể cả anh Tiến, anh Thành, anh Luận… không phải là tác giả của “chương trình 2000″. Chương trình này đã triển khai đã mười mấy năm nay.
Những người đó là một bộ phận hoàn toàn khác. Còn các anh là những người chịu một việc đã rồi.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, ảnh: Báo VietnamNet.
Vấn đề này, phải bàn lại công việc trước đó nữa, cần nói đến nguồn gốc sâu xa nữa. Vụ Tiểu học thực bụng muốn làm. Anh Hiển, anh Luận thực bụng muốn làm.
Nhưng cả một hệ thống từ xưa đến nay… Chuyện này, chuyện khác là hậu quả của “Chương trình năm 2000.
Nên nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm Chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì.” [3]
Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ im lặng mãi, dân biết tin vào đâu?
Chúng tôi không thấy thầy Hồ Ngọc Đại nhắc gì đến tác giả của đề án “một con số 7 và 13 con số 0″ trong bình luận mới nhất ngày 28/8/2018 với VTC14.
Cho đến nay, chúng tôi mới ghi nhận được sự ca ngợi thày Đại đã dành cho Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển là hai người “thực bụng muốn làm giáo dục, không sợ, không ngại thủ tục và chấp nhận danh từ “thí điểm” để lách luật.
Chúng tôi càng bất ngờ hơn khi Giáo sư Phạm Vũ Luận lúc còn đương chức Bộ trưởng cũng như toàn bộ ban lãnh đạo, đội ngũ tham mưu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã im lặng.
Cá nhân Bộ trưởng Luận cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không có bất kỳ ý kiến nào về phát biểu của thầy Hồ Ngọc Đại trên Báo Nhân Dân, Báo VietnamNet rằng thầy Luận, thầy Hiển giúp thầy Đại lách luật.
Trong khi thông tin này thực sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Bộ trưởng, Thứ trưởng lẫn Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu Bộ trưởng, Thứ trưởng Giáo dục mà còn “lách luật” thì làm sao dạy học sinh sống, làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật?
Thượng bất chính, hạ tắc loạn, đó là lời dạy thống thiết của cha ông.
Câu chuyện hấp dẫn về việc Giáo sư Phạm Vũ Luận bỏ 50 triệu đồng tiền túi thuê luật sư tư vấn cho mình chuyện “lách luật” được thầy Đại kể trên Báo Nhân Dân;
Việc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giấu gia đình vợ con và cơ quan đi Lào Cai để thực mục sở thị việc dạy và học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục rồi về mới nhân rộng, được thầy Hồ Ngọc Đại kể trên truyền hình Thông tấn xã Việt Nam. [4]
Đây là những bình luận công khai trên truyền thông chính thống, không phải những câu chuyện trà dư tửu hậu;
Ấy thế mà thầy Luận, thầy Hiển và cả Bộ Giáo dục và Đào tạo đều không có ý kiến gì về một việc nghiêm trọng như thế, đúng là kỳ lạ.
Nay thầy Hồ Ngọc Đại nói chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai chỉ là “làm tiền”, “tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền, thế thôi”, vậy thì dư luận có quyền đặt câu hỏi:
Chương trình sách giáo khoa mới có chuyện chia tiền như thầy Hồ Ngọc Đại nói không? Nếu có thì ai chia, chia cho ai, chia bao nhiêu, chia như thế nào?
Dù đi vay, đó vẫn là tiền ngân sách và sẽ phải trả bằng tiền thuế của Dân, nên Dân có quyền được biết việc ấy.
Nếu cho rằng đây chỉ là quan điểm cá nhân của Giáo sư Hồ Ngọc Đại nên Bộ Giáo dục và Đào tạo không bình luận, thì bộ sách công nghệ giáo dục của thầy Đại tới đây ai sẽ thẩm định, để thành sách giáo khoa của chương trình mới?
Điều quan trọng là Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đang được dạy cho hơn 800 ngàn học sinh trên cả nước, thì dư luận không thể xem nhẹ những đánh giá của Giáo sư Hồ Ngọc Đại về chương trình sách giáo khoa của Bộ, như là chuyện cá nhân.
Tất nhiên, Giáo sư Phạm Vũ Luận đã về trường dạy học, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển cũng đã vui cảnh điền viên thì 2 tác giả của đề án “1 con số 7 và 13 con số 0″ có lẽ khó có thể nằm trong danh sách, nếu có.
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có quan điểm chính thức về vấn đề thầy Hồ Ngọc Đại đã nêu, gồm 2 chuyện “lách luật” triển khai đại trà Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, và bình luận “tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền”, để dư luận đỡ hoang mang.
Nguồn:
[1]https://www.facebook.com/tuyetnhung.nguyen.31/videos/10204925435972047/UzpfSTgyNjU4NjM4OToxMDE1NjUyMDg1NTUxNjM5MA/
[2]https://www.youtube.com/watch?v=5×1vTk3L1Fs
[3]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/truong-thuc-nghiem-mot-bi-mat-khong-ai-biet-73075.html
[4]https://www.youtube.com/watch?v=9U3yqMZhb3g
Theo Hong.vn
800.000 phụ huynh phải bỏ ra số tiền gấp 10 để mua sách công nghệ giáo dục, không muốn học cũng phải mua!
Chỉ riêng 800.000 học sinh đang được dạy thí điểm tài liệu 'Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục', tiền mua sách qua một công ty của NXB Giáo dục Việt Nam đã lên đến 272 tỉ đồng.
Tại sao tài liệu "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" bị cho là có nội dung thiếu chuẩn mực đối với học sinh (HS) lớp 1 lại được thí điểm ở 49 tỉnh, thành với trên 800.000 HS? Chuyên gia nào đã tham gia hội đồng quốc gia thẩm định để bộ sách này tiếp tục được triển khai và mở rộng?... Đó là những câu hỏi mà dư luận và phụ huynh HS đưa ra, cần có câu trả lời cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Bộ GD-ĐT ngợi ca!
Theo danh sách Hội đồng Quốc gia thẩm định tài liệu "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" được Bộ GD-ĐT thành lập, có 13 thành viên là chuyên gia đến từ các trường đào tạo sư phạm, viện ngôn ngữ, đại diện các trường tiểu học và NXB Giáo dục Việt Nam.
Trước nhiều ý kiến lo lắng của phụ huynh, PGS Bùi Mạnh Hùng - chủ tịch hội đồng, hiện là điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông mới - giải thích tài liệu "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" không phải là một chương trình riêng mà chỉ là tài liệu dạy học do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên. Dạy học theo tài liệu này là một trong những phương án dạy học tiếng Việt cho HS tiểu học, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng có nhiều HS dân tộc và đến nay đã có nhiều địa phương tự nguyện áp dụng. Theo PGS Hùng, tài liệu này đã giúp HS phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng), người đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc đưa chương trình Công nghệ giáo dục vào trường học, từng chia sẻ với báo chí rằng trong kết quả đánh giá tài liệu "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" gửi tới bà, ông Nhạ cho rằng tài liệu thể hiện rõ nhiệt huyết và công phu của nhóm tác giả trong việc biên soạn và thể nghiệm một hướng dạy học tiếng Việt cho HS lớp 1. Theo đó, tài liệu tạo ra một số nét khác biệt đáng ghi nhận trong phương pháp dạy học tiếng Việt. Trong tương lai, nếu được nâng cao chất lượng, tài liệu này có thể được sử dụng như là một cuốn sách giáo khoa (SGK) khi cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới theo chủ trương "một chương trình, nhiều SGK" có hiệu lực. Dĩ nhiên, điều kiện tiên quyết là tài liệu này phải được Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK mới thẩm định và thông qua như tất cả các SGK khác.
Tài liệu "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" đang thí điểm ở 49 tỉnh, thành
Nguồn thu khổng lồ
Theo giá công bố, tài liệu "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" dành cho HS gồm 18 đầu sách, giá tổng cộng 283.000 đồng; bộ dụng cụ học tập "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" 57.000 đồng; bộ sách "Giáo dục lối sống lớp 1 - Công nghệ giáo dục" gồm 5 cuốn, tổng cộng 103.000 đồng.
Trong số 18 đầu sách này, chỉ có 3 cuốn có thể coi như SGK để HS sử dụng hằng ngày là "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" tập 1 (âm/chữ), "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" tập 2 (vần), "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" tập 3 (tự học). Giá của 3 cuốn sách này là 35.500 đồng. 15 đầu sách còn lại là các cuốn vở bài tập sử dụng một lần, in sẵn.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu chỉ sử dụng 3 cuốn sách có giá 35.500 đồng trên, phụ huynh của 800.000 HS đang thí điểm chương trình này sẽ phải chi số tiền 28,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là phụ huynh không thể chỉ mua 3 cuốn sách trên mà phải mua trọn gói cả bộ sách theo cách đăng ký với nhà trường nên số tiền phải bỏ ra gấp tới 10 lần. Nếu tính 340.000 đồng/bộ sách x 800.000 HS thì số tiền mà phụ huynh phải bỏ ra lên đến 272 tỉ đồng.
Một chuyên gia đặt câu hỏi: Tại sao quy mô triển khai một tài liệu chưa chuẩn lại ngày càng được mở rộng? Chuyên gia này cũng tự phân tích: Thực tế, số tiền thu được từ bán sách thông qua đường công văn và qua nhà trường, phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT là không hề nhỏ.
Bằng chứng là trong Công văn số 1181/BGDĐT-GDTH ngày 25-2-2013 của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký, bộ đề nghị các sở liên hệ trực tiếp với Công ty CP Đầu tư phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam) để mua tài liệu. Từ chỉ đạo này, các sở GD-ĐT, như Sở GD-ĐT Ninh Bình (nơi 100% trường tiểu học dạy "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" từ năm học 2016-2017), ban hành Công văn số 317/SGDĐT-GDTH về việc đăng ký tài liệu và thiết bị giáo dục cấp tiểu học năm học 2018-2019, gửi các phòng GD-ĐT yêu cầu chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học tổng hợp, đăng ký số lượng tài liệu, sách, thiết bị năm học 2018-2019.
Như vậy, theo chuyên gia nêu trên, với kiểu bán sách độc quyền này, phụ huynh không thể không mua sách. Khoản tiền mà họ bỏ ra cho tài liệu này là con số khổng lồ.
Nguồn: Chương trình Công nghệ giáo dục: Ai hưởng lợi?
Theo Hong.vn
Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định "sách giáo khoa lớp 1" của GS Hồ Ngọc Đại lên tiếng Phương pháp dạy học đánh vần theo tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đang gây tranh cãi những ngày qua về phân biệt âm /k/ (cờ) và chữ "k" (ca), "q" (cu),... Ngày 28/8, Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng hiện là điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình Giáo dục...